Vương miện người đẹp xứ trà đêm nay sẽ thuộc về ai không chỉ là mong đợi của riêng tôi mà còn là mong đợi của hàng ngàn người đang đứng dưới sân khấu.
Vương miện người đẹp xứ trà đêm nay sẽ thuộc về ai không chỉ là mong đợi của riêng tôi mà còn là mong đợi của hàng ngàn người đang đứng dưới sân khấu.
Người dẫn chương trình bước ra trong tiếng reo hò của khán giả.
Tiếng người dẫn chương trình ngắt quãng làm mọi người càng thêm hồi hộp. Tôi không dời mắt khỏi ống kính. Là một nhà nhiếp ảnh ai cũng mong muốn tác phẩm của mình mang ý nghĩa thời điểm và dấu mốc của sự kiện.
Tiếng người dẫn chương trình chợt vang lên:
- Người đẹp xứ trà năm nay thuộc về thí sinh mang số báo danh… 0… 2… 8… Hoàng… Yến… Sala… Trường Đại học Sư phạm...
Sân khấu vỡ òa tiếng vỗ tay.
Tôi xoay ống kính chọn góc chụp đẹp nhất. Khuôn mặt của Hoàng Yến Sala hiện lên trong ống kính máy ảnh trong vắt, rõ từng nét. Một khuôn mặt đẹp đến kỳ lạ. Lẽ ra tôi phải bấm máy để lưu lại hình ảnh tuyệt tác này nhưng toàn thân tôi bỗng run lên, tay cứng đờ, máy ảnh suýt tuột khỏi tay. Tôi kinh hoàng kêu lên: “Trời ơi!... Khuôn mặt này! Đúng. Đó là khuôn mặt đã theo tôi suốt hơn ba mươi năm nay. Với tôi, nó không chỉ là một khuôn mặt đẹp đến kỳ lạ mà còn là nỗi ám ảnh, nỗi ân hận đau đớn khôn nguôi...
Lễ hội tan, tôi bước đi giữa dòng người mà ngỡ mình đang đi trên hoang mạc. Ký ức của hơn ba mươi năm về trước lại đổ về giày vò tâm trí tôi.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Ngày ấy, tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy một mũi phục kích gần căn cứ của bọn tàn quân Pôn-Pốt. Thời gian đã qua gần một ngày mà chưa thấy động tĩnh gì của địch. Trước lúc phân công các nhóm, tôi thống nhất phải để cho địch lọt hẳn vào vòng vây mới hành động. Khi nào thấy tôi bắn thì anh em mới được nổ súng theo.
Sáng hôm sau, khi vừa ổn định vị trí được một lát, tôi bỗng nghe từ phía trước mặt có tiếng bước chân xào xạc trên lá khô. Ngay sau đó, trước mặt tôi xuất hiện một toán quân ước chừng một trung đội, nhưng toàn là nữ. Bọn nữ tàn quân kiểu này anh em chúng tôi gọi là đội quân thắt “Ca-la-vát đít” để phân biệt với bọn đàn ông, vì đặc điểm của bọn này là mặc xà-rông (váy của người Campuchia). Để tiện cho việc đi lại trong rừng họ thường vặn đằng trước xà-rông lại như một cái dây thừng lớn, rồi đưa qua kẽ hai chân, vắt ngược lên cạp xà rông phía sau cho gọn gàng, chắc chắn. Chúng tôi rất hay gặp họ trong kiểu “trang phục” như thế, chạy vù vù trong rừng.
