Kính thưa vợ hai của bố

09:06, 28/06/2018

Họ tên đầy đủ của tôi là Đỗ Mai Hiền. Cái tên đặc sệt con gái mà tôi lại là đàn ông 100%. Đỗ là họ bố, Mai là họ mẹ. Nhưng sao lại cái tên Hiền yếu ớt, không đúng với tính cách mạnh mẽ của tôi. Tôi thừa hưởng vóc dáng cao lớn, cân đối của bố, nước da trắng hồng và gương mặt đẹp của mẹ.

Họ tên đầy đủ của tôi là Đỗ Mai Hiền. Cái tên đặc sệt con gái mà tôi lại là đàn ông 100%. Đỗ là họ bố, Mai là họ mẹ. Nhưng sao lại cái tên Hiền yếu ớt, không đúng với tính cách mạnh mẽ của tôi. Tôi thừa hưởng vóc dáng cao lớn, cân đối của bố, nước da trắng hồng và gương mặt đẹp của mẹ.
 
Tôi học chỉ vào loại khá. Sau này chỉ đỗ đại học ngành lấy thấp điểm: Xã hội học. Cả làng bảo tôi ngoan. Ấy là kể từ mười tuổi về trước. Chớm mười một tuổi, tôi bỗng thay đổi tính nết.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Năm tôi tròn sáu tuổi, em gái tôi hai tuổi thì mẹ tôi qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Tôi không biết buồn, biết khóc lúc ấy. Em tôi cũng vậy. Tôi còn hỏi bố sao lại cho mẹ nằm xuống kia. Bố bảo mẹ đi Tây Trúc buôn bán, ba năm nữa mẹ về sẽ có nhiều quần áo đẹp cho hai anh em. Ngoan nào, Hiền của bố.
 
Cô Miên, em gái út bố tôi, lấy chồng cách nhà tôi một cây số. Sau ngày mẹ tôi mất, ngày nào cô cũng phóng xe cúp 50 cũ rích ghé qua nhà tôi: Tắm cho anh em tôi, chải tóc v.v… Bốn năm liền như vậy, rồi không hiểu từ lúc nào, khi tôi học lớp 3, tôi ghét những người đàn bà lạ đứng nói chuyện với bố ở ngoài đường hoặc trong nhà tôi.
 
Cô Miên thường nói với tôi - bắt đầu từ lúc tôi bước chân vào lớp 1:
 
- Cháu không được cho bố cháu lấy vợ. Nếu bố cháu lấy vợ, các cháu sẽ khổ lắm. Đất nhà cháu đang có giá, mẹ ghẻ cháu sẽ chiếm hết cho con bà ta, hai anh em cháu ra đường mà ở.
 
Tôi cũng mấy lần nghe cô nói với bố tôi rằng anh hãy lấy cô Thìn, em chồng của em, cô này bị chồng bỏ vì vô sinh. Không có con thì cô ta sẽ thương các con anh, khỏi phải “con anh, con tôi, con chúng ta”, mệt muốn chết.
 
Bố tôi không nói lại. Ông chỉ im lặng. Khi tôi đang học lớp 4, em tôi học lớp 1 thì bố tôi lấy vợ. Cô Miên nghiến răng trợn mắt nói:
- Cái con ấy nó mồi chài bố chúng mày, chúng mày ra ở đường thôi.
 
Từ khi nghe phong phanh bố tôi sẽ lấy cô giáo dạy trung học cơ sở, và cho đến lúc hai người tổ chức lễ cưới, cô Miên ngồi với ai cũng nói:
 
- Tôi xem ra chị ta lười lắm, không biết anh tôi và các cháu tôi có nhờ được không?
 
- Trông tướng mạo cô ta ươn hèn như tiểu thư… thảo nào 35 tuổi không có ai lấy, phải lấy người góa vợ.
 
- Mẹ kế, mẹ ghẻ có bao giờ thương con chồng chứ.
 
- Liệu cô ta có tốt như chị dâu trước của tôi không?
 
Ngày bố tôi cưới vợ mới, cô đem hai anh em tôi đi trốn, xuống tận thị trấn huyện. Cô dỗ dành hai anh em tôi ăn phở, mua cho mỗi đứa một áo mới. Em gái tôi khóc đòi về, cô dọa vợ hai của bố mày là phù thủy đấy, ác lắm…
 
Ba giờ chiều, cô mới cho hai anh em về nhà cô, đúng lúc bố tôi, bác ruột tôi sang tìm. Bác tôi quát to, cô đưa chúng nó đi đâu. Láo quá, không coi ai ra gì. Cô khóc lóc đổ tội do hai em tôi đòi đi! Bố tôi hiền lành, ít nói, chỉ giục hai anh em lên xe máy bố đưa về.
 
