Ký ức Đồng Lộc

09:07, 26/07/2018

Một sáng tháng 5, tôi và nhà thơ Yến Thanh - tác giả bài thơ "Cúc ơi" nổi tiếng tìm về nhà ông Nguyễn Thế Linh - Nguyên C trưởng 552 của A4 Võ Thị Tần. Nhà ông Linh ở xóm Mai Long, xã Xuân Lộc. Một điều ngẫu nhiên đây là nơi ngày trước A4 đóng quân và nhà của ông Linh bây giờ chính là sở chỉ huy của đại đội. 

Một sáng tháng 5, tôi và nhà thơ Yến Thanh - tác giả bài thơ “Cúc ơi” nổi tiếng tìm về nhà ông Nguyễn Thế Linh - Nguyên C trưởng 552 của A4 Võ Thị Tần. Nhà ông Linh ở xóm Mai Long, xã Xuân Lộc. Một điều ngẫu nhiên đây là nơi ngày trước A4 đóng quân và nhà của ông Linh bây giờ chính là sở chỉ huy của đại đội. Ông Linh được Yến Thanh gọi điện trước nên đã có ý chờ sẵn bên chiếc bàn tre mộc mạc với ấm nước chè xanh ủ nóng trong giỏ mây mà sáng nay trước khi đi chợ, bà Dung - vợ ông đã om sẵn. 
 
Tác giả cùng ông Nguyễn Thế Linh - nguyên C trưởng 552 ở đồi Trọ Voi
Tác giả cùng ông Nguyễn Thế Linh - nguyên C trưởng 552 ở đồi Trọ Voi

Tôi thật bất ngờ khi biết chị Dung vợ ông Linh là Tiểu đội trưởng A5, bạn rất thân với chị Võ Thị Tần. Ông Linh kể: Điều đặc biệt là A4 có đến 3 cô tên là Xuân, họ đang là tuổi xuân và mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất trong năm. Ngoài hai cô Xuân hy sinh còn có Xuân quê ở Đức Hòa hôm đó được phân công làm cấp dưỡng. Và lạ lắm lại có ba cô tên các loại hoa: Hoa Hường và Hoa Cúc, còn một cô tên là Hồng thì đang đi Quảng Bình lấy gỗ làm nắp hầm. Có lần ở cống 19 bom đánh trúng ngay Tiểu đội 4 đang san đường. Đất vùi lấp mất 4 người là: Cúc, Xuân (Vĩnh Lộc), Hường và Nhỏ. Tuy bị ngất lịm nhưng cả 4 cô tỉnh dậy đều xin ở lại để san lấp hố bom. Sau trận đó ban chỉ huy đại đội không cho A4 lên mặt đường chiến đấu mà lui về tuyến sau làm công việc nhàn nhã và an toàn hơn. Nhưng mấy ngày liên tục o Tần lên xin đại đội cho ra mặt đường và được chấp nhận cách ngày các o hy sinh 4 ngày. Chính sáng cái hôm định mệnh ấy, Xuân (Vĩnh Lộc) đi phép lên. Ông Linh trầm tư nhớ lại: Tôi đang còn ngồi trao đổi công việc với o Tần thì Xuân vào với gương mặt hớn hở. O Tần hỏi: Bố đã khỏi chưa em. Xuân tươi cười: Nhiều rồi chị ạ. Bố bảo em ở nhà vài hôm nữa nhưng em không chịu. Tuy chưa hết phép nhưng suốt ruột quá phải lên với chị em. Mà cũng thật lạ kỳ, mọi ngày chủ yếu là làm ban đêm nhưng hôm đó đột xuất phải làm ban ngày. Tôi nói với Tần: Phải làm ban ngày cho kịp nhiệm vụ là lấp nốt hố bom mới. Sau đó đào lại hầm ven đồi vì tối nay có một đoàn khách đặc biệt đi qua trọng điểm. Trưa đó, chị Võ Thị Hợi bất ngờ xuất hiện. Mọi người ngạc nhiên: Sao lên sớm thế. Hợi đặt túi xách đầy những quà bánh, kê, đậu xanh, chuối chín lên thềm nhà: Quà của A ta đó, mẹ mình gửi lên. Đợt ấy Hợi xin về mấy ngày để gặp anh Sơn - người yêu của cô trong Nam ra nhưng đến phút cuối Sơn có lệnh đột xuất phải ở lại không về được. O Tần bảo: Hợi mới lên còn mệt, tắm rửa nghỉ ngơi, để tiểu đội ra mặt đường tối nay về sẽ liên hoan. Nhưng Hợi nhất quyết xin đi. Tôi hỏi ông Linh: thế chiều hôm đó khi ông giao nhiệm vụ cho A4 ông có nhớ các o mặc quân phục gì không? Ông Linh vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc đó khi đứng trước A4 đã chỉnh tề dụng cụ xếp hàng ngang: Nhớ chứ. Quên làm sao được. Hôm đó cả tiểu đội đều đội nón cài vải dù ngụy trang. Chỉ riêng o Rạng đội mũ TNXP còn mới. O Rạng muốn làm duyên vì da Rạng không bắt nắng. O Cúc mặc áo TNXP nhuộm màu tím than, Hường Sơn Ca (hát rất hay vì thế được gọi là chim Sơn Ca) mặc toàn màu đen trông càng nổi bật nước da màu trắng. O Võ Thị Hà trẻ nhất tiểu đội mặc quần âu đen, áo bà ba màu gụ chẽn lưng nom tươi tắn và trẻ trung. Riêng o Nhỏ thì khác, vì có người yêu lái xe xích ngoài mặt đường mà họ lát nữa đi qua nên mặc bộ quần áo TNXP còn mới với màu xanh cỏ úa đậm đà. Tất cả đều đi dép cao su có quai hậu đồng loạt. O Tần vẫn còn cài chiếc huy hiệu TNXP trên ngực áo lấp lánh, bắt ánh nắng mặt trời. 
 
