Với những người cầm bút, có viết gì đi nữa, tựu trung vẫn phải đối diện với hai trục tung và hoành của thời gian và không gian. Bút lực tài hoa, cấp độ thợ thơ, nhà thơ phân biệt rõ ràng ở chỗ ấy. Trên trang giấy mặt phẳng hai chiều, đặt được câu thơ cựa quậy, sự sống trong không gian ba chiều, đã là công phu trời cho.
Với những người cầm bút, có viết gì đi nữa, tựu trung vẫn phải đối diện với hai trục tung và hoành của thời gian và không gian. Bút lực tài hoa, cấp độ thợ thơ, nhà thơ phân biệt rõ ràng ở chỗ ấy. Trên trang giấy mặt phẳng hai chiều, đặt được câu thơ cựa quậy, sự sống trong không gian ba chiều, đã là công phu trời cho.
Dù sao, việc chiếm lĩnh chiều cao, chiều rộng, bề nổi, bề chìm cũng còn dễ tung tẩy phục hiện, đồng hiện. Đến như với thời gian, dù mở ra hết cỡ, cũng chỉ có ba thì. Rạch ròi mỗi thì một ngôi, như ở chùa thờ Phật Tam Thế, quá khứ, hiện tại, vị lai là hết.Vậy nhưng trong tập thơ
Những cánh rừng những bài ca, tôi thấy nhà thơ Phạm Quốc Ca đã hé lộ một cách cảm nhận thời gian mới qua đoạn thơ khá lạ.
Bài thơ mang tựa đề là
Nhớ, đặt chỗ đứng cho nhà thơ có điều kiện nhìn ngược lại dòng chảy thời gian. Thế mà nhà thơ cứ ngùi ngùi:
Kỳ lạ thế: Êm đềm không chịu nổi/ Chốn quen thân - sách cũ đọc rồi/ Ta ở nơi này/ Hồn nẻo khác/ Nhớ những ngày chưa sống khôn nguôi. Bị cuốn theo mạch thơ dồn đẩy điệp trùng, tôi bỗng sững sờ trước câu thơ mới lạ
Nhớ những ngày chưa sống khôn nguôi. Lòng người viết phải cởi mở rộng rãi đến thế nào mới tự dưng hạ được một câu thơ thật rõ ngược đời, mà ngẫm ra vẫn thuận lý, thuận tình đến thế.
Ai chẳng biết, phạm trù
Nhớ thuộc về những cái đã có, đã trải. Thơ Phạm Quốc Ca đã bỏ nhòe ranh giới, bình thản lấn lướt sang địa hạt không phải của mình lúc đó. Cái khoảng nghịch lý vô hình
những ngày chưa sống bỗng thành gắn bó máu thịt với những
nhớ, những
khôn nguôi, quặn thắt và lay thức lòng người.
Cầm câu thơ lấp lánh ấy, tôi còn soi thấy cả một mạch vỉa khác lạ trong
Những cánh rừng những bài ca. Hình như trong đó thấp thoáng đều có hồn vía, bóng dáng của thời gian.
Ấy là mấy câu thơ mở đầu cho bài
Chợ Tết: Tháng Chạp bồng bềnh mưa bụi/ Chợt sáng trời/ Hoa cải trắng ven sông. Không có một tâm hồn đa cảm, làm sao Phạm Quốc Ca nhận ra vẻ đẹp trong thoáng chớp đột biến đó.
Cũng thể hiện không gian để cảm nhận sự miên man bất tận của thời gian, ở bài thơ
Ông ngoại, nhà thơ lại thấy
Bóng trúc sàng hoa nắng lưa thưa. Với một chữ
sàng quê mùa Phạm Quốc Ca đã gói ghém cả một quá trình tinh lọc, vừa đều đều, vừa khắc nghiệt của thời khắc thiên nhiên. Đó là cái nền để nhà thơ hoàn thành bức tranh kiệm màu:
Bên cửa sổ/ Dáng người đọc sách/ Thanh thoát như một nét thơ Đường. Rõ ràng lấy cảnh để vẽ chân dung người. Lấy cảnh để liên tưởng kết nối thời gian, từ thực tại sơ phác với nghìn năm xương kính. Mảng nhạt, nét đậm, hiện hình cốt cách thanh tao.
Cũng như thế, tôi thật thích những câu thơ Phạm Quốc Ca phóng bút:
Cây đa đơn côi/ Cánh đồng nước trắng/ Tha thẩn kiếm ăn cò dẫm bóng mình trong bài Những ngày đông. Và,
Rặng tre làng hiu hiu xác bạc/ Bóng mỏng che người lây lất mồ hôi của bài
Nhớ quê. Những chữ
bóng của bóng tre, bóng cò ở đây đều hàm chứa sự chuyển động lặng lẽ của thời gian.
