Ðôi đũa

08:07, 26/07/2018

Cô cán bộ bảo tàng xinh đẹp vừa gặp tôi đã như người vớ được của, kéo tôi ngồi bằng được xuống ghế. Trịnh trọng đặt phin cà phê trước mặt tôi, cô nói như cầu khẩn

Cô cán bộ bảo tàng xinh đẹp vừa gặp tôi đã như người vớ được của, kéo tôi ngồi bằng được xuống ghế. Trịnh trọng đặt phin cà phê trước mặt tôi, cô nói như cầu khẩn:
 
- Thật may quá! Gặp nhà văn đây rồi. 
 
- Có việc gì mà hối lộ cà phê vậy? - Tôi cười vui vẻ.
 
Cô cán bộ bảo tàng xổ ra một tràng trong hơi thở gấp:
 
- Có việc lớn đây ạ. Là vì thế này. Để thực hiện chủ trương của tỉnh về quảng bá, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ của Đại đội Thanh niên xung phong 915 anh hùng, bảo tàng của chúng em làm nhiệm vụ sưu tầm những kỉ vật của các liệt sĩ và của những người còn sống sót trong trận bom B52 hủy diệt vào đêm No-en năm 1972 tại ga Lưu Xá, 60 chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Trận bom ấy tôi biết, nhiều người biết, nhưng như vậy thì có gì mà cô cán bộ bảo tàng lại cần đến một nhà văn quèn như tôi? Nghĩ vậy, tôi khẽ lắc đầu:
 
- Cái việc của bảo tàng ấy thì tôi giúp được gì cơ chứ.
 
Cô bảo tàng xua xua tay:
 
- Thế này anh ạ. Bác cựu đội viên thanh niên xung phong ấy còn giữ được một đôi đũa tre từ ngày còn ở đơn vị. Tuy rất nhỏ bé như thế, nhưng lại là một thứ rất quí giá mà bảo tàng chúng em hết sức quan tâm. Nếu nó được trưng bày trong nhà truyền thống thì chắc chắn sẽ động đến trái tim cả vạn, triệu con người. Vậy mà em thuyết phục thế nào bác ấy vẫn không chịu hiến cho bảo tàng.
 
Tôi cười, đùa:
 
- Chỉ là một đôi đũa. Ông ấy “boong - ke” gớm nhỉ?
 
- Không phải như thế đâu anh. Trước đó bác ấy đã hiến tất cả những gì mình có. Một cái ba lô, một chiếc chăn chiên, một cái áo thanh niên xung phong, rồi cả cái ca hoa hồng tráng men được phát hồi còn tại ngũ, đến giờ bác ấy vẫn dùng hàng ngày. Em cũng kể thêm chuyện này cho anh nghe. Cái hôm Đài Truyền hình và Bảo tàng tỉnh có mời bác ấy về thành phố quay hình ảnh tư liệu, khi xong xuôi, Đài Truyền hình có tặng bác ấy một phong bì tiền. Hôm Đài đưa xe bác ấy trở lại bản, khi chia tay, bác ấy đưa lại, bảo mọi người cầm về uống nước dọc đường cho đỡ khát. Tất nhiên chúng em trả lại bằng được. Anh bảo, người như vậy là quá tốt bụng chứ sao “boong - ke” được. 
 
Bây giờ thì tôi hiểu. Đôi đũa ấy là một kỉ vật bất li thân chăng? Nhưng thành thật tôi vẫn không hiểu cô cán bộ bảo tàng muốn nhờ tôi trong chuyện gì.
 
- Này, nhưng cô trông chờ gì ở tôi?
 
- Anh là nhà văn, lí lẽ đầy mình, lại từng là bộ đội, tuổi tác sàn sàn, em muốn nhờ anh thuyết phục giúp em thêm. Nói sao để bác ấy nhận ra rằng nếu đôi đũa kia để trong hòm thì một mình bác ấy biết, nó chỉ là của riêng mình, còn nếu đem trưng bày thì kỉ vật đó sẽ trở thành kỉ vật thiêng liêng cho toàn dân tộc.
 
