Nhà báo và những vần thơ thăng hoa

10:06, 14/06/2018

Trong làng báo Lâm Đồng, ở mỗi thế hệ người cầm bút đều xuất hiện những hồn thơ. Nhiều nhà báo làm thơ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả ở cả hai lĩnh vực, có thể kể các nhà báo - nhà thơ Hà Linh Chi, Việt Hưng, Vũ Thuộc, Phạm Vĩnh, Nguyễn Thanh Đạm, Trần Ngọc Trác, Uông Thái Biểu, Hồ Xuân Trung, Lê Đình Trọng... Bên cạnh những tác phẩm báo chí nóng hổi tính thời sự, những bình luận sắc sảo trước các vấn đề cuộc sống đặt ra, ngòi bút của họ đã thăng hoa cùng những vần thơ.

Trong làng báo Lâm Đồng, ở mỗi thế hệ người cầm bút đều xuất hiện những hồn thơ. Nhiều nhà báo làm thơ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả ở cả hai lĩnh vực, có thể kể các nhà báo - nhà thơ Hà Linh Chi, Việt Hưng, Vũ Thuộc, Phạm Vĩnh, Nguyễn Thanh Đạm, Trần Ngọc Trác, Uông Thái Biểu, Hồ Xuân Trung, Lê Đình Trọng... Bên cạnh những tác phẩm báo chí nóng hổi tính thời sự, những bình luận sắc sảo trước các vấn đề cuộc sống đặt ra, ngòi bút của họ đã thăng hoa cùng những vần thơ.
 
Những nhà báo làm thơ vừa nắm bắt những vấn đề thời sự để đáp ứng yêu cầu thông tin của báo chí, nhưng cũng vừa rung cảm trước vấn đề, sự kiện, trước cuộc sống, sáng tạo nên những vần thơ có giá trị về tư tưởng và nội dung, nghệ thuật. Giác quan nhạy bén, trái tim nóng hổi, thơ - báo luôn tương hỗ đập cùng nhịp đập cuộc sống. Với báo chí, sự tỉnh táo, cái đầu lạnh, luôn đặt lợi ích cộng đồng và sự phát triển của xã hội làm mục tiêu, báo hỗ trợ cho thơ để thơ không đi vào cái tôi cá nhân, mà biến những xúc cảm riêng tư thành cái của “chúng ta”, hòa tình yêu nhỏ, rung cảm nhỏ vào tình yêu lớn. 
 
Sự gặp gỡ giữa thơ và báo chính là cuộc lao động chữ nghĩa. Ngòi bút có lúc là “khuôn phép” của các thể loại báo chí, nhưng có lúc lại “tung tẩy”, lãng mạn cùng những vần thơ. Thơ và báo cộng hưởng với nhau, tạo nên những bài báo giàu xúc cảm, giàu hình ảnh, đi sâu vào từng khía cạnh đời sống, từng số phận con người. Từ hiện thực cuộc sống nhà báo tiếp cận cũng trở thành những vần thơ sống động, chân thực được nhìn nhận bằng cảm quan của người làm báo. 
 
Làm báo là một công việc vất vả, thì khi làm thơ sẽ là những khoảng lặng riêng để thư giãn, giải tỏa, giảm căng thẳng sau những ngày dấn thân, lăn lộn với thực tiễn cuộc sống. Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925 - 2018), Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu trang thơ của các nhà báo làm thơ. 
 
PHẠM VĨNH
 
Đà Lạt ngày về 
 
Tôi lại về thành phố cao nguyên 
Sau năm tháng nhớ thương như lửa cháy 
Năm sắp hết nụ xuân bừng thức dậy 
Lạnh cao nguyên vương xuống lưng đèo
 
Con đường qua nơi gặp tình yêu 
Nên đồi núi quay tròn tình tự 
Thác trắng xóa như áo dài tiên nữ 
Bay về đâu còn vắt lại bên đồi
 
Những làn mây trắng mỏng chơi vơi 
Trôi về đỉnh Lang Bian huyền thoại 
Tòa tháp cổ bâng khuâng chiều nắng trải 
Suy ngẫm gì qua năm tháng rêu phong?
 