Cũng như thế, nhiều câu thơ không có chữ nào cụ thể về thời gian, nhưng người đọc vẫn cảm thấy thời gian thường trực trong cảnh, trong vật. Bài thơ
Phan Rang khắc họa ấn tượng khô khát
Trên cát trắng đàn bò gặm nắng/ Tháp Chàm nung dáng xương rồng hoang. Trong động tác của
đàn bò gặm nắng, trong từ
nung gắn với tháp Chàm, ta nghe rõ tiếng thời gian nhỏ giọt nhọc nhằn. Hoặc trong
Đêm lời mẹ ru, Phạm Quốc Ca viết:
Cành xoan thiêm thiếp trăng tà/ Lặng im một giọt sao sa cuối trời/ Xếp ba lô nửa cuộc đời/ Rưng rưng con gặp đêm lời mẹ ru. Bốn câu thơ vời vợi vẻ tự nhiên hoành tráng. Chỉ bốn câu này đủ đứng riêng trọn vẹn một bài tứ tuyệt. Ngoài vẻ đẹp hàm súc còn cho ta thấm thía cảm thức về thời gian, bao dung và độ lượng.
Bên cạnh dòng thời gian tiềm ẩn, Phạm Quốc Ca có những bài đề cập trực tiếp đến thời gian tàn nở, trôi chảy. Bài thơ Không đề là như thế.
Chăm suốt năm trời lan chẳng nở/ Bỏ quên huệ lại đâm bông/ Màu đỏ rực hồn nhiên dâng tặng/ Hoa nhỏ sao thương đến nhói lòng. Đâu phải ý thơ chỉ dừng ở giò lan, khóm huệ, bài thơ còn đủ âm vang khua động bao nỗi niềm ở cuộc đời đâu thiếu sự trớ trêu này. Bài Đối ẩm với người xa Phạm Quốc Ca tự cảnh sinh tình đã có được những câu thơ hào sảng, âm hưởng như một khúc hành cổ điển:
Bạn đến rồi đi như mây trắng/ Ta buồn như đỉnh Lang Biang/ Tựa khung cửa sổ ngồi độc ẩm/ Cuối năm nở muộn đóa quỳ vàng. Đặt thời điểm cuối năm cho bài thơ thật đắc thế. Lại còn hai câu thơ trong Ráng đỏ hoàng hôn:
Trong quên nhớ ngoảnh về phương bạn ngã/ Hoàng hôn dần giống mọi hoàng hôn. Thời gian không còn vô tư khách quan bên ngoài nữa, mà đã đi vào nội tâm chủ quan, thành sự day trở trong tâm thức con người. Trong sự xót xa tiếc nuối, có dằn vặt, ân hận.
Tới bài
Thời gian, nhà thơ đã trực diện đặc tả thời gian thành hình tượng mạnh:
Những toa vô hình/ Con tàu không tiếng/ Lặng lẽ trôi về ga cuối không màu/ Không vé khứ hồi hai lần tuổi trẻ/ Sao cuộc đời mình vào những không đâu. Tôi bỗng thèm có ngay một cây bút mực đỏ để khuyên dài mấy chữ
những không đâu. Vẫn là cách nói thường ngày, qua thi hứng của nhà thơ, chữ ấy đã thành thái độ, thành trách nhiệm, cho ta một cái nhìn, để nhận ra đâu là cái vớ vẩn nhất thời, đâu là sự tồn tại vĩnh hằng…
Một tập thơ xinh xắn, khiêm tốn với 31 bài, mà đủ sức chuyển tải cả dòng thời gian sâu nặng, nhiều sắc thái đến thế, còn mong muốn gì hơn.
Nhớ
Sao cứ nhớ những phương trời chưa đến
Xứ lạ quê người thấp thoáng trong mơ
Biển rộng trước ngực trần đón gió
Cánh buồm xa phấp phới như cờ.
Sao cứ nhớ những người chưa gặp?
Đâu đó chờ ta nồng ấm chân tình
Đâu đó chờ ta dịu dàng đằm thắm
Tình yêu, bạn bè, anh em…
Kỳ lạ thế: Êm đềm không chịu nổi?
Chốn thân quen - sách cũ đọc rồi.
Ta ở nơi này
Hồn nẻo khác
Nhớ những ngày chưa sống khôn nguôi.
PHẠM QUỐC CA
|
ANH VŨ