Viếng lăng Bác

09:05, 17/05/2018

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác / Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát / Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam / Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
 
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
 
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
 
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
 
Tháng 4/1976
VIỄN PHƯƠNG
 
LỜI BÌNH:
 
Trong mỗi người dân Việt Nam ai cũng mong muốn về Hà Nội để viếng thăm lăng Bác. Nhà thơ Viễn Phương có một tứ thơ độc đáo khi ông từ miền Nam ra viếng lăng Bác lần đầu tiên năm 1976. Bài thơ được in trong nhiều tuyển tập, đưa vào chương trình sách giáo khoa của học sinh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Người đọc vẫn bồi hồi xúc động trước những hình ảnh thật bình dị rất Việt Nam nhưng gửi gắm vào đó bao tình cảm thiêng liêng.
 
Nét độc đáo trước hết ở bài thơ “Viếng lăng Bác” là nhịp thơ. Nhịp thơ chậm rãi như nhịp đi khoan thai, thành kính của dòng người vào lăng viếng Bác với những bước chân lặng lẽ, bồi hồi xao xuyến. Khổ thơ mở đầu cho ta thấy tác giả đang chuẩn bị vào lăng viếng Bác vì thế mới thấy cảnh từ xa:“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”. Ống kính tâm hồn của nhà thơ bắt khá nhạy khi chọn cây tre làm biểu tượng cho tinh thần Việt Nam với tư thế: “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”. Ở đây nhà thơ dùng từ láy điệp ngữ: “Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam”. Chỉ hai chữ xanh xanh đã thổi hồn Việt vào từng cây cỏ của một đất nước bốn mùa thiên nhiên xanh tốt. Tiếp đó cùng với hai từ láy Ngày ngày trong câu: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng” đã dàn rộng câu thơ cho ta hình dung dòng người đang bước chậm lại. Khổ thơ thứ hai này đã có bước chuyển dịch về không gian khi tác giả đến gần lăng Bác hơn mới: “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Hai câu thơ bất ngờ và hay nhất của bài thơ: “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” đã vĩnh cửu hóa tình cảm thiêng liêng của dân tộc với lãnh tụ kính yêu. 
 
Khổ thơ thứ ba là lúc nhà thơ đã bước vào trong lăng. Hình ảnh Bác hiện lên thật đẹp như huyền thoại: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”. Vầng trăng chính là vầng ánh sáng đèn nhưng cũng là vầng trăng tình cảm dân tộc dành cho Bác. Hàng tre, mặt trời và vầng trăng là những biểu tượng giàu tính khái quát có sức gợi mở lớn lao. Cao trào của cảm xúc được dồn nén từ thăm thẳm: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi” đến trào lên nức nở: “Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Chỉ một từ nhói thôi mà tim ta bỗng thắt lại. Tôi nghĩ sẽ không có một từ nào thay thế gây xúc động hơn trong văn cảnh này. 
 
Khổ thơ cuối cùng là lúc nhà thơ ra khỏi lăng Bác và bước vào khu nhà sàn của Bác ngập tràn hương hoa cây lá. Nhà thơ viết thật chân thành “Mai về miền Nam thương trào nước mắt” và tiếp đó là ý nguyện: “Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác”; “Muốn làm đóa hoa”, “Muốn làm cây tre” như một sự giãi bày chia sẻ cho ta thấy hình ảnh lãnh tụ hòa quyện với thiên nhiên, với hồn Việt. 
 
Bài thơ Viếng lăng Bác viết giản dị, ngắn gọn, xúc tích, giàu nhạc tính cân đối như một khúc ca, ngôn ngữ thơ chọn lọc có sức gợi mở, vì thế khi được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc đã chắp cánh cho tứ thơ bay xa vang mãi trong lòng chúng ta khi nhớ về Người: Bác Hồ Chí Minh kính yêu…
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