Dấu chân tiên… trên cát

10:05, 01/05/2018

Chuyến điền dã đưa chúng tôi đến với Cát Tiên - nằm giữa Ðà Lạt và TP Hồ Chí Minh trên Quốc lộ 20 ngang thị trấn Mađaguôi vượt thêm gần 40 km Tỉnh lộ 721. Cát Tiên là địa phương cuối cùng ở Nam Lâm Ðồng nằm trên các địa bàn: huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Ðồng Nai), Ðạ Tẻh, Bảo Lâm (Lâm Ðồng) và Bù Ðăng (Bình Phước). 

Chuyến điền dã đưa chúng tôi đến với Cát Tiên - nằm giữa Ðà Lạt và TP Hồ Chí Minh trên Quốc lộ 20 ngang thị trấn Mađaguôi vượt thêm gần 40 km Tỉnh lộ 721. Cát Tiên là địa phương cuối cùng ở Nam Lâm Ðồng nằm trên các địa bàn: huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Ðồng Nai), Ðạ Tẻh, Bảo Lâm (Lâm Ðồng) và Bù Ðăng (Bình Phước). Ðây là vùng đất ẩn chứa nét hoang sơ huyền bí của một vương quốc đã bị lãng quên hơn 1.300 (?) năm qua. Các tộc người bản địa Mạ, Stiêng có truyền thuyết kể rằng: Thuở xa xưa, tiên nữ đã chọn những trảng cát trắng mịn mượt mà ở đây tắm gội rồi đùa giỡn trên dòng suối nước trong xanh giữa đại ngàn thượng nguồn sông Ðồng Nai mỗi bận giáng trần. Những “dấu chân tiên trên cát” lâu ngày hóa thành tên gọi Cát Tiên thơ mộng và bất tử cho tới hôm nay.
 
Khúc dạo đầu của chuyến hành hương đến Cát Tiên, du khách sẽ vượt qua một con dốc có cái tên nghe rất Huế - dốc “Mạ ơi!”. Người xứ này kể rằng: Một thời, bà con Thừa Thiên Huế đến vỡ đất khai hoang vùng rừng núi hoang vu này, ngày đó thiếu thốn mọi bề. Mỗi lần họ lên nương gieo lúa trỉa bắp phải trèo dốc cao chồn chân mỏi gối, có người buột miệng kêu “Cực quá mạ ơi!”. Con dốc cao cao có tên “Mạ ơi” từ đó.
 
Nơi đỉnh dốc, nay tình cờ tôi đã gặp bà mẹ Huế, chuyện rằng: “Hồi tới đất này cả nhà cực lắm, đi xây dựng kinh tế mới mà. Rồi từng ngày từng ngày vỡ đất cuốc xới vun trồng giờ các con mẹ đã lớn khôn, có đứa tốt nghiệp đại học, có đứa nghề nghiệp vững tay gia thất đề huề… Rứa mà đã 30 năm rồi anh ơi…”
 
Điểm dừng đầu tiên du khách sẽ được thưởng ngoạn là  khu thánh địa Cát Tiên. Một quần thể di tích lịch sử - văn hóa - tôn giáo - nghệ thuật cổ hình thành tự bao giờ? Lâu nay, việc xác định niên đại cho di tích Cát Tiên vẫn chưa có sự đồng nhất. Có chuyên gia cho là từ thế kỷ IV, có người nói thế kỷ VII - VIII, cũng có người lại cho từ VIII - XI… Đã có nhiều giả thiết về Vương quốc này - Phù Nam, Chăm Pa, Chân Lạp hay là Vương quốc Mạ tự xa xưa? Khu di chỉ này đã được công nhận là di tích  quốc gia đặc biệt và đang từng bước tìm tòi nghiên cứu khai quật để làm sống lại những giá trị vĩnh hằng. Suốt hơn 20 năm qua, các nhà khảo cổ học Việt Nam và thế giới đã phát hiện dần hàng loạt đền tháp, mộ tháp, lò gạch cổ… đậm màu Ấn Độ (thờ thần Siva (Sivanism), Linga-Yoni…). Di tích Cát Tiên đang tiến dần đến tầm vóc của một di sản thế giới, được chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá đồ sộ hơn cả di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Ở đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng thần Siva hóa thân tượng Ganesa đầu voi mình người - con trai thần Siva. Các ngẫu tượng - những bộ sinh thực khí Linga Yoni - biểu tượng tôn kính của tín ngưỡng phồn thực. Các Linga bằng vàng hoặc lá vàng bịt bạc gợi lên bao điều liên tưởng thú vị. Đặc biệt có một Linga duy nhất bằng thạch anh trong suốt có độ thấu quang và độ cứng 8 mohs nặng tới 3,5 kg. Đây là báu vật độc nhất vô nhị tìm thấy ở Thánh địa Cát Tiên, từ trước đến nay chưa từng có trong thế giới khảo cổ. Ngoài ra, có thể kể đến một bộ Linga - Yoni chiều dài 2,26 m; Linga cao 2,1 m, đường kính 80 cm bằng đá xanh màu bóng được giới khảo cổ xếp hạng lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
 
Đợt khai quật tháng 4/1998 và gần đây (2015) còn cho thấy khu Thánh địa Cát Tiên mang một phong cách nghệ thuật Bà La Môn thú vị độc đáo về những hoa văn họa tiết trên gạch ngói xây dựng. Những Kalong trên và trong tháp mộ; những đĩa đồng giả ngọc; 113 lá vàng trên đó có chạm khắc hoa văn - mỗi lá hé mở cánh cửa cho thấy một phần đời sống sinh hoạt của cư dân cổ xưa Nam Tây Nguyên. Ở vùng đất kỳ bí này cách đây 1300 năm đã từng tồn tại một vương quốc mà vào thời hưng thịnh nhất đã có một cương vực và lãnh thổ rộng lớn. Một loạt câu hỏi đang đặt ra thách đố các nhà sử học, văn hóa học, khảo cổ học và những ai quan tâm văn minh thời cổ của vùng đất sơn địa đầy huyền bí này…
 
Nhiều ý kiến khác nhau về Thánh địa Cát Tiên: Niên đại của thánh địa có từ khi nào, thuộc nền văn hóa nào? Đó vẫn đang là những câu hỏi chưa có lời giải. Hàng ngàn hiện vật được tìm thấy tại đây nhưng không có hiện vật nào ghi nhận về niên đại cũng như không tìm thấy bi ký hay tài liệu ghi chép nào nói về chủ nhân di tích Cát Tiên. Tại hội thảo năm 2001, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng người Mạ đã làm ra thánh địa này. TS Phạm Hữu Mý, ĐHQG TP Hồ Chí Minh gần đây cũng đồng thuận với giả thiết Thánh địa Cát Tiên là di sản vật thể của người Mạ: Thánh địa Cát Tiên là do cư dân bản địa vùng này tạo nên, trong đó chủ yếu là đồng bào Mạ. Nhân lúc Vương quốc Phù Nam suy tàn bị Chân Lạp thôn tính và quan quân nội bộ Chân Lạp bất đồng tranh giành quyền lực, họ đã lập nên tiểu quốc của mình. Đó là tiểu quốc của người Mạ và họ là chủ thể của khu Thánh địa Cát Tiên. Khi phát triển lớn mạnh, người Mạ còn lấn chiếm và sinh sống ở những vùng đất xung quanh ngày nay như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả TP Hồ Chí Minh… 
 
