"Chim én liệng trời cao" - Khúc tráng ca nơi núi rừng Tây Bắc

09:06, 07/06/2018

Ở tuổi ngoại bát tuần, nhà văn Ma Văn Kháng vừa cho ra mắt tác phẩm gần 400 trang sách phát triển từ truyện ngắn Chim én của ông khởi bút gần nửa thế kỷ trước. Tác phẩm viết về đất và người Tây Bắc vẫn luôn là thế mạnh của nhà văn bậc thầy này. Trên văn đàn Việt Nam, có lẽ hiếm tác giả có sức viết dẻo dai, bền bỉ như nhà văn Ma Văn Kháng.

Ở tuổi ngoại bát tuần, nhà văn Ma Văn Kháng vừa cho ra mắt tác phẩm gần 400 trang sách phát triển từ truyện ngắn Chim én của ông khởi bút gần nửa thế kỷ trước. Tác phẩm viết về đất và người Tây Bắc vẫn luôn là thế mạnh của nhà văn bậc thầy này. Trên văn đàn Việt Nam, có lẽ hiếm tác giả có sức viết dẻo dai, bền bỉ như nhà văn Ma Văn Kháng.
 
Bìa tiểu thuyết “Chim én liệng trời cao” của nhà văn Ma Văn Kháng
Bìa tiểu thuyết “Chim én liệng trời cao” của nhà văn Ma Văn Kháng

Tác giả từng là giáo viên dạy Văn và hiệu trưởng một trường cấp ba tại tỉnh Lào Cai. Hơn 20 năm tuổi trẻ gắn bó với vùng đất này, dường như cuộc sống, văn hóa của người dân vùng núi rừng Tây Bắc đã trở nên máu thịt trong ông. Bút danh Ma Văn Kháng khiến nhiều độc giả tưởng rằng đây là nhà văn miền núi, người dân tộc thiểu số, chứ ít ai nghĩ ông là nhà văn Hà Nội gốc, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ra tại làng Kim Liên, quận Đống Đa, một ngôi làng cổ của Hà Nội.
 
Ông từng chia sẻ: “Linh giác đây là vùng đất, vùng thẩm mĩ đầy bí ẩn đã mê hoặc tôi ngay từ khi tôi vừa đặt chân lên mảnh đất Lào Cai, vùng địa đầu của Tổ quốc. Gọi linh giác có lẽ là chính xác vì lúc đó tôi 18 tuổi, vậy mà lại đinh ninh rằng ở vùng đất này, mình sẽ làm được cái gì đó để lập thân, lập nghiệp và có ích cho đời, thế có lạ không?”. 
 
Chim én liệng trời cao là khúc ca đẹp, hùng tráng về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của người dân vùng núi rừng Tây Bắc khoảng thời gian cuối những năm 40, đầu những năm 50 của thế kỷ trước.
 
Bối cảnh câu chuyện diễn ra tại địa bàn Cam Đồng - một xã gồm bốn thôn người Tày và một thôn U Sung trên núi cao thuần người Dao. Cuộc chiến đấu đầy gian khổ, sự trưởng thành của người dân về tư tưởng và tinh thần đấu tranh cách mạng thể hiện xuyên suốt qua nhân vật Tiển. Từ một cậu bé ở bản quê Cam Đồng hằng ngày ngồi trên lưng trâu, ngắm “bầy chim én cất tiếng rộn vang trên bầu trời sớm mai”, thổi sáo trúc bài “Chim én liệng trời cao”, Tiển sớm gia nhập vào hàng ngũ những người làm cách mạng, trở thành chiến sĩ liên lạc và trưởng thành cùng sự phát triển của cách mạng trên mảnh đất quê hương. 
 
Cuộc đời Tiển cũng giống như những con chim én khao khát được tung cánh trên bầu trời tự do, bất chấp bão giông cuộc đời, bất chấp sự kìm kẹp của bè lũ tay sai tàn bạo khét tiếng núp bóng thực dân xâm lược. “Những con chim én có tài bay liệng đáng được xếp vào bậc cao thủ... Khi lao vun vút như những mũi tên. Lúc dang rộng đôi cánh xoay vòng êm ả. Bầy sinh vật lông vũ lúc này như muốn chứng tỏ mình mới thật sự là những kẻ có đặc quyền tự do, vừa tài ba vừa mạnh mẽ nhất thế gian. Mình là kẻ có sức mạnh chinh phục cả bầu trời, bất chấp cả gió mưa giông bão”.
 
