Đóng hay mở?

09:05, 03/05/2018

Sau khi thuê thợ làm lại đoạn hàng rào bị phá, trưa hôm ấy, nhà ông Tạ bỗng náo nhiệt hẳn lên. Chiếc sân rộng lát gạch được kê hai dãy, mỗi dãy năm bộ bàn tròn, ghế I nốc sáng bóng. Bên trên xếp đầy thức ăn, chủ yếu là thịt heo quay kiểu Lạng Sơn với lá mắc mật, bánh hỏi, rau sống… 

Sau khi thuê thợ làm lại đoạn hàng rào bị phá, trưa hôm ấy, nhà ông Tạ bỗng náo nhiệt hẳn lên. Chiếc sân rộng lát gạch được kê hai dãy, mỗi dãy năm bộ bàn tròn, ghế I nốc sáng bóng. Bên trên xếp đầy thức ăn, chủ yếu là thịt heo quay kiểu Lạng Sơn với lá mắc mật, bánh hỏi, rau sống… Nước chấm đặc biệt được lấy ra từ bụng con heo quay sánh đục, mùi vị như mời gọi. Mỗi mâm có thêm nồi lẩu gà thả vườn với lá giang. Thịt nướng xiên tre vừa chín tới, thơm một góc xóm. Bà Yến nói với chồng:
 
- Ông ạ, đây là bữa ăn đặc biệt. Mình đãi bà con xóm giềng sao cho chu tất.
 
- Bà yên tâm, tôi biết phải làm gì rồi. Xóm giềng nhưng là ân nhân của nhà mình. Bà vào buồng chuẩn bị cho tôi loại rượu được ngâm trong hũ sành, tôi vừa đào lên ngoài vườn, ủ trên hai năm rồi đấy. 
 
Bà vừa quay đi ông đã gọi giật lại: - Này còn bia lon tôi ngâm trong thùng đá nữa, bà nhớ kẻo quên…
 
Đã nghe tiếng người lao xao ngoài cổng:
 
- Quái, cái nhà lão Tạ quanh năm đóng cổng, không chơi với ai, sao hôm nay lại mời chúng mình nhể?
 
- Chắc lại sắp có bão…
 
- Ầy dà… “Sông có khúc, người có lúc” mà. Người ta có lòng thì mình có bụng, cứ tới đi.
 
Minh họa: Phan  Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Nhà ông Tạ ở ngay cạnh đường chính của thị trấn. Ông Tạ với bà Yến quê tận Lạng Sơn, vào đây được hơn hai chục năm. Ông công tác; bà làm nông nghiệp, chăn nuôi. Ông bà sinh được hai con trai, các con đều đi học xa tận Sài Gòn. Ông đã nghỉ hưu được hơn năm nay. Ngôi nhà xây một trệt một lầu khá rộng. Ngoài chiếc sân, là hàng rào kiên cố được thiết kế thanh thoát bao quanh khu nhà vườn. Đặc biệt, chiếc cổng làm khá công phu và đẹp mắt. Hai cánh cổng được chọn từ loại gỗ quý, dày tới mười bốn centimet. Nếu khiêng một cánh cũng phải mười mấy người. Nhưng khi mở cổng thì nhẹ hều như cầm bấc vậy, bởi nó được lắp các vòng bi vào trục cổng. Khi hai cánh cổng khép lại, nhà ông Tạ biến thành một thế giới riêng. Sau vườn trồng nhiều cây ăn trái. Ông dành khoảng rộng làm khu chăn nuôi heo. Trong chuồng lúc nào cũng có hàng trăm con các lứa. Ông thuê hẳn một bác sỹ thú y chăm sóc. Có điều, không kể lúc còn làm việc, từ khi nghỉ hưu, ông không chơi với ai, duy nhất có một lần ông cho tổ dân phố mượn để bà con cùng ngõ họp bình xét gia đình văn hóa. Tan cuộc, chỗ thì tàn thuốc lào, thuốc lá, chỗ thì nước bã trầu… Bực mình, ông lấy vòi nước xả hết mặt sân, miệng luôn lẩm bẩm:
 
- Mẹ nó, không cái dại nào giống cái dại nào. Vừa bẩn lại vừa ồn ào. Từ sau thì ông… cấm cửa. 
 
