Khi tôi lên mười, bà đã bảy mươi. Dáng bà thẳng, tóc chưa bạc, mắt còn rất sáng. Mấy người hàng xóm bảo: "Bà mày còn khỏe lắm, chúng mày không được ăn xôi sớm đâu!". Đấy là họ chọc cái chuyện cũ, khi tôi mới lên năm lên sáu, hay cùng bạn bè trong xóm chơi trò đám ma ở đường làng và ngờ nghệch hát cái câu: "Bà ơi! Bà chết cháu được ăn xôi, hai tay hai nắm bà ơi là bà!".
Khi tôi lên mười, bà đã bảy mươi. Dáng bà thẳng, tóc chưa bạc, mắt còn rất sáng. Mấy người hàng xóm bảo: “Bà mày còn khỏe lắm, chúng mày không được ăn xôi sớm đâu!”. Đấy là họ chọc cái chuyện cũ, khi tôi mới lên năm lên sáu, hay cùng bạn bè trong xóm chơi trò đám ma ở đường làng và ngờ nghệch hát cái câu: “Bà ơi! Bà chết cháu được ăn xôi, hai tay hai nắm bà ơi là bà!”.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Thằng Hiển bảo: Bà mày khó tính thế, bọn tao có trèo cây thật song đã hái được trái nào đâu, vậy mà bà mày mách mẹ tao, để mẹ tao chửi tao một trận. Hừ, làm như mỗi nhà mày mới có cây ấy!
- Dĩ nhiên! Nhà tao là nhiều cây nhất xóm.
- Nhưng mà mày rủ chúng tao tới, chứ bộ tao đi vặt trộm chắc?
Ừ nhỉ! Nó nói đúng, tôi không cãi được và cái tính sĩ diện trẻ con nổi lên. Tôi có còn nhỏ nhít gì đâu, có còn là thời cởi quần cột đầu bơi qua ao trộm ổi đâu, mà bà làm dữ vậy, để tôi mất mặt với bạn bè thế. Mà đây đâu phải là lần đầu, lần trước vì trèo lên nóc nhà bắt chim, bà đã lấy roi quất tụi thằng Diên con Hạnh lằn đít, để chúng nó cạch không thèm chơi với tôi nữa. Bây giờ lại đến tụi thằng Hiển. Tôi tức tối chạy về nhà.
- Bà ơi!
- Cái gì thế?
Tôi trố mắt. Bà đang lấy rào rấp xung quanh gốc hồng xiêm. “Trời ơi! biết ngay mà!”.
- Bà!
- Cái gì mà mày gắt gỏng thế hả con?
Cơn tức đã vỡ thành những giọt nước mắt. Tôi ấm ức: “Bà làm con chẳng có bạn bè gì hết. Chúng nó bảo: “Bà mày kẹt xỉ, cái gì cũng giữ khư khư lấy, làm như mấy quả hồng là to lắm vậy...”.
Bà ngồi im chẳng rào rấp mà cũng chẳng nói câu gì. Tưởng bà đã hiểu, tôi lau nước mắt yêu cầu:
- Bà bỏ những cành rào ấy ra đi, bà nhé! Không là tụi chúng nó cười vào mũi con đấy.
- Đứa nào cười hở mười cái răng, kệ chúng nó!
Tôi hét lên:
- Bà ác cứ như phù thủy ấy. Con ghét bà!
Mẹ bảo cô Hoa: “Hai bà cháu ở nhà, vậy mà lúc trước lúc sau thấy cãi nhau”. “Trẻ con thì làm sao hợp với ông bà già được. Tụi nó thì trẻ nít nghịch láo như ranh, còn các cụ thì già cả, cổ hủ, cố chấp”.
Bà cố chấp thật! Tối hôm đó, nước mắt lưng tròng, đứng trong cái vòng móng ngựa (chỉ là một vòng phấn khoanh tròn trên nền nhà) cho bố mẹ làm quan tòa, tôi ấm ức nghĩ. Ừ, thì tôi có lỗi, nói với bà như vậy là sai, là bất hiếu, nhưng mà lúc tức tôi nói vậy chứ tôi ghét bà bao giờ đâu. Còn nhớ hồi tôi lên sáu, bị kẹp chân vào bánh xe, bà đắp thuốc lá cho tôi cả tuần. Sau này, chị Ngọc còn hay kể lại rằng, suốt thời gian đó hễ cứ mở mắt là tôi kêu bà, bắt bà phải ngồi bên cạnh suốt ngày. Bây giờ có đêm nào tôi ngủ riêng đâu, cứ đợi bố mẹ đi ngủ hẳn để ôm gối sang nằm bên bà, không có hơi ấm từ người bà tỏa sang tôi không ngủ được. Rồi còn những trái hồng nữa, bà không nhớ sao? Bao giờ có trái ngon tôi cũng chia nửa với bà, còn bà nhường cho tôi là… tại bà không thích ăn chứ bộ. Thế mà chỉ có một câu nói lúc tức, bà nỡ lòng nào mách lại để bây giờ... Nhìn chiếc roi nằm thẳng đuỗn lạnh lùng trên bàn, tôi giận bà hơn khi nào hết.
