Đàn chim của bố

08:05, 24/05/2018

Sáu mươi tuổi bố tôi về hưu. Thanh thản và quyết đoán như một người biết lượng sức mình. Khi còn đương chức bố tôi chúa ghét những ông già hưu vô công rồi nghề suốt ngày tụ tập bàn cãi chính sự xách mé ông giám đốc này xỏ xiên vị lãnh đạo kia...

Sáu mươi tuổi bố tôi về hưu. Thanh thản và quyết đoán như một người biết lượng sức mình. Khi còn đương chức bố tôi chúa ghét những ông già hưu vô công rồi nghề suốt ngày tụ tập bàn cãi chính sự xách mé ông giám đốc này xỏ xiên vị lãnh đạo kia. Sẵn nhà có khu vườn nhỏ bố tôi chơi cây kiểng. Cái thú tao nhã ấy vậy mà cũng có sức cuốn hút ghê gớm. Đánh chiếc quần cộc với chiếc nón cời trên đầu là bố tôi có thể lúc thúc suốt ngày ngoài vườn cây. Uốn cành tỉa lá vun đất bắt sâu... bố tôi say sưa đôi khi quên cả ăn uống. Có lúc lỡ tay làm gãy một chồi non bố tiếc cả đêm không ngủ được.
 
Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn
Rồi bố tôi lại chơi chim. Cũng đam mê như chơi cây kiểng vậy. Để tìm được con chim có giọng hót hay bố không ngần ngại vượt vài mươi cây số thậm chí bỏ ra vài trăm nghìn hay đánh đổi bằng cây bon sai có giá trị. Cứ thế dần dà bố tôi có một đàn chim đủ loại. Nào họa mi sơn ca khướu vẹt sáo chào mào chích chòe... Nào lồng to lồng nhỏ lồng tròn lồng vuông lồng tre lồng mây... Bố tôi đóng chiếc giàn sắt lợp mái giữa vườn và treo những chiếc lồng chim xinh xắn vào đó. Bố chăm chim như chăm cây. Chim nào thức ăn nấy, con nào cũng no đủ sung sức. Bù lại những con chim như cũng cố sức để cho bố tôi thưởng thức giọng hót tuyệt vời nhất cùa mình. Buổi sớm mai có lẽ là thời gian thú vị nhất trong ngày của bố. Tờ mờ đất bố đã thức dậy đun ấm nước pha trà. Bố bê bộ bàn ghế mây đặt dưới giàn chim rồi vừa chiêu ngụm trà vừa nghe chim hót. Khúc hòa tấu từ đàn chim đa giọng của bố nghe thật quyến rũ. Nó khiến bố tôi khi bồn chồn như những lúc hành quân giữa đại ngàn Trường Sơn khi thì trầm tư xa vắng như nhớ lại những ngày hái rau bắt ốc thuở thiếu thời. Lâu dần tôi cũng đâm mê những giọng hót từ đàn chim của bố.
 
Một buổi sáng vừa bước ra giàn chim bố tôi bỗng nhíu mày tư lự. Bố phát hiện trong khúc hòa tấu của đàn chim thiếu vắng giọng con sơn ca. Nhìn lên chiếc lồng gãy mấy que còn dính máu và đôi sợi lông phơ phất bố biết ngay rằng thủ phạm cướp đi giọng hót con sơn ca chính là chú chuột cống đầu đàn lợi dụng đêm tối đã trèo lên giàn sắt...
 
Bố tôi buồn suốt cả ngày. Tôi theo bố an ủi: “Con sẽ bỏ bả giết hết lũ chuột cống bố ạ!”. Bố nhìn tôi mỉm cười: “Không được đâu con, nhà mình lắm xó xỉnh bỏ bả chuột chết không biết đâu mà tìm thối inh cả nhà thì nguy. Với lại hằng ngày bố quen mắt nhìn lũ chuột cống đi lại trong vườn rồi thiếu nó bố cũng buồn lắm”. Từ đó, cứ mỗi buổi tối bố tôi lại đưa chim vào nhà treo ở chỗ đặc biệt để tránh lũ chuột. Sáng sớm bố lại mang lồng ra treo lên giàn sắt.
 
