(LĐ online) - Thiên nhiên kỳ diệu và tài khéo của nhiều thế hệ con người đã làm nên một Đà Lạt nên thơ có một không hai trên đất nước ta. Từ ý tưởng ban đầu xây dựng một nơi nghỉ dưỡng cho sĩ quan, binh lính và công chức người Pháp, sau 125 năm hình thành, phát triển qua những biến thiên của lịch sử, Đà Lạt đã trở thành một thành phố cao nguyên tươi đẹp, hiện đại và đang vươn tới những tầm cao mới.
(LĐ online) - Thiên nhiên kỳ diệu và tài khéo của nhiều thế hệ con người đã làm nên một Đà Lạt nên thơ có một không hai trên đất nước ta. Từ ý tưởng ban đầu xây dựng một nơi nghỉ dưỡng cho sĩ quan, binh lính và công chức người Pháp, sau 125 năm hình thành, phát triển qua những biến thiên của lịch sử, Đà Lạt đã trở thành một thành phố cao nguyên tươi đẹp, hiện đại và đang vươn tới những tầm cao mới.
Góp phần làm hay, làm đẹp cho xứ sở Đà Lạt có tài năng của các văn nghệ sĩ, trong đó có Nhạc sĩ Hoàng Nguyên với bài hát Ai lên xứ Hoa đào đã đi vào tâm thức mọi người dân Thành phố Hoa và những người yêu âm nhạc hơn nửa thế kỷ qua.
1.Nhạc sĩ Hoàng Nguyên và cơ duyên cùng Đà Lạt
|
Ảnh: Đan Thanh |
Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ngày 3-1-1930 tại xóm Chợ Mới, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau này, cần giảm tuổi để vào học Trường Quốc học Huế, anh khai sinh ngày 3-1- 1932 tại Quảng Trị. Bố là ông Cao Cự Bàng, còn gọi là ông Thông Bàng, công chức ngành bưu điện, có thêm nghề thầy thuốc; mẹ là bà Lương Thị Vi, mất khi cậu bé Phúc chưa đầy 2 tuổi.
Thủa nhỏ Hoàng Nguyên học Trường Nguyễn Xuân Ôn ở quê nhà Diễn Châu. Theo lời ông Phạm