Thế nhưng hội thảo cách đây hai năm (2016), TS Đào Linh Côn (Trung tâm nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) - một trong số ít nhà khảo cổ học tiếp cận di tích Cát Tiên ngay từ những ngày đầu phát hiện, thì cho rằng: “Đi tìm chủ nhân của Thánh địa Cát Tiên, không ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn. Bởi cho đến nay, tuy các nhà khảo cổ đã khai quật nhiều lần ở rất nhiều địa điểm khác nhau trong khu vực này, nhưng vẫn chưa có thông tin nào về cốt sọ người cổ dành cho các nhà nhân học để xác định chủ nhân của di tích. Sẽ là quá sớm khi nói chủ nhân của di tích là người Mạ với chỉ một yếu tố vì nó nằm trong địa bàn cư trú của dân tộc Mạ. Ngoài ra, trên địa bàn Cát Tiên nói riêng và Lâm Đồng nói chung, chưa tìm thấy bằng chứng mang tính mắt xích để có thể liên hệ Cát Tiên với các di tích được cho là của các tộc người hiện đang sinh sống trên vùng đất Lâm Đồng”. Và theo TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam): Người Mạ cho đến nay vẫn là chủ nhân chính của vùng đất, nhưng họ không hề có mối liên hệ nào với khu di tích thánh địa này…
 
Rời khu di tích, độc mộc Mạ sẽ đưa du khách ngược dòng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên. Một bầu không khí trong lành và dáng vẻ hoang sơ của thiên nhiên hiện ra trước mắt. Du khách sẽ ngạc nhiên tột cùng khi bắt gặp đại thụ cao trên 70 mét có chu vi phần gốc phải tới 10 người dang tay ôm mới tròn vòng. Một cuộc dạo chơi đầy thú vị giữa tịch mịch núi rừng. Người hướng dẫn sẽ chỉ cho bạn xem hàng chục loài phong lan quý từ quế lan hương, hồ điệp, hoàng thảo đến thủy tiên, lan gấm đất, lan thạch… Nếu bạn là người yêu thực vật thì rừng Cát Tiên có tới 632 loại thực vật - loại bậc cao cho gỗ quý như: sao dầu, căm xe, giáng hương, gõ mật, trắc, cẩm lai… Bạn muốn là nhà điểu học không? Cát Tiên là đất lành của hơn 270 loài chim - nhiều loài là di sản thiên nhiên quý hiếm như hạc cổ trắng, gà tiên mắt đỏ, ngan cánh trắng, cò quắm cánh xanh, đại bàng đen, vịt trời cánh trắng, chim mỏ sừng lớn… Có chuyên gia ở vườn nghe và phân biệt được tiếng hót của gần 150 loài chim. Còn nếu bạn là nhà động vật hoang dã thì Cát Tiên giúp bạn đưa vào bộ sưu tập nhiều loại động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng như: voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm, nai, cá sấu nước ngọt…
 
Hoàng hôn buông xuống, lũ côn trùng bắt đầu rả rích, du khách chỉ cần cắt một khoảng rừng ngắn là sẽ được ngồi bên bếp lửa nhà sàn của bà con dân tộc bản địa. Một bản làng Mạ hiền hòa, hiếu khách dang rộng vòng tay đón bạn. Già làng Mạ sẽ mời uống rượu cần thỏa thích. Khách được mời khui ché rượu. Trong lúc chờ, hãy nghe già làng luận về rượu: “Uống rượu cần là tạ ơn đất trời sông núi, cầu Yàng cho mưa thuận gió hòa, mong buôn làng no đủ ấm êm. Điều cấm kỵ thiêng liêng là không được phép say - say là điều xấu hổ, ô uế làng buôn, thôn bản…”. Cần cắm vào ché thứ tự từ khách tới chủ, già tới trẻ, trai tới gái mời nhau ăn, mời nhau uống, không gò ép cưỡng cầu. Khách dừng uống ư? Khách có quyền lăn khềnh ra bên bếp lửa - giấc ngủ êm chập chờn trong mộng mị. Khách còn uống nữa chăng? Tiếp tục cầm cần thêm ché vì rượu cần Mạ không bao giờ cạn!
 
Dưới mắt loài người đang thức tỉnh về sự bức xúc cần thiết phải biết sống hòa thuận với thiên nhiên, Cát Tiên quả là một tài sản quý hiếm. Còn đối với người lữ hành mệt mỏi đi tìm kiếm sự nghỉ ngơi, Cát Tiên quả là một tour du lịch khám phá mới lạ hấp dẫn mang về sự bình yên, thanh thản cho tâm hồn. 
 
LÊ QUANG KẾT