Hồng Vinh: Thơ cho tư duy nâng tầm khái quát, giúp trang viết có hồn sâu

09:07, 12/07/2018

"Thơ và dấu ấn cuộc đời" gồm 2 phần tuyển 58 bài thơ của Hồng Vinh sáng tác từ cuối năm 2016 và 37 bài bình phẩm trong vòng 10 năm trở lại. 

“Thơ và dấu ấn cuộc đời” gồm 2 phần tuyển 58 bài thơ của Hồng Vinh sáng tác từ cuối năm 2016 và 37 bài bình phẩm trong vòng 10 năm trở lại. 
 
Tiếp theo các tập thơ được xuất bản từ năm 2010: Từ những nẻo đường, Thao thức dòng đời, Nhịp điệu thời gian, Miền thương nhớ, Màu ký ức và Lãng quên thì thầm, nhân 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, nhà báo - nhà thơ PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh (bút danh Hồng Vinh) đã trình làng tập “Thơ và dấu ấn cuộc đời” (Nxb Văn học 2018) khá dầy dặn (431 trang). Trong lời thưa tập sách, nhà thơ tâm sự: “Sau khi xuất bản 6 tập thơ và 2 cuốn sách về báo chí, tôi xúc động nhận được không ít lời cổ vũ, khích lệ về những tác phẩm sáng tạo nói trên. Năm nay tròn 50 năm tôi bước vào nghề báo và 18 năm tham gia hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; do vậy, theo lời khuyên của đồng nghiệp, tôi tập hợp in các bài phê bình đó, tiếp tục in những bài thơ đã sáng tác từ cuối năm 2016 đến nay”. 
 
Cùng các đồng nghiệp làm báo với khoảng 30-40 năm tuổi nghề, chúng tôi ngưỡng mộ Hồng Vinh là một trong những bậc đàn anh làm quản lý, viết báo, làm thơ... đều xuất sắc. Không bởi, anh nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa X và XI từng kinh qua các chức vụ quan trọng: Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương (nhiệm kỳ 2011-2016)... mà điều đọng lại trong tôi là hình ảnh một thi sĩ Hồng Vinh từng trải với đời sống, một tâm hồn thơ đằm thắm, ân tình. 
 
Ngẫm về quá trình đến với “nàng thơ”, trên báo Nhà báo và Công luận (2014) nhà thơ Hồng Vinh tâm sự chân thành quan điểm: “... tôi đến với thơ như một cách tự nhiên và coi thơ như người bạn tâm giao. Tình yêu thơ cứ lớn dần lên qua thời gian tôi tiếp nhận các bài thơ của Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Êxenhin, Bécgôn, Lecmôngtôp... từ năm tháng phổ thông; rồi khi ra trường công tác, đọc các bài thơ của Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật..., tôi tìm thấy từ những bài thơ ấy tình yêu con người, tình yêu đất nước, những triết lý nhân sinh, những cách nhìn đời, nhìn người và mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp đậm chất nhân văn. Bước vào tập sáng tác, tôi càng nhận ra thơ là tiếng nói của cõi lòng, là sự giãi bày về nhân tình thế thái, là sự chia sẻ buồn vui, là liều thuốc an thần sau những giờ làm việc căng thẳng, xua tan những mệt mỏi sau một chuyến công tác dài xa... Với tôi là người làm báo, nên càng thấy thơ là bạn đồng hành thân thiết, giúp tư duy nâng tầm khái quát, giúp trang viết có hồn sâu, và điều quan trọng hơn là qua thơ, gửi gắm nỗi lòng sâu kín cùng những khát khao, ước vọng của chính mình với cuộc sống...”. Điều đó lý giải nguyên cớ Hồng Vinh chiêm nghiệm: “Mật ngọt của trang văn/ Có khi trong một chữ/ Vật vã bao ngày đêm/ Chắt từ Đời và Sách!” (Tản mạn về nghề)... Là người nắm giữ những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực báo chí, văn hóa, văn nghệ; có điều kiện công tác gần xa, tiếng thơ Hồng Vinh có tầm kích rộng, dài và sâu. Cảm xúc thơ trải dài theo đất nước, từ Hà Nội, Lai Châu, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp... ở đâu tứ thơ Hồng Vinh cũng chất chứa liên tưởng tới tình đời, tình người: “Thơ đưa tôi ra biển/ Lại vòng về sông quê/ Sóng lòng hòa con nước/ Tiếng ai gọi canh khuya/ Rồi ngược lên “Miền Tây”/ Chóe rượu làm say mướt /Một bàn tay ấm nồng / Lan tình người tha thiết”... (Theo dòng thơ anh). Vượt không gian đất nước, Hồng Vinh từng “Anh đã hưởng “mùa thu Pa-ri”/ Và tới ngắm bức tường Berlin nham nhở/ Đứng “bên cầu Tình yêu” giữa Praha gió lộng”... Với nước Nga, nhà thơ đã viết những câu thơ chân tình: “Ở Mát-xcơ-va xem vũ điệu nước Nga/ Những bộ váy thướt tha đa màu sắc/ Lại nhớ sao điệu xòe chiều bản/ Bập bùng bên bếp lửa miền Tây.../ “Đôi bờ” đêm nào ta cùng nắm tay/ Hát đến khuya bao bài ca say đắm/ “Ở tận sông Hồng, em có biết”/Những người mẹ Nga yêu nước Việt vô vàn/ Những khoảng cách địa dư đang xích lại gần/ Như tình yêu đâu biên giới cách ngăn/ Như ánh mắt em dù cách trở xa xăm/ Vẫn ăm ắp bao điều hy vọng...”. Đặc biệt, cảm xúc của anh dẫu đầy suy tư sâu lắng song cũng chan chứa niềm tin khi “Nhớ nước Nga”: “Bao năm xa nước Nga/ Vẫn nhớ hoài ngày đến/ Viện Hàn lâm mở rộng/ Tri thức xanh mái đầu.../ Ba thập niên có lẻ/ Ta tạm xa nước Nga/ Bao thăng trầm dữ dội/ Có lúc thắt tim ta/ Triệu người khắp phương xa/ Viếng Lê-nin vĩ đại/ Tìm niềm tin từ đây/ Giữa Trường Sa sóng cuộn/ Kỷ niệm đẹp ùa về/ Từ nước Nga thân thiết:/ Bao người mẹ nhân ái/ Những người thầy bao dung/ Ngân lời ca tiếp lửa/ Ta vượt lên sóng lừng!”... (Tháng 6/2017). 
 
Hẹn ước ba xuân
 
Hạ chớm, bằng lăng rực tím
Sáng ra, lòng dạ nôn nao
Khu vườn ba mùa thay lá
Khăn hồng em mãi chưa trao?!
 
Ai biết ba mùa xuân ấy
Trang giấy vẫn trắng mặt bàn
Con chữ xé giằng, vật vã
Nhịp tim - đồ thị hình sin...
 
Cái rét Nàng Bân ập đến
Hơi anh tỏa ấm hàng cây
Len giữa luống hồng luống cúc
Cây - Người quấn quýt men say!
 
Loa kèn đua nhau nở trắng
Phượng xòe tán đỏ ngọn cây
Hội làng vẫn vang tiếng trống
Chúng mình hẹn gặp tối nay...
 
“Sao nỡ quá tam ba bận”-
Nguồn ấm thì thầm bên tai:
“Cau sắp vào mùa bói quả
Anh sang thưa chuyện tháng này...”
 
Bâng khuâng thu
 
Tôi muốn đi về mùa Thu trước*
Ôm nhặt bao nhiêu lá rơi vàng
Tìm lại hình em trong bóng nắng
Khói chiều phơ phất núi đằng đông
 
Ruộng đã lên xanh từ ngày ấy
Nói nhau mùa gặt nếp hương nồng
Mái tóc bay bay chiều buông tím
Bóng em xanh mãi, mát dòng sông
 
Thấm thoắt, nay đã thành bà ngoại
Tình cờ gặp lại, quán ven đường
Gió ào từng đợt, bao lá rụng
Trời xanh ngút ngát nỗi bâng khuâng...
 
* Ý thơ Chế Lan Viên
HỒNG VINH 
Là chính khách, người đọc không ngạc nhiên khi Hồng Vinh phản ánh rất khách quan: “Lứa chúng tôi/ Vượt Trường Sơn đánh Mỹ/ Có chất thép của Pa-ven Coóc-sa-gin/ Chứa chan tình yêu hẹn ước: “Đợi anh về”/ Cùng âm vang những giai điệu Nga:/ Cây thùy dương, Đôi bờ, Ca-chiu-sa, Chiều hải cảng.../ Mang theo phong cách Hồng quân Xô-viết năm nào...” (Một thời nhớ mãi). Vậy nên ta càng thêm trân trọng những suy lý: “Những khổ đau, oan trái/ Giữa cái thiện, lòng tham/ Danh lợi và chức quyền/ Cứ đan xen thường nhật/ Càng ngẫm lời kinh Phật/ Đời - sắc sắc không không” (Vô đề 1) hay: “Tiền tài và danh vọng/ Trộn đắng cay xé lòng/ Hòa tan bao nước mắt/ Xóa nhòa nụ cười duyên/... Ngẫm ra đều phù vân/ Hão huyền và ảo tưởng/ Chỉ Tình người còn đọng/ Giữa bộn bề trái ngang...” (Vô đề 3). Trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội, phân hóa giàu nghèo do tác động bởi mặt trái nền kinh tế thị trường mà hình ảnh cụ thể là có một số người dùng hàng chục loại túi xách, trong đó có loại giá trên dưới 500 triệu, bằng giá trị 10 ngôi nhà tặng các gia đình chính sách, nghịch cảnh khiến nhà thơ không tránh khỏi chênh chao: “Cửa ra vào phòng sếp/ Dấu chân đè dấu chân/ Quà không còn chỗ đặt/... Có người một túi xách/ Bằng mười nhà tặng Dân!...” (Tản mạn đầu xuân)...
 
Thơ Hồng Vinh không chỉ để lại những “dấu ấn cuộc đời” đậm nét son như vậy mà sáng tác của anh cũng gây ấn tượng rõ nét trong lòng độc giả qua các nhà phê bình được thể hiện ở phần 2 tập sách gồm những bài viết (cả khen và chê) của các tác giả đối với các tác phẩm văn học và báo chí của Hồng Vinh. Bạn đọc sẽ cảm nhận chân dung tâm hồn nhà báo - nhà thơ Hồng Vinh đa diện hơn bởi các bài viết: Cây bút Nguyễn Hồng Vinh gắn liền với những dấu mốc trong lịch sử (Mai Cường), Reo ca với mỗi nụ hoa cuộc sống (Nguyễn Sĩ Đại), Say thơ cũng bởi say đời (Hữu Thỉnh), Một hồn thơ trẻ lại bất ngờ (Bằng Việt), Một người đang lắng nghe giọng nói của mình (Nguyễn Quang Thiều), Như là nỗi nhớ thì thầm (Nguyễn Hữu Quý), Giữ bền ngọn lửa (Phan Quang), Những trải nghiệm dọc dài đất nước (Hải Đường), Nguyễn Hồng Vinh và diệp lục thời gian (Vi Thùy Linh)... 
 
Người viết bài này rất tâm đắc với nhận xét của nhà báo - nhà thơ Hải Đường khi bàn về tập thơ “Miền thương nhớ” (Nxb Văn học 2013): “So với ba tập thơ đã xuất bản, ở tập thơ “Miền thương nhớ”, Nguyễn Hồng Vinh đã thành công nhiều hơn ở việc lập tứ, kết cấu bài thơ. Thế mạnh của anh vẫn được phát huy đến độ. Đó là những bài thơ, những câu thơ dung dị, giàu cảm xúc. Anh không quá cầu kỳ khi chọn chữ, cũng không quá bận tâm về việc ngắt dòng, đảo từ, đảo ngữ. Nhiều bài chỉ chú ý chất nhạc trong thơ, thanh điệu trong thơ, không mấy quan tâm đến sự hiệp vần. Điều đó có thể thấy qua một số bài thơ năm chữ, sáu chữ trong tập. Khi điều nhà thơ muốn nói nằm ngoài câu chữ thì sức gợi của bài thơ là vô tận... Với “Miền thương nhớ”, Nguyễn Hồng Vinh đã tạo dấu ấn mới trong chặng đường sáng tác của mình. Thơ viết từ những ý tưởng hay, với trái tim ấm nóng. Thơ anh rất thật và đời - một nhà thơ đã nói. Với người cầm bút có được lời nhận xét như thế đã là hạnh phúc”. Và với niềm tin vào tâm hồn dạt dào cảm xúc nhân văn, PGS.TS Hồ Thế Hà cho rằng: “Đường đời cũng như đường thơ với bất cứ ai đều gập ghềnh và có khúc quanh. Hồng Vinh không là ngoại lệ. Nhưng với tình yêu con người nồng nàn, với cái nhìn cuộc đời trong trẻo, bằng trách nhiệm công dân của người cầm bút, chúng ta tin Hồng Vinh sẽ gặt được những “mùa thơ”!
 
NGUYỄN THANH ÐẠM