"Đà Lạt tôi", nâng niu trìu mến

08:05, 03/05/2018

Nhà thơ Nguyễn Tấn On, quê quán ở tỉnh Quảng Ngãi nhưng đã định cư, lập nghiệp tại thành phố Đà Lạt hơn 30 năm nay. Kể từ năm 2000, anh có tập thơ đầu tay "Thơ tặng người", cho đến năm 2014, tập thơ thứ 8 được xuất bản...

Nhà thơ Nguyễn Tấn On, quê quán ở tỉnh Quảng Ngãi nhưng đã định cư, lập nghiệp tại thành phố Đà Lạt hơn 30 năm nay. Kể từ năm 2000, anh có tập thơ đầu tay “Thơ tặng người”, cho đến năm 2014, tập thơ thứ 8 được xuất bản. Năm nay, Đà Lạt tròn tuổi 125 hình thành và phát triển, nhà thơ Nguyễn Tấn On tiếp tục cho ra mắt tập thơ thứ 9 “Đà Lạt tôi” và dành trọn vẹn đối tượng thẩm mĩ về đất và người Đà Lạt, Lâm Đồng. 
 
Tập thơ “Đà Lạt tôi” của Nguyễn Tấn On. Ảnh: M.Đ
Tập thơ “Đà Lạt tôi” của Nguyễn Tấn On. Ảnh: M.Đ

 

Đầu đề tập thơ bình dị, chân chất: “Đà Lạt tôi” với 63 tác phẩm mới sáng tác trong khoảng bốn năm nay, nhưng được nhà thơ đằm mình chiêm nghiệm, suốt 30 năm. Dù là thể lục bát (28 bài) hay thơ tự do (35 bài), mạch cảm xúc tập thơ “Đà Lạt tôi” đều biểu đạt bằng những ngôn từ dung dị và đằm thắm. 

 
 Mở đầu tác giả Nguyễn Tấn On dụng ý chọn ngay bài thơ “Đà Lạt tôi” - cũng là tên tập thơ như một tấm chân tình mời khách vào “ngôi nhà” thơ anh bằng những hình ảnh gợi mở rất Đà Lạt: Hoa Bồ Công Anh “kiêu sa”, ngàn thông “thì thào”, quán cà phê quen thuộc để ngắm “xe đạp đôi leo dốc” và thả hồn với “hẻm phố nghiêng mưa bụi nghiêng”... 
 
Sự nghiệp sáng tác của anh chủ yếu gắn với hai miền quê yêu dấu: Quảng Ngãi và Đà Lạt - Lâm Đồng. Với Đà Lạt, anh hòa vào thiên nhiên, đằm sâu khi neo lại, và da diết nhớ quê lúc tha hương. Rất nhiều hình ảnh, đường nét, gam màu anh chiêm nghiệm và đưa vào thơ, họa nên những bức tranh tinh khiết và đỗi thân thương. Đó là Đà Lạt long lanh mặt đất và thoang thoảng không trung, có “sơn nữ gùi ban mai lên núi”; của hương: hương dậy, hương tỏa, hương thơm lừng, hương thánh thiện...; của mưa: mưa tạt, mưa phùn, mưa đẫm, mưa nghiêng, mưa tình, mưa rớt, mưa giăng, sợi mưa, mưa xanh cỏ; của sương: sương óng lung linh, sương nở trắng, sương mù núi đồi, sương lẫn cùng hoa; của thông reo, thông hát, với mây sà, mây choàng, mây tung tăng. Một Đà Lạt khác nữa có nắng lạnh, nắng choàng sương, nắng chênh chao, nắng vàng sa, nắng lang thang, nắng hồng, nắng lung linh, nắng ươm vàng, và gió rướn, gió long đong... Những không gian ấy được Nguyễn Tấn On họa vào trong những vần thơ qua thời gian ngày - đêm Đà Lạt.
 
“Đà Lạt tôi” của Nguyễn Tấn On cũng không thể thiếu những con người. Nhà thơ, với tình yêu trong trẻo về một cô gái không định danh hoặc có tên cụ thể, hay với tình thương thẳm sâu cùng những chị, những mẹ lao động vất vả lam lũ từ người nhặt ve chai nhọc nhằn đến mượt mà tà áo dài trên bục giảng... Tôi rất thích bốn câu kết trong bài “Đẩy mưa”. Đó là không gian đêm mùa Xuân cao nguyên, lạnh và mưa, dáng chị lao công lầm lũi, nhẫn nại khép lại đêm làm việc cũng là lúc mở ra một ngày tươi mới: 
 
“Hốt đêm hốt cả cơn mưa
Chuông ngân chạm phố cũng vừa đầy xe
Đêm xuân mòn nhánh chổi tre
Đẩy mưa qua dốc-nắng xòe ban mai”
 
Hay trong bài “Lượm nắng”, hồn nhà thơ chạm đến đại từ đại bi:
 
“Tay ai vò chữ buốt tê
Tay người gom nắng tràn về - xuân thơm
Mái nhà chín khói sôi cơm
Bên kia góc nhớ vay rơm rạ vàng
Từ khi phố - phố lấn làng
Bà đi lượm giấy dưới hàng tường xây”. 
 