“Chà! Rất đúng bài bản và cũng vô cùng thuyết phục”.
 
Tôi lo lắng:
 
- Cô nói đến vậy mà ông ấy vẫn không nghe, thì tôi biết nói sao đây? 
 
- Vì thế mới phải nhờ đến nhà văn. 
 
Dù biết sức mọn của mình chắc cũng khó làm lung lay tâm can ông cựu thanh niên xung phong khó tính kia, nhưng vì cũng có chút tò mò nên tôi vui vẻ nhận lời.
 
* * *
 
Tôi lặn lội hơn trăm cây số để tìm gặp người cựu thanh niên xung phong có phần hơi khó tính đang nắm giữ trong tay một kỉ vật thiêng liêng là đôi đũa tre. 
 
Trông ông già hơn cái tuổi sáu nhăm. Gầy gò, khắc khổ, một mắt đã hỏng hẳn.
 
Trong căn “nhà tình nghĩa” chưa đầy ba mươi mét vuông, trống huơ trống hoác, ông ngồi như một bức tượng.
 
Ông lặng lẽ quan sát tôi trong bộ dạng máy ảnh, kính bút, ghi âm, máy tính sột soạt một hồi, rồi với giọng của một người Tày nói tiếng Kinh còn pha âm điệu của dân tộc mình, ông khẽ nói: 
 
- Viết về người khác đi. Các nhà văn, nhà báo đã viết về tôi nhiều rồi. Cũng không còn gì để mà nói nữa lố.
 
Tôi ngồi xuống cái ghế gỗ mốc thếch đối diện, cười thân thiện:
 
- Lên chơi, tâm sự với anh thôi, không viết gì đâu.
 
Ông gật gù:
 
- Thế thì tốt rồi mà. Cái người đến tâm sự với ta ít lắm. 
 
Không hiểu do dáng vẻ của tôi trông giản dị, dễ gần hay do vài lời ban đầu thân thiện, chân tình mà ông có vẻ quí tôi. Chưa ngỏ một câu phỏng vấn nào mà ông như đã phơi hết tâm can với một người vừa mới quen. Cũng có lẽ vì ông biết rằng lời kể của ông là chỉ để ôn lại quá khứ, để tâm tình chứ không phải để viết lên sách báo, nên rất hồn nhiên.
 
Như người bị thôi miên về những câu chuyện cũ đầy đau thương, ông kể lại cho tôi cái phút cuối cùng của ông và Nga - cô người yêu. 
 
Chỉ sau đợt bom đầu tiên tối hôm ấy, ông đã bị một tảng bê-tông đè lên phần dưới thân người. Ông nén đau đớn, cố rũ lớp đất cát phủ trên đầu, kêu to: “Thắng đây! Thắng nằm ở đây! Quanh đây có ai không?”. Trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê nhưng dường như ông vẫn nghe văng vẳng đâu đó tiếng người yêu kêu rên một cách yếu ớt: “Anh ơi… cứu… em… cứu… em” ở ngay phía dưới nơi ông nằm. Đang trong cơn đau rã rời nhưng ông vẫn nhận ra đó là tiếng của Nga. Vậy là ông đã bị bom hất lên mặt đất, còn Nga bị kẹt phía dưới hầm. Những tiếng kêu xót xa, bất lực của người yêu làm ông tỉnh lại đôi phần. Bỗng ông thấy từ một khe hổng dưới tảng bê tông ngay trước mặt có một vật nhỏ trồi dần lên. Trong ánh sáng nhập nhòa của những đám cháy, ông nhận ra đó là đôi đũa tre. Ông bỗng nhớ lại. Sáng nay, khi toàn đơn vị đang tập hợp trên sân Đại đội bộ để nghe lệnh đi làm nhiệm vụ, Nga đã lén đặt một đôi đũa vào tay ông, khẽ nói trong hơi thở:
 
