Viện sỹ là do trong một lần họp lớp chàng tự gán cho mình, cũng lâu lắm rồi. Cái lớp tôi kể cũng lạ, cứ chiếu theo tính tình, phong cách, nhiều người được bạn bè "phong" cho địa vị, chức tước ngay từ những năm học phổ thông.
1.
Viện sỹ là do trong một lần họp lớp chàng tự gán cho mình, cũng lâu lắm rồi. Cái lớp tôi kể cũng lạ, cứ chiếu theo tính tình, phong cách, nhiều người được bạn bè “phong” cho địa vị, chức tước ngay từ những năm học phổ thông. Hay ở chỗ là cái vị trí được “phong” đó lại bám theo số phận và đã đúng với vài người. Cái thằng Cự “lủi” thì đúng là lủi thật, lủi nhanh như cuốc, giờ thì nó đã lủi thẳng ra mương máng ruộng đồng chỉ huy hàng trăm con vịt. Chẳng biết rồi nó còn lủi đến đâu đây? Thằng “cấp tướng” thì đã mang hàm tướng. Trung tướng. Nó vẫn oai vậy, mấy chục năm mới gặp lại trong lần họp lớp năm ngoái mà mặt nó chỉ tươi lên, dứ dứ nắm tay về phía tôi, cất giọng dứt khoát “Bình “boong” hả?”; rồi lại ngồi rất thẳng, nhìn rất thẳng. Còn anh chàng viện sỹ tự phong này? Hôm ấy chàng phản ứng có phần gay gắt, khi cô bạn lớp trưởng đáng yêu của chúng tôi nhắc đến sự có mặt của chàng:
- Viện sỹ chứ, kỹ sư, viện sỹ viện nghiên cứu khoa học chứ!
- Ừ thì mày là “viện sỹ”!
Cô bạn “một mất một còn” của chúng tôi gióng lên lảnh lót, giọng nàng cười cợt như xác nhận cái sự hài hước tít cung mây. Cô bạn này đáng giá nhất ở cái duyên đằm thắm, mặn mòi, bao nhiêu năm rồi nàng vẫn một mực thủy chung với mái tóc “một mất một còn”. Chúng tôi khoái chí cười hướng về chàng “viện sỹ”. Chàng cũng cười rất tươi, mặt mũi phởn phơ, lại có phần nở ra mới hay chứ. Thuở ấy bọn tôi còn trẻ cả, xem ra toàn là trai tài gái sắc chứ chẳng chơi. Trẻ là cái thời người ta dễ “coi giời bằng vung” lắm, cái thời chất chứa những mộng mị, những bất trắc… Cái thời thật đáng yêu và cũng đáng phàn nàn lắm lắm.
|
Minh họa: Hồ Toàn |
Tình cờ hay là có sự sắp đặt của ông giời thì chả biết, tôi và chàng “viện sỹ” thường sống gần nhau. Bé thì là hàng xóm, là bạn cùng lớp, bạn khăng, bạn cù… bạn của tất tật những trò oái oăm thời trẻ dại.
Chàng là “viện sỹ” đến năm thứ năm, thì tôi phải bỏ cái nơi gắn thời trẻ dại cùng chàng mà trốn chạy. Thì đã nói tuổi trẻ là cái tuổi chất chứa mộng mị và bất trắc mà. Nước non nghèo khó mãi rồi… mở cửa! Ai thành công thế nào thì tôi không biết, mà cũng chẳng muốn bàn đến. Tôi thì oằn mình, nếm đủ nỗi ê chề, cay đắng của sự năng động, táo bạo trong một cú làm kinh tế của những năm đầu đổi mới. Đúng là chẳng thể mất hơn được nữa, rất bất nhẫn, rất đời. Tôi chấp nhận sự thật với thái độ bất cần, trong cái lẽ không chấp nhận cũng không được. Gồng lên, lừa mình mãi rồi cuối cùng cũng hóa thằng đơ, thằng ú ớ ngây ngây. Tâm thần bấn loạn, những vì sao nhấp nháy trên kia đã hóa trêu ngươi, chứ chẳng còn chứa chất độ thẳm sâu của mắt ai năm nào nữa rồi. Tôi kéo lệch cái mũ mềm về phía trán, bỏ cái nhà không còn là của mình cúi mặt bước trong khuya khoắt đêm sâu. Điều đáng lưu ý là những kẻ như thế, nói là đi nhưng cũng chưa biết phải đi về phương nào…
Chàng “viện sỹ” đang ở Nhật! Người đời vô tình hay cố tình bất nhẫn? Nhẽ ra tôi cũng không nên nghĩ thế, vì, người ta có quyền hí hửng khoe khoang sự thành đạt của cái thằng mình dứt ruột đẻ ra chứ. Trớ trêu ở đây là sự khoe khoang không đúng lúc, đúng chỗ. Thằng bạn đang ngồi lặng bên tôi không còn chịu nổi, nó lặng lẽ bỏ ra đứng cửa ngó giời trong cái cam chịu không được phép mở mồm hỗn hào với ông bố thằng chơi với bạn mình. Tôi thì ậm ừ:
- Dạ, cháu biết rồi ạ.
