Một đời giữ gìn nghề dệt

08:05, 03/05/2018

Chúng tôi về Đưng K'Nớ khi bắt đầu mùa mưa, tiếng thoi đưa lách cách vang lên trong hầu hết những ngôi nhà. Ấy là tiếng những người đàn bà nơi này dệt thổ cẩm bằng sợi len tổng hợp mua từ chợ Đà Lạt về và duy nhất chỉ có ba chị em nhà Bon Niêng K'Glòng còn cần mẫn giã cây rừng để nhuộm màu cho sợi.

Chúng tôi về Đưng K’Nớ khi bắt đầu mùa mưa, tiếng thoi đưa lách cách vang lên trong hầu hết những ngôi nhà. Ấy là tiếng những người đàn bà nơi này dệt thổ cẩm bằng sợi len tổng hợp mua từ chợ Đà Lạt về và duy nhất chỉ có ba chị em nhà Bon Niêng K’Glòng còn cần mẫn giã cây rừng để nhuộm màu cho sợi.
 
Hàng chục năm qua, bà K’Glòng vẫn gắn bó với nghề dệt. Ảnh: N.N
Hàng chục năm qua, bà K’Glòng vẫn gắn bó với nghề dệt. Ảnh: N.N
Chuyện ngày xưa của mẹ
 
Bà Đoàn Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, người trực tiếp tham gia các dự án phục dựng nghề dệt ở Đưng K’Nớ khẳng định: Dệt vải là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của người dân nơi đây, đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của bà con. Nghề dệt không những cung cấp những sản phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, góp phần nâng cao nguồn thu nhập gia đình mà còn giúp họ thể hiện và bảo tồn được bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Thông qua tấm vải dệt, người phụ nữ gửi gắm tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người qua những hoa văn sinh động. Đó là những vật dụng gần gũi, gắn bó trong đời sống sinh hoạt hằng ngày được thể hiện rất tự nhiên theo cảm nhận riêng của họ. Theo chỉ dẫn của Phó Giám đốc Bảo tàng, chúng tôi tìm về nhà bà Bon Niêng K’Glòng, đã 75 tuổi và trong câu chuyện với chúng tôi có thêm bà Rơ Ông K’Măng, Rơ Ông K’Jong (hai người chị em họ của bà K’Glòng). Ba bà sống gần nhau và là những người duy nhất còn gìn giữ nghề dệt mang nhiều nét truyền thống nhất. Các cô con gái của bà K’Glòng là K’Sen, K’Gút, K’Bớt, K’Nga cũng quây quần lại nghe “chuyện ngày xưa của mẹ”.
 
Nguyên liệu của nghề dệt là sợi bông và các loại cây tạo màu được lấy từ cây cỏ trong tự nhiên từ bao đời nay chưa bao giờ thôi hấp dẫn với những người phụ nữ  Cil. Trước đây, trong đời sống tự cung tự cấp, bà con tự trồng bông để lấy sợi dệt vải. Công cụ dệt của người Cil bao gồm: cán bông (tơ rơ ghiết), bật bông (kăm bích), xa quay sợi (khưng), hai khung cuốn sợi (sờ na bờ rài và duỳnh doèng), khung căng sợi và bộ khung dệt. Khác với người Kinh và một số dân tộc ở phía Bắc, người K’Ho không có khung dệt cố định và kiên cố. Họ có bộ khung dệt rời bằng các thanh gỗ, tre. Bộ khung dệt gồm 12 thanh lớn nhỏ khác nhau. Mỗi thanh đều có tên gọi và chức năng riêng. Thanh gạt chỉ (pơ nớ kủa tria) được làm bằng gỗ, một đầu dẹt một đầu nhọn dùng để gạt và lén chặt sợi khi dệt. Thanh cuộn vải (pờ sar) được làm bằng gỗ, có hình chữ nhật dùng để cuộn vải trong quá trình dệt. Thanh đạp chân (đưng poong) được làm bằng cây lồ ô, thanh này nằm ở cuối khung dệt dùng để tỳ chân tạo độ căng cho khung khi dệt… Đến tận bây giờ, có nhiều thứ đổi thay nhưng riêng khung dệt của người phụ nữ Cil vẫn được giữ nguyên như ngày trước.
 