- Con hãy kể cho bố mẹ nghe con đã gây ra những tội gì?
- Con có làm gì đâu?
- Con không làm gì thật không?
Chị Ngọc ngồi học trong phòng, thấy phiên tòa nghiêm túc quá cũng chạy ra chêm một câu:
- Đừng ngoan cố nữa! Nhân chứng, vật chứng đầy đủ, chỉ có khai báo thành khẩn mới mong quý tòa mở lượng hải hà mà giảm tội.
- Quái! Cái bà này, bà mà không im cái miệng thì ngay tối nay lúc bà đã ngủ say tôi sẽ bôi bẩn quần áo, giấu sách vở của bà đi để ngày mai bà đi học trễ cho mà xem.
- Bị cáo đang đe dọa nhân chứng đấy bà ạ!
Với cái vốn chữ nghĩa của đứa trẻ lên mười, tôi lúc đó chưa thể hiểu những từ chuyên môn ấy, chứ nếu tôi biết chị vừa thừa nhận mình là kẻ mách lẻo, tôi đã quay nỗi ấm ức với bà về phía chị, và hẳn chị ấy sẽ phải một phen khốn khổ, trước giờ chị ấy vẫn sợ đứa em “Rách giời rơi xuống” này một nước mà.
- Con An nhìn lên! Con Ngọc đi vào nhà học! Chị Ngọc khúc khích cười, chạy trở về phòng. Bà vẫn ngồi yên trên ghế. Tôi ấm ức:
- ... Chỉ tại bà thôi... Con tới nhà bạn con chơi, ông bà tụi nó có mắng bọn con bao giờ đâu! Đây tụi nó đến nhà, bà lấy roi vụt tụi nó để tụi nó nghỉ chơi với con. Con nhặt được thư rơi ở cổng bưu điện nên lấy làm diều chứ con có lấy thư của người ta đâu. Con cũng không có vặt trộm mít nhà ông Nghị, vậy mà bà nói làm ông ấy tưởng con lấy.
- Thôi được rồi không cần kể lể nữa. Thế con có biết ai trồng lại chỗ rau cải bị xéo nát ở ruộng rau nhà ông Đằng? Ai rào lại chỗ giậu con xé nhà ông Nghị không?
Tôi tròn mắt: “Con tưởng nó tự... Ừa, mà rau thì còn tự vươn dậy chứ rào thì sao có thể tự hàn lại”.
- Bà biết chúng nó chạy vào lấy diều ra thôi. Đứa nào đã táy máy chui vào vặt trộm mất quả mít, bà đã xin lỗi ông rồi - Bà nhỏ nhẹ xen vào - Chẳng qua ông già đó cũng khó tính, đóng cổng suốt ngày, thành ra…
- Bà cứ để chúng con dạy cháu - Bố cắt ngang lời bênh vực của bà - Con có biết con làm bà, bố mẹ vất vả thế nào không? Ngày nào con cũng đi trèo cây, lội đầm, tắm sông để bà phải hớt hải đi tìm, rồi đi phá vườn, phá ruộng nhà người ta để bà phải đi xin lỗi... Con nhìn chị Ngọc con xem.
Lại tiếp tục cái băng quay nhiều quá hóa rè đó đây! Tôi ngán ngẩm. Đầu óc lại bắt đầu bay theo cái diều thằng Hiển đóng cọc ở chân đê. Không biết giờ này cái diều còn bay nữa không? Mà cái diều đó của riêng nó, rớt cũng chẳng sao. Có xót là xót cái diều lớn hai đứa làm chung kìa. Cái diều đó mới rớt xuống bụi găng sau nhà lúc tối. Thêm một nỗi nữa là trong bụi găng có tổ chim sâu. Ngoài tôi, chưa đứa nào trong xóm biết. Lúc tối, tôi nhanh trí kêu trong bụi găng có con rắn mang bành nên tụi nó không dám vào đấy. Chứ nếu phát hiện ra tổ chim, chúng nó đâu có để yên. Chà, những ba quả trứng. Nó mà nở thì sẽ đầy nhóc một tổ. Mình sẽ đi bắt sâu cho chúng ăn. Tới khi chúng biết bay chuyền, mình sẽ bắt chúng nhốt vào trong cái lồng ở góc bếp. Lần này nhất định sẽ trông nom cẩn thận, không để cho cái con hung thần có râu hay ngheo ngheo cái mồm có chỗ leo lên lồng đâu. Lần trước nó đã vồ chết hai con se sẻ rồi.
- An!
- Dạ! (Thôi chết rồi phiên tòa chưa kết thúc.)