Để bà con khỏi lời ra tiếng vào, ông bắn tiếng “Nhà chăn nuôi, làm ăn lớn, để người ra vào nhiều không lợi. Với lại… mặt phố phức tạp lắm…”.
 
Cách đây vài năm, khi ông Tạ còn đang chức, có ông hàng xóm bế cháu sang chơi, nhân lúc ông vào nhà trong pha trà, ông hàng xóm để cháu bò trên chiếc sập gụ quý kê giữa nhà, không may nó đái ra.
 
Ông vội cởi phăng chiếc áo đang mặc lau vội chỗ nước đái. Vừa xong thì ông Tạ ra. Ông hỏi:
 
- Ông làm cái gì thế?
 
- À… tôi bồng cháu nó đái… ra người, ướt hết cả áo nên cởi ra… cho…
 
- Hừ… - Ông Tạ lẩm bẩm - Nó đái ra áo còn giặt được, chứ để nó đái ra sập, ra salon nhà tôi thì có mà…
 
Ông hàng xóm tái mặt, ấp úng: - Thôi, xin phép ông, để tôi về… phơi áo!
 
Và từ đấy, ông hàng xóm không cho cháu sang nữa, Tổ dân phố cũng không họp nữa, còn ông Tạ thì đóng cổng suốt ngày đêm. Ông đi đâu đều dặn vợ nhớ đóng cổng lại. Về sau, sợ vợ không thực hiện lời dặn, mỗi lần ra khỏi nhà, ông đều đem khóa ra khóa bên ngoài rồi cầm chìa theo, thế cho chắc…
 
Một hôm, thức dậy vào lúc hơn bốn giờ sáng, bà Yến phàn nàn:
 
- Ông ơi, người ta nói “dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”. Ông làm thế không sợ thiên hạ chê cười…
 
Ông chặn lời bà:
 
- Cười cái gì? Ai cười hở mười cái răng. Bà không thấy, ngay cái xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, người ra, người vào mua, bán mà vẫn treo cái biển “Không phận sự cấm vào”. Còn một đơn vị gần cơ quan cũ của tôi, chuyên việc tiếp dân, treo biển chữ mà như ra lệnh “Chú ý: Tắt máy. Xuống xe. Dắt bộ qua cổng” đấy sao?!
 
- Cơ quan người ta khác, mình khác, bì sao được!
 
- Bà cứ mặc tôi, đừng có cái kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” nhá… Thôi, sáng rồi, để tôi còn cho hai con Ky đi ị cái đã.
 
Nhà ông đã kín cổng cao tường, lại nuôi hai con chó lai, to như con bê. Trẻ con chơi gần hàng rào, nghe nó hộc lên một tiếng đã vãi cả linh hồn ra quần. Hàng sáng, tầm hơn bốn giờ là ông dắt chúng ra ngoài cho đi vệ sinh, người đi tập thể dục sớm, nhìn thấy chúng đã tránh xa, “mõm chó, vó ngựa” mà.
 
* * *
 
Đúng mười một giờ, mười chiếc bàn ăn đã xếp đủ khách. Cũng vẫn là ông hàng xóm ngày trước bế cháu sang chơi. Vẫn là bà con có lần họp nhờ trong sân nhà ông. Giọng ông Tạ vừa xởi lởi vừa giữ vẻ trang trọng:
 
- Kính thưa bà con, ông bà ta xưa có dạy “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Hôm nay nhân nhà có giỗ cụ nội, vợ chồng tôi có chút rau dưa, gọi là lòng thành, xin mời bà con ta cùng dùng đũa ạ.
 
