Nỗi niềm trong thơ "Lâm hình thời tác" cuối thế kỷ XIX

08:07, 19/07/2018

Thơ "Lâm hình thời tác" là một bộ phận nhỏ của văn học yêu nước cuối thế kỷ XIX, lực lượng sáng tác tập trung chủ yếu ở các văn thân, sĩ phu là lãnh tụ nghĩa quân của các phong trào kháng Pháp. Hầu như những người yêu nước nào biết làm thơ, làm văn thì trước lúc hy sinh đều có thơ tuyệt mệnh để lại. 

Thơ “Lâm hình thời tác” là một bộ phận nhỏ của văn học yêu nước cuối thế kỷ XIX, lực lượng sáng tác tập trung chủ yếu ở các văn thân, sĩ phu là lãnh tụ nghĩa quân của các phong trào kháng Pháp. Hầu như những người yêu nước nào biết làm thơ, làm văn thì trước lúc hy sinh đều có thơ tuyệt mệnh để lại. Họ là những con người ưu tú của thời đại như Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp, Hoàng Diệu, Nguyễn Cao, Nguyễn Đức Duy, Đỗ Huy Liệu, Phan Đình Phùng, Đặng Hữu Phổ, Nguyễn Duy Hiệu, Lê Trung Đình… 
 
Ở phương diện hình tượng nghệ thuật, thơ Lâm hình thời tác đã hoàn thiện thêm hình tượng những sỹ phu, lãnh tụ nghĩa binh. Đó là những bức chân dung tinh thần tự họa của họ. Họ là những nhà nho, trí thức tầng lớp trên, với họ: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Đối với việc hưng vong của quốc gia, người thất phu phải có trách nhiệm. Họ là những người tự thấy mình có trách nhiệm đối với đất nước. Họ sẵn mang trong mình tinh thần trung quân, ái quốc, hơn nữa cùng với truyền thống đẹp đẽ của nhân dân là tư tưởng sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Như Hồ Huân Nghiệp từng nói: “Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi” (Thấy việc nghĩa lẽ nào không dũng cảm ra làm). Bởi vậy khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, đào mồ mả, phá chùa chiền của ông cha, giết chóc, hãm hiếp, đày ải cha mẹ, vợ con, anh em… thì họ - những nhà nho không hề quen với gươm súng và trận mạc đã cầm giáo sắt, bút sắc chiến đấu. 
 
Mặc dù phần lớn xuất thân từ một giai cấp suy tàn, các lãnh tụ nghĩa quân không giống với những người cùng giai cấp mà họ tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, không chùn bước trước gian khổ, không tính toán trước hy sinh. Giống như người nông dân, họ chiến đấu rất dũng cảm và hy sinh rất dũng cảm, khăng khăng một “lòng son giết giặc chết không phai” (Thuật hoài - Nguyễn Xuân Ôn). Những bài văn tế, bài thơ hay câu đối phúng viếng các lãnh tụ nghĩa quân đều tập trung ca ngợi tinh thần đó của họ. Hình ảnh họ thật đẹp:
 
Vì nước anh hùng chết như sống,
Hiên ngang khí phách trước 
cực hình.
Yên dân giữ nước hai vai nặng,
Cười lúc rơi đầu, quỷ cũng kinh.
(Khóc - Nguyễn Hữu Huân)
 
Viếng Hoàng Diệu, một câu đối viết: “Công tử, hữu sinh khí” (Ông chết mà sống mãi). Trong bài văn tế cai Trí cũng viết: “Căm giặc, giết giặc, hồn ông sống mãi với non sông”. Quả thực họ luôn sống mãi trong niềm tưởng nhớ của người đời sau:
 
Một kiếp khoa danh, 
trăm kiếp hùng,
Lâm nguy xử trí vẫn ung dung.
Tấc thề trời đất lòng phơi trắng,
Răng nghiến non sông lưỡi 
rớm hồng.
Nước cũ trung thần lưa một chết,
Thành Rồng chính khí vẹn ba trung.
Ngoài biên nhiều ít ai trông đó,
Ai tủi, ai mừng, ai khiếp ông!
(Viếng - Nguyễn Cao)…
 
