Phạm Quốc Ca và những góc nhìn văn chương

10:08, 09/08/2018

LTS: Tập tiểu luận "Thơ và mấy vấn đề văn học" (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016) của tiến sĩ - nhà thơ Phạm Quốc Ca (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng khóa V) vừa được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trao tặng thưởng loại C (2016-2017). Báo Lâm Đồng Cuối tuần trân trọng giới thiệu cuốn sách này qua bài viết của tác giả Tư Hương. 

LTS: Tập tiểu luận “Thơ và mấy vấn đề văn học” (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016) của tiến sĩ - nhà thơ Phạm Quốc Ca (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng khóa V) vừa được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trao tặng thưởng loại C (2016-2017). Báo Lâm Đồng Cuối tuần trân trọng giới thiệu cuốn sách này qua bài viết của tác giả Tư Hương. 
 
Tiến sĩ - nhà thơ Phạm Quốc Ca
Tiến sĩ - nhà thơ Phạm Quốc Ca
Làm thơ từ khi còn trong quân ngũ, nhà thơ Phạm Quốc Ca đã có hơn bốn mươi năm gắn bó với thơ. Không chỉ là người nghiên cứu, giảng dạy về thơ mà ông còn sáng tác thơ, dịch thơ tiếng Nga, thơ Đường... Năm tập thơ và một chuyên luận về thơ là những đóng góp của ông đối với nền thơ Việt Nam hiện đại. Trên hành trình trải nghiệm thơ ca đầy say mê và thủy chung, mới đây, ông cho in tập tiểu luận Thơ và mấy vấn đề văn học. Sách do Nxb Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2016, dày ngót 300 trang, tập hợp 37 tiểu luận được viết trong thời gian từ sau Đổi mới 1986 đến nay.
 
Với Thơ và mấy vấn đề văn học, Phạm Quốc Ca mang đến những góc nhìn đa dạng về văn học. Ấn tượng chung của người đọc đối với tập tiểu luận này là tác giả đã đề cập đến một phạm vi rất rộng với nhiều vấn đề phức tạp của văn chương: Từ thơ thể hiện qua các tiểu luận “Bàn thêm về tứ thơ”, “Thơ hay cho hôm nay” đến văn xuôi “Một cuốn tiểu thuyết đáng được tìm đọc”. Và, từ văn học Việt Nam như “Thơ trữ tình công dân sau 1975”, “Xu hướng thơ hiện đại trong nền thơ Việt Nam đổi mới”, đến văn học nước ngoài “Chất thơ độc đáo của tứ tuyệt Đường thi”, “Một bài thơ hay của Vasili Fyodorov”; kể cả văn học đối với đối tượng độc giả người lớn từ văn học người lớn “Mấy vấn đề thi pháp thơ Việt Nam giai đoạn 1986-2000”, đến văn học thiếu nhi “Mấy vấn đề về thơ cho thiếu nhi”. Hay từ tiến trình văn học “Đặc điểm mang tính quy luật trong quá trình đổi mới văn học Việt Nam”, “Thơ trữ tình cá nhân sau 1975”, “Đặc điểm giọng điệu thơ sau 1975”... đến những hiện tượng tác giả, tác phẩm văn học cụ thể như “Thơ Tương Phố trong giai đoạn văn học giao thời 1900-1930”, “về Bài ca chúc Tết thanh niên của Phan Bội Châu”. Ở địa hạt lí luận có: “Thơ như tôi quan niệm”, “Bàn thêm về tứ thơ”; phê bình có: “Ý thức mới về Thơ mới”, “Một nét phong cách đáng quý của nhà thơ Hữu Thỉnh”; thực tiễn văn học thì có “Ảnh hưởng của các trào lưu văn học Pháp đến văn học Việt Nam trước 1945”; còn văn học trong nhà trường được tác giả đề cập trong “Trao đổi thêm về việc giảng dạy bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi”; hoặc văn học địa phương đấy là “Bức tranh chấm phá về văn học viết ở Lâm Đồng”... Là người hoạt động “đa năng” trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (sáng tác, dịch thuật, nghiên cứu, giảng dạy, quản lí), Phạm Quốc Ca có điều kiện bao quát nhiều vấn đề rộng lớn của văn học. Thơ và mấy vấn đề văn học của ông thể hiện rõ điều này.
 