Cái xe máy, theo trí óc non nớt của tôi thì nó đẹp hơn xe cô tôi rất nhiều. Tiếng máy nhẹ êm, không ùng oàng, đoành đoạch như xe của cô Miên. Về đến nhà, vợ mới của bố tôi chạy ra bế em gái tôi, âu yếm nói, con gái mẹ xinh quá. Mẹ bế nào. Chà chà, anh hai Hiền, có áo mới đẹp quá. Tôi không nói gì, đi vào nhà. Ngay sau đó, tôi biết chiếc xe máy bố tôi đón anh em tôi về là của… vợ mới của bố. Đêm nằm bên bố, tôi nhớ mãi lời cô Miên:
 
- Anh em mày không được gọi bà ấy là dì, là mẹ nghe chưa. Nếu phải gọi thì “Thưa vợ hai của bố”, hoặc là thưa dì ghẻ, nhớ đấy. Ngoan nghe lời cô, cô sẽ cho tiền ăn kem.
 
Thế mà tôi lại nghe lời dặn của cô tôi mới lạ chứ.
 
Người mà tôi gọi là vợ hai của bố có tên là Hòa, dạy học ở trường làng tôi. Từ ngày về nhà tôi, cô Hòa chăm sóc cho hai anh em tôi rất cẩn thận: Lo ăn sáng, ăn trưa, lo giặt giũ, may mặc áo quần, lo sách vở học hành. Chủ nhật nào cũng đưa hai anh em xuống phố huyện chơi, rồi cho ăn kem, ăn bánh kẹo. Tôi không nói gì, cô cho cái gì thì cầm, không như em gái tôi nhõng nhẽo:
 
- Mẹ mua cho con… mẹ mua cho con.
 
Bố tôi bảo sao bốn tháng rồi, Hiền không gọi mẹ là thế nào? Tôi lại nhớ lời của cô Miên chứa trong đầu tôi, nay có dịp tuôn ra:
 
- Con không thích bố lấy vợ. Cô Miên bảo mẹ kế, mẹ ghẻ thường là độc ác. Cô bảo mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng!
 
Bữa ăn, tôi cắm mặt vào mâm bát, không mời cô Hòa mà chỉ mời bố.
 
Rồi ba năm đi qua, trong ba năm ấy tôi vẫn lạnh lùng với mẹ kế. Kể cả khi cô Hòa sinh với bố tôi một bé trai. Lúc nó một tuổi, ai cũng bảo sao nó giống tôi như lột về khuôn mặt. Trong khi đó, tôi có khuôn mặt đẹp giống mẹ tôi. Tôi bế nó đứng trước gương lớn - giống thật! Lạ vậy nhỉ? Sao nó không giống mặt mẹ nó mà lại giống mẹ tôi. Tôi cũng ít nói như bố tôi, từ khi ông có vợ mới, tôi càng lầm lỳ hơn. Chỉ có em gái tôi là quấn quýt bên cô Hòa.
 
Cô Hòa càng tìm cách gần tôi, tôi càng xa lánh. Cho đến đầu năm học lớp 12, bố tôi gọi riêng tôi ra, ông nói đại ý:
 
- Mẹ Hòa không đẻ ra anh em con, nhưng gần 8 năm qua, mẹ Hòa lo lắng cho anh em con, cho cả nhà ta. Sắp tới con vào đại học, mẹ Hòa sẽ vất vả nữa. Tôi nói luôn, ai bảo bà ta lấy chồng làm gì? Không cần bà ta lo, đã có cô Miên lo cho anh em con.
 