Ra sức vì việc nghĩa nên các văn thân, sĩ phu đã dốc lòng, không tính toán tính mạng. Không phải là họ không quý trọng cuộc sống, chỉ vì hơn ai hết, họ sẵn sàng hy sinh cuộc sống, tính mạng của bản thân cho cuộc sống của nhân dân, của dân tộc. Và, điều đặc biệt là vì việc nghĩa “nên hư nào nại”, họ không lấy chuyện thành bại để luận anh hùng. Viết về Hồ Huân Nghiệp, trong “Truỵên Hồ Huân Nghiệp”, Nguyễn Thông đã kể: khi được bạn hỏi việc “Trương Định xướng nghĩa, hào kiệt kéo nhau đến đông như mây. Không biết có thành được không?”. Huân Nghiệp trả lời: “Kẻ làm việc nghĩa, không kể đến thành bại”. Xác định tinh thần chiến đấu như vậy, trong chiến tranh, các sĩ phu, văn thân - lãnh tụ nghĩa binh đã trực tiếp cầm gươm đánh giặc, vừa làm thơ, làm văn để phục vụ cuộc chiến đấu, để cổ vũ, động viên lẫn nhau. Họ làm thơ, làm văn ở mọi nơi, mọi lúc để kêu gọi kháng chiến khi tự do. Và khi bị giặc bắt, trong hoàn cảnh đối diện với cái chết, họ làm thơ tuyệt mệnh để nói lên ý chí bất khuất của mình với một điểm chung nổi bật là tấm lòng sắt son, chung thủy, quên mình cho nghĩa lớn của nhân dân, của dân tộc. Sáng tác của họ ở trong những thời gian khác nhau nhưng hoàn cảnh sáng tác là tương đồng và họ đều đọc trước lúc lâm chung. 
 
Hồ Huân Nghiệp, người làng An Định, huyện Bình Dương (Gia Định) tham gia chiến đấu trong hàng ngũ của Trương Định - được cử giữ chức tri phủ Tân Bình. Bị Pháp bắt ngày 13 tháng 3 năm Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 17 (17/4/1864). Chúng dụ dỗ, tra tấn, bắt ông cung khai những người cầm đầu nghĩa binh, nhưng ông một mực không khai một lời. Thấy tinh thần sắt đá của ông, giặc bèn đem ông ra xử tử. Theo Nguyễn Thông, tác giả Truyện Hồ Huân Nghiệp, lúc sắp hành hình, có tên cố đạo biết chữ Hán, thấy Huân Nghiệp là một người nho học, muốn tìm cách làm cho ông được tha. Hắn đem giá chữ thập ra bảo ông lạy, nhưng ông không chịu khuất, lấy giá chữ thập vứt xuống đất. Đến lúc sắp hành hình, Huân Nghiệp rửa mặt, sửa khăn áo ung dung đọc bốn câu thơ tuyệt mệnh rồi chịu chém.
 
Nguyễn Hữu Huân, người làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (Mỹ Tho), đậu thủ khoa kỳ thi hương năm Nhâm Tý (1832), được bổ nhiệm chức giáo thụ huyện Kiến Hưng - một trong những người trong phe chủ chiến khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ. Ông đã phối hợp chiến đấu với nghĩa quân của Âu Dương Lâu và của Võ Duy Dương. Ông là một trong những thủ lĩnh kiên cường và bền bỉ nhất ở Nam Kỳ. Ông bị giặc bắt đến ba lần, lần thứ hai từng bị đày ở đảo Caiden (Cayenne) ở Nam Mỹ. Sau khi được thả về, ông lại tiếp tục cùng Âu Dương Lâu kháng chiến ở Định Tường suốt từ 1872 đến 1874. Nhưng đến 1875, bị cô lập từ nhiều phía, lại bị kẻ phản phúc chỉ điểm, ông bị giặc bắt. Địch đã dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc nhưng không lay chuyển được ý chí chiến đấu của ông. Trước giờ hành hình, ông rất bình tĩnh, ung dung làm thơ tuyệt mệnh để tỏ rõ chí khí và tâm trạng của mình rồi cắn lưỡi tự sát không chịu để quân giặc chém đầu… 
 
Như vậy, nhìn chung, các bài thơ “Lâm hình thời tác” của mỗi tác giả có những thời gian riêng nhưng đều là những sáng tác được ứng tác, đọc ngay trước lúc hy sinh. Cũng phải thấy rằng, tư tưởng trung quân trong thơ văn yêu nước cuối thế kỷ XIX giai đoạn đầu khi triều đình phong kiến còn sát cánh với nhân dân được thể hiện trong thơ văn rất đậm. Thế nhưng càng về sau, khi triều đình dần dần đầu hàng thỏa hiệp thì tư tưởng trung quân đã có một sự chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, theo trình tự thời gian, càng về sau các tác phẩm thơ văn yêu nước nói chung, những bài thơ Lâm hình thời tác của các tác giả giai đoạn sau tư tưởng trung quân đã nhạt dần và mang đậm màu sắc nhân nghĩa của nhân dân.
 
NGUYỄN CẢNH CHƯƠNG