Chia sớt sự gian lao và giá trị lao động, anh còn xem thiên nhiên là đối tượng của tình yêu thương, trân quý môi trường sống bao nhiêu nhà thơ càng chạnh lòng trắc ẩn trước mất mát vơi đi của cái đẹp. Anh đau cùng nỗi đau với Mẹ Thiên nhiên mỗi khi ai đó vứt chai nước thừa xuống hồ anh cảm mặt hồ gương phải “cau mày”, ai đó thả rác xuống đường, anh xót “Như ném đá vào tôi” của người làm thơ đa đoan. 
 
Và con người trong thơ Nguyễn Tấn On còn là người thân, gần gũi nhất. Bài thơ “Hoa phụ nữ” rất xúc động và tôn vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Bài thơ như sám hối của kẻ dại khờ mà chân thật. Đó là câu chuyện tặng hoa nhân ngày lễ trọng của nữ giới, với cách kể khéo léo và bất ngờ, đáng yêu và lay động. Bắt đầu là sự vụng về “lăng xăng” của anh đi tìm hoa tặng vợ, người vợ cảm ơn và “ngập ngừng” đề xuất anh mua tặng hoa người mẹ của anh... đã quá cố. Trước trạng huống bất ngờ, anh “long cóng chạy giữa chiều gió vấp” để tìm một bó hoa bước ra nghĩa trang. Và: 
 
“Em quỳ khóc như chưa được khóc
Tôi mủi lòng rưng rức trước mộ bia
Phía triền phố một vừng trăng vừa mọc
Một đóa hoa trên mộ mẹ đầu tiên”. 
 
Khát khao theo đuổi, mong mỏi cái đẹp đã trở thành thường trực ở nhà thơ Nguyễn Tấn On. Rất nhiều câu thơ đẹp, hình ảnh tinh tế được cảm nhận, chắt chiu đưa vào tác phẩm để sẻ chia. Bốn câu thơ đầu trong bài “Ngày rừng” là một ví dụ: 
 
“Ngồi nghe nắng trộn giữa chiều
Vạt mây lửng thửng phong rêu chốn này
Ngọn đồi gió lặn vòm cây
Rừng xanh hoang triết căng đầy tự do”
 
Hay: 
 
“Tình xưa về trú mái hiên
Gió long đong núi cong miền cỏ hoa
Cơn mưa phố núi la đà
Lạc vài chiếc lá nghiêng tà huy bay”
(Cơn mưa phố núi và tôi)
 
“Bên kia đồi có đàn Dê lầm lũi
Nhai bóng chiều - đợi tắm nắng ban mai”
(Bài thơ cuối năm gửi người xa xứ)
 
“Em đi lễ về đôi tà áo mỏng
Khăn choàng vai núi, núi tỏa mù sương
Nụ cười thơm hương nhẹ hơn tiếng lá
Rớt xuống không mua - Đà Lạt không thu”
(Đà Lạt không thu)
 
“Gom chút vàng lay, bay tha thướt
Về tặng em-phố cuối dốc Nhà Làng
Gùi cả màu thu không nói được
Gió phiêu mây ru vạt nắng lang thang”
(Màu thu trên đỉnh núi Bà)
 
Đà Lạt trong thơ Nguyễn Tấn On thấm đẫm tình thương trìu mến bởi “Thành phố của tôi như thành phố của người”. Đà Lạt ấy len nhè nhẹ, lằng lặng vào cõi mơ, lọc qua hồn tình của nhân vật thẩm mĩ giao hòa mĩ cảm. Nguyễn Tấn On nương theo từng nhịp thở của Đà Lạt, tinh tế với từng satna thời gian, mẫn cảm với từng bước sóng không gian. Trong thơ anh khá nhiều hình ảnh mềm mại, mảnh mai và khiêm cung. Thông qua cách dụng ngôn ngữ, anh đạt được điều này. Đó là chiều “nghiêng”, “buông chầm chậm”, “ngẩn ngơ”; là mưa trưa “phiêu bồng”; nắng “so le”, nắng “mong manh vỡ”; hoa “tim tím”; hương “lành lạnh”; sương “bềnh bồng”. Đó còn là “cong cong giữa mùa quang gánh”, “lạnh buông”, “rơi nỗi nhớ”, phố “trong veo”, dốc “hiền hòa”, “quanh co”… Nhưng tuyệt nhiên không là cõi vô định, vô hình. Đà Lạt của Nguyễn Tấn On hiện hữu những gam màu tươi tắn, lấp lánh từ nhiều cung bậc. Thành công đó nhờ kết tinh bằng một cuộc sống đong đầy tình yêu thương. Trìu mến và trân quý lắm, một Đà Lạt, một hồn thơ! 
 
MINH ĐẠO