Bố tôi bỗng cười phá lên thật to, điều mà tôi chưa thấy bao giờ - cười to, cười lâu, cười đến chảy nước mắt, mãi sau bố tôi mới nói đại ý rằng:
 
- Từ khi mẹ con mất, cô Miên mua cho hai anh em con mỗi đứa một cái áo, hồi bố cưới mẹ Hòa, cô ấy đem hai con đi trốn… thế là lo đấy hả? Nhà cô ấy kiết xác, vẫn cái xe tòng tọc mười sáu năm buôn rau vặt, làm gì ra tiền cơ chứ. Mở mắt ra đi con. Bố biết, cô Miên xui anh em con, nếu phải gọi mẹ Hòa, thì gọi là mẹ ghẻ ơi, dì ghẻ ơi và xưng là cháu chứ không gọi mẹ xưng con. Bà ấy có đẻ ra các cháu đâu mà gọi mẹ? Cô còn dặn các con đừng nói là cô bảo nhé.
 
Tôi giật mình! Sao bố biết hết nhỉ? Người lớn phức tạp thật. Ngay việc cô Hòa sinh em bé, cô Miên cũng xui tôi, nếu mẹ ghẻ Hòa sai bế con bà ta thì bắt bà ta phải nôn tiền ra! Thế là hơn chục lần, cô Hòa bảo tôi bế em để cô quấy bột, hoặc giặt giũ cho em, tôi đòi tiền, cô cũng đưa luôn. Tôi đắc thắng. Chuyện này, bố tôi không biết, chắc là do cô Hòa không mách lại với bố tôi. Nhưng chuyện cô Miên nói gì, làm gì với anh em tôi, bố tôi biết hết. Bố tôi nói tiếp:
 
- Cô Miên mà không là em ruột bố thì bố sẽ xử lý. Nào có cho cháu, cho anh được gì mà cao đạo. Mẹ Hòa về nhà mình, đem theo năm cây vàng do tiết kiệm được sau mười ba năm dạy học để sửa chữa nhà ta đây. Chứ không phải mẹ Hòa ăn bám bố như cô Miên nói với con đâu. Vậy mà con thường chọc giận mẹ Hòa theo lời cô Miên xúi giục. Rồi thì lúc nào cần nói gì với mẹ Hòa, con đều nói:
 
- Kính thưa vợ hai của bố! Ví như mẹ bảo trông em thì con nói, kính thưa vợ hai của bố, thuê cháu thì phải trả tiền! Con xưng với mẹ Hòa là “cháu” trong khi em con thì luôn “mẹ - mẹ - con - con”. Phải làm gương cho em chứ. Sắp đi đại học rồi. Không có mẹ Hòa giúp sức thì các con làm sao được như ngày nay.
 
Tôi nghe cứ như “nước đổ đầu vịt”. Thế rồi, giữa học kỳ một năm học lớp 12, tôi nói với cô Hòa:
 
- Kính thưa vợ hai của bố, cho cháu xin tiền mua chiếc điện thoại thông minh và chiếc xe máy ạ! Cô Hòa không tươi cười như bao lần nói chuyện với tôi, lần này cô im lặng nhìn tôi một lúc lâu:
 
- Điện thoại cũ còn dùng được, con cứ dùng đi, khi vào đại học mẹ sẽ mua. Xe máy cũng vậy, con phải thi cho có bằng lái đi. Xe của mẹ đấy, năm giờ chiều bảo bố hướng dẫn cho mà tập đi. Tôi gắt:
 
- Tôi xin đàng hoàng mà vợ hai của bố không cho là sao? Thế mà gọi là mẹ à? Cô Hòa vẫn ôn tồn, nhưng nét mặt rất nghiêm:
 
- Con chưa đủ 18 tuổi, với lại, phải tập trung cho việc thi tốt nghiệp và thi đại học. Có giấy báo đại học, mẹ sẽ cho con lựa chọn loại điện thoại, loại xe máy con thích. Vậy nhưng cái thằng tôi không chịu hiểu ra mà lại quát to:
 
- Bà chỉ lo cho con bà thôi, anh em tôi bà có lo được cái gì. Đúng là loại mẹ ghẻ, khác máu tanh lòng mà. Bà biến khỏi nhà này ngay cho tôi nhờ!
 
Bà ấy không nói gì, chỉ òa khóc.
 
Hôm ấy chủ nhật, bố tôi đến phiên trực bảo vệ cơ quan, tôi lên nhà cô Miên. Kể cho cô nghe xong, cô nói phải thế mới được, bố mày từ khi có vợ hai, có coi con cái, anh em ruột thịt ra cái gì đâu.
 
