Dì Hoa ra đi trong một buổi tối tháng tư. Được tin dì mệt tôi vội đến thăm không ngờ lại chứng kiến giây phút cuối của dì. Dượng Chín ngồi bên giường dì, ông cầm tay bà thật chặt như thể ông linh cảm ông sắp chia xa bà mãi mãi.
Dì Hoa ra đi trong một buổi tối tháng tư. Được tin dì mệt tôi vội đến thăm không ngờ lại chứng kiến giây phút cuối của dì. Dượng Chín ngồi bên giường dì, ông cầm tay bà thật chặt như thể ông linh cảm ông sắp chia xa bà mãi mãi. Ông không khóc, chỉ lặng lẽ nhìn bà. Tôi không nỡ nhìn cảnh chia ly của hai người nên bỏ ra ngoài. Đến khi nghe tiếng òa khóc của mấy người đàn bà tôi trở vào phòng thì kịp thấy dì thở hắt ra, gương mặt dì như đang ngủ không có vẻ gì là người đã chết. Nét an nhiên tự tại trên mặt người đàn bà phúc hậu theo dì đến cuối cuộc đời!
|
Minh họa: Thanh Toàn |
Dì Hoa là người làng với má tôi nên tôi gọi bằng dì chứ không phải chỗ bà con, dì chết năm tám sáu tuổi mọi người đều cho rằng dì sống thọ. Tám mươi sáu năm trong đời của dì có lẽ không ít những lo toan hay trăn trở. Không hiểu sao tôi lại ngẫm nghĩ hơi có chút suy tư về cuộc đời. Mà cũng phải, may mà ngày về già dì sống đầm ấm bên cô con gái út chứ hồi xưa dì khổ lắm!
… Năm tôi học đệ lục tôi theo thằng Nhân về thăm nhà dì, đó là lần đầu tôi biết đến ấp Xuân Sơn. Nhân cùng tuổi tôi, học chung một lớp, sống chung một nhà nên tôi với nó khá thân. Ở xã Xuân Trường không có trường trung học đệ nhất cấp nên dượng Chín cho Nhân lên nhà tôi trọ học từ năm nó vào lớp đệ thất. Má tôi không muốn cho tôi theo thằng Nhân về thăm nhà nó vì bà sợ bom đạn: “Dì nghe nói dưới đó là của mấy… ông nội hả con?”.
Thằng Nhân cười:
- Dì Hai ơi tụi con sáng đi chiều lên, mấy ổng có về thì cũng lựa ban đêm kìa chớ ban ngày ăn pháo của tụi Mẽo sao?
Khi đã leo lên chiếc xe Renaul thằng Nhân nói tiếp với tôi: - Mấy ổng là người mình hết chớ có chi đâu mà sợ, tao lại càng muốn gặp anh Thượng thử coi giờ ảnh ra sao?
Anh Thượng là anh đầu của thằng Nhân tôi nghe tên chớ chưa gặp mặt. Tôi háo hức xuống nhà thằng Nhân thử coi sao chớ nghe nó kể chuyện câu cá, bắt chim, ăn trộm ổi xá lỵ của nhà ông Thủ sao tôi mê quá. Xuân Sơn giống như tên gọi, ở đâu cũng có màu xanh của cây, nước dưới suối róc rách trong veo còn tiếng chim thì gần như chỗ nào cũng có! Tôi mê mẩn theo thằng Nhân khám phá xứ thiên đường của nó quên mất trời đã xế chiều. Dì Hoa tìm chúng tôi giục đi gấp để kịp chuyến xe cuối cùng. Đúng lúc đó một tiếng nổ đanh của quả đạn M 79 sau một tiếng “víu” rợn người như báo rằng chiến tranh mang gương mặt thần chết đến với bất cứ ai. Thằng Nhân kéo tôi đi lối tắt ra bến xe Xuân Trường cách nhà nó hơn ba cây số nếu đi đường cái xuyên qua mấy sườn đồi trồng chè. “Tao dẫn mày chịu khó lội suối rồi leo dốc sẽ gần hơn nhiều”. Nhân nói đúng, tôi mệt bở hơi tai khi ngồi lên chiếc xe già nua, bác tài cho xe chạy ngay khi chúng tôi vừa lên xe. Bỏ lại sau lưng Xuân Sơn chưa kịp khám phá hết tôi có hơi tiếc và có chút ngẩn ngơ như thể mình vừa đánh rơi mất nụ cười của Nhi, em kế thằng Nhân.