Vừa lúc ấy, chị Dung đi chợ về khi biết chúng tôi đang tìm hiểu về mười cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc thì chị lặng đi. Chị bảo: Thật tội, hôm đó A5 được phân công 5 người do tôi phụ trách vác gỗ lát hầm đi qua chỗ A4. Tôi nhớ A4 lúc đó đang đào chiếc hầm hình chiếc thước thợ chữ L. Riêng o Cúc nhận đào một cái hố tròn cách đó không xa, đất đồi đá cứng khó đào hơn. Tính Cúc thế, bao giờ cũng nhận việc khó nhất về mình. Tôi hỏi: Cúc ơi đào hố này làm gì? Cúc cười: Hố ni dành cho “Thủ trưởng” Tần chỉ huy. Tôi hỏi Tần: Ta nghỉ giải lao tại đây cho vui, hè! Nhưng Tần ngăn lại: Hầm đào chưa xong, các o ra gần cửa cống kia mà nghỉ an toàn hơn. Khi chúng tôi tới gần cái cống bỗng nhiên máy bay phản lực Mỹ xộc tới. Tốp F4 bất ngờ từ phía sau núi Mũi Mác ập tới cắt bom. Một quả bom đen trũi như mũi tên lao thẳng xuống chỗ A4, nơi cả tiểu đội đang nấp trong chiếc hầm đào chưa có nắp. Ông Nguyễn Thế Linh tiếp lời kể của chị Dung: Lúc đó tôi đang ở trên đài quan sát thấy bom rơi đúng vào chỗ A4 đang làm, tôi lặng người đi và bất chấp máy bay địch còn quanh quẩn trên đầu, bất chấp bãi bom từ trường, vì khi đó tôi tháo bỏ hết những quân trang có dính đến kim loại, kể cả thắt lưng và đồng hồ chạy ào xuống đến nơi thấy bụi đất đỏ và khói bom mù mịt. Tuyệt nhiên không thấy người nào, chỉ có một chiếc nón rách bươm nằm chơ vơ trên đường 15. Tôi nói với mọi người vừa chạy đến: Ta đào bới thật nhanh vào may ra còn sống ai chăng. Hãy đào cẩn thận lỡ cuốc vào chị em. Đến lúc trời nhá nhem tối vẫn chưa gặp dấu vết nào. Bỗng nghe “cốc” một tiếng va phải đòn cáng tải thương. Bới ra đã tìm thấy cửa hầm lộ một mái tóc đen của Võ Thị Tần vẫn ngồi ở tư thế nhìn máy bay, một tay vịn vào vách hầm, một tay chống vào đầu gối người như dướn lên muốn che chở cả tiểu đội phía sau lưng mình. Chúng tôi vội đưa Tần lên, chân tay o đang còn nóng nhưng tim ngừng đập hẳn, mặt tím ngắt. Tôi còn nhớ trên mái tóc o Xuân (Vĩnh Lộc) còn cài chiếc phong bì thư màu hồng. Đó là lá thư của người yêu gửi cho cô vừa nhận được trước khi ra mặt đường. Có o đôi mắt vẫn còn mở đờ dại như không biết việc gì mới xẩy ra, khi tôi lại gần vuốt mắt thì hai dòng máu nhỏ từ mũi ứa ra thật tội. Nửa đêm hôm đó chúng tôi điện ra cho đồng chí Trần Quang Đạt - Trưởng ban Đảm bảo giao thông tỉnh báo tin mười cô gái A4 đã hy sinh, riêng o Cúc chưa tìm thấy. Ông hỏi tôi giọng hơi chùng xuống: Anh xem đã đủ 10 cỗ áo quan chưa. Tôi lúng túng: Dạ, chưa đủ anh ạ! Ông Đạt nghiêm giọng nói rõ từng tiếng: phải cho người ra nhanh thị trấn Can Lộc lấy cho đủ áo quan về tổ chức mai táng trọng thể. Và các anh có biết không ngay ngày hôm sau chúng tôi đã thành lập A4 mới, có o Hồng lính cũ trong tiểu đội làm A phó. Đứng trước hàng quân mới thành lập tôi nói:
 
- Không thể để A4 giặc Mỹ xóa đi được. Phiên hiệu A4 là niềm tự hào của chúng ta, vì vậy tôi đề nghị các đồng chí biến đau thương thành sức mạnh, phát huy vai trò để phấn đấu A4 luôn giữ được danh hiệu đơn vị của mình.
 
Khi tôi đang hỏi chuyện ông Nguyễn Thế Linh về o Cúc, ông Linh chỉ sang Yến Thanh: Chú cứ hỏi ông này vì có liên quan đến bài thơ gọi hồn “Cúc ơi” mới tìm ra được o Cúc sau đó vài ngày. Thì ra Yến Thanh đang lặng lẽ nắn nót chép tặng tôi bài thơ “Cúc ơi” vì biết tôi là tác giả trường ca “Ngã ba Đồng Lộc”. 
 
Bút tích bài thơ “Cúc ơi” của Yến Thanh tặng tác giả
Bút tích bài thơ “Cúc ơi” của Yến Thanh tặng tác giả

Cầm bản thảo bài thơ “Cúc ơi” của Yến Thanh vừa chép tặng, tôi ngạc nhiên kêu lên: chữ anh đẹp quá, vừa bay bổng vừa mềm mại. Yến Thanh cho tôi biết dạo đó anh hay được các nữ TNXP nhờ viết chữ lên gối để họ thêu tặng người yêu. Ông Linh kể: Chiều ngày 25/7/1968, Ty Giao thông vận tải Hà Tĩnh điện cho Uông Xuân Lý đem máy ủi ra đào. Chi bộ Đại đội 552 họp đột xuất cho ra nghị quyết: Tiếp tục đào bằng tay cho đến khi tìm được thi thể đảng viên Hồ Thị Cúc. Vì thế Yến Thanh mới có câu thơ: “Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/ Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng”. Tại nhà Ban chỉ huy C552 gần nơi mà chúng tôi đang ngồi trò chuyện, chiếc hòm cuối cùng được chuyển ra vườn tro chờ thi thể Hồ Thị Cúc. Cảm xúc dâng trào trong lòng Yến Thanh khi hình ảnh o Cúc hiện ra với tuổi ấu thơ khá nhọc nhằn vất vả. Trong ký ức của Yến Thanh, o Cúc tóc loe xoe vàng xoăn tít như đuôi bò, mặt luôn tư lự buồn buồn nhìn sấp. Vì thế Cúc có biệt danh là “Cúc mục”. Thế là mạch thơ ùa ra không cầm nổi nước mắt, ông viết với giọng tâm tình tự sự và cuối cùng là tiếng nấc: Cúc ơi! Như tiếng gọi hồn. Lần đầu ông đặt tên cho bài thơ “Hồn trinh nữ ở đâu”. Rồi lại xóa bởi nghe mang máng như Nguyễn Bính khóc cô hàng xứ. Còn ông, ông đang khóc người bạn nữ anh hùng và ông viết lại tên bài thơ “Cúc ơi”. Trưa hôm sau mới tìm được o Cúc ở cái hầm tròn. Đầu Cúc còn đội cái nón bẹp dí vai tựa cái cuốc. Thi thể nguyên vẹn nhưng tím bầm. Hai bàn tay đầy máu khô. Có lẽ trong tuyệt vọng Cúc đã đào bới nhưng vô vọng. Buổi trưa tìm được thi thể của Cúc trời tháng 7 ở Đồng Lộc rất nóng, gió Lào thổi khô rang, vì thế thi thể phình to ra không bỏ lọt vào quan tài. Một tình huống thật khó khăn đặt ra tưởng như bó tay vì không có một cỗ quan tài nào đặc biệt có chiều rộng như thế. May thay ở trong xóm có một ông cụ có kinh nghiệm trong việc mai táng người chết đuối. Cụ lấy hai chiếc đũa bếp, đũa cả dùng để xới cơm đưa cho người bê thi thể của o Cúc đặt lên mặt hòm. Mình cụ vừa khấn nguyện rì rầm vừa khéo léo dùng hai chiếc “Đũa thần” ấy ấn dần và thật ngạc nhiên thi thể của o Cúc đã nằm vừa vặn trong cỗ quan tài mà không cần phải nắn gãy xương tay chân như một phương án đầu đề ra…
 
Chúng tôi cũng ra ngã ba và thấy rất nhiều công trình đang gấp rút hoàn thành để kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc. Tôi và ông Nguyễn Thế Linh cùng chụp chung một tấm ảnh ở đồi Trọ Voi bạt ngàn hoa sim nở. Trước khi chia tay tôi hỏi ông: Từ ngày các cô mất, ông có gặp lại các cô về trong mơ báo mộng cho mình không? Ông nói: Duy nhất tôi chỉ gặp một lần cách đây mấy năm. Buổi trưa hôm đó đi làm về mệt, tôi thiu thiu ngủ trên cánh võng mắc ngoài vườn tro nơi ngày trước các o hay tụ họp ca hát thì bỗng nghe có tiếng cười nói râm ran. Tôi nhận ra: Tần, Cúc, đủ cả 10 cô vẫn trẻ trung tuổi 18, 20 như thế. Giật mình tôi hỏi: Đã mấy chục năm rồi giờ mới gặp lại các em. Các em có điều chi còn áy náy trong lòng không? Không biết cô nào tôi cũng không nhớ nữa vì cứ chập chờn chỉ nghe một giọng rất thanh và rành rọt: Bọn em không phàn nàn gì đâu, sống trên dương gian hay về dưới này cũng vui vẻ vô tư cả thôi, chỉ thương còn nhiều người đã mất mà hoàn cảnh người thân trên đó còn vất vả quá. Không những TNXP mà còn các anh bộ đội lái xe, công binh, pháo cao xạ, nhiều lắm! Mong sao họ cũng được viếng thăm, thắp hương như bọn em. Nếu có làm cái đền thờ thì đền chung cho mọi người... Tỉnh dậy tôi sững sờ, mồ hôi đầm đìa lạnh cả sống lưng. Và điều ước nguyện của các cô đến nay đã thực hiện được: Ngôi đền thiêng ở Ngã ba Đồng Lộc thờ chung tất cả các liệt sĩ hy sinh ở nơi này đã xây xong. Chắc các cô trong ngày lễ trọng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc sắp tới sẽ yên lòng...
 
Bút ký: NGUYỄN NGỌC PHÚ