Tập sách vừa in và nộp lưu chiểu tháng 8/2018, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tập hợp gồm tác phẩm thơ, văn, nhạc, ảnh và họa của nhiều tác giả là các tăng, ni, cư sĩ, phật tử, giới văn nghệ sĩ do Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Ðồng tổ chức thực hiện như một món quà tinh thần cho đại chúng nhân dịp đại lễ Vu Lan.
Tập sách vừa in và nộp lưu chiểu tháng 8/2018, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tập hợp gồm tác phẩm thơ, văn, nhạc, ảnh và họa của nhiều tác giả là các tăng, ni, cư sĩ, phật tử, giới văn nghệ sĩ do Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Ðồng tổ chức thực hiện như một món quà tinh thần cho đại chúng nhân dịp đại lễ Vu Lan.
|
Tập sách “Tâm như - Vu Lan báo hiếu” (bìa 1 và bìa 4). Ảnh: T.Xuyên |
Trước hết và chủ yếu là những sáng tác về đề tài đạo nghĩa nhằm tôn vinh và phát huy truyền thống hiếu hạnh của dân tộc Việt Nam. Tác giả Mang Viên Long đưa đến bạn đọc về triết lí “bi, trí, dũng” của Đức Phật dạy thông qua hành động người học trò cũ tặng thầy giáo những bông hồng trắng nhân dịp đại lễ Vu Lan. Câu chuyện giữa học trò và người thầy nhẹ nhàng mà sâu xa ý nghĩa. Điều mà tạp bút này muốn gửi gắm đến người đọc Hạnh phúc chính là Đạo đức, niềm hạnh phúc đích thực, bởi “hạnh phúc mà không có nền tảng đạo đức, chỉ là một thứ giả dối, ngụy danh và đáng ghê sợ”. Bàn rộng hơn, tác giả Doãn Lê với “Vu Lan đọc lại Nhị thập tứ hiếu” (kể chuyện 24 người con có hiếu ngày xưa do Quách Cư Nghiệp (1277-1367) soạn ra) với những câu chuyện tuy có cả tính huyền thoại, có cả những tư tưởng không còn phù hợp đối với hiện nay, nhưng nhiều sự xúc động, và hơn hết là những bài học đạo đức đáng quý về lòng hiếu thảo. Trong tác phẩm “Cho tròn chữ hiếu”, tác giả Nguyễn Văn Uông công phu dẫn dắt người đọc về đạo làm con đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục thông qua trích dẫn và phân tích rất nhiều áng thơ trong kho tàng văn học dân gian phong phú của Việt Nam. Đó là những “hạt ngọc” về tính nhân văn mà tác giả khơi dậy hầu mong hậu thế đừng vô tình lãng quên, mà cần có những phút “sống chậm” trước sự cuốn chảy mãnh liệt của thời hiện đại: “Mùa Vu Lan, nhắc lại chuyện cũ để cùng nhau hiểu thêm về giá trị luân lý trong tâm hồn dân tộc Việt”...
Rất nhiều tác phẩm thơ, văn của các tác giả muốn thông qua tác phẩm của mình để trước hết tỏ bày lòng tri ân đối với cha, đối với mẹ. Đó là những tiếng lòng thủ thỉ trong sự nâng niu biết ơn công lao trời biển... Dẫn ra một số tác phẩm sau trong số đó: các truyện ngắn “Đôi bàn tay mẹ” (Ái Nghĩa), “Dì Tâm (Nguyễn Đình Thu), “Con cảm ơn thầy” (Thích Nữ Tắc Phú), “Lời hứa của một người mẹ” (Tiểu Nguyệt); những tản văn như “Người tuyệt vời là mẹ” (Lê Thị Xuyên), “Viết ngắn cho mạ” (Phan Phan), “Thiêng liêng hai tiếng mẹ ơi” (Diệu Quý), “Sức mạnh của lời cảm ơn” (Xanh Nguyên)... Rất nhiều bài thơ xúc động: “Vu Lan quê mẹ” (Tôn Nữ Khuê), “Mùa hiếu hạnh” (Ngàn Thương), “Tình mẹ” (Phú Đại Tiềm), “Mẹ không còn nữa” (Trần Ngọc Trác), “Trước mẹ” (Phương Nguyên), “Tặng mẹ” (Nguyễn Quỳnh Bảo Linh), “Mẹ tôi” (Trần Trọng Văn), “Thăm mẹ” (Diệp Vy),… Đó còn là bài thơ nổi tiếng “Lời mẹ dặn” về tuyên ngôn chân thật của nhà thơ Phùng Quán sáng tác năm 1957 và năm 2008 được cựu giáo chức tiếng Pháp Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt Thân Trọng Sơn dịch sang tiếng Pháp, vẫn giữ được những hồn cốt của bài thơ trong sự đảm bảo tính tinh túy của ngôn ngữ Pháp. Đó còn là ca khúc “Tình mẹ” (thơ Ngũ Hành Sơn, nhạc Thuận Nhiên).
Tập sách còn có những tác phẩm viết về con người và vùng đất cụ thể ở Lâm Đồng, tô đẹp bức tranh hình thành và phát triển về Phật giáo nói chung và tình hiếu hạnh nói riêng trên vùng đất Nam Tây Nguyên mến yêu này. Đó là những Chư tôn đức ni của Tỳ kheo Ni Huệ Phúc, thầy K’Lìm của Phước Thắng, “Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng” của Trí Minh Pháp, “Viếng chùa” (Hoàng Nguyên), “Một ngày trên cao nguyên” (Tiểu Nguyệt)… Và sự góp phần làm cho tập sách “Tâm như - Vu Lan báo hiếu” càng viên mãn hơn nhờ tham gia nhiệt tình của nhiều tác giả về hình ảnh đặc sắc con người và cảnh vật tỉnh Lâm Đồng: Đặng Văn Thông, Nguyễn Đình Hiến, Nguyễn Bá Trung, Vũ Hồng Quang, Phan Văn Gái, Phan Minh Đạo, Hà Hữu Nết, Dương Quang Tín, Nguyễn Quân, Quang Hải, Huệ Phúc... Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc xa gần tập sách “Tâm như - Vu Lan báo hiếu” nhiều ý nghĩa nhân ngày đại lễ Vu Lan 2018 đang hiện diện không chỉ ở những không gian của Phật giáo mà khắp mọi nẻo đường của đại chúng.
TĨNH XUYÊN