Tối, bố tôi về, thấy cô Hòa sưng mọng cặp mắt, ông gạ hỏi vì sao em khóc? Cô Hòa lắc đầu nói là bị bụi vào mắt nhiều quá. Thằng em tôi, con của cô Hòa với bố tôi, gần 6 tuổi, nó nói câu được câu chăng đại ý là anh Hiền cái mẹ (cãi mẹ). Nhưng cô Hòa gạt đi, không phải đâu. Tôi đứng ngoài thềm nghe rất rõ. Rồi cửa mở và tiếng cô Hòa nhỏ nhẹ:
 
- Con về rồi à, vào tắm đi còn ăn cơm chứ.
 
Cô Hòa đấy, vẫn ngọt ngào! Ai mà ngọt ngào là nguy hiểm, là nhiều âm mưu lắm. Cô Miên vẫn nói thế.
 
* * *
 
Rồi tôi vào đại học, tôi đã có xe máy, nhưng không phải loại “Phiu trờ” tôi thích mà là xe Sanda Hàn Quốc. Đích thân bố tôi đưa đi mua, rồi điện thoại thông minh, cả hai loại đều rẻ tiền, dù là mới đập hộp. Tôi oán hận dì ghẻ, chỉ có bà ta xui bố tôi mà thôi, cho nên tôi tỏ ý không thích, không thèm hai thứ đó, thì bố quát to:
 
- Biến mẹ mày đi, không học nữa, ở nhà mà bốc cứt. Nhà nghèo mà thích xài sang. Thế là tôi “ngậm đắng nuốt cay” nhận hai thứ đó. Hai tháng sau vào đại học, tôi lại đòi mua cái vi tính xách tay. Cũng được mua ngay.
 
… Ra trường tôi xin được việc làm ở một công ty nước ngoài, không theo ngành mình đã học. Lương tháng 700 đô. Sau 7 tháng làm việc, tôi lấy vợ, vợ tôi học trung cấp kế toán, cũng làm ở công ty nước ngoài. Bố mẹ vợ tôi buôn bán bất động sản, có nhiều tiền gửi ngân hàng. Ông cho vợ chồng tôi căn nhà cấp bốn, rộng 80m2, ở trong hẻm. Rồi vợ tôi sinh hai đứa trong ba năm. Sinh vào mùa hè, nên nghỉ hè, vợ hai của bố tôi lại xuống hầu hạ vợ con tôi cả 3 tháng. Tôi vẫn giữ khoảng cách với bà. Khi cần tôi chỉ khẽ gọi “Thưa dì”. Chuyện của tôi với mẹ kế, bố mẹ vợ, anh em nhà vợ, vợ tôi đều không biết, họ còn đánh giá tôi là đứa hiếu thảo.
 
… Nhưng rồi, ly nước đầy quá cũng tràn ra ngoài, khi mà, lúc con lớn tôi 4 tuổi, con bé 2 tuổi rưỡi, tôi nghỉ phép một tháng, đưa vợ và con từ thành phố về quê với bố đẻ tôi. Suốt 3 tuần lễ, vợ tôi và tôi chỉ ngồi, đi ra đi vào để mẹ kế tôi hầu hạ mọi chuyện. Mà tiền thì tôi không đưa cho bà một xu. Bởi tôi nghe cô Miên nói đã là mẹ kế thì phải lo cho con chồng tất tần tật. Rồi, một hôm, vào buổi trưa ăn xong, mẹ kế tôi gọi riêng tôi ra sau nhà, nói với tôi:
 
- Mấy năm nay con làm ăn đã có tiền, trước kia con đi học mẹ không nói, nhưng có lương mà về tết, về phép, nhiều lần rồi, con không đưa cho mẹ một xu, ăn tiêu tốn nhiều quá con ạ. Vợ con thì không giúp gì bếp núc cho mẹ.
 
Tôi nói, đó là chuyện của bà, bà không lo được, đã có bố tôi lo. Bà lại khóc rấm rứt.
 
Đúng lúc ấy, không hiểu từ đâu, bố tôi lao vào, một cú đấm như trời giáng vào mặt tôi, kèm theo câu chửi:
 
- Thằng mất dạy. Thằng vô ơn bạc nghĩa! Tôi lau máu trên mũi rồi đi nhanh vào nhà, dọn đồ đạc, giục vợ đi ngay trưa đó. Bà Hòa chạy ra giữ chúng tôi lại:
 
- Thôi thôi, cho bố mẹ xin... Tôi quát:
 
- Không mẹ con gì hết. Biến!
 