- Viện sỹ nhà bác đi nghiên cứu ở Nhật là mang lại danh giá cho cả họ đấy! Nhà bác có phúc về hậu.
Bác nói thế thì hóa ra bác bảo nhà tôi vô phúc, nên tôi mới phải chịu sự khốn khổ khốn nạn thế này hay sao? Vẫn phải giữ lễ với người đẻ ra thằng chơi với mình nên tôi chỉ nghĩ thế chứ chả dám mở mồm, nhưng trong lòng đã tủi hờn lắm. Ngẩng nhìn, tôi ngây người trước cái mặt hợm hĩnh của người đối diện. Chao ơi là hợm hĩnh! Nhưng, sẽ là nhẫn tâm, khi chỉ cần làm hao gầy sự hợm hĩnh đáng thương kia. Sao lại oái oăm thế hả đời? Ý nghĩ quái gở kia vụt đến với tôi tất nhiên là có căn nguyên. Đang chìm ngập trong khốn khó, giấc mơ về một vận may đổi đời là khát vọng, là sự vật vã đêm ngày. Tất cả đang bị rơi vào trạng thái thụ động, chỉ còn biết phó thác cho sự may rủi của số phận. Trong cái tâm thức nửa tỉnh nửa mê như thế mà đột ngột được toại nguyện thì tránh sao khỏi bàng hoàng? Sự “mê sảng” lập tức sẽ là: Thoát rồi! Sướng rồi! Khối thằng sẽ phải thèm khát nhìn mình! Như thế thì hỏi rằng làm sao tránh khỏi cái hợm hĩnh thảm hại kia! Được đi nước ngoài đang là cứu cánh “danh chính ngôn thuận” về kinh tế. Vậy thì chớ “dại” mà leo lẻo rằng sang đó để học tập, để nâng cao kiến thức… hài hước lắm. Đi nước ngoài để học tập nghiên cứu ư? Có đấy nhưng quá hiếm! Chàng “viện sỹ” của lớp tôi không nằm trong số đó. Tôi quá hiểu chàng! Cái nghèo khiến người ta cứ hỏng dần, hèn dần. Bá tánh chỉ là nạn nhân, trách cứ, dập vùi những cái mặt hợm hĩnh vô lối kia sẽ là vô lý, sẽ là không hiểu chuyện… giỏi thì hãy chém cái căn nguyên gây ra nó! Không biết sự mất nhà mất cửa vì làm ăn thua lỗ của tôi, và sự được của một cách dễ dàng kia, rồi cuối cùng cái nào sẽ khốn khổ khốn nạn hơn? Nghĩ được như thế nhưng tôi vẫn tức. Thằng bạn đã đứng bên tôi từ lúc nào, với vẻ thật thà, nhỏ nhẹ nó hỏi người đối diện:
- Đi cái nước tư bản giẫy chết ấy thì học hành thế nào đây hả bác?
Ông đần mặt, ngẩn người. Tội nghiệp cho cái ông tổ trưởng dân phố khi nghe nó nhắc lại câu ông thường nói trong các cuộc họp.
2.
Tôi “tình cờ” mà thành một công dân của vùng Tây Nguyên cao cao. Và lại cũng “thật tình cờ” tồn tại gần chàng “viện sỹ”. Chao ơi là sự tình cờ! Đã bảo rằng một kẻ như tôi, nói là đi nhưng cũng chẳng biết đi về phương nào rồi mà. Thằng bạn ở Sài Gòn đẩy tôi lên Tây Nguyên một cách “êm ái” với cái lý sự: “Sài Gòn không phải đất sống của cái thằng mơ mộng vặt như mày!”. Tôi hiểu nó đã nói gì nên không cãi. Chỉ ba ngày nghỉ làm ở công sở, nó đã đặt tôi vào vị trí của kẻ vác xà - bách làm thuê ở cái xứ trà và cà phê bạt ngàn này. Thôi thì cũng còn là may chán, dù gì thì cái công việc xa lạ này cũng giúp tôi tạm thời chủ động nuôi thân.
Đang ngửa cổ nhả khói thì một chiếc xe máy lao thẳng đến, phanh gấp, đầu xe và kẻ cưỡi xe nhảy dựng lên, chúi về phía trước giật giật như mắc chứng động kinh. Bánh trước xe có lẽ chỉ còn cách tôi chừng một thước.
- Thằng điên! Tôi lẩm bẩm, lơ mơ ngó “thằng điên” qua khói thuốc. Một cái mặt tự đắc, hãnh tiến. Hình như đây là kiểu mặt của một kẻ khốn khó lâu năm, nay “bỗng dưng được của”, nó trơn trượt, trâng tráo rất khó chịu. Giời ạ! Lần đầu tôi được thấy một cái mặt đủ đầy, tự thỏa mãn đến kinh hồn. Thế nào nhỉ, thật khó diễn đạt nhưng tỏ mờ quanh nó hình như có những vụn mây mỏng, hời hợt lấp lánh. Kể từ khi bất chợt phải đối diện với ông bố thằng chơi với mình, tự dưng tôi giở chứng xét nét các kiểu mặt nhân gian mới oái oăm chứ. Biết là cũng chẳng hay ho gì nhưng không bỏ được, nhiều kiểu mặt đã thành nỗi ám ảnh trong tôi. Thậm chí cả trong mơ cũng có những cái mặt khiến tôi toát mồ hôi hột. Song, cũng lại có những khuôn mặt khiến tôi thờ thẫn tiếc nuối khi giấc mơ đột ngột bị chấm dứt. Kể thì cũng thú ra phết, khi cảm nhận được nhiều điều qua nhiều kiểu mặt.
- Sợ à, xe Nhật mới đập hộp “nhướng” thế đã ăn thua gì. - “Thằng điên” cười rất thoải mái, nói tiếp
- Từ Sài Gòn về đây tao đã cho nhiều thằng “ăn khói” khi dám cà chớn đòi qua mặt.
Tôi lại thấy cái mặt đắc thắng, ngoảnh sau của kẻ vừa cho nhiều thằng “ăn khói”. Kinh hãi quá!
Không nói gì, “thằng điên” chính là chàng “viện sỹ” khiến tôi chẳng muốn nói gì. Tôi không nói thì chàng lại liên thanh:
- Mày cũng hút thuốc lào à? Xuống sân bay chỉ kịp rút cái xe máy là tao đi tìm mày ngay chứ đã về nhà đâu.
Mày thấy “con” này thế nào, trông sướng mắt đấy chứ. Tiên sư thằng Nhật, xe của nó chạy cứ êm như ru. Đèn vuông, xe bây giờ là cứ phải đèn vuông như “con” này, đèn tròn là vất. Thằng Viên ra sân bay đón tao kể về mày, sốt ruột quá tao phóng lên đây ngay, container hàng còn nằm ngoài cảng… mà thực chất tình hình mày thế nào?
- Đèn dầu, thuốc lào và cuốc mướn. - Tôi vớ cái điếu cày định bắn điếu nữa thì nó giằng ra, ấn vào tay tôi gói ba số, nhăn mặt:
- Thuốc đây, mày hút rồi từ từ nói rõ cho tao nghe. Mà mày sống trong cái lều này đấy à?
Không phải hỏi, chẳng phải trình bày mới là bạn! Tôi nghĩ thế và vui vẻ bảo chàng “viện sỹ”:
- Mày về nhà ngay đi, tao nghĩ vợ mày nó đang hồi hộp lắm đấy.
Tự nhiên thì chàng “viện sỹ” cay cú. Điều này thì tôi biết vì đã được gắn bó với chàng nhiều năm. Mỗi khi cay cú hoặc quá xúc động điều gì thì cái tai trái chàng đỏ dần, vẫy liên tục (chàng chỉ vẫy được có một tai, và lớp tôi chỉ mình chàng biết vẫy tai). Tôi chưa kịp hiểu thì chàng thủ thỉ:
- Nhẽ ra là sáu tháng, con mẹ nhà nó, tao phải về viện hỏi xem tại sao chúng nó cắt của tao mất hai tháng. Hai tháng nữa thì “chết” với tao! - Mặt chàng căng thẳng, ngừng một lát chàng tiếp - Thôi, bây giờ thế này, để tao về thông qua kế hoạch với vợ rồi sẽ quay xuống đây nói chuyện với mày. Nhưng tao nói trước, tao không đồng ý với thằng Viên khi nó đưa mày lên đây đâu nhá. Ông già cũng mới điện, bảo tao sắp xếp ra gấp ngoài ấy làm cái lễ bái tổ.
Chàng lại cười rất tươi. Tôi cũng cười…
Phải nói rằng chàng “viện sỹ” đã biết nung nấu hoài bão từ cái thuở chúng tôi còn là cái lũ ngây ngô. Mới chớm vào những năm học cấp ba, thì ông anh thứ hai của tôi tốt nghiệp đại học. Hôm ấy chàng thô bạo xóa ván cờ hai thằng đang chơi dở, khi thấy ông anh tôi vừa hạ túi xách, vừa thông báo đã bảo vệ xong luận án tốt nghiệp đại học. Không nói gì, chàng cúi mặt lầm lũi ra khỏi nhà khiến tôi chẳng hiểu ra làm sao. Tối ấy chàng bảo:
- Anh mày giỏi… tao cũng phải thành nhà khoa học, thành cán bộ nghiên cứu khoa học.
Nể, đúng là bọn tôi phải nể khi thấy chàng học quá chăm. Nhưng có lẽ cái gì “quá” quá cũng không nên, tôi nghĩ thế chả biết có phải không? Nhưng sự chăm quá của chàng ngày ấy đã cho lớp tôi những trận cười khoái trá, ít nhất tôi cũng còn nhớ được hai trận cười. Tôi thì thấy quá oải khi phải học liền hai tiết toán nhưng chàng lại khác, kẻng hết tiết vừa gióng lên thì chàng đi như chạy, như sợ thầy giáo tức khắc sẽ biến ra khỏi lớp. Chàng đưa thầy tờ giấy đã chuẩn bị sẵn, nói gì với thầy thì bọn tôi không biết, nhưng thầy đã ngồi lại, chăm chú với những gì chàng viết trên đó. Có lẽ chàng hồi hộp lắm, khi được thầy mời đứng lên ngay đầu tiết học.
- Bài toán này anh lấy ở đâu?
- Thưa thầy, em lấy trong tập luyện thi học sinh giỏi toán quốc tế ạ.
- Học sinh giỏi toán quốc tế cơ đấy! - Thầy cười - Cách giải của anh bí hiểm, tôi chịu, không hiểu gì. Nhưng thế này nhá, tôi cấm anh sa vào những bài toán như thế này. Anh làm ơn giải tốt những bài toán ở lớp cho tôi nhờ, đã “đặc” lại còn vẽ sự quốc tế nọ… quốc tế kia.
Cả lớp khoái trá cười phá lên. Chàng thì đỏ tím cái tai trái, vẫy vẫy rồi tiu nghỉu ngồi xuống. Lần kia thì xảy ra khi chàng bị gọi lên kiểm tra đầu giờ. Bài toán không khó, đến như tôi còn xơi tái được nó một cách ngon lành cơ mà, nhưng chẳng biết tính toán thế quái nào mà cái đường tiệm cận hyperbol của chàng càng kéo càng xa trục. Có lẽ tức quá mà thầy giáo quát, bắt chàng phải kéo nữa, kéo nữa lên… khi đã kiễng hết cỡ chân thì thầy bê ghế, bắt chàng đứng lên để… kéo tiếp. Khi đường cong không thể kéo cao hơn được nữa thì thầy rên rẩm:
- Nhục đời! Nhục đời quá đi mất thôi, học với hành, chỉ muốn dập đầu vào bảng.
Cả lớp lại được một trận ôm bụng mà cười.
Cũng phải công nhận chàng “viện sỹ” thành đạt rất nhanh. Rất cương quyết chàng bảo tôi: - Đây coi như là lễ vinh quy của tao ở chốn này, không thể không có mày. - Ngừng một lát, chàng tiếp - Tao tít đi vì công việc mà vẫn phải trực tiếp xuống đây thì mày biết rồi đấy.
Chàng cười, mặt như đông lại, lành lạnh. Bây giờ tôi mới để ý chàng béo ra cũng quá nhanh, cổ như ngắn lại, hai mắt đã có phần him híp. Chàng cười thì hai bên mép, không phải, cả khuôn mặt cứ như trễ xuống, như nhướng lên chẳng theo cái lối nào, âm thanh thì khùng khục phát ngầm trong cổ. Lạ nhỉ, thằng chơi với tôi có cái lối cười này từ khi nào thế? Cái mặt đang cười kia như banh ra, lại như thu lại, nó cứ van vát, hèn hèn thế nào. Tôi là thằng nghĩ chậm, nghĩ chậm mà phải cập nhật những diễn biến liên tục của cái mặt như thế thì thật là quá sức. Khổ cho cái thân tôi! Thực ra thì tôi cũng chẳng biết phải diễn đạt ra làm sao. Thôi thì thấy sao nói vậy. Cái đầu nghĩ chậm của tôi quá tệ, bây giờ mới chịu hiểu vì sao chàng lại trịnh trọng dùng hai từ “vinh quy”, vì sao chàng cứ cương quyết bắt tôi đi. Vài tháng trước thằng bạn làm nghề báo qua đây, nó bảo rằng đang rất căng vì phải lo chạy in mấy bài cho chàng “viện sỹ”. Nó còn mắng rằng tôi ngu, rằng làm luận án tiến sỹ thì phải có mấy bài in báo mới đủ thủ tục, rằng mày tưởng thời buổi này in được những bài như thế là dễ ăn lắm hả… Tôi thì hiểu quái gì mà cãi, thôi thì kệ chúng nó lo cho nhau thành những ông tiến sỹ. Bây giờ thì thành rồi! Tôi bị bắt đi là phải.
- Đừng trách tao nhá! - Chàng có vẻ áy náy.
- Trách gì!
- Ngày ấy về đến viện thì có cơ làm luận án tiến sỹ khiến tao cứ “tít” lên, chộp ngay cái cơ hội giời cho nên không thể xuống mày được. Mày có mong cũng đành vậy. Bây giờ thì xong rồi, thắng rồi. - Chàng cười - Thời phong kiến sài lang là phải võng đào lọng tía, đón rước ông tiến sỹ từ đầu làng chứ vớ vẩn mà xong được à.
Hay! Thằng này kể cũng được lắm! Ngày ấy nó ghé tôi là trên đường từ sân bay về nhà, tiện thì ghé, quan trọng là để khoe rằng tao mới đi Nhật về. Lần này bắt tôi đi cũng vẫn để khoe, nhưng là khoe cái danh tiến sỹ.
- Mày nhớ hồi đi học tao nói gì không?
- Nói gì.
- Tao phải thành nhà nghiên cứu khoa học. Mày nhớ tối ấy không? Đừng có coi thường quyết tâm của tao. Tao biết bọn mày không tin, cả ông giáo dạy toán lớp mình nữa, nhiều lần ông ấy chế nhạo và coi thường tao, cú lắm. Giờ thì bọn mày thấy cả rồi nhá. Tiếc là mày không được dự lễ vinh quy hôm 19/6 âm lịch vừa rồi ông già tổ chức ngoài quê, xôm lắm, lớp mình đủ mặt. Tao mời cả ông thầy dạy toán, chả hiểu sao ông ấy không đến. Có lẽ ngượng... - Chàng khùng khục cười - Trước coi thường tao thế, giờ ngượng với tiến sỹ khoa học là phải rồi!
- Mày! - Tôi trợn mắt nhìn chàng và thốt ra được đúng một từ.
