Rộn ràng tiếng chiêng

09:05, 15/05/2018

Đã khá lâu rồi đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh mới có dịp được sống trong "không khí lễ hội", không gian văn hóa cồng chiêng. Âm thanh trầm hùng hòa lẫn với nhịp điệu "tam nia" (múa) trong đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng xã Đinh Lạc lần thứ nhất năm 2018 đã để lại khá nhiều ấn tượng...

Đã khá lâu rồi đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh mới có dịp được sống trong “không khí lễ hội”, không gian văn hóa cồng chiêng. Âm thanh trầm hùng hòa lẫn với nhịp điệu “tam nia” (múa) trong đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng xã Đinh Lạc lần thứ nhất năm 2018 đã để lại khá nhiều ấn tượng; qua đó khơi dậy, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa truyền khẩu và kiệt tác phi vật thể của nhân loại.
 
Một tiết mục trong đêm hội. Ảnh: N.B
Một tiết mục trong đêm hội. Ảnh: N.B
Cồng chiêng người K’Ho nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số vùng đất Tây Nguyên nói chung, không những là một loại nhạc cụ độc đáo, “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, mà nó còn là sợi dây linh thiêng kết nối giữa con người với thần linh; đưa họ trở về với nguồn cội, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng...
 
Trước đây, người K’Ho sống bằng nghề canh tác lúa nước, lúa rẫy là chính, nên cuộc sống của bà con luôn gắn liền với các lễ hội cúng Yàng, liên quan đến vòng đời sinh trưởng và phát triển của cây lúa, trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo, góp phần làm phong phú thêm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Điều này, đã mở ra nhiều cơ hội để bà con tham gia bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa truyền thống độc đáo này, nhất là trong tình hình hiện nay. Với những nét độc đáo, mỗi dân tộc có những cách thức thể hiện riêng từ cách thức đánh, các bài đánh riêng... theo từng lễ hội, nhưng có điểm chung là đều dựa trên triết lý sống, tư duy của các dân tộc Tây Nguyên. 
 
Tuy đêm giao lưu chỉ tổ chức trong phạm vi 3 xã gồm: Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Bảo Thuận; dù không có nhà dài truyền thống, không có mùi hương thơm của mùa lúa mới…, nhưng sau nghi thức cúng mừng lúa mới, dưới ánh đèn lấp lánh của sân khấu, của ánh lửa bập bùng, các chàng trai, cô gái núi rừng như bừng sáng hơn trong nhịp chiêng trống rộn ràng, cùng nhau thi thố tài năng diễn tấu cồng chiêng. Với họ, đây thật sự là cơ hội tốt để được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, thể hiện và phô diễn kỹ năng của bản thân trong nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng.
 
Anh Dacha Vũ Bảo, Đội cồng chiêng thôn Đồng Đò (Tân Nghĩa) hồ hởi: “Qua buổi giao lưu này, tôi mong muốn thế hệ trẻ cần nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần có những định hướng cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thanh niên, thế hệ trẻ ở các địa phương yêu thích, đam mê và gắn bó với cồng chiêng để công tác bảo tồn, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được thuận lợi hơn”. 
 
Những năm qua, cùng với các địa phương trong tỉnh, ngoài việc cấp bộ cồng chiêng, huyện Di Linh cũng được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh hỗ trợ mở trên 10 lớp và đã truyền dạy cho trên 400 thanh niên nam, nữ biết đánh cồng chiêng. Bên cạnh đó, các nghệ nhân, già làng… cũng đã tích cực truyền dạy, vận động thế hệ con cháu tích cực tham gia lớp học, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống.
 
Chị Ka Nhes - Đội cồng chiêng xã Bảo Thuận là một trong những học viên mới tham gia xong lớp học truyền dạy cồng chiêng do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức năm 2017, đây cũng là lần đầu tiên chị tham gia đợt giao lưu, nên cảm xúc rất hồi hộp và háo hức. “Theo tôi, đây là buổi giao lưu thật ý nghĩa, vì đây là dịp tốt để thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ trẻ chúng tôi được kế thừa các kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cũng như các nhịp điệu múa truyền thống. Với vai trò của mình, thời gian tới tôi sẽ tham mưu, đề xuất với lãnh đạo địa phương cần tổ chức những buổi sinh hoạt, giao lưu cồng chiêng giữa các thôn trong xã, qua đó nhằm lưu giữ và phát huy văn hóa dân tộc K’Ho” - chị Ka Nhes, cán bộ xã, thành viên Đội cồng chiêng Kala (Bảo Thuận) nói.
 
Bao đời nay, ở buôn làng người K’Ho không thể thiếu âm vang cồng chiêng; tiếng chiêng vui đón khách, mừng lên nhà mới, tiếng chiêng của lễ hội... nhưng có một khoảng thời gian khá lâu, ở vùng đồng bào K’Ho huyện Di Linh vắng bóng âm thanh rộn rã tiếng cồng chiêng. 
 
Trong đêm hội giao lưu, các già làng, nghệ nhân, bô lão đã tái hiện lại nghi thức mừng lúa mới, một phần của không gian văn hóa cồng chiêng. Với các địa phương, đây là đợt chẳng những để củng cố, xây dựng, mà còn lựa chọn những hạt nhân nòng cốt để duy trì luyện tập, tham gia các đợt giao lưu cũng như biểu diễn khi có sự kiện, lễ hội, cũng như phục vụ nhân dân địa phương.
 
Ông K’Bréo, Trưởng thôn Duệ (Đinh Lạc) bày tỏ: “Đây là hoạt động bổ ích và lành mạnh. Nó đã khơi dậy và đưa chúng tôi trở về với đời sống ông bà tổ tiên xưa, với các lễ hội văn hóa truyền thống, nên tôi rất sung sướng và tự hào. Vì vậy, bà con chúng tôi mong muốn thời gian tới cần duy trì và tổ chức giao lưu quy mô hơn để các xã, thị trấn trong toàn huyện cùng tham gia, vừa tạo sân chơi, vừa có cơ hội thi thố tài năng giữa các đơn vị, nhất là thế hệ trẻ”. 
 
NDONG BRỪM