Cầm trên tay cuốn bút ký - phóng sự "Dưới gầm trời lưu lạc" anh tặng, đây là một trong số 21 cuốn sách trong hơn 20 năm làm báo của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã xuất bản. Đọc và ngẫm ra rằng, cái hạnh phúc lớn nhất của người làm báo chính là những cuộc phiêu lưu kỳ thú...
Cầm trên tay cuốn bút ký - phóng sự “Dưới gầm trời lưu lạc” anh tặng, đây là một trong số 21 cuốn sách trong hơn 20 năm làm báo của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã xuất bản. Đọc và ngẫm ra rằng, cái hạnh phúc lớn nhất của người làm báo chính là những cuộc phiêu lưu kỳ thú...
|
Bìa cuốn bút ký - phóng sự “Dưới gầm trời lưu lạc” của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng |
Ngay như lời tựa cuốn sách, anh thừa nhận mình “nghiện đi” để cho ra đời hàng loạt phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký đáng để đời.
Những ngày tháng 5, gặp anh trên cao nguyên Đà Lạt qua lịch trình dày kín các chuyến đi. Vẫn nụ cười hồn hậu, dáng vẻ chân chất, ánh mắt đam mê, cho tôi cảm thấy ấm lòng ở người anh đồng nghiệp - đồng hương ấy vẫn như thuở nào. Và gặp anh lần nào cũng vội vì với nhà báo Doãn Hoàng “cuộc đời là những chuyến đi” trong hành trình dọc ngang đất nước bởi những đề tài anh nung nấu từ rất lâu. Viết - với anh như là “định mệnh” không thể không đi và không thể không viết nên tôi thường động viên anh rằng: “Đi và viết khi còn sức để những trang viết quý giá hôm nay biết đâu sau này sẽ trở thành “thư viện vô giá” cho con cháu của chính anh em mình...”.
Như nhà báo Nguyệt Hà (viết trên Văn nghệ Công an - Báo CAND) nói Đỗ Doãn Hoàng là người luôn giữ được lửa trong mỗi cuộc hành trình dù hành trình ấy là lên đỉnh “Nóc nhà Đông Dương” Mã Pí Lèng, Lũng Cú hay những thâm sơn cùng cốc với những bản người dân tộc thiểu số quanh năm mây phủ... Anh bảo rằng những cuộc “độc hành” vẫn luôn đem lại nhiều điều thú vị, và có lẽ vì thế ta rất khó tìm thấy Đỗ Doãn Hoàng ở cuộc họp báo nào đó.
Tác giả thích cảm giác “... lãng mạn trên mọi cánh bay. Say mê ô tô và xe máy. Nghiện mua sắm vali, balo, túi xách. Toàn những thứ để xê dịch. Anh nghiện sưu tầm đá sỏi đặc trưng từng vùng địa lý cùng các cuốn sổ tay mang thương hiệu mỗi quốc gia”. Anh còn có thú vui và hạnh phúc khi “nghiện” rửa những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử trong từng chặng đường đất nước mình đã từng đến. Qua mỗi khoảnh khắc của những bức ảnh ấy chính là sự kiện: “Đây, con đèo cao nhất thế giới Tây Tạng, kia hai sải bơi của chính tôi, khi lượn từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương ở mũi Hảo Vọng (Nam Phi). Kia nữa, hắn thò chân xuống Biển Đen ở Sochi (Nga) rồi lại thắp nhang cho Khổng Minh ở miếu Vũ Hầu bên đất Ba Thục huyền thoại (Tứ Xuyên, Trung Quốc...). Anh gọi cách đi bộ, leo núi, cưỡi xe máy, đi ô tô của mình là để “lang thang gầm trời”. Anh chia sẻ với tôi: “...Anh đã đi dưới gầm trời và cũng gặp họ trong một hành trình lưu lạc vừa vật vã, cô đơn lại vừa nồng ấm. Họ đã ban cho anh niềm vui và cả những bài học ám ảnh... Đôi lúc muốn viết lại, giống như để lưu giữ những chiếc đồng hồ mình đã đeo, những thẻ lên máy bay mà bầu trời đã thêm một lần xướng tên mình vào trong mây gió”.