Tập tiểu luận Thơ và mấy vấn đề văn học của Phạm Quốc Ca, NXB Hội Nhà văn 2016
Tập tiểu luận Thơ và mấy vấn đề văn học của Phạm Quốc Ca, NXB Hội Nhà văn 2016
Không chỉ dừng lại ở bề rộng, Thơ và mấy vấn đề văn học còn chiếu những góc nhìn hướng vào chiều sâu, những phát hiện mới mẻ. Điều này thể hiện rõ qua những phân tích ngọn ngành, những kiến giải, nhận định sâu sắc, những phát hiện bất ngờ, thú vị với các tiểu luận được triển khai khá công phu, giàu hàm lượng khoa học, đầy tính mới mẻ. Ở những tiểu luận về tứ thơ, giá trị thơ, thơ Việt Nam sau năm 1975 (như Bàn thêm về tứ thơ, Giao lưu văn học và tích hợp các giá trị thơ, Đặc điểm ngôn ngữ thơ sau 1975, Đặc điểm giọng điệu thơ sau 1975, Mấy nhận xét về thể thơ sau 1975...), Phạm Quốc Ca mang đến những góc nhìn đầy tính hàn lâm, học thuật. Trong khi đó, với các tiểu luận Thơ như tôi quan niệm, Thơ hay cho hôm nay, Mấy vấn đề về thơ cho thiếu nhi, Ý thức mới về Thơ mới..., tác giả khiến người đọc phải bất ngờ, thích thú với những phát hiện mới mẻ, độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân người viết. Chẳng hạn, ở tiểu luận Mấy vấn đề về thơ cho thiếu nhi, ông chỉ ra nhiều “hạt sạn” trong những bài thơ viết cho thiếu nhi đã được xem là hay như trường hợp bài thơ Con chim chiền chiện (Huy Cận) được đưa vào sách giáo khoa: “Bài thơ có những câu tuyệt hay: “Bay cao, cao vút/ Chim biến mất rồi/ Chỉ còn tiếng hót/ làm xanh da trời...”. Tài năng cỡ Huy Cận mới có những câu xuất thần như vậy. Thật tiếc là bên cạnh đó lại có những câu không một chút trẻ thơ: “Chim ơi, chim nói/ Chuyện chi, chuyện chi?/ Lòng vui bối rối/ Đời vui đến thì” (trang 61).
 
Nếu như với chuyên luận Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975 - 2000 (NXB Hội Nhà văn, 2003), người đọc biết đến Phạm Quốc Ca như là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về thơ Việt Nam sau 1975, thì ở tập tiểu luận Thơ và mấy vấn đề văn học, độc giả lại biết đến một Phạm Quốc Ca với nhiều gương mặt phong phú hơn. Ta nhận ra ở ông chân dung một nhà nghiên cứu chuyên sâu qua những tiểu luận về thơ nói chung và những giai đoạn, trường phái, hiện tượng cụ thể; một nhà phê bình sắc sảo qua các tiểu luận về Lê Đình Kỵ, Hữu Thỉnh, Hà Linh Chi; một nhà giáo đầy tâm huyết qua những tiểu luận về các vấn đề dạy học liên quan đến những tác phẩm trong nhà trường như Vội vàng, Đất nước; và cả một nhà quản lí văn nghệ nhiều kinh nghiệm qua những tiểu luận về văn học Lâm Đồng. Có thể nói, chính những gương mặt đa dạng trong thống nhất với các góc nhìn phong phú, mới mẻ của tác giả đã góp phần làm nên sự thành công, độc đáo của tập tiểu luận.
 
Chính sự thống nhất trong đa dạng của những gương mặt, những góc nhìn này đã mang đến cho Thơ và mấy vấn đề văn học những phẩm chất riêng. Con người nghiên cứu mang đến cái nhìn uyên bác, chuyên sâu. Con người quản lí mang đến cái nhìn chặt chẽ, bao quát. Con người thơ mang đến những trang viết bay bổng, say mê. Và con người dạy học lại mang đến cái nhìn tỉnh táo, mực thước. Nhưng trên hết là tính khoa học vẫn được tác giả đề cao hơn cả. Nổi bật trong phong cách của tác giả là cái nhìn đa diện, đối thoại và cởi mở. Tất cả tổng hòa làm nên một cuốn sách với nội dung đa dạng, gợi mở nhiều hướng tiếp cận, giá trị ở nhiều phương diện, có những đóng góp đáng quý. 
 
Đúng như nhận định của GS. Huỳnh Như Phương trong bài mở đầu sách, trọng tâm và nổi bật trong cả tập tiểu luận là những vấn đề về thơ. “Chủ đề thơ ca chiếm hầu hết số trang của cuốn sách. Khi bàn đến những vấn đề chung của văn học, tác giả có đề cập đến tiểu thuyết, nhưng thường hơn vẫn là liên hệ đến thực tiễn sáng tác thơ ca” (tr. 6). Dù đến với văn chương bằng nhiều góc nhìn khác nhau nhưng thơ ca vẫn là điều tâm huyết nhất đối với Phạm Quốc Ca. Người thơ trong ông đã sống trọn vẹn với thơ, không chỉ trong sáng tác, dịch thuật mà cả trong nghiên cứu, phê bình. Thơ và mấy vấn đề văn học nói thay điều đó. Và dĩ nhiên, dù tập tiểu luận đã đạt được nhiều thành công nhưng đây chưa phải là điểm dừng trên hành trình trải nghiệm thơ ca của tác giả. Yêu thơ và chung thủy với thơ, “ngòi bút phê bình của Phạm Quốc Ca chắc hẳn cũng không dừng lại mà sẽ tiếp tục chiêm nghiệm trên con đường đi tới của văn học” (tr. 7).
 
TƯ HƯƠNG