Tôi hồi hộp chờ đám quân lọt gọn trong vòng vây mới từ từ nâng súng nhằm vào nữ tặc đi đầu. Tôi đoán chắc đó là tên chỉ huy. Tên nữ tàn quân khoác trên vai một khẩu B40. Nòng súng của tôi đưa cao dần lên cho đến khi thước ngắm khẩu súng vừa chạm đến khuôn mặt tên địch. Lẽ ra lúc ấy tay tôi phải xiết cò nhưng ngón tay bỗng cứng lại không sao hành động nổi. Trước họng súng của tôi một khuôn mặt đẹp đến nao lòng. Đôi mắt to tròn trong vắt, sáng long lanh, hai má trắng hồng rừng rực sự sống. Lúc ấy, tôi có cảm giác như đang ở trong một giấc mơ. Vốn là một người làm công tác nghệ thuật, tôi không thể nào nhẫn tâm tiêu diệt cái đẹp, dù đó là cái đẹp của một kẻ đối địch. Đang chần chừ thì một quả đạn cối từ trong căn cứ địch bắn ra nổ cách chỗ chúng tôi đang phục kích không xa làm tôi giật mình bừng tỉnh. Trước mắt tôi lúc này chỉ còn là một không gian trống hoác. Cả trung đội nữ binh như tan vào cánh rừng mất hút. Anh em quay lại nhìn tôi bằng ánh mắt đầy nuối tiếc. Chắc ai cũng nghĩ tôi chậm nổ súng là do muốn bình tĩnh để quân địch đến thật gần mới tiêu diệt gọn. Tôi chết lặng người, biết mình đã phạm phải một sai lầm quá lớn khi để cả trung đội địch thoát khỏi vòng vây chỉ vì vài tích tắc xao lòng. Trong một giây, tôi đã để cái bản năng rung động trước cái đẹp của con người lấn át lý trí. Tôi thấy lòng trĩu nặng vì hành vi đầy tội lỗi của mình. Tuy anh em đồng đội không ai biết được điều này nhưng tôi tự nhủ không bao giờ tha thứ cho mình.
* * *
Dời khỏi quân ngũ đã hơn ba mươi năm nhưng cái cảm giác ân hận về cái phút xao lòng tội lỗi ấy lúc nào cũng ám ảnh tôi. Và hôm nay, khuôn mặt của người đẹp xứ trà Hoàng Yến Sala đã làm tôi choáng váng trong một tình trạng như ngạt thở. Bỗng dưng, tiếng nổ quả đạn cối của địch năm xưa như đột ngột dội lại tâm trí tôi trong một nỗi bàng hoàng.
Tôi mệt mỏi nằm dài trên chiếc ghế sô-fa ngoài phòng khách. Hoàng Yến Sala… Hoàng Yến Sala? Cái tên như gợi nhắc tôi nhớ một điều gì. Hoàng Yến thì đúng là một cái tên Việt Nam rồi. Nhưng còn Sala? Một lúc sau, tôi thầm kêu lên: “Đúng rồi… đúng rồi! Sala là một loài hoa của Campuchia!”.
Ngày ấy đơn vị tôi hành quân qua một phum (làng của Campuchia). Trong đống đổ nát hoang tàn còn khét mùi thuốc súng, tôi bỗng thấy một mùi hương thơm kỳ lạ thoảng bay trong gió. Tôi tìm quanh và thấy sau sân ngôi chùa hoang có một thân cây nở đầy hoa. Hoa mọc thành từng chùm, trải một lớp như tấm thảm màu vàng cam hòa lẫn màu đỏ trên sân chùa đẹp đến sững sờ. Đặc biệt là mùi hương khiến ai cũng thấy tâm hồn như bay lên. Tôi vội đến gốc cây nhặt mấy bông cho vào túi áo. Lúc nghỉ chân bên một phum nhỏ ven rừng tôi bỏ mấy bông hoa ấy ra hỏi một cụ già. Cụ già nâng những đóa hoa ấy trong tay đầy vẻ kính cẩn rồi nói với tôi:
- Bộ đội lấy hoa này ở sân chùa phải không? Đây là hoa Sala, một loài hoa linh thiêng. Ngửi hương hoa này con người trở nên rộng lòng vị tha. Trai gái yêu nhau ngửi hương hoa Sala sẽ yêu thương nhau mãi không dời xa. Những kẻ ác ngửi thấy hương hoa này sẽ một lòng sám hối.
Chẳng biết hoa Sala có kỳ diệu như lời cụ già nói không, nhưng quả tình từ ngày đó, tôi không sao quên được mùi hương ấy.
* * *
Suốt đêm, tôi không sao ngủ được. Cái tên Hoàng Yến Sala và khuôn mặt xinh đẹp ấy cứ hiện lên trong tôi. Sáng hôm sau tôi quyết định đến Trường Đại học Sư phạm tìm gặp người đẹp xứ trà.
Để gặp được người đẹp vừa mới đăng quang lúc này quả không hề dễ dàng chút nào. Lấy tư cách là một nhà báo của một tạp chí nghệ thuật mà hàng tuần sau tôi mới gặp được cô.
