Trong thơ ca Việt Nam hiện đại mở ra nhiều khuynh hướng sáng tạo, nhiều giọng điệu thơ phong phú. Thơ hiện đại có thể phức điệu hơn nhưng cũng có thể giản dị hơn. Phức điệu bởi tính đa thanh, giản dị ở ngôn ngữ. Có nhà thơ tài hoa về câu chữ, có người lại sâu sắc về cấu tứ.
Ðôi nạng
Ngày khai trường
Cha mua cho con đủ thứ
Nào sách bút, nào áo quần
Lại cả đồ chơi nữa
Nhưng cha ơi cha quên sắm
cho con đôi nạng mới
Vì đã hai năm qua
từ khi con bị bom
Chiếc nạng cũ chẳng chịu
cùng con lớn lên, cha ạ!
THANH TÙNG
|
Ngày khai trường. Ảnh: Internet |
LỜI BÌNH:
Trong thơ ca Việt Nam hiện đại mở ra nhiều khuynh hướng sáng tạo, nhiều giọng điệu thơ phong phú. Thơ hiện đại có thể phức điệu hơn nhưng cũng có thể giản dị hơn. Phức điệu bởi tính đa thanh, giản dị ở ngôn ngữ. Có nhà thơ tài hoa về câu chữ, có người lại sâu sắc về cấu tứ. Hình như thơ hiện đại tước bỏ hết những bộ áo cánh nhung tuyết của tính từ để tìm cách đi thẳng chinh phục trái tim người đọc bởi những ý tưởng độc đáo bất ngờ và lay thức. Không rườm rà vần vèo, quá nhiều lớp chữ nghĩa đánh bóng. Tiếng thơ trầm và âm vọng từ những nhận thức ngẫm ngợi nhiều chiêm nghiệm, cố gắng tạo ra phản ứng dây chuyền từ hạt nhân trí tuệ. Bài thơ
“Đôi nạng” của nhà thơ Thanh Tùng chọn theo hướng này. Với một đề tài khá quen thuộc, nhiều khi dẫn đến sự sáo mòn lặp lại, anh đã có một kiểu thơ riêng khác hẳn với một
“Màu hoa đỏ” mà anh đã thành công trước đó. Không ngân nga nhạc tính, anh tìm sự cộng hưởng trước một tình huống: đó là
“Đôi nạng” cho đứa con bị bom Mỹ cướp mất đôi chân. Bài thơ như một câu chuyện kể tuần tự:
“Ngày khai trường/ Cha mua cho con đủ thứ/ Nào sách bút, nào áo quần/ Lại cả đồ chơi nữa”. Nhiều khi người lớn chỉ nhìn thấy phía lành lặn, vẹn toàn của con trẻ (hay là ước mong của họ như vậy). Lời lẽ của đứa bé thật nhỏ nhẹ, dễ thương bao nhiêu thì tình huống tiếp đó càng bùng nổ bấy nhiêu như hai thái cực của thỏi nam châm khi đứa bé bất ngờ hỏi cha:
“Nhưng cha ơi, cha quên sắm cho con đôi nạng mớ/ Vì đã hai năm qua từ khi con bị bom/ Chiếc nạng cũ chẳng chịu cùng con lớn lên, cha ạ”. Câu hỏi nhói vào lòng chúng ta những trắc ẩn mà ngày thường dễ lấp đi. Quần áo, đồ chơi, sách bút là những cái dễ nhận ra bởi nó là vật thể sống hướng tới tương lai hi vọng. Chúng ta không trách người cha là vô tâm mà chỉ căm phẫn chiến tranh đã để lại những chấn thương khó mà hàn gắn được. Đọc đến đây tôi bỗng nghẹn ngào bởi đứa bé không một lời trách móc, giận hờn, buồn tủi. Sự sống, sức sống vẫn trỗi dậy hàng ngày, vết thương lên da non rồi bồi đắp cũng lớn lên từng ngày. Vết thương tự lành và tự lớn, chỉ có đôi nạng gỗ là không lớn lên được, chỉ có tội ác của quân thù là không sao lấn át được, ngăn được sức sống bền bỉ. Tôi cứ mong ước đôi nạng chắp đôi cánh cho em bé bay lên với khát vọng hòa bình của bầu trời xanh không khói bom vởn đục. Đó cũng là một triết lý của sự vận động rất hồn nhiên trong đôi mắt con trẻ. Nhà thơ Thanh Tùng không một lời bình luận, anh giữ được giọng điệu trầm tĩnh nhiều day dứt có khả năng lay thức. Đây cũng là một thông điệp đồng cảm với mọi người rằng: Tội ác của quân thù mang gương mặt méo mó và hoen rỉ; rằng sự sống không bao giờ chán nản (chữ dùng của nhà thơ Xuân Diệu).
NGUYỄN NGỌC PHÚ