Nước Xuân Hương lấp lánh sắc trời trong 
Xe ngựa chạy đồi Cù căng ngực thở 
Anh đào nở xốn xang lòng đôi lứa 
Ô che đầu bước dựa vai nhau
 
Đà Lạt của tôi - thành phố sắc màu 
Bao kỷ niệm hồn nhiên như tuổi nhỏ 
Hồng ngọt Trại Hầm, bơ thơm Xuân Thọ 
Rau tươi Tân Lạc, hoa đẹp Vạn Thành...
 
Những con đường dang rộng cánh tay xanh 
Ôm ấp những mái nhà yên ả 
Những ánh mắt thân thương gần gũi quá 
Như cơ hồ chưa có tháng năm xa!
 
Tôi bước đi theo điệp khúc vui ca 
Vườn trong phố, phố bên hồ, suối, thác 
Màu cổ tích lung linh trên nền nhạc 
Của đại ngàn thông xanh mênh mông...
 
 
NGUYỄN THANH ĐẠM
 
Mặt nạ Thị Nở      
(Nhớ nhà văn Nam Cao)
 
Lặng trước chân dung gốm, 
                tôi nhận ra nứt vỡ tiếng cười
Phành phạch tàu lá chuối  
                 khua nghiêng ngả âm u 
                              bóng lò gạch điêu tàn
Mắt mượt đen sóng, gió sông đêm lấp loáng…
Nghệ nhân cùng Chí Phèo chếnh choáng
                     ngất ngưởng đắm say trăng…
 
Qua ngọn lửa rực trên ngàn độ
Màu đất nâu thô ráp hóa phận người
Khóe miệng trễ phớt lờ đàm tiếu
Mặt nạ Thị Nở ư?
                 Không, hiện diện nhân tình!
 
 
 
UÔNG THÁI BIỂU
 
Miền ký ức 
 
Bao năm làng giờ đã phố
Chân cò đậu mái bê tông
Cầu tre bập bênh ký ức
Người xa... hiu hắt cánh đồng 
 
Ngày về rưng rưng đáy mắt
Cố nhân phiêu dạt phương nao
Mái đình cong như dấu hỏi
Ngàn năm xơ xác gió Lào
 
Lặng tìm dấu chân bé dại
Ríu ran ấm chợ quê nghèo
Chạm ánh mắt chiều lạ lẫm
Hồn chùng như buổi hạ nêu
 
Bao năm làng giờ đã phố
Chân trần lạc bước cố hương
Dấu xưa lùi miền ký ức
Hanh hao tóc rối nhòa sương…
 
 
 
HỒ XUÂN TRUNG
 
Bài thơ chưa đặt tên
 
Có lời khẩn cầu bật ra từ hàng cây 
Từ hơi thở
mắt môi
màu lá
Từ dốc núi em qua tháng ngày gió cả 
Chốn em ngồi thơ thẩn chiều đi
 
Tìm trong hoang sơ của biển 
Mùi ngọc trai xây xước nhân tình 
Tìm trong thâm u của núi 
Váng vất hồn muông thú phiêu linh
 
Bật lên từ đất đai 
Ruộng vườn sỏi đá
Từng nụ chồi xanh mang tính nết con người 
Lời mẹ ru quằn ngọn tre, cò lả 
Gió mưa về buôn buốt đồng quê
 
Em giấu mặt bao năm
Nẻo về thôi mong ngóng
Giấc phù sinh mang mang nhịp thở rừng
Thầm nhắc nửa dòng sông đi vắng
Con nước vời xa hoang hóa nhân tình
 
Có lời khẩn cầu từ hàng cây 
Run run nhành lá nhỏ nhoi 
Cất lên bài ca cuối cùng 
Mùa đông sau lạnh hơn 
Người ngồi đấy 
Đợi vầng trăng tư lự 
Mặc chiều nghiêng qua vai 
Chậm rãi...
 
Và tự hát
Về qua bến nước mây trôi 
Xanh trời hư ảnh núi đồi...
 
QUỲNH UYỂN