Với Doãn Hoàng, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm và dưới góc nhìn sâu sắc đầy nhân văn của một nhà báo, anh đã chuyển tải chân thực đến bạn đọc tình yêu thiên thiên vô bờ bến như “đứa trẻ” luôn thích gần muông thú. Mỗi trang sách cứ ngồn ngộn hiện ra trước mắt bởi những phận người, phận tình, những cảnh đời của biết bao kiếp người khắp năm châu nơi anh đã từng đặt chân đến, có khi là tại chính vùng đất của quê hương Việt Nam. Đó là câu chuyện về một cô gái Do Thái 25 tuổi, tóc vàng và mắt xanh như nước biển đã bỏ ngang giấc mơ đi vòng quanh thế giới của mình, khi gặp lũ trẻ sống trong hang núi đầy khói thuốc phiện, sống dưới mức sống của một con người tại SaPa. Cô kêu cứu đến mười lăm tổ chức bảo vệ trẻ em và thiện nguyện của quốc tế và Việt Nam, rồi cô và chính tác giả đã bò như thạch sùng vào hang tội lỗi kia để cứu đám trẻ và bố mẹ lầm lạc vì ma túy, HIV. Câu chuyện được chuyển tải qua tác phẩm “Cô gái tóc vàng dưới gầm trời lưu lạc” dẫn đến Phó Thủ tướng vào cuộc chỉ đạo Bộ Công an cùng cơ quan chức năng Lào Cai giải quyết dứt điểm thảm trạng.
Những trang báo đẫm lệ và nhân lên lòng yêu nước cho mỗi người đọc khi được nhà báo Doãn Hoàng chuyển tải qua tác phẩm “64 tượng đài bằng máu trên biển Gạc Ma”, hay tác phẩm “Trở về sau 60 năm ngự trên bàn thờ” đã cho bạn đọc biết thêm về một câu chuyện huyền bí của ông Hoàng Văn Phẩm sau 60 năm được vợ và con thờ cúng ở bên Lào nay đã trở về bằng xương, bằng thịt với những bi tráng, hào hùng, những quật cường của một con người...
Qua trang viết của Doãn Hoàng, người đọc lại biết thêm về những câu chuyện mới với nhiều “thông điệp” mà tác giả muốn chuyển tải tới bạn đọc, nào là “Những “chiến binh” đạp sóng trên Biển Hồ”, hay “Chầm chậm đi qua nước Nga tráng lệ”, “Sang Hàn Quốc mà mua núi lửa”, “Dưới bóng đỏ nghìn năm của Đại Phật”, “Tiếng gà trưa ở Tam giác vàng”, “Ở bộ tộc hươu cao cổ”, “Nhẩn nha ở vương quốc chim cánh cụt”... mà ở đó “những chuyến bay có sức mạnh gột rửa và làm tươi mới tâm hồn”. Còn với nước Ý, tác giả lại cho bạn đọc một cái nhìn mới qua tác phẩm “Lãng mạn với “nữ hoàng biển Adriatic” về kinh thành nổi tiếng chưa từng có sự hiện diện của ô tô, đó là Vơ - ni - dơ “nữ hoàng biển Adriatic” được nhân loại vinh danh là vùng đất nên đến trước khi bạn chết (before you die) và đến đây, bạn sẽ bị tê liệt hoàn toàn mọi tham, sân, si, khổ hạnh của kiếp người trước vẻ đẹp tráng lệ của thành phố Venice. Nói như tác giả Doãn Hoàng “... lúc ấy, chỉ có cảm xúc dâng trào. Lúc ấy, nơi này sinh ra chỉ để cho các tuần trăng mật, cho lứa đôi nói lời yêu, cho những cuộc tình rạn nứt được hàn gắn. Cho người ta thêm một lần gạt bỏ mù quáng thường nhật, tự tẩy trần để cảm nhận được hết những món quà đích thực mà thượng đế đã ban tặng cho kiếp phận mình”. Ôi! đọc và mơ ước được đặt chân đến những vùng đất tuyệt đẹp này và cảm nhận qua cách cảm của nhà báo Doãn Hoàng sẽ là mơ ước của rất nhiều thế hệ trẻ làm báo hôm nay và mai sau, trong đó không ngoại lệ - có tôi!
|
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tại Vương quốc Thái Lan |
Tác giả lại đưa tôi lạc vào “Penang, miền cổ tích phong trần giữa đại dương” với ngợp sắc trong các vườn chim, rừng bươm bướm xinh - một ốc đảo bình yên với vẻ cổ kính phong trần giữa đại dương bất tận. Rồi đến vẻ đẹp của “Thụy Sỹ, núi trắng hồ xanh, chỉ ghé thăm thôi, thì tiếc lắm” mà theo nhà báo Doãn Hoàng “chưa chia tay đã len lén nhớ nhung” và cả những dòng sông băng bí ẩn, những cánh rừng như được quét tước, những lâu đài, những ngôi nhà cổ tích và cảm nhận cách làm du lịch tuyệt vời của các nước bạn khi con số thống kê được đặt lên bàn “mỗi người đón 200 du khách một năm”, đã tạo nên thương hiệu nức tiếng của Malaysia. Đọc - ngẫm và tôi đã cảm được một tấm lòng yêu trọng thiên nhiên, nâng niu thiên nhiên, hoang thú như “báu vật” và không phải dễ dàng khi anh được gọi cái tên “Nhà báo môi trường” khi anh đã “chạm vào sự mầu nhiệm của thiên nhiên, xót xa trước sự tàn phá của con người với thiên nhiên khi cảnh “phá rừng, săn thú” vẫn ngày đêm diễn ra ở khắp các khu rừng Việt Nam. Anh “đau” trước nỗi đau của phận người, của một cánh rừng bị tàn phá, một di tích quốc gia đang bị xâm hại... và sau mỗi bài phóng sự là một kết quả nhân văn, bởi hầu hết các nhân vật, vấn đề nêu lên đều có sức lay động mạnh và được các cơ quan chức năng giải quyết, can thiệp kịp thời.
Đồng quan điểm với tác giả Bùi Thảo trên vietvan.vn “So với những cây bút phóng sự “gạo cội” như Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Như Phong... cái tên Đỗ Doãn Hoàng - hiện phóng viên phụ trách mảng phóng sự Báo Lao Động (nay là Trưởng Ban Điều tra) nổi lên như một hiện tượng. Bền bỉ - ám ảnh và ấn tượng. Qua những con chữ như biết nhảy múa, có sức lay động, bằng tài năng của mình nhà báo Doãn Hoàng thực sự đã thể hiện được trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Đúng như PGS.TS Ngô Văn Giá, người thầy của nhà báo Doãn Hoàng, của tôi và nhiều thế hệ sinh viên báo chí khi nói về Doãn Hoàng “... cứ thế Hoàng mang trái tim nóng rực đi giữa thế gian, đi “dưới gầm trời” mà không khi nào bị lạc bởi anh đã tìm được nơi cần đến, những người cần gặp và những chuyện cần bàn...!”. Và xin được kết thúc bài viết cũng bằng chính vần thơ mà Thầy giáo chúng tôi tặng cho anh - nhà báo Doãn Hoàng với chất du lãm tạo nên những tác phẩm báo chí mang vẻ đẹp văn chương, vẻ đẹp nghệ thuật:
“Thông tin tươi ròng và mới lạ.
Cảm xúc ngồn ngộn và mời gọi.
Chi tiết độc sáng, kinh tâm.
Chữ nghĩa bời bời, cá tính”.
NGUYỆT THU