Chàng vội vã thân mật, cười tít: - Mày xem tập này đi, ảnh chụp hôm 19/6 âm lịch đấy, băng hình cũng có, về nhà tao sẽ mở cho mà xem.
Chàng “viện sỹ” toàn mời những người oách và xa lạ với tôi. Cán bộ tỉnh, sếp trong viện nghiên cứu và mấy ông thầy của chàng được giới thiệu trịnh trọng với đầy đủ tên họ, chức danh và địa vị. Chàng còn tế nhị cài thêm về độ thân thiết và sự giúp đỡ chí tình của họ để chàng có ngày hôm nay. Tôi cũng được trịnh trọng giới thiệu là bạn học, bạn nối khố duy nhất của chàng trong bữa tiệc. Đúng là dựa hơi người sang cũng được thơm lây, cũng khoái. Khối anh cứ một hai đòi chạm cốc bằng được để chúc sức khỏe tôi. Có chị còn rung rinh cảm động vì không ngờ được gặp bạn nối khố của sếp. Đúng là hoành tráng, cốc nâng, tay vỗ, hò hét và xuýt xoa chúc tụng nhau là cứ tít mù khơi. Tất nhiên chàng là tâm điểm của những lời chúc. Tai trái chàng đã tím lại, vùng vẫy như muốn bứt khỏi cái nơi dành cho nó. Nửa chừng thì chàng yêu cầu mọi người trật tự để xem băng ghi hình ngày 19/6 âm lịch (đây là cách gọi của chàng). Thôi rồi là sự vinh danh! Đừng có nghĩ rằng thời buổi này người ta quý tiền hơn quý chữ nhá. Hương, hoa, đèn nến trong nhà thờ họ nghiêm trang lắm. Mấy cụ họ Đỗ trịnh trọng trong áo dài khăn đóng. Chàng thì ấn tượng trong bộ đồ lớn và cái mũ tiến sỹ. Bài diễn văn do cụ trưởng họ đọc thì thôi rồi! Chàng đích thực là một nhân tài có một không hai, đích thực là người con ưu tú nhất của dòng họ Đỗ. Nhiều vẻ mặt trong bữa tiệc đã hân hoan xúc động lắm, những cái tay chỉ trỏ, những lời có cánh thỉnh thoảng lại xuýt xoa trầm trồ. Chàng hồ hởi thì hẳn rồi, sau tiếng cười khùng khục là một lời phán đắc ý:
- Bụng tớ trông cũng bự đấy chứ, bự cỡ bụng một sếp lớn ấy chứ!
- Phong độ, đẹp giai, sếp thì nhất rồi. - Giọng một nàng thẽ thọt điểm vào.
- Con ễnh ương bụng nó cũng bự lắm vậy!
Cái giọng khàn khàn, cười cợt vọng ra từ góc phòng đã kéo theo những tràng cười. Thằng cha nào mà vô lý thế, nó nói thế thì bằng phá cái buổi tiệc danh giá, hoành tráng của người ta rồi còn gì. Cũng xin nói thêm rằng chỉ dăm năm sau thôi, chàng “viện sỹ” lại không thích to bụng nữa. Phải nói chính xác là sợ, chàng bảo:
- To bụng là biểu hiện của bệnh tật, mà trông cũng đâu có oai.
Tôi ở thêm với chàng “viện sỹ” một ngày vì cái vó tép! Sao lại vì cái vó tép? Rõ là ấm ớ dớ dẩn. Có lẽ ai đó sẽ phán vậy, phán rằng dớ dẩn thế thì vác xà - bách đi cuốc mướn là đáng đời rồi. Vâng, trước sau gì tôi cũng có dám cãi đâu. Phòng làm việc của chàng có một cái vó tép, nó được xếp trịnh trọng bên những đồ vật sang trọng mang từ Nhật về. Tôi không hỏi, không nói mà thiện cảm nhìn chàng. Có lẽ cũng nên trình bày đôi chút về vó tép, bởi cũng như vỉ buồm, vòng kê, cối xay… những đồ vật đã thuộc về quá khứ. Không diễn giải có khi các bạn trẻ sẽ không biết nó là cái gì. Thế này nhá, nôm na thì nó là cái vó cất cá thu nhỏ. Lòng vó chỉ khoảng năm sáu mươi phân vuông được căng bằng vải màn. Đặt vó xuống nước bằng một thanh tre nhỏ và dài, nước ngập khoảng hơn hai phần ba vó là đẹp. Người ta rang cám thơm lên gọi là thính, rắc vào lòng vó để nhử tôm tép lạc vào. Thường thì một người sẽ thả mười lăm đến hai mươi cái rồi cất quay vòng là vừa. Cũng xin lưu ý rằng đây là công việc chỉ dành cho trẻ con, dành cho những lao động phụ để góp phần cải thiện bữa ăn. Chiếc vó được chàng trân trọng phần cật tre đã lên nước bóng thâm lại, tấm vải màn cũng đã sang màu thâm đen và có vài ba mụn vá. Một chiếc vó như thế chứng tỏ nó đã được dùng trong nhiều năm. Tôi đã “nhìn” thấy chàng cặm cụi hạ những chiếc vó xuống hồ năm nào, thấy nét mặt rạng rỡ của chàng mỗi khi cất được nhiều tôm tép. Thanh thản và lương thiện! Tất cả đã qua rồi! Giờ thì với vẻ mặt đủ đầy, chiều chiều chàng cưỡi xe máy tất bật đi thu tiền cho vay nợ lãi. Cũng hay nhỉ, Phải hiểu ra làm sao khi chàng “viện sỹ” vẫn còn trân trọng cái vó tép!
3.
Chàng “viện sỹ” mới được phong hàm phó giáo sư, lần này tôi biết không phải do chàng báo mà là qua một ông bạn tít mù khơi tận quê nhà. Kể mà đến tuổi này còn mày tao được với nhau cũng khoái.
- “Viện sỹ” đang ở ngoài này, nó bảo là bao tiền tàu xe để đưa mày về dự lễ tấn phong của nó, mày không chịu về. - Ông bạn alô nói cái giọng trách móc. Tôi thì ậm ừ chứ chưa biết nên nói thế nào.
- Lần này nó không đả động đến những thằng như tao, chỉ mời rặt những thằng thành đạt.
- À… ừ…
- Thế là bây giờ nó mang những ba chức danh: Phó giáo sư - Viện sỹ - Tiến sỹ à mày. Nhìn cái card vist của nó mà tao hãi quá. Xem ra cái thằng này lại thành đạt nhất lớp mình chứ chẳng chơi.
Ngước ngang, tôi chợt bắt gặp một hình cầu vồng ở gần cuối đường chân trời. Cái cầu vồng có dạng hình cung tròn, nét và đẹp đến dễ sợ. Tôi cho rằng loài người sẽ phải bất lực mà nhìn sự phối màu tuyệt diệu của thiên nhiên thôi. Cũng là sắc tím, nhưng ai trên thế gian này có thể vung tay nối màu biêng biếc của nền trời, với sắc tím phớt cuối của cầu vồng tuyệt diệu được như ông giời? Đúng là chỉ thốt lên được hai từ: Tuyệt diệu! Tôi ngẩn người trước sức quyến rũ của cầu vồng, ngay trong khi đang mải chuyện với ông bạn. Ôi những sắc màu! Tôi biết sự tán sắc của ánh sáng mặt trời khi khúc xạ, và phản xạ qua các giọt nước phải đạt cực đại thì cầu vồng mới đẹp được đến nhường kia. Mỹ miều cho một vẻ đẹp ảo, vẻ đẹp mượn. Sự nọ mượn sự kia, Sự này làm nền khuyếch trương vung vít cho sự khác. Ông giời quả cũng thích đùa! Ấy nhưng cũng chỉ một cái cầu vồng này, nó sẽ mang hình dáng và màu sắc khác ngay, nếu tôi và cái ông bạn đang alô ở tít mù khơi kia ngước nhìn nó cùng một lúc. Kỳ cục, một vẻ đẹp mà ở hai vị trí khác nhau, sự cảm nhận buộc phải khác nhau là sao? Tôi chợt cười, alô liền cho ông bạn:
- Cầu vồng, phía tây ấy, gần cuối đường chân trời, mày nhìn xem nó có đẹp không!!!.
Truyện ngắn: NGUYỄN KHƯƠNG TRUNG