* * *
 
Cả một năm sau đó, tôi không liên lạc về nhà, bố tôi cũng không liên lạc với tôi. Chỉ có em gái tôi đang học đại học năm thứ 2 thường liên lạc về nhà rồi thông báo lại cho tôi. Tôi thề không bao giờ trở về cái nhà ấy nữa.
 
Hơn một năm trời, tôi như quên hết ở quê nhà. Cô Miên nhân dịp này lại tha hồ thêu dệt xấu về cô Hòa, và điện thoại kích động tôi. Cho đến một hôm, em gái tôi điện cho tôi, đại ý: Nó tranh thủ từ trường về nhà 3 ngày, mẹ Hòa bị tai nạn gãy ống chân phải đã bó bột, hiện nằm một chỗ, thằng út phải hầu hạ mẹ. Mẹ Hòa bảo em nhắc anh chú ý giữ ấm cổ, ngực cho hai đứa con của anh, vì mùa đông đến rồi. Cả anh nữa, cẩn thận giữ ấm cơ thể, cẩn thận khi đi xe máy…
 
Nó nói thêm, mẹ bị mười lăm ngày rồi, không dám gọi cho anh và em, mẹ sợ anh em ta còn mắc công việc. Đúng, tôi mới được bổ nhiệm phó phòng 6 tháng nay, áp lực công việc quá lớn. Làm với người nước ngoài không thể lơ mơ về thời gian. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi có thuê người giúp việc, nhưng buổi tối vẫn vất vả lo cho hai đứa con. Lúc chúng sổ mũi, nhức đầu, tôi lại nhớ lúc bố tôi chưa lấy vợ hai, ông chăm lo cho hai anh em tôi hơn 4 năm trời, biết bao khó nhọc. Lại cô Hòa nữa, nếu không quá lứa lỡ thì, ai người ta lấy người đã có 2 con, trong khi cô cũng xinh đẹp. Tôi vụt dậy. Ra ngay bến ô tô…
 
… Tôi lao vào phòng mẹ Hòa. Mẹ nằm đấy, cặp mắt mở to nhìn lên trần nhà, bất động như suy nghĩ điều gì. 
 
Tôi đến bên mẹ, chỉ gọi mỗi một câu “Mẹ”! Mẹ tôi hỏi khẽ: Con về đấy à, vợ và con có khỏe không? Hãy cho hai đứa về đây, mẹ trông cho. Mẹ biết hai vợ chồng con làm cho công ty nước ngoài là vất vả lắm.
 
Tôi òa khóc như trẻ con. Mẹ bảo là bố rồi, ai lại khóc nhè. Năm xung tháng hạn của mẹ thôi mà. Mẹ không sao đâu.
 
Ngồi bên mẹ rất lâu, tôi không nói được câu gì, mặc dù trong đầu đã nghĩ ra những lời sẽ nói với mẹ nhưng trước mẹ, lưỡi tôi như đóng băng. Tôi muốn nói: Mẹ ơi, con đã hiểu sai về mẹ, cũng chỉ vì người ta kích động, và cũng vì con ích kỷ, không thương đến bố nên mới có chuyện con hỗn láo với mẹ hơn chục năm qua. Mẹ tha lỗi cho con.
 
Tôi lại nhớ bao nhiêu lần cô Miên nói với tôi: Mồ côi cha thì ăn cơm cá, mồ côi mẹ nhặt lá ngoài đường. Không ai tốt bằng mẹ đẻ. Nhưng, nghĩ lại thì thấy rằng, mẹ Hòa đã lo cho anh em tôi ăn, học, may mặc suốt từ năm em tôi 7 tuổi, tôi 11 tuổi đến khi tôi lấy vợ, sinh con, em tôi lại vào đại học. Vậy mà tôi thật ích kỷ suy nghĩ nông cạn. Thế là, tôi lấy hết can đảm đỡ mẹ ngồi dậy, sau đó tôi quỳ xuống chắp tay xin lỗi mẹ. Mẹ Hòa nói, con đứng lên đi, ai cũng có sai xót. Sai thì sửa. Đứng lên, con trai của mẹ.
 
Hai hôm sau, vào ngày chủ nhật, bố tôi nghỉ ở nhà, tôi về thành phố, hai vợ chồng xin nghỉ một tháng không lương, rồi đưa hai con chúng tôi về với ông bà nội.
 
Tháng 6 năm 2018
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG