Tranh Đặng Ngọc Trân trong "mắt xanh" người nước ngoài

08:06, 28/06/2018

Vừa qua, họa sĩ Đặng Ngọc Trân đến Hội VHNT Lâm Đồng, hào hứng báo tin với tôi: Tháng 4/2017, ông Pierre Mironer - nhà thơ và nhà giáo người Pháp đến nhà mình bỏ ra 8 ngày tìm hiểu, nghiên cứu tranh của tôi...

Vừa qua, họa sĩ Đặng Ngọc Trân đến Hội VHNT Lâm Đồng, hào hứng báo tin với tôi: Tháng 4/2017, ông Pierre Mironer - nhà thơ và nhà giáo người Pháp đến nhà mình bỏ ra 8 ngày tìm hiểu, nghiên cứu tranh của tôi. Về Pháp, ông viết thư cho Bảo tàng Rennes xin tài trợ cho tôi triển lãm tại Pháp với lý do: “Tháng tư này tôi đã phát hiện một số tác phẩm cực kỳ lý thú của họa sĩ Đặng Ngọc Trân ở Việt Nam. Tất cả những tranh sơn dầu acrylic có kích cỡ lớn được đóng khung đàng hoàng chỉ còn chờ chúng ta phát hiện, hoàn toàn xứng đáng cho một triển lãm tầm cỡ quốc gia”... Vào tuổi 90 thì anh bảo cũng khó mà theo đuổi cuộc “mang chuông”... xuất dương. Ông Pierre Mironer lại gợi ý hay là “triển lãm chuyên về tranh bút đen (tranh bút bi) để chuyên chở nhẹ nhàng hơn”, song tôi cũng đành từ chối trước thịnh tình này. Không thực hiện được dự định, tác giả đã viết và xuất bản cuốn sách giới thiệu tranh Đặng Ngọc Trân bằng tiếng Pháp, phát hành ở châu Âu, gồm 72 trang.
 
Tác phẩm của họa sĩ Đặng Ngọc Trân
Tác phẩm của họa sĩ Đặng Ngọc Trân
Say sưa trò chuyện rồi “lão” họa sĩ cho tôi xem bức thư của Pierre Mironer viết ngày 1/5/2017 được ông dịch sang tiếng Việt: “Không có gì đáng nghi ngờ, khi đã vào phòng tranh của ông trên đường Nguyễn Công Trứ và có một số ấn tượng về người họa sĩ ngoại hạng này, gần hơn (với cách nhìn thuần túy Á Châu để so sánh với các bậc thầy hiện đại là một việc làm không dễ) đó là những cố gắng tìm tòi cái mới trong hội họa ngày nay...”. 
 
Tập sách viết về họa sĩ Đặng Ngọc Trân gồm những nhận xét và cảm nghĩ của Pierre Mironer trước một số tranh từ hai dòng chảy trong sáng tạo nghệ thuật về “Hiện thực truyền thống” và “Hiện thực liên tưởng”. Với loại tranh hiện thực truyền thống phần tranh hoa của Đặng Ngọc Trân, tác giả có trích dịch bài thơ “Người say vẽ hoa giữa phố hoa” của nhà thơ Trần Ngọc Trác. Từ những bức tranh hoa, Pierre Mironer xúc cảm và viết 4 bài thơ ngẫu hứng. Sau phần tranh hoa, cuốn sách đề cập đến “tranh bút bi” đã làm nên sự nghiệp hội họa của Đặng Ngọc Trân. Phần này được minh họa bằng ảnh chụp một số tác phẩm hội họa, có dành riêng 1 trang cho bức “Trong công viên Tao Đàn” (kích cỡ 90 cm x 110 cm). 
 
Bìa sách giới thiệu họa sĩ Đặng Ngọc Trân
Bìa sách giới thiệu họa sĩ Đặng Ngọc Trân
Phần thứ hai cuốn sách là phần thơ của tác giả được ghi chú “Đề tài bắt nguồn từ cảm xúc trước những bức tranh vẽ cây cỡ lớn của Đặng Ngọc Trân, một họa sĩ có tên tuổi ở Đà Lạt - Việt Nam”. Những năm gần đây, họa sĩ Đặng Ngọc Trân dày công nghiên cứu và viết sách về một khuynh hướng sáng tác gọi là “Hiện thực liên tưởng”. Theo họa sĩ: “Hiện thực liên tưởng” là một khái niệm nghệ thuật bắt nguồn từ những cái mà mọi người không ai chú ý. Victor Hugo khi bị lưu đày ra đảo Guernesey đã nhặt nhạnh những mảnh giấy loang lổ nét mực hay bã cà phê, thêm thắt một vài nét cho thấy hình ảnh một con tàu đang cưỡi những con sóng dữ của trùng dương. Những di vật này thỉnh thoảng được trưng bày để người hậu thế chiêm ngưỡng. Sự liên tưởng đã tồn tại trong nhận thức con người có từ xa xưa... Từ một chiếc áo đi mưa màu xanh, tôi đã vẽ “Thung lũng pha lê”, từ vỏ cây già tạo ra bức “trùng trùng điệp điệp” của một cảnh núi non hùng vĩ, từ địa y vẽ bức “một vùng hoa trắng”. Tháng 10/2008, đi dự trại sáng tác ở biển, tôi làm thơ và vẽ bức “Nghinh phong”. Tranh treo ở phòng khách, khách đến chơi, có người thấy giống khói thuốc, có người lại nói giống đầu sư tử. Còn tôi lại thấy đó là một kiều nữ uyển chuyển thướt tha. Từ đó, tôi quyết định hệ thống các ý tưởng nói trên và khởi xướng “Hiện thức liên tưởng”... Trong sách, Pierre Mironer có nhận xét: “Với Đặng Ngọc Trân, “Hiện thực liên tưởng” có thể tóm tắt bằng mấy chữ: Khám phá - chọn lọc - phối hợp liên tưởng với kỹ năng chính xác - Tôn trọng người xem. Đó là cánh cửa của “Hiện thực liên tưởng”. Với loạt tranh “Hiện thực liên tưởng” của Đặng Ngọc Trân, Pierre Mironer viết: “Ông Trân thích dạo chơi ở những nơi có nhiều cây cối. Những chỗ đó dành cho ông sự trầm tư mặc tưởng thâm thúy và bàn tay ông làm nhiệm vụ của con mắt thứ ba! Vỏ cây, sỏi đá, hoa cỏ trong vườn được những ngón tay điêu luyện tạo cho chúng nên cao thượng tuyệt vời, có nhiều thứ trong lúc tình cờ bắt gặp. Chúng ta phải chùng bước né tránh thì chỉ có “thánh mới biết” tại sao có thể hấp dẫn ông ngắm nghía, và chính những thứ tầm thường nhỏ nhặt đó lại được ông đưa lên khung vải một cách nâng niu trìu mến”. Pierre Mironer bình luận: “Tranh của ông Trân có độ chính xác cao gần như khoa học, nhưng vẫn giữ được tính hồn nhiên của tuổi thơ”, “những mảng tối sáng được ông hoàn thiện thật chu đáo”, “bố cục tranh chứng tỏ rất vững vàng trong nghệ thuật xúc giác (L’art du Toucher) và nghệ thuật thị giác (L’art de voir), cách phối màu của ông cũng đạt đến trình độ thể hiện được tính tư tưởng và cuối cùng là tính triết lý”. Trong cuốn sách, tác giả còn trích dẫn những quan niệm, in tác phẩm của các danh họa châu Âu nổi tiếng và bình phẩm, giải thích tại sao “khi xem tranh của Đặng Ngọc Trân, làm người ta nghĩ tới Rembrandt (1606 - 1669), Turner (1775 - 1851) và Albrecht Durer (1471 - 1528)...”. 
 
Các tác giả trong nước và nước ngoài đã viết nhiều về nhà giáo, họa sĩ nổi tiếng Đặng Ngọc Trân với nét đặc sắc nhất là thể loại tranh bút bi mà ông bỏ gần cuộc đời dâng hiến cho từng nét vẽ. Tác phẩm cũng theo người đam mê, nhà sưu tầm tranh đến nhiều phương trời. Thế nhưng, tập sách của Pierre Mironer giới thiệu về tranh, về “hiện thực liên tưởng” của Đặng Ngọc Trân có thể đây là món quà quý, vinh dự đối với không riêng “cây cọ” gạo cội đã bước vào tuổi “cửu tuần” mà còn là niềm vui đối với giới họa sĩ, công chúng mỹ thuật Đà Lạt, Việt Nam.
 
NGUYỄN THANH ĐẠM