- Em tặng anh mà… đôi đũa em “khác” vót đấy…
 
Ngày ấy đơn vị cấm tiệt yêu đương, không ai được phép ngỏ ý chuyện tình cảm nam nữ. Cử chỉ của Nga như vậy có nghĩa là đã bóng gió xa xôi rằng tình yêu đã được ngỏ lời và mong được sự chấp nhận. Trái tim ông lúc ấy run lên vì sung sướng nhưng không hiểu sao ông lại vờ tức giận xen chút đùa cợt:
 
- Cái nhà cô này. Tặng tôi đôi đũa là có ý gì? Bảo tôi tham ăn lố?
 
- Không, không! Anh nghĩ vậy là oan cho em lố. Em thấy anh hơi gầy. Đôi đũa em tặng là để mong mỗi bữa anh ăn thêm một bát cơm mà.
 
Tiếng còi hiệu lệnh hành quân cắt ngang câu chuyện ngắn ngủi của họ. Nga đành lặng lẽ giấu đôi đũa vào trong người.
 
Và kia, từ sâu thẳm hố tử thần, Nga lại trao cho ông đôi đũa mà ban sáng cô chưa thể tặng. Lòng tái tê, ông run rảy đưa tay cầm đôi đũa. Thì ra, thượng đế cũng cám cảnh và mủi lòng trước mối tình thương đau, đã tạo ra một khe hở nhỏ để họ còn tìm thấy nhau, nhận kỉ niệm của nhau trong những giây phút cuối của kiếp người.
 
Ngừng kể một hồi lâu, ông nghẹn ngào nói với tôi như một người mộng du: 
 
- Từ dưới mặt đất, tiếng nói của Nga đứt đoạn. Nga hỏi, tôi có thương Nga không? Tôi gạt nước mắt vội nói rằng tôi thương Nga nhiều lắm. Sau cuộc chiến này, tôi và Nga sẽ sống bên nhau đến trọn đời. Tôi xin lỗi vì sáng nay đã nói những lời không phải với Nga. Tôi nói nhiều, nhiều lắm, nhưng tôi không nghe thấy tiếng Nga trả lời. Tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Vậy là Nga đã ra đi. Lúc ấy, tôi đã ước gì được chết cùng Nga. Bây giờ, điều làm tôi ân hận nhất là không hiểu sao, trước cái phút hành quân đi làm nhiệm vụ ấy, dù không cố ý nhưng tôi đã vờ tức giận và nói với Nga một câu thật vô tâm. Cứ mỗi lần nhớ lại câu trả lời của Nga hôm ấy: “Đôi đũa em tặng để mong mỗi bữa anh ăn thêm một bát cơm mà” là ngực tôi lại thấy có một tảng đá đè nặng. Anh không biết đấy thôi, tôi còn gượng được đến bây giờ chính là nhờ đôi đũa ấy. Anh đừng cho tôi là lẩn thẩn, chứ từ ngày ấy, bữa cơm nào tôi cũng ăn bằng đôi đũa Nga tặng, không xa được đôi đũa đâu mà.
 
Dứt lời, bỗng ông khóc nấc lên. Cơn nức nở không nước mắt. Chừng như nước mắt ông đã cạn khô. 
Đến đây thì tôi đã hiểu, cô cán bộ bảo tàng, tôi và bất cứ một ai không bao giờ nên lấy đi đôi đũa ấy, dù nó có thể rất thiêng liêng cho mọi người. 
 
* * *
 
Ban đầu tôi chỉ định gặp người cựu thanh niên xung phong vì lời hứa với cô cán bộ bảo tàng xinh đẹp chứ không phải chuyện viết lách. Nhưng rồi tôi đã không thể đừng được trước ý định viết lại câu chuyện này với mong muốn nó sẽ thay vì một kỉ vật, nói về những ngày tháng quyết liệt mà bi hùng của những người đã khuất và những người đang sống.
 
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG