Khi người trẻ say mê văn hóa cồng chiêng

09:05, 29/05/2018

Ngân và Nguyên sinh ra, lớn lên giữa không gian văn hóa cồng chiêng LangBiang. Chính những nét độc đáo đầy bản sắc ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn say mê văn hóa dân tộc của hai học sinh thuộc ngôi trường dưới chân núi Bà. Điều này đã thôi thúc các em nghiên cứu để tìm ra một số giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của người K'Ho - Lạch tại thị trấn Lạc Dương. 

Ngân và Nguyên sinh ra, lớn lên giữa không gian văn hóa cồng chiêng LangBiang. Chính những nét độc đáo đầy bản sắc ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn say mê văn hóa dân tộc của hai học sinh thuộc ngôi trường dưới chân núi Bà. Điều này đã thôi thúc các em nghiên cứu để tìm ra một số giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của người K’Ho - Lạch tại thị trấn Lạc Dương. 
 
Ngân và Nguyên đến tìm hiểu tại cơ sở giao lưu văn hóa cồng chiêng. Ảnh: T.H
Ngân và Nguyên đến tìm hiểu tại cơ sở giao lưu văn hóa cồng chiêng. Ảnh: T.H
Nghiên cứu khoa học về văn hóa dân tộc
 
Khác với nhiều bạn bè đồng trang lứa thích nhạc hiện đại, cô nữ sinh lớp 10A2 Trường THPT LangBiang (huyện Lạc Dương) - Bon Yo Ngân có niềm say mê với các loại nhạc cụ dân tộc. “Là một người K’Ho, trong tuổi thơ của em đã rất may mắn khi được cùng người thân chơi những điệu cồng chiêng, hát những lời ca, tiếng hát và điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Tiếng cồng, tiếng chiêng, những lời ca, điệu múa đã trở thành cái gì đó rất gần gũi, thân yêu trong cuộc sống của em. Nhưng theo nhịp sống hiện đại, văn hóa cồng chiêng đang dần mai một. Là w thế hệ kế thừa văn hóa của người K’Ho nơi đây, em thấy phải làm gì đó để giữ gìn nét đặc sắc mà cha ông gây dựng. Điều này đã thôi thúc em tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn về không gian văn hóa cồng chiêng của người K’Ho tại địa phương mình. Vì vậy, em cùng bạn đồng hành là anh Đào Vũ Nguyên - lớp 12A4 quyết định thực hiện Đề tài “Một số giải pháp bảo tồn, giữ gìn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng của người K’Ho - Lạch tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng” để tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKH) dành cho học sinh trung học năm học 2017 - 2018”, Bon Yo Ngân chia sẻ.
 
Vốn say mê nghiên cứu khoa học và cũng thích tìm hiểu về văn hóa dân tộc tại địa phương, Đào Vũ Nguyên gật đầu cùng tham gia thực hiện đề tài khoa học khi nghe Bon Yo Ngân trình bày ý tưởng. Nguyên cho hay, tuy không phải là người K’Ho nhưng em rất thích tiếng cồng chiêng và điệu múa của các chàng trai, cô gái trong mỗi dịp được xem biểu diễn cồng chiêng. Vốn có kinh nghiệm khi đã từng tham gia và đoạt giải Cuộc thi KHKT cấp tỉnh năm học 2016 - 2017, cùng với sự động viên hết lòng của mẹ Nguyên cũng là giáo viên và sự hỗ trợ của nhà trường, Ngân và Nguyên “bắt tay” vào thực hiện đề tài.   
 
Những buổi sau giờ học, đôi bạn lại lân la đến các cơ sở giao lưu cồng chiêng trên địa bàn thị trấn Lạc Dương để tìm hiểu. Bằng sự đầu tư, tìm tòi nghiên cứu, Ngân và Nguyên thực hiện đề tài trong 5 tháng liền với nhiều công việc như: phát phiếu khảo sát hiểu biết về văn hóa cồng chiêng đối với học sinh trong trường, phiếu đánh giá của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương, ý kiến của các nghệ nhân cồng chiêng tiêu biểu tại địa phương, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh nhà trường tham dự buổi biểu diễn cồng chiêng, giao lưu văn nghệ và thi biểu diễn cồng chiêng giữa các khối lớp, giao lưu với học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt)... Với ý nghĩa thiết thực của đề tài, Ngân và Nguyên đã được xướng tên liên tục khi đoạt giải nhì Cuộc thi KHKT cấp tỉnh, giải nhì Cuộc thi KHKT cấp quốc gia, giải đặc biệt của Trường Đại học Đà Nẵng trong năm học 2017 - 2018, xứng đáng là niềm tự hào của ngôi trường mang tên ngọn núi hùng vĩ LangBiang. 
 
Góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc
 
Trong những giải pháp để bảo tồn, giữ gìn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng của người K’Ho ở thị trấn Lạc Dương mà Ngân và Nguyên thực hiện, thì đẩy mạnh các hoạt động giáo dục ý thức cũng như truyền dạy lại các giai điệu cồng chiêng cho giới trẻ được chú trọng hàng đầu. Bởi từ chính những con người trẻ tuổi sẽ là thế hệ kế tục nét văn hóa đặc sắc của cha ông.
 
Không dừng lại ở việc nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra giải pháp bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng, Ngân và Nguyên còn đề xuất với nhà trường thành lập Câu lạc bộ “Gong LangBiang” - cồng chiêng LangBiang. Đây là nơi tập hợp những bạn trẻ yêu cồng chiêng và muốn được học cách đánh cồng, đánh chiêng từ những người có kinh nghiệm. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ vào mỗi buổi chiều thứ bảy hàng tuần, hiện thu hút được 23 thành viên là những học sinh của Trường THPT LangBiang. 
 
Theo đánh giá của nghệ nhân cồng chiêng có “tên tuổi” ở Lạc Dương - Kră Jăn Plin, thì việc nghiên cứu đề tài của Ngân và Nguyên là một việc làm hết sức ý nghĩa. Bởi văn hóa dân tộc vẫn còn hiện diện trong suy nghĩ của người trẻ thì việc bảo tồn sẽ không còn khó khăn. Và điều này càng củng cố lòng tin của nghệ nhân Kră Jăn Plin cũng như những người yêu bản sắc dân tộc ở Lạc Dương về việc văn hóa cồng chiêng, văn hóa dân tộc sẽ tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn trong đời sống hiện đại.
 
TUẤN HƯƠNG