Bà Yến nghĩ, ông đã mời bà con đến dự tiệc vì lý do ân huệ, tình làng nghĩa xóm thì tội gì mà không nói thật:
 
- Dạ thưa bà con, không phải giỗ chạp gì đâu. Chả là… nếu không có bà con ở đây thì chúng tôi đã… ra đồng mà ở rồi. Vợ chồng tôi tạ ơn cái hôm cháy vừa rồi…
 
* * *
 
Đêm ấy, như thường lệ, cơm tối xong ông Tạ đến nhà ông bạn cùng nghỉ hưu ở làng bên chơi bài tổ tôm. Khi đi, ông vẫn không quên khóa cổng bên ngoài. Khoảng hơn hai mươi mốt giờ, bỗng bà con hàng xóm quanh nhà ông nghe tiếng kêu thất thanh:
 
- Ối làng nước ơi, cháy, cháy…cứu tôi vơ… ới!
 
Mọi người đổ xô ra đường, người thì cầm chậu, cầm xô, kẻ cầm thùng đựng nước. Ngọn lửa đang bốc cao ở khu chuồng heo nhà ông Tạ.
 
- Cứu… cứu với. - Bà Yến hốt hoảng rồi bà ngồi bệt xuống bên gốc cây măng cụt, đầu tóc rũ rượi, gào khóc đến lạc giọng.
 
Phiền nỗi, không ai vào được bên trong vì cổng đã bị khóa, mọi người lúng túng, bỗng có tiếng ai:
 
- Phá hàng rào ngay, mau lên không thì lửa lan sang nhà khác bây giờ. 
 
Như một mệnh lệnh, nhanh như chớp, mọi người đập phá tường rào ùa vào, người dập lửa, người mở cửa chuồng cho hàng trăm con heo thoát ra ngoài vườn.
 
Ngọn lửa được dập tắt. Tiếng người cười nói râm ran. Tiếng heo kêu inh ỏi. Ai cũng mồ hôi pha lẫn nước dập lửa ướt nhòa cả mặt, cả áo quần. Bà Yến như hoàn hồn, ngửa mặt lên trời, nói trong nước mắt:
 
- Nam mô a di đà Phật cứu khổ, cứu nạn… - Bà quay sang hàng xóm - Tôi thề sống để bụng chết mang đi, ơn này như núi, cảm ơn, cảm ơn… Còn lão Tạ nhà tôi, hãy chờ đấy…
 
Mọi người cùng phá lên cười vui vẻ.
 
* * *
 
Chờ cho khách đã mỗi người uống chừng ba ly rượu, ông Tạ mới cởi mở:
 
- Không có bà con thì cơ ngơi, của nả nhà tôi đã thành tro bụi rồi. Ơn này tôi xin tạc trong lòng. Ông uống cạn một ly, khà một tiếng dài, nói tiếp: 
 
- Nếp nghĩ kín cổng cao tường đã ngăn cách tôi với bà con. Cả đời bươn trải mới được như hôm nay… Vâng, bà con như là người sinh ra tôi lần thứ hai. Tôi xin đội ơn.
 
Ông uống thêm một ly nữa, hai bàn tay chắp vào nhau, vái vái… Ông hàng xóm có lần cởi áo lau nước đái cho cháu, thong thả:
 
- Đấy, sập gụ, salon dính nước đái ông bảo không thể lau được. Nhưng chúng tôi đã dội hàng khối nước vào nó rồi đấy nhá. Ha ha ha…
 
Bà Yến thấy chồng ngượng, vội đỡ lời:
 
- Ông thấy rồi đấy, vậy từ nay trở đi, ông đóng hay mở này? 
 
Ông Tạ cười: - Bà nó ạ, chuyện cái cổng nhưng lại là lòng người… Mở, mở… tôi mở bà ạ, tôi xin mở bà con ạ…
 
Buổi sáng, kể từ sau bữa tiệc, mọi người qua cổng nhà ông Tạ đều thấy cái biển in hàng chữ to, đẹp “Nhà có chó dữ” biến đâu mất. Thay vào đó là hàng chữ viết vội “Xin nhẹ tay, đẩy vào”.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM