Bản hợp đồng đặc biệt

10:08, 09/08/2018

Thành công của mỗi con người là cả một câu chuyện dài và thú vị. Có người sinh ra đã được thừa hưởng từ gia tài và cơ nghiệp đồ sộ của gia đình, nhưng cũng có người đi lên, trưởng thành từ con số "không", chính từ sự vượt khó, cần cù của bản thân. Đó mới thực sự là những con người đáng quý và rất đáng khâm phục.

Thành công của mỗi con người là cả một câu chuyện dài và thú vị. Có người sinh ra đã được thừa hưởng từ gia tài và cơ nghiệp đồ sộ của gia đình, nhưng cũng có người đi lên, trưởng thành từ con số “không”, chính từ sự vượt khó, cần cù của bản thân. Đó mới thực sự là những con người đáng quý và rất đáng khâm phục.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Nguyễn Quốc Thanh là một con người như vậy. Cách đây gần 20 năm, sau khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, từ chối cơ hội trở thành giảng viên của trường, Thanh đã trở về quê nhà, để từ đó có điều kiện chăm sóc ba má đã già yếu và tiếp tục duy trì, phát triển hãng trà Quốc Thanh, vốn đã nổi tiếng từ trước 1975, và đã trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh của xứ trà B’Lao của Lâm Đồng.
 
Là chủ một doanh nghiệp lớn của tỉnh, ngoài việc phải quan hệ với nhiều đối tác trong và ngoài nước, thỉnh thoảng Thanh vẫn phải lên làm việc với Sở Thương nghiệp của tỉnh. Sau mỗi ngày làm việc vào buổi chiều, Thanh đều thả bộ dọc theo những trục đường dẫn vào chợ Đà Lạt để quan sát tình hình buôn bán ở đây. Lần ấy, khi đang ngồi nhâm nhi ly sữa đậu nành ngay bậc cấp cầu thang chợ Đà Lạt, Thanh chợt thấy một đám trẻ vừa đánh giày, vừa bán vé số… đang tụ tập mời chào khách. Thanh chợt chú ý đến một cậu bé có dáng người gầy gò, mảnh khảnh tay đang cầm một tấm biển nhỏ, thay vì hộp đánh giày hay tập vé số như những đứa trẻ khác, thì lại cầm tấm bảng giơ cao. Thanh chú ý quan sát thì thấy tấm bảng, mặt trước ghi 2 chữ “đánh giày”, mặt còn lại ghi khá rõ: “Con muốn trở thành một người đánh giày, xin hãy giúp con có một hộp đánh giày”.
 
Tò mò vì sự khác biệt ấy, Thanh gọi cậu bé đến cùng uống sữa và hỏi chuyện.
 
Được biết cậu bé đang học lớp 9, hàng ngày sau khi tan học, cậu phải giúp ba mẹ làm vườn, tuy vậy, thành tích học tập của cậu luôn đứng trong top 5 của lớp. Nhà nghèo, ba mẹ làm vườn thu nhập không đủ ăn, nên cậu muốn tranh thủ lúc rảnh và nhất là trong những ngày nghỉ hè, kiếm ít tiền để đóng học phí và mua sắm sách vở.
 
Thanh nhìn cậu bé với ánh mắt khâm phục và hỏi:
 
- Con đánh giày mà không có hộp đồ nghề là sao?
 
Rất tự tin, cậu bé trả lời:
 
- Dạ, thưa chú, nếu có khách thì con lấy giày đưa cho bạn có hộp đồ nghề làm, mỗi lần như vậy con được bạn trả công cho hai ngàn.
 
- Vậy con cần bao nhiêu tiền để có thể sở hữu được một hộp đồ nghề?
 
- Dạ, thưa chú, con cần khoảng chín trăm ngàn đồng. Với số tiền đó con mới mua được một hộp đánh giày chuyên dụng, có ghế xếp nhỏ, dầu bóng, khăn nhung và gần 10 loại xi đánh giày khác nhau. 
 
- Thế con đã có bao nhiên rồi?
 
Cậu bé ấp úng, vẻ tự tin ban đầu đã biến mất: 
 
- Dạ! Dạ! Thưa chú, con chỉ mới có được 300 ngàn ạ, con còn thiếu đến 600 ngàn nữa chú ơi!
 
Thanh quan sát kỹ cậu bé, và bằng linh cảm của một con người đã từng trải trên thương trường, anh tin vào những điều cậu bé vừa thổ lộ. Không ngần ngại Thanh vừa rút ví vừa nói chậm rãi, đầy quyết đoán: “600 đồng này, chú đưa cho con, coi như chú đầu tư vào một công việc, nhưng con phải làm theo điều kiện này. Nghĩa là sau khi nhận tiền, coi như giữa chúng ta hình thành một hợp đồng kinh tế. Đúng một tháng sau, vào giờ này và cũng tại địa điểm này, con không những phải trả đủ 600 ngàn mà còn phải trả thêm một đồng tiền lãi, nếu đồng ý, chú sẽ đưa cho con số tiền này”.
 
Nghe nói thế, cậu bé vui sướng nhìn Thanh gật đầu. 
 
Nhận tiền, cậu bé chạy vội vào chợ, chỉ ít phút sau, Thanh đã thấy cậu bé đeo hộp đánh giày với khuôn mặt rạng rỡ và trong tâm thế sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc. Thấy vậy, Thanh lắc đầu nói: “Là người hợp tác với con, chú có trách nhiệm nhắc nhở con về địa điểm làm ăn sao cho hợp lý và để có thể đạt hiệu quả cao. Đà Lạt là một thành phố mà hàng ngày có rất nhiều du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, đó là những đối tượng rất phù hợp với công việc của con”.
 
Cậu bé suy nghĩ một lát rồi nói: “Thế thì con sẽ đến các khách sạn và nhà hàng được không chú?”. Thanh vui vẻ gật đầu.
 
Vậy là, cậu bé đeo hộp đánh giày đến ngay khách sạn đối diện, đứng gần lối ra vào. Thấy chưa có đông du khách, cậu bé vui vẻ nói với Thanh: “Ồ! Sao chú không là người khách đầu tiên mở hàng cho con. Biết đâu, đây sẽ là một khởi đầu đẹp, vả lại, cũng là dịp để chú kiểm tra tay nghề của con chứ ạ!”
 
Thanh cười vui vẻ, quả là một cậu bé tinh khôn. Nói rồi, anh liền ngồi lên chiếc ghế để làm khách hàng đầu tiên của cậu bé: “Nếu con làm không tốt, điều đó cũng có nghĩa là con nói xạo nhé, và chú coi như đã đầu tư làm ăn cho một người không thành thật. Chuyện này coi như chú thất bại”. Cậu bé lắc đầu nói ngay: “Chú cứ yên tâm. Để đến với công việc này, con luyện tay nghề cũng đã khá lâu, và chú ý quan sát các bạn đang hành nghề mỗi khi có khách”.
 
Chỉ một thoáng sau, nhìn đôi giày đã sáng bóng, Thanh vui vẻ gật đầu hài lòng: “Chú tin rằng, với kỹ năng đánh giày như thế này và đức tính thật thà, vui vẻ, nhất định con sẽ thành công. Hẹn con đúng 1 tháng sau nhé!”…
 
Đúng hẹn, hôm ấy sau khi xong việc với Sở Thương nghiệp, Thanh lại thả bộ đến gánh sữa đậu nành, nơi đã hẹn gặp lại cậu bé đánh giày ngày nào. Đã hơn 20 phút trôi qua mà vẫn chưa thấy cậu bé đánh giày xuất hiện, Thanh bắt đầu có những suy nghĩ mông lung…
 
Là người đã từng chứng kiến toàn bộ sự việc từ trước, bà bán sữa nói một cách khẳng định: “Thôi chú đừng chờ vô ích, tụi nhỏ bây giờ tinh ranh lắm…”.  Chưa nói xong câu, từ xa, Thanh đã thấy cậu bé đang hối hả chạy đến. Cậu nói trong hơi thở: “Con biết có lẽ chú đang tìm con, vì đã quá giờ hẹn gần 30 phút rồi còn gì”. Sau khi gọi cho mình một ly sữa nóng, cậu bé rút tiền thanh toán cả hai ly sữa mà kiên quyết không để cho Thanh trả. Và rồi vừa chậm rãi, cậu bé mở thùng đánh giày, lấy ra một phong bì đưa cho Thanh bằng cả hai tay: “Con xin gửi lại chú số tiền mà chú đã cho con mượn. Một lần nữa con rất biết ơn đến sự giúp đỡ của chú”. Thanh xúc động: “Số tiền chú đầu tư cho con là không lớn, việc con đến đây gặp chú đúng hẹn, không những thế, con còn trả lại tiền cho chú nữa, quả là chú đã nghĩ rất đúng về con. Con xứng đáng được thưởng phần quà nhỏ nhoi này. Chú tin rằng sau này con sẽ thành đạt”. Nói rồi, Thanh đưa lại chiếc phong bì cho cậu bé. 
 
Cậu bé thấy vậy mà rất sâu sắc. Cậu bé đã tìm hiểu và biết Thanh là giám đốc của một hãng trà nổi tiếng ở Bảo Lộc… Bất chợt, có người gọi đánh giày, cậu bé vội xin phép và chìa bàn tay nhỏ còn dính xi đánh giày ra bắt tay Thanh. Hai chú cháu nắm chặt lấy tay nhau một cách vui vẻ, trước sự cười tươi của bà bán sữa đậu nành nóng…
 
Thời gian thấm thoắt trôi qua, Thanh cũng không còn nghĩ đến cậu bé đánh giày của gần 20 năm về trước nữa. Hôm nay, Thanh đang đau đầu vì công việc. Đó là doanh nghiệp trà của anh vừa bị đối tác Đài Loan trả lại một lô hàng lớn, vì họ nói rằng sản phẩm trà của công ty Thanh được sản xuất từ vùng nguyên liệu đã bị nhiễm chất độc hóa học từ thời chiến tranh. Họ còn ra điều kiện là sẽ chỉ tiếp tục làm ăn với Doanh nghiệp trà Quốc Thanh sau khi có giấy xác định về mức độ an toàn, do một cơ quan kiểm định uy tín của nước ngoài cấp. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, nếu giải quyết xong theo yêu cầu của đối tác, thì phải mất khá nhiều thời gian. Thanh lúng túng trước việc cần phải có tiền để mua nguyên liệu sản xuất và trả tiền lời cho ngân hàng vừa đến kỳ đáo hạn. Nguy cơ phá sản doanh nghiệp gần kề. Đang loay hoay gọi điện thoại đi nhiều nơi để nhờ giúp đỡ, thì người thư ký bước vào nói: “Có một người khách còn trẻ mời ông trưa nay dùng cơm tại nhà hàng Tâm Châu”. Vừa cúi đầu liên tục bấm số điện thoại, không kịp ngẩng đầu lên, Thanh hỏi vội: “Là ai vậy cô?”. Người thư ký lấy vội trong túi một cái móc chìa khóa ra rồi nhẹ nhàng để trên bàn làm việc của Thanh. Thanh ngẩn người, chiếc móc khóa có gắn một chú gấu trúc nhỏ xinh xắn làm bằng mica, trên ngực có khắc rõ nét 3 chữ: “Người giỏi nhất”.
 
Bao kỷ niệm của gần 20 năm trước với cậu bé đánh giày chợt ùa về. Lúc chia tay bên gánh sữa đậu nành ở phía trước cầu thang chợ Đà Lạt, Thanh đã nhét chiếc móc khóa này vào túi cậu bé để làm kỷ niệm. Ôi! Thời gian, mới đó mà đã gần 20 năm.
 
Đến trưa, Thanh phóng vội xe đến điểm hẹn và tiến về phía chiếc bàn đã đặt trước. Một chàng trai với khuôn mặt sáng sủa, quần áo lịch sự từ trên một chiếc xe con bóng loáng bước xuống và tự tin đến chỗ của Thanh. Anh đứng nghiêm trang, kính cẩn cúi đầu chào Thanh và nở nụ cười vui vẻ. Từ nụ cười này, Thanh chợt nhớ tới nét mặt trong trẻo, ngây thơ của cậu bé đánh giày ngày nào. Trong lúc ngồi nói chuyện, chàng trai cho biết, chính nhờ có chiếc hộp đánh giày mà Thanh đã giúp cho cậu, chỉ một thời gian sau, cậu bé đã dần gây dựng cuộc sống cho bản thân và có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Và sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí của Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, cậu bé đánh giày đã ngày càng thành đạt. Được ba má đồng ý, cậu bé đã quyết định lấy tên hãng trà của ân nhân đã giúp đỡ mình làm tên đệm cho doanh nghiệp của hãng ô tô và bất động sản nổi tiếng của Việt Nam “Doanh nghiệp Nguyễn Quốc Thanh Hải”. Cậu bé đánh giày ngày nào bây giờ đã trở thành chủ một doanh nghiệp nổi tiếng trong cả nước. Tuy bận rộn với công việc kinh doanh hàng ngày nhưng Hải vẫn theo dõi rất kỹ từng bước đi của doanh nghiệp trà Quốc Thanh, người đã giúp đỡ mình. Cũng chính vì vậy mới có cuộc gặp mặt hôm nay. Vừa kể cho Thanh nghe về quá trình trưởng thành của mình, chàng trai vừa lấy từ trong cặp ra và trao cho Thanh một tờ chi phiếu có giá trị 10 tỷ đồng và nói là muốn đầu tư vào doanh nghiệp của Thanh trong vòng 5 năm sẽ thu hồi cả vốn lẫn lãi. Mười tỷ đồng, quả là một sự bất ngờ, đúng là Thanh đang rất cần số tiền này.
 
Chàng trai vui vẻ nhìn Thanh rồi nói: “Trước đây chú đã dạy cho con biết thế nào là đầu tư làm ăn. Từng là một đứa trẻ đánh giày, giờ đây con đã có một công việc ổn định, một doanh nghiệp với mức thu nhập khá lớn. 10 tỷ này, con đầu tư vào doanh nghiệp của chú, cũng như chú ngày nào, con cũng có quyền đòi hỏi một khoản lợi nhuận nhất định chứ ạ!”.
 
Thanh hỏi chàng trai: “Vậy lãi suất sẽ là bao nhiêu?”.
 
Không ngần ngại, chàng trai trả một cách dứt khoát: “Một đồng”.
 
Có thể đâu đó trong cuộc đời, bạn cũng sẽ gặp một cậu bé đánh giày và một doanh nhân giống như câu chuyện trên đây. Dẫu chỉ là một đứa trẻ nghèo, có cuộc sống túng thiếu, nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin, giữ vững ý chí vượt khó qua mọi nghịch cảnh. Và vị doanh nhân có tấm lòng hảo tâm, luôn quan tâm chú ý đến những đứa bé, những người có hoàn cảnh khó khăn nay đã được đền bù xứng đáng. Nhờ vậy, ông đã tìm được một người bạn chân thành, mà chính ông cũng không thể nào ngờ tới, có thể giúp ông vượt qua hoàn cảnh khốn khó này.
 
Thành công không chỉ là bạn có bao nhiêu tiền, quan trọng là bạn đã giúp người khác được cái gì, và đã có bao nhiêu người vì bạn mà cảm động, vì bạn mà trưởng thành. Tình người, qua bản hợp đồng đặc biệt này quả thật chính là món quà tuyệt vời mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta.
 
Truyện ngắn: HOÀNG KIM