… Năm đệ tứ sau tết tôi không thấy thằng Nhân đi học tiếp. Cả lớp ngạc nhiên, thầy Đức hướng dẫn lớp tôi hỏi Nhân sao không đi học. Không ai biết lý do Nhân bỏ học kể cả tôi, tháng sau thầy lặng lẽ xóa tên thằng Nhân trong sổ điểm danh. Mấy năm sau bạn bè tôi “rơi rụng” dần, đứa biến mất không ai biết đi đâu, đứa bị bắt lính vì không có giấy hoãn dịch… có đứa lại đăng lính thứ dữ như bản tính du đãng của chúng. Còn tôi may mắn mỉm cười, thi đâu đậu đó đủ để được làm giấy động viên tại chỗ cho đến năm 75 thì… thoát. Đêm đêm tôi không còn nghe tiếng súng, không thấy xe GMC chở xác lính chết trận, không nghe tin đánh nhau bên này bên kia nữa. Nhưng cuộc sống của tôi lại phải đương đầu với khó khăn mang bộ mặt khác với cái ăn cái mặc hàng ngày. Lúc đó thì tôi gặp lại dì Hoa. Dì cho tôi biết nhà dì trong chân núi cháy hồi năm 70 vì trúng pháo, dì phải cất nhà nơi chính quyền gom dân bắt sống tập trung gần con đường cái để dễ kiểm soát. Bất ngờ dì hỏi tôi: - Cháu có tấm hình nào của thằng Nhân không? Tôi ngạc nhiên lắc đầu. Hồi đó chụp hình là một cái gì xa xỉ, nhất là học sinh như tôi có tiền đâu mà hình với bóng? Thấy tôi lắc đầu dì sụp buồn, tôi thoáng thấy chút ngấn nước trong mắt dì Hoa.
- Vậy là dì hết hy vọng rồi! - Dì nói như than khiến tôi thấy xót trong lòng.
- Thì dì biểu nó chụp cho dì một tấm chớ khó gì?
- Bộ con không biết thằng Nhân con dì chết rồi sao? Thiệt tình lúc đó tôi muốn độn thổ cho rồi. Lâu nay tôi cứ đinh ninh rằng thằng Nhân đang làm cán bộ đâu đó, vai nó mang xắc cốt, cây súng K 54 đeo xệ bên hông. Nó mặc chiếc áo xanh dương, quần màu cỏ úa có tới mấy cái ly, chân xỏ dép lốp, đầu đội nón tai bèo như mấy anh cán bộ từ cứ ra! Hóa ra không phải, Nhân chết khi chưa kịp làm… cán bộ như tôi nghĩ.
- Con sẽ đến trường Trần Hưng Đạo thử xem hình thằng Nhân còn lưu trong hồ sơ không, nếu còn con sẽ xin đem về cho dì thờ nó! - Tôi hứa.
- Nhớ nghe con, dì nghe nói khi thờ phải có hình mới không bị các vong lang thang dựa vào.
Bỗng nhiên dì nói tiếp - Còn hình thằng Thượng thì dì hết hy vọng rồi! Tôi xót cho dì, hèn nào mà mắt dì buồn quá, lúc nào cũng thấy ngấn nước mắt. Ai có cặp mắt lúc nào cũng ngấn lệ cuộc đời đầy ắp nỗi buồn, má tôi hay nói như vậy.
Cuộc đời đâu phải cứ muốn là được. Trường Trần Hưng Đạo không còn dùng làm trường học nữa. Ông cán bộ khó đăm đăm xua tay như muốn đuổi tôi đi khi tôi chưa kịp đề đạt nguyện vọng. Tôi nhờ mấy người quen nhưng không ai giúp tôi được. Tôi thở dài đánh thượt rồi đi làm chuyện khác sau khi than thầm “mày tha lỗi cho tao Nhân ơi!”. Rồi tôi quên khuấy chuyện này trước nợ áo cơm.
Tôi không biết ngoài tôi ra dì còn nhờ ai khác tìm di ảnh của thằng Nhân không, tôi mong có ai đó còn lưu lại ảnh của nó thì hay biết mấy! Đó là tôi tự an ủi mình mỗi khi nhớ lại lời hứa trước đôi mắt ngấn lệ của dì. Khi có dịp ghé thăm dì, tôi hỏi chuyện tấm hình, dì nói “dì cũng nhờ nhiều người cùng thoát ly với nó nhưng không ai có cả”. Buồn buồn dì nói tiếp “lâu nay dì cũng vì miếng ăn mà phải lăn vào cuộc sống, thôi thì dì thờ anh em nó bằng hai cái bài vị, có điều họ viết bằng chữ Nho dì không đọc được!”.
Sau năm hai ngàn dì Hoa không còn sống ở Xuân Sơn nữa. Dì dượng sống với Nhi, cô bé mà tôi tưởng “đánh rơi” nụ cười của em giờ đã là một bà giám đốc danh giá. Căn biệt thự của Nhi có một mảnh vườn nhỏ cho dượng Chín làm để vui tuổi già. Còn dì Hoa đi ra đi vô miết cũng buồn nên thỉnh thoảng Nhi cho xe chở dì về Xuân Sơn thăm bà con cho đỡ nhớ. Dì thường đi hai, ba ngày, có khi cả tuần mới về. Ở Xuân Sơn dì ngủ nhà đứa cháu, một căn nhà cấp bốn cũ kỹ thiếu cả tiện nghi tối thiểu. Nhi sốt ruột bắt dì về nhà, dì thường lặng ngắt đến mấy ngày mới trở lại bình thường! Gặp tôi Nhi than: - Má kỳ quá anh, dưới đó có còn ai đâu mà má cứ đi hoài!