Trong tác phẩm, nhà văn Ma Văn Kháng khắc họa sinh động nỗi cơ cực của bà con miền núi dưới sự áp bức, bóc lột của lý trưởng Vi Văn Tăm thâm hiểm, tên đồn Tây Brusex tàn bạo, tổng Ngao hung ác khét tiếng, Vi Văn Dẻn lươn lẹo... Hết thuế thân, người dân phải lo nộp thóc gạo, lợn gà cho đồn Tây, rồi bọn cai trị lại “lấy nước chạy cối ngàn độc quyền xay xát thóc gạo, không cho dân lấy nước làm ruộng”, ruộng tốt thì chúng chiếm cả, chỉ để lại cho dân những mảnh cằn cỗi. Có những người như anh Lẳng, bà cụ Trì phải ở đợ cho lý trưởng cả đời không trả hết nợ. Thanh niên trai tráng thì bị dồn đi phu đi lính phải bỏ mạng, hoặc “may mắn trở về được thì chỉ còn cái xác người”.
 
Tác phẩm cũng ca ngợi những chiến sĩ cách mạng dũng cảm, tài ba, những người tiên phong đến với vùng rừng núi Tây Bắc để giác ngộ cách mạng cho bà con, cùng người dân đánh giặc như anh Tố, Trần Hòa, hay Kim - “anh chàng tiểu tư sản học sinh rất khoái trò phiêu lưu mạo hiểm”.
 
Những mối tình thầm lặng, e ấp tựa bông hoa rừng buổi sớm mai như mối tình anh Tố - chị Va, mối tình giữa Tiển và Phin... khiến tác phẩm thêm nhiều sắc màu sống động.
 
Nhà văn Ma Văn Kháng cũng dành nhiều trang viết đẹp về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, với “nắng sớm phết lớp quang dầu bóng bẩy trên các chóp núi, hồng dâng cả một vùng rừng trúc”, với những “ngọn núi là đứng mãi ở lưng trời và những cánh rừng là trải ra mênh mang xanh mướt”; hay hình ảnh, hương vị đầy sức sống khi mùa cốm tới: “Nếp đã vào đòng được hơn một tuần trăng, phổng phao từng chuỗi hạt, vít cong ngọn mỗi thân lúa. Bầy én đã chuyển cư, nhưng chèo beng lại về từng bầy. Những con chèo beng lông xanh bóng, đuôi xẻ đôi, dập dờn cặp cánh lượn, cất tiếng hót liên hồi giữa làn hương sữa thơm tỏa lên mỗi lúc một ngào ngạt từ mỗi khu đồng”.
 
Chim én liệng trời cao góp phần làm phong phú thêm dòng sách văn học chiến tranh cách mạng, giúp độc giả hiểu thêm về chặng đường gian khổ mà không kém phần oai hùng của những người lính bộ đội Cụ Hồ và nhân dân Tây Bắc trong giai đoạn gây dựng lực lượng, chống lại âm mưu bành trướng của thực dân xâm lược. Tác phẩm cũng ngợi ca những con người chân chất, mộc mạc nhưng can đảm, nhanh trí, hết lòng vì sự nghiệp chung. Đọc tác phẩm, độc giả còn được đắm mình trong vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ và những nét văn hóa đậm đà bản sắc của vùng núi rừng Tây Bắc.
 
Tác phẩm được thai nghén gần nửa thế kỷ, kết tinh văn tài, bút lực của nhà văn Ma Văn Kháng, có lẽ cũng là món nợ ân tình mà ông trả nghĩa cho “vùng đất thẩm mỹ” của mình.
 
Với hàng loạt tác phẩm có giá trị về cả đề tài miền núi lẫn cuộc sống thời đổi mới, nhà văn Ma Văn Kháng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả: Vùng biên ải (tiểu thuyết, 1983); Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết, 1985); Côi cút giữa cảnh đời (tiểu thuyết, 1989); Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết, 1989); Chó Bi, đời lưu lạc (tiểu thuyết, 1992)...
 
Ông nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong sự nghiệp sáng tác: Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Truyện ngắn chọn lọc, Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn.
 
KHÔI NGUYÊN THẢO