Ðường đến với văn chương của mỗi người thật khác nhau. Cái tất yếu là trong đầu họ phải nung nấu một cái gì đó muốn nói ra, muốn được chia sẻ với người đời, song bước chập chững vào nghề, mà nghĩ lại là cái nghiệp của mình ấy thì có phần ngẫu nhiên, như cái duyên của người cầm bút vậy.
Ðường đến với văn chương của mỗi người thật khác nhau. Cái tất yếu là trong đầu họ phải nung nấu một cái gì đó muốn nói ra, muốn được chia sẻ với người đời, song bước chập chững vào nghề, mà nghĩ lại là cái nghiệp của mình ấy thì có phần ngẫu nhiên, như cái duyên của người cầm bút vậy.
|
Nhà văn Nguyễn Tùng Châu. Ảnh: Trịnh Chu |
Hơn 20 năm trước, một ông đầm đậm người, mắt sáng có dáng vẻ chững chạc của lớp cán bộ lão thành cầm tập bản thảo dày đến Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng với ý định gửi cho Tạp chí Lang Bian. Đó là bản dịch tiểu thuyết Pháp “Máu của người khác” nhưng lại qua tiếng Đức. Nhìn tên người dịch trên bản thảo mới biết đó là Nguyễn Tùng Châu, ông Giám đốc Sở Công nghiệp Lâm Đồng mới về hưu được vài năm đã từng tu nghiệp ở Cộng hòa Dân chủ Đức.
Đọc lướt vài trang bản thảo, tôi trả lại ông và ái ngại nói: “Rất tiếc là tạp chí không in truyện dài. Anh viết truyện ngắn đi, anh chấm câu hay lắm”. Và thế là ông bắt đầu gửi đến những truyện ngắn đầu tay: “Day dứt”, “Vàng”, “Trớ trêu”, “Kim Huê”, “Thần dân”, “Bến vắng”… Truyện ngắn của ông thường xuyên xuất hiện trên trang Văn hóa - nghệ thuật của Báo Lâm Đồng vào những số cuối tuần và Tạp chí Lang Bian của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. Cái tên Nguyễn Tùng Châu đã được giới văn chương biết đến. Ông được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng 1995. Từ đấy giao lưu với văn nghệ sĩ nhiều hơn và ngòi bút càng thêm sắc sảo. Tập truyện ngắn đầu tay “Tiếng vọng” ra đời năm 2000 với sự tài trợ của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, rồi tiểu thuyết “Một thời” năm 2004. “Sóng biển vẫn vỗ bờ” ra đời năm 2009 gồm 40 truyện ngắn và vài bút ký, hồi ký. Tám mươi tuổi Nguyễn Tùng Châu vẫn tiếp tục sáng tác với bút lực dồi dào. Vốn sống phong phú và đầu óc minh mẫn, hình như cứ cầm bút là tình tiết kéo đến. Nguyễn Tùng Châu viết rất nhanh, tư duy khoa học khúc chiết nên câu văn mặc dù không bóng bẩy nhưng trong sáng. Nghĩ kỹ khi đặt bút nên bản thảo viết tay gửi đến Ban Biên tập Tạp chí Lang Bian bao giờ chữ cũng đẹp và sáng sủa, không làm khổ các cô đánh máy như bản thảo của một số cộng tác viên cao tuổi khác.
Quá nửa đời làm lãnh đạo nên nhân vật của ông cũng “hay làm” giám đốc, hoặc người có quyền chức trong xã hội. Ông đi guốc trong óc các sếp thời mở cửa làm ăn hội nhập với những mánh khóe của họ. Thời ông làm cán bộ là lo cho người dưới. Kế hoạch 3, làm thêm, làm ngoài giờ, công đoàn chia tiền cho ông nhiều hơn nhưng ông bắt chia đều, trách nhiệm mình chịu. Mọi việc đều công khai minh bạch nên đôi khi dám cự lại cả cấp trên, rất ghét chuyện nịnh nọt lèm nhèm. Nhưng có người nghĩ rằng cái thời coi sự vun vén cho cá nhân mình là đáng xấu hổ và tình dục là vấn đề đạo đức chứ không phải tác phong sinh hoạt đã qua rồi. Ông đối chiếu họ với ngày xưa của mình để phê phán. Một số người bảo sao ông hay bêu riếu các giám đốc, thực ra sự tha hóa của nhiều cán bộ lãnh đạo trong nền kinh tế thị trường là có thật, nó được phản ánh rất sinh động trong nhiều truyện ngắn của ông. Có lúc buồn vì thấy mình không còn hợp thời, lạc lõng. Đây chính là thành công của tác giả Nguyễn Tùng Châu. Ông dụng công nhào nặn chất liệu đời sống có được từ các nguyên mẫu, chịu khó thêu dệt, hư cấu để điển hình hóa nâng lên thành hình tượng nghệ thuật. Song hiếm thấy dừng lại việc mô tả để xen vào những lời bình định hướng cho người đọc, truyền tải thông điệp đến độc giả một cách hữu hiệu hơn. Lời văn đẹp hẳn khi nhắc đến những kỷ niệm yêu đương thời trai trẻ của các nhân vật gắn liền với cuộc sống đầy biến động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả sau này.
Nguyễn Tùng Châu không phải là người khắc kỷ nhưng sống có nguyên tắc, đúng mực và cởi mở, khác hẳn rất nhiều nghệ sĩ không chứng nọ thì tật kia. Tập kết ra Bắc năm 1954 ông có thời gian sang Trung Quốc học tiếng Hoa và từng là phiên dịch rồi mới quay về học Đại học Giao thông Hà Nội. Sau tốt nghiệp công tác ở Ty Đăng kiểm tàu thủy Hải Phòng rồi mới đi Đức tu nghiệp cơ khí chính xác và dụng cụ quang học tại Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông ít nói về mình, thì ra ông đến với nghệ thuật rất sớm, ông được đi dự “Đại hội văn nghệ tập huấn toàn quân Liên khu 5” ba tháng tổ chức tại Rừng Xanh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi năm 1948 cùng các bậc đàn anh: Nguyên Ngọc, Lưu Trùng Dương, Tế Hanh, Khương Hữu Dụng, Phan Huỳnh Điểu… Nguyễn Tùng Châu ở tổ văn thơ, ông sáng tác kịch và đóng vai biểu diễn luôn. Hiện đã 70 tuổi Đảng - vốn sống khiến nhiều trang viết của ông, cứ nhắc đến một thời hồ hởi đi làm cách mạng là ngòi bút lại bay nhảy khiến người đọc cũng náo nức theo.
“Một thời”, 260 trang, Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc - Hà Nội (2004) là một tiểu thuyết đĩnh đạc, không phải là lát cắt giải phẫu tính cách một nhân vật mà miêu tả khung cảnh xã hội Việt Nam từ chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đến xây dựng đất nước sau ngày thống nhất, xoay quanh cuộc tình tay ba đầy trắc trở giữa Nguyễn Tùng và hai cô gái Thanh Hà, Lan Anh. Các nhân vật được thả vào những hoàn cảnh điển hình nhất trong chiến tranh và hòa bình để tính cách được bộc lộ. Yêu say mê, sống và cống hiến hết mình, đó là một thời để yêu, để nhớ, sống đơn giản hết lòng vì người khác, một thời con người sống bằng tình thương chứ không phải bạc tiền. Cái tình, cái nghĩa nổi lên hàng đầu, sống trong chuẩn mực đạo đức mà vẫn đắm say, nên thơ dẫu cuộc tình có đi đến đâu thì vẫn để lại trong nhau những xúc cảm, rung động đẹp đầy vị tha.
Huy động vốn sống cả đời để viết, cho nên nói cái gì mà chẳng thấp thoáng bóng tác giả. Sống đẹp thì viết hay, viết là trải lòng mình trên trang giấy, khi tái hiện cuộc sống đã qua là ta đang sống lại đời mình, Nguyễn Tùng Châu được sống hai lần là vì lẽ đó.
Giờ đây ông vào tuổi 90, bệnh trọng nằm giường nhưng mắt vẫn sáng, minh mẫn với nụ cười hồn nhiên. Không thể đến quán cà phê quen thuộc, điểm hẹn của bạn bè cao tuổi. Sự chính xác về thời gian của ông khiến người ta đôi khi phát sợ. Đến chậm vài phút đã thấy ông đợi ở đó. Rút kinh nghiệm ngồi vào quán hãy gọi. Họp Chi hội Văn học, tôi yêu cầu mỗi hội viên chỉ được phát biểu không quá 5 phút, ông xin nói một phút, nhưng chỉ dùng hết 30 giây: “Năm nay có in Kỷ yếu không?”. Điều chất vấn này, được biết hiện Hội VHNT tỉnh đang có dự án thực thi đáp ứng điều mong mỏi chính đáng ấy.
Tập truyện ngắn “Sóng biển vẫn vỗ bờ” 384 trang, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn - 2009 mới đầu không định in, ông viết di chúc nhờ tôi chỉnh sửa bản thảo và in sau khi qua đời, nhưng ngoài 80 tuổi vẫn khỏe mạnh nên ông tự làm việc này. Có bản thảo một truyện ngắn mang tên “Tình để lại”, tôi đùa: “Thôi, tình mang đi, tiền để lại (!)”, vì tôi thừa biết ông liêm khiết lấy đâu ra tiền.
Che Guevara, nhà cách mạng Mỹ Latinh nói một câu rất hay về ý nghĩa đời người: Sinh được một đứa con, dựng được một ngôi nhà, trồng được một cái cây, viết được một cuốn sách. Với quan niệm ấy, Nguyễn Tùng Châu có thể bằng lòng về mình, mặc dầu ông chưa xây được một ngôi nhà.
Ghi chép: CHU BÁ NAM