Nghệ sỹ trẻ đam mê văn hóa Tây Nguyên

09:08, 02/08/2018

Tôi tình cờ được biết anh, một nghệ sĩ điêu khắc trẻ tuổi mà nhiều tài. Tôi biết anh đầu tiên không phải qua trên mười tác phẩm điêu khắc đoạt giải của anh trong đó có cả giải cấp quốc gia mà tôi biết anh là vì tên của anh - một cái tên mà mới nghe đã có cảm tình...

Tôi tình cờ được biết anh, một nghệ sĩ điêu khắc trẻ tuổi mà nhiều tài. Tôi biết anh đầu tiên không phải qua trên mười tác phẩm điêu khắc đoạt giải của anh trong đó có cả giải cấp quốc gia mà tôi biết anh là vì tên của anh - một cái tên mà mới nghe đã có cảm tình. Anh tên là Châu Trâm Anh, đứng tên Trâm Anh với tư cách là tác giả trong tất cả các tác phẩm điêu khắc đoạt giải và triển lãm trình làng trước công chúng.
 
Tác giả Trâm Anh đang tạo hình tác phẩm “Biển hát”
Tác giả Trâm Anh đang tạo hình tác phẩm “Biển hát”
Duyên phận cho chàng trai Bến Cát - Bình Dương kết duyên cùng cô gái Đạ Tẻh - Lâm Đồng, anh tự hào là chàng rể của vùng quê Lâm Đồng. Mối tình của họ nghe lạ mà dễ thương, họ cùng là sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Cô gái là thành viên của đội bóng đá nữ của trường, chàng là một fan hâm mộ của đội bóng nữ. Anh theo đội bóng đi suốt những mùa đấu giải, có lẽ những bước chạy trên sân cỏ của cô sinh viên đã làm xao xuyến trái tim chàng nghệ sĩ nhạy cảm với hình tượng. Rồi dây tơ vương vấn và họ nói lời yêu nhau. Nên duyên chồng vợ, cô sinh viên Mỹ thuật ngày nào tự nguyện lui về hậu phương chăm sóc gia đình và con cái, thỉnh thoảng tham gia về chuyên môn, cho anh những đồng cảm để động viên khuyến khích chồng ra biển lớn.
 
Sinh ra trong gia đình thuần nông, Trâm Anh cũng như lũ trẻ thiếu thời hằng ngày tiếp xúc với đất. Trò chơi mà lũ trẻ thích nhất là nhồi đất sét nặn trâu, bò, ngựa, đàn ông cuốc đất, phụ nữ cấy lúa... Hình như từ những trò chơi miền quê đó của hàng trăm đứa trẻ bỗng có người hình thành đam mê và bộc lộ năng khiếu nặn tượng và đi học, lao động miệt mài rồi trở thành nghệ nhân điêu khắc. Trâm Anh có lẽ là một người như thế. Những năm cuối bậc học phổ thông, anh khắc ghi lời cha dặn: “Hãy học những gì mình thích để có một nghề nuôi thân”, anh đã chọn nghề điêu khắc mà mình đam mê. Khi vào Đại học Mỹ thuật, anh lại tâm niệm điều thầy giáo khuyên: “Đề tài là những gì gần gũi với mình nhất” và anh đã chọn đề tài gia đình và cuộc sống gần gũi xung quanh. Ngày xưa chất liệu nặn những con đồ chơi bằng đất sét, còn chất liệu của tác phẩm bây giờ thì đa dạng, phong phú gồm: đồng; nhôm; gỗ; đá... Và anh đã có những thành công lớn ở tuổi còn rất trẻ so với nghề. Trâm Anh đã giành được nhiều giải thưởng ngay trong những năm còn ngồi trên ghế giảng đường, vừa học, vừa sáng tác. Giải thưởng đầu tay vào năm 2006 lúc ấy anh vừa tròn 21 tuổi với tác phẩm “Nắng mới”, chất liệu bằng đồng, ca ngợi vẻ đẹp của cô công nhân phơi gốm trong nắng ban mai của quê hương Bình Dương. Từ năm 2007 đến 2009, anh liên tiếp giành 3 giải với các tác phẩm “Rừng vàng biển bạc”, “Tiếp nối”, “Khai hội”. Đặc biệt năm 2010, với lòng yêu biển, anh đã lặn lội, thâm nhập cùng ăn cùng ở, cùng lao động thực thụ như một ngư dân xóm chài, cảm nhận được sóng gió, nếm trải vị mặn nồng của biển và giá trị của nghề biển, từ đó đã thổi hồn vào tác phẩm. Tác phẩm anh hài lòng nhất với tên gọi “Biển” đã đoạt giải A toàn quốc do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010. Những năm sau đó anh liên tục nhận nhiều giải thưởng giá trị, cho đến nay Trâm Anh đã có gần 20 tác phẩm điêu khắc triển lãm ra mắt công chúng trong đó có trên 10 tác phẩm đoạt giải. 
 
Tác phẩm “Nắng mới”, chất liệu bằng đồng
Tác phẩm “Nắng mới”, chất liệu bằng đồng
Với Đạ Tẻh - Lâm Đồng, quê hương thứ hai, nơi đã ban tặng cho anh một người phụ nữ và những đứa trẻ yêu, Trâm Anh chẳng những nặng tình với quê vợ, mà nơi đây còn thực sự đã làm xao xuyến tâm hồn người nghệ sĩ, bởi thiên nhiên miền cao nguyên mênh mông, thác ngàn hùng vĩ, trời xanh bao la, gió cao nguyên lồng lộng mát lành trên những đồi thông, đời sống miền Tây Nguyên yên ả và văn hóa đồng bào Tây Nguyên vừa sâu lắng, bí ẩn mà không kém phần hào khí đã nâng cảm xúc người nghệ sĩ và thôi thúc anh sáng tác. Tác phẩm “Gia tài” với chất liệu gỗ nguyên khối, khắc họa một gia đình điển hình của đồng bào Tây Nguyên, đã được giải C của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch năm 2011. Tác phẩm “Định canh, định cư” với chất liệu đồng phối hợp với gỗ, mang thông điệp gia đình hạnh phúc ấm no là cái nền của một đất nước phồn vinh, phát triển, đã đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2011. Tác phẩm “Ươm mầm” chất liệu đồng, khắc họa hình ảnh hai ông cháu luyện tập cồng chiêng, ông tượng trưng cho già làng giàu vốn sống tinh túy của buôn làng; cháu tượng trưng cho sức trẻ khao khát vươn lên; cồng chiêng mang ý nghĩa giá trị truyền thống được gìn giữ và kế thừa mãi mãi. Tác phẩm đã đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2016 tại Triển lãm miền Đông Nam Bộ tổ chức ở Lâm Đồng, và giải nhất cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2016”.
 
Trâm Anh tâm sự về những suy nghĩ, trăn trở của mình về một thực trạng đang diễn ra, đó là cuộc sống đang nhiều thay đổi, văn hóa ngoại lai xâm nhập ồ ạt, việc bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong đó có văn hóa đồng bào Tây Nguyên chưa được chú ý đúng mức, đang làm mai một dần những vốn quí mà mai sau nhìn lại ta sẽ rất xót xa, luyến tiếc, bởi những vốn quí đó sẽ chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi mà thôi! Tác giả có tham vọng thông qua các tác phẩm mỹ thuật đến với công chúng, nhằm góp một phần nhỏ của mình vào việc chung tay gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống quí báu của đồng bào Tây Nguyên mà ở đó “Không gian văn hóa cồng chiêng” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
Ở tuổi đời còn rất trẻ, nhưng với niềm đam mê mỹ thuật điêu khắc, chịu khó học hỏi các nghệ nhân tiền bối, với tình yêu thiên nhiên, con người, với những thao thức, trăn trở vì sự phát triển của đất nước - Tất cả sẽ nâng bước cho Trâm Anh trở thành một nghệ sỹ tên tuổi góp mặt với đời.
 
TRỌNG HOÀNG