Bố hỏi: “Từ nãy giờ con có nghe bố mẹ nói gì không?”.
- Dạ, không!... À, không! Dạ, có!
- Thế bây giờ con nhận bao nhiêu roi cho lỗi của mình?
Chết rồi! Do lơ đãng với tổ chim sâu trong đầu, tôi đã không nghe xem bố mẹ luận tội như thế nào để xin mức án. Xin nhẹ. Bố nói tôi chưa nhận ra lỗi của mình, ngoan cố… để cộng thêm roi vào. Còn nếu xin nặng thì càng khổ vì đau mà còn bị kết tội lì lợm dạn đòn nữa... Như một thói quen, tôi lại đưa mắt sang phía bà cầu cứu.
- Con An này nghịch lắm, phá phách làm bà mệt... (Ôi! Sao bà lại đổ thêm dầu vào lửa thế) - Nhưng nó cũng biết giúp bà nấu cơm, tưới rau, nếu không có nó thì bà chẳng đi trồng rau, rào lại giậu cho người ta được. Thôi tha cho nó lần này, lần sau còn thế nữa hãy đánh thật.
Chị Ngọc nói vọng ra: - Tội nặng thế mà cho hưởng án treo hả bà?
Phiên tòa kết thúc với một roi thật, bốn roi nợ vì tội ăn nói bất hiếu, và một tuần rửa chén quét nhà vì tội nghịch phá.
Tối hôm đó khi nằm cạnh bà, cảm nhận hơi ấm thân thuộc từ người bà tỏa sang, tôi thương bà quá chừng, tôi rụt rè:
- Bà ơi thế hồi sáng bà rào lại giậu cho ông Nghị, ông ấy có nói gì không?
- Có. Ông ấy bảo chúng nó phá rào vào vặt trộm quýt chứ lấy diều gì.
- Thế bà có nói như thế với bố không?
- Có... Bà nói tụi nó vặt mít sao được mà vặt, mít to thế lại mất sau đó cả ngày trời sao lại đổ cho tụi nó.
- A, bà hay quá!
- Ừ, Cha bố chị chứ! Rồi chị lại chửi tôi ác ngay bây giờ đấy.
Ngẫm nghĩ một lát, tôi nài nỉ: - Con biết lỗi rồi, nhưng bà ơi, từ nay bà đừng đuổi tụi thằng Hiển con Hảo nữa nhé. Chúng nó leo cây chỉ vặt được mấy quả ương thôi, quả chín con có mấy khi để sót. Con trèo giỏi hơn bọn nó mà.
- Cha mày chứ! Mày tưởng bà quý mấy quả hồng, quả khế đến thế ư? Lo là lo cho chúng mày trèo cây rồi sảy chân sảy tay rớt xuống đó thì làm sao. Còn con, bà đã cấm con bao nhiêu lần không được trèo leo bắt chim. Con chim nó có cái tổ cũng như con người có cái nhà vậy. Mất tổ, mất con bố mẹ nó đau xót lắm. Làm như vậy là bất nhân thất đức lắm đấy con ạ!
Những lời này bà đã nói với tôi bao nhiêu lần rồi. Những lần trước tôi chẳng chịu nghe đâu nhưng lần này tôi chạnh lòng nhớ đến con chim sẻ đã đậu trên cây sắn sau nhà kêu như tiếng khóc tức tưởi của người mẹ mất con. Tôi ôm cứng lấy bà thì thào:
- Bà ơi, con sẽ không bắt tổ chim trong bụi găng nữa!
Chuyện mới đó đã mấy chục năm trời. Đã quá xa rồi hình ảnh cánh diều lơ lửng, con đê dài xanh từng vệt cỏ non, bụi găng đầy gai nhưng lại trổ những đóa hoa vàng xinh xẻo, những con chim non trơ trụi, ngước những chiếc mỏ vàng và cặp mắt ươn ướt đợi mẹ về. Tất cả những kỷ niệm của một thời thơ trẻ dại khờ tưởng đã mờ nhạt như những cái bóng trong sương mù bây giờ đột nhiên trở lại rõ ràng trong làn khói nhang và nước mắt. Hai mươi năm trước cũng vào ngày này bà vĩnh viễn ra đi. Khi ấy con đang học thi, bà đã bắt bố mẹ giấu con để con an tâm thi cho đậu. Bà ốm con không được ngồi cạnh giường để khi mở mắt bà đã thấy con, bà mất con cũng không kịp về chịu tang. Là kẻ ly hương, con cũng rất ít khi có dịp về thăm nhà để mỗi dịp giỗ tết cắm nén nhang lên trên mộ bà nhưng bà ơi xin bà đừng buồn; những lời bà dạy xưa con vẫn nhớ. Con hứa sẽ cố gắng sống tốt hơn để không phụ lòng mong đợi của bà. Bà ơi!
Truyện ngắn: BÙI ÐẾ YÊN