Lúc đối diện Hoàng Yến Sala, tôi lại càng kinh hoàng hơn. Khuôn mặt của cô với khuôn mặt trước họng súng của tôi hơn ba mươi năm trước hầu như không có một mảy may khác biệt. Tôi luống cuống ngồi xuống ghế.
Sala lễ phép hỏi:
- Dạ, chú hẹn gặp cháu có việc gì ạ!
Phải mất một lúc tôi mới lên tiếng được:
- Hôm nay hẹn gặp cháu, chú không phỏng vấn hay chụp ảnh, mà chỉ muốn hỏi về cái tên của cháu.
Cô bé cười, hồn nhiên trả lời:
- Ôi! Tưởng gì chứ tên cháu không chỉ có chú đâu mà ai nghe cũng hỏi. Rất đơn giản thôi chú ạ. Phần tên Hoàng Yến là của bố cháu, còn Sala là của mẹ cháu.
Cô bé vui vẻ nói tiếp:
- Cháu hỏi mẹ, Sala là gì. Mẹ cháu bảo Sala là một loài hoa có nhiều ở quê hương đất nước mẹ. Nhờ có hương Sala mà mẹ cháu mới có ngày nay và mới có cháu đang đứng trước mặt chú như bây giờ.
Tôi như người trong mơ, vội hỏi:
- Thế mẹ cháu… là người Campuchia à?
- Vâng. Cháu ra đời bởi hai dòng máu mà.
Tôi ngồi lặng hồi lâu mới nói thành lời:
- Hồi trước chú là bộ đội chiến đấu bên nước bạn Campuchia nên có biết hoa Sala.
Hoàng Yến Sala reo lên:
- Bố cháu cũng là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu bên đó.
Sala tỏ ra thân thiện và cởi mở hơn. Cô hỏi tôi rất nhiều về đất nước Campuchia. Chắc cô bé cũng chưa có điều kiện về thăm quê ngoại.
Thế rồi Sala say sưa kể lại cho tôi nghe câu chuyện tình của bố mẹ:
- Ngày trước mẹ cháu đã từng đứng trong đội ngũ của quân Pôn- Pốt. Ở trong quân địch hơn một năm, nhìn thấy sự dã man tàn bạo của chúng, mẹ cháu đã dẫn một trung đội nữ tàn quân tìm về với bộ đội Việt Nam. Và sau này, chính mẹ cháu đã đưa đơn vị của bố cháu tránh bãi mìn tiến vào căn cứ bắt sống chỉ huy của địch đấy.
Tai tôi ù đi. Có lẽ nào đó chính là trung đội nữ tàn quân đã lọt gọn trong ổ phục kích của tôi năm xưa. Tôi hỏi Sala:
- Mẹ cháu có nói đã dẫn trung đội nữ về vùng nào không?
- Dạ, về ngã ba Mi nít ạ!
Tôi lặng người, toát mồ hôi, ôm lấy ngực. Sala hốt hoảng gọi:
- Chú… Chú… Chú có làm sao không?
Tôi xua xua tay.
Đến bây giờ thì tôi đã hoàn toàn hiểu rõ tại sao khi nhìn thấy khuôn mặt Hoàng Yến Sala trong ống kính máy ảnh, tôi lại kinh hoàng đến thế. Tôi sực tỉnh và cảm thấy nhẹ lòng nhận ra một điều, giá như gần hơn ba mươi năm trước nếu tôi không có cái phút xao lòng trước cái đẹp thì…
Hôm nay, như một định mệnh, chính Hoàng Yến Sala đã xua tan đi nỗi ám ảnh tội lỗi mà tôi đã phải đeo đẳng suốt bao năm trời.
Lúc chia tay, tôi nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của Hoàng Yến Sala nói lời cám ơn. Cô bé có vẻ hơi ngỡ ngàng, khó hiểu trước lời cảm ơn ấy.
Cô ngỡ ngàng khó hiểu là phải. Bởi vì, có những chuyện mà chỉ những người từng bước qua những cuộc chiến tranh như tôi và bố mẹ cô bé mới có thể cảm nhận nổi.
Truyện ngắn: ÐÀO NGUYÊN HẢI