Ba người đàn bà ấy cả đời gắn với nghề dệt vải dường như đã thuộc “nằm lòng” mọi công đoạn. Như cuốn băng tua chậm lại mọi ký ức trở về mồn một trong câu chuyện với chúng tôi. Đó là bông sau khi thu hoạch được đem phơi từ 3 đến 5 nắng cho khô, sau đó mới tiến hành chọn những bông tốt, hạt chắc và thật trắng. Tiếp đến dùng công cụ cán bông để tách và loại bỏ hạt ra khỏi các quả bông rồi cho vào nia (đòng) và để bật cho bông xốp tơi, mềm và loại bỏ những hạt còn sót. Quá trình bật bông phải lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi bông hết vón cục trở nên mềm mại và xốp tơi. Tiếp đến, dùng que tre nhỏ vót tròn, hoặc cây đót đặt đè lên và lăn cuộn bông tạo thành nhiều cuộn nhỏ bằng ngón tay để chuẩn bị cho công đoạn kéo thành sợi. Kéo sợi là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Sau đó quay xa kéo sợi để xe sợi bông. Xa quay đến đâu sợi được xe và cuốn vào rọi xe sợi đến đó. Sợi bông sau khi kéo ra sẽ được quấn vào thanh tre tròn, dài, nhỏ làm lõi tạo thành từng cuộn và quấn sợi thành từng lọn dài cho dễ nhuộm. “Ngày trước, trồng bông dệt vải mất nhiều thời gian lắm nên quanh năm chỉ được vài tấm thổ cẩm để dùng. Bây giờ không trồng bông nữa, đi mua sợi về dệt nhanh hơn. Cứ hai tuần một lần mình lại ra Lạc Dương bán thổ cẩm rồi đi tới tận Bảo Lộc mua sợi trắng về nhuộm màu mà màu nhuộm phải từ cây rừng thì thổ cẩm của người Cil mới đẹp, mới lâu bạc màu khi đi nắng, đi mưa” - bà K’Glòng nói.
 
Thổ cẩm thấm hương rừng
 
Thổ cẩm trước đây của người Cil luôn ngập trong hương rừng, dẫu qua nhiều biến chuyển của cuộc sống, nhưng chị em nhà bà K’Glòng vẫn giữ trên thổ cẩm của mình thứ hương sắc ấy vì họ không mua sợi màu về dệt. Không đủ sức để đi rừng như trước nữa nhưng ba bà bảo con cháu mang cây rừng về, trồng quanh rẫy cà phê, trên vườn nhà để giã lấy nước cốt ủ màu cho sợi. Bàn tay của những người đàn bà này hàng chục năm nay không lúc nào thôi dính màu cũng bởi vì thế. 
 
Trong vườn nhà bà K’Glòng có cái chòi nhỏ, ở đó có nhiều bình gốm, có bình đang ủ lá, có bình đang ngâm vải, bình màu đen, bình màu xanh, màu đỏ… tất cả những màu đó đều được ủ từ củ, quả, lá cây rừng như: củ nghệ, hạt quả cari còn gọi là quả nho, vỏ và thân cây lốt, lá cây drửm... Màu truyền thống trên thổ cẩm của người Cil gồm có 6 màu. Màu đỏ (nờ đum), màu xanh đen (ui sa phù), màu vàng (rơ mết), màu nâu (bờ rồng), màu cam (pơ rơ hê), màu xanh dương (rơ nõ cờ nhó). Để có màu đúng ý, phải trộn lẫn nhiều loại lá cây với nhau. Đơn cử như màu xanh đen (màu nền chủ đạo trên vải thổ cẩm), người phụ nữ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên hái lá cây drửm vò nát, bỏ vào chóe ngâm nước khoảng hai ngày hai đêm. Thỉnh thoảng cho tay sạch vào đảo lên, sau đó ép vứt hết bã chỉ giữ lấy phần nước cốt, lấy vỏ sò sau khi nung cháy thành bột đen trộn với một ít muối ớt và hạt bầu giã nát, xong bỏ chung tất cả vào nước cốt lá drửm khuấy đều để vài giờ cho lắng, gạn lấy phần nước cốt đặc ở dưới rót vào “sụt” (một loại giỏ nhỏ đan bằng tre) để lắng lấy bột. Bột màu này đem phơi chừng 1 tuần cho khô, sau đó gói kỹ để dùng dần. Khi dùng mới lấy ra hòa với nước tro than củ chuối rừng để nhuộm. Muốn cho màu đẹp và bền, người ta ngâm sợi một lúc (chừng 5 - 10 phút) rồi mới vắt phơi khô, làm liên tục như vậy 3 lần. “Màu từ cây rừng bền lắm, đi nắng, đi mưa nhiều cũng chẳng phai đâu. Mình nhuộm màu cực hơn một tí, mất thời gian nhiều hơn nhưng bán được 1,3 triệu đồng một tấm, còn người ta chỉ bán được 500 ngàn thôi” - bà K’Măng khẳng định.
 
Bà Đoàn Bích Ngọ nhận định: Trên thổ cẩm của người Cil, người ta có thể thấy cả bức tranh của cuộc sống. Đó chủ yếu là các loại hoa văn hình kỷ hà, người, các loài muông thú và các vật dụng quen thuộc, gần gũi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ như: cầu thang nhà sàn, xà gạc, mũi chông, cổ nỏ, bụng con tắc kè, lá mây, đuôi bọ cạp, cổ chim bồ câu… Bao năm nay người dân Đưng K’Nớ vẫn chọn chị em nhà bà K’Glòng là những người dệt đẹp nhất. Người khắp nơi vẫn tới đây đặt thổ cẩm, nhất là để chuẩn bị cho các đám cưới. Con cái của các bà mỗi người đều có trang phục thổ cẩm nhuộm bằng màu sắc truyền thống. Mấy chục năm cần mẫn nhuộm màu, dệt vải, đến bây giờ các bà “nhắm mắt cũng nhuộm được màu”, và trên lưng hằn lên vết chai của những tháng ngày căng khung dệt vải. Ngoài các sản phẩm dệt truyền thống như những tấm đắp (ùi tơng), váy (ùi-ngoách), tấm choàng để địu con (ùi khan bay), ngày nay còn có thêm một số sản phẩm mới như băng cầu nguyện dùng trong các nghi lễ tôn giáo, các loại túi, ví xách tay bằng thổ cẩm…
 
Hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, cùng với sự giao lưu kinh tế - văn hóa với các dân tộc vùng phụ cận, nghề dệt của người Cil đang dần bị thu hẹp và mai một. Tuy nhiên, trong tâm thức người Cil vẫn còn nét đẹp của dân tộc nên những ai muốn tìm hiểu về văn hóa khi đến với Đưng K’Nớ vẫn chọn đây là món quà lưu niệm ưa thích đối với du khách trong và ngoài nước. Và cứ thế ba chị em nhà bà K’Glòng vẫn cần mẫn nhuộm màu vải, đôi tay vẫn chẳng lúc nào sạch màu, các bà vẫn cần mẫn truyền nghề cho các cô con gái. Họ có thể dệt đẹp như mẹ, song các cô có tình yêu đủ lớn với việc giữ màu nhuộm truyền thống như mẹ hay không thì điều đó khó ai biết được. 
 
NGỌC NGÀ