Khúc hòa tấu thiếu giọng con sơn ca bố tôi nghe cũng dần quen. Lũ chuột cống không bị bố tôi oán ghét đã trở nên táo tợn dần. Chúng kéo đàn kéo lũ đi lại nô giỡn trong vườn nhà tôi như chỗ không người. Đôi lúc nó còn đùa giỡn với cả bố tôi. Trước sự cảnh giác của bố lũ chuột cống chẳng làm gì được đàn chim cũng chẳng gây hại gì lớn cho nhà tôi nên tôi cũng chẳng còn có ý nghĩ bỏ bả cho chuột nữa. Cứ thế lũ chuột cống và nhà tôi đã chung sống hòa bình.
 
Cho đến một hôm...
 
Bố tôi được Hội sinh vật cảnh mời đi tham quan danh lam thắng cảnh trong nước mấy ngày. Trước khi rời nhà bố tôi cẩn thận dặn dò: “Con nhớ chăm sóc đàn chim cho bố. Tối đến phải mang chim vào nhà phòng lũ chuột cống”. Ngày thứ nhất tôi làm theo lời bố. Ngày thứ hai tôi làm theo lời bố. Nhưng đến ngày thứ ba trời bỗng nổi cơn giông bão, mưa dầm dề, mưa như trút nước và chẳng hiểu sao tôi quên bẵng lời bố dặn. Sau một giấc ngủ dài đến sáng, tôi mở mắt ngơ ngác như chẳng phải đang ở nhà mình: vườn nhà tôi đã im bặt tiếng chim.
 
Tôi bật dậy chạy thẳng ra chiếc giàn sắt. Trước mắt tôi là những chiếc lồng toang hoác bê bết những máu và lông chim. “Bãi chiến trường” này gợi cho tôi một cảnh tượng hãi hùng đã xảy ra vào đêm qua: một đàn chuột cống lúc nhúc với nanh vuốt nhọn hoắt đã tấn công vào những chiếc lồng chim bị tôi lãng quên ngoài giàn sắt. Những cánh chim nhớn nhác loạn xạ chấp chới...
 
Tôi giận tính đểnh đoảng của mình tiếc nuối và ân hận. Tôi hình dung ra vẻ giận dữ của bố ngày trở về. Tôi vụt chạy vào nhà vơ chiếc gậy sắt đâm bổ ra vườn cây. Tôi đã tìm thấy con chuột cống đầu đàn. Trông nó mới huênh hoang làm sao! Giận dữ tôi trút tất cả sức mạnh của sự căm thù vào đầu chiếc gậy sắt. Xác con chuột cống nhũn ra tưa tướp.
 
Hai hôm sau bố tôi về nhà. Biết chuyện nhưng bố đã không giận dữ. Người đứng lặng dưới giàn sắt rất lâu nhìn đăm đăm vào những chiếc lồng tan nát. Nước mắt bố ứa ra. Tôi hiểu người đang nhớ đến sơn ca họa mi khướu cả sáo vẹt chích chòe chào mào... cùng bản hòa tấu tuyệt vời của chúng.
 
Tôi lặng lẽ đến bên bố: “Con xin lỗi bố!... Nhưng bố ạ lần này con phải giết hết lũ chuột cống!”. Bố tôi vẫn như kẻ thất thần mắt nhìn vào lồng chim mà như nhìn vào cõi xa vắng. Bố buông từng lời: “Không giết hết được đâu con ạ! Mình phải chấp nhận chung sống với lũ chuột. Có điều phải biết sự nguy hại của chúng để khắc chế”.
 
Ngay ngày hôm sau tôi lại nhìn thấy bố tôi lọ mọ vót nan dặm lại những chiếc lồng rách. 
 
Ngoài vườn cây lũ chuột cống vẫn nhởn nhơ...
 
Truyện ngắn: TRẦN QUANG KHANH