Tôi an ủi Nhi có chút ý bênh vực dì:
- Chắc dì nhớ Xuân Sơn... Dù sao dì cũng ở dưới đó mấy chục năm chứ ít gì đâu?
- Em chỉ sợ dưới nhà thằng Cang thiếu thốn tiện nghi, má khổ. Vả tụi nó nghèo nên ăn uống kham khổ lắm, em sợ má bệnh mất.
Khi còn hai dì cháu trong nhà, tôi hỏi dì:
- Bộ ở trên này dì nhớ Xuân Sơn sao?
Dì nhìn tôi ngạc nhiên:
- Thì Xuân Sơn là quê dì mà… - Lặng lẽ một lúc rồi dì nói tiếp - Dì ở đó hồi mười tám tuổi, mấy chục năm đất mới cũng thành quê mà con. Nói nào ngay, miếng đất thằng Cang cất nhà hồi dồn dân dì cũng cất cái nhà ván ở đó. Thằng Thượng và thằng Nhân cũng từ đó mà đi… Nói con đừng cười, biết đâu một đêm nào đó dì thấy tụi nó về!
Tôi nhìn sửng dì, mặt dì lúc đó như hóa đá, còn tôi không biết phải nói sao với dì nữa.
Tôi gặp lại bạn cũ nhờ phong trào họp lớp. Tôi - một lão nông tri điền có dịp ngồi chung với một ông trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, một ông tiến sĩ tự động hóa và một vị chạy xe ôm có một thời mang 2 hoa mai trên ve áo để cùng nhau nhắc lại chuyện ngày xưa là chuyện không dám nghĩ chứ đừng nói gì là sự thật. Mà đúng sự thật như vậy đấy chỉ có điều mặt ai cũng “xếp ly”, các vị kia thì mang một chữ nguyên phía trước. Tôi kéo Hung Bui, hồi trước nó tên là Bùi Việt Hùng qua một bàn khác.
- Có chuyện riêng sao?
- Đúng, có chuyện… nhanh thôi, là như vầy…
Cơn say khiến tôi diễn tả không được trơn tru lắm nhưng dù sao thì thằng Hùng cũng nắm được. Hùng nói:
- Bạn già… mình sẽ cố!
Hùng “xùi” giữ lời, tôi nhận một bức hình đen trắng từ Viber khá sắc nét được thằng Hùng cẩn thận ghi chú “lớp đệ tứ P3, chỉ tiếc không đủ sĩ số”. Tôi sực nhớ, đây là bức hình chụp hôm niên lễ được trường tổ chức hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp ta. Hôm đó học sinh diễn cảnh “Vua Quang Trung đại phá quân Thanh”, tôi đội trên đầu tấm bảng màu nước Lào nên giữ nguyên tấm bảng từ đầu đến cuối. Mấy lớp khác sẽ đổi màu theo lời bình để quan khách trên khán đài có thể hình dung được những mũi tiến công của anh hùng Nguyễn Huệ. Sau buổi lễ, bố thằng Hùng đem cái máy hình Pentax có cuộn phim 16 pô chụp cho lớp tôi, tiếc rằng tập trung không đủ…
Tôi chìm vào ký ức với những gương mặt bạn bè. Thằng Nhân đứng cạnh thằng Chiến và thằng Châu, không hiểu sao chúng không cười như mấy đứa chung quanh, dường như nét mặt ba thằng đó vương một nét buồn. Tôi giật mình khi nhận ra cả ba thằng đều đã chết, thằng Châu “nẫu” chết mất xác ở Hạ Lào, thằng Chiến bị cướp đâm vứt xác xuống kênh Thị Nghè, còn thằng Nhân thân xác nó hòa vào hồn thiêng sông núi!
Dì Hoa run run nhận bức ảnh thằng Nhân tôi đã cẩn thận tách ra và phóng to bằng cỡ ảnh thờ. Dì ôm bức ảnh vào ngực, nước mắt dì lặng lẽ chảy ra. Dì lẩm bẩm “cái thằng… cái thằng, bây giờ mới chịu về với má!”.
Hôm làm lễ truy điệu dì, tôi mường tượng thấy hai bên áo quan dì nằm, hai người con trai lặng lẽ đứng hai bên. Tôi bần thần thấy sống lưng mình lạnh toát, không lẽ linh hồn Thượng và Nhân đón dì về sum họp?
Hay chỉ là ảo ảnh?
Truyện ngắn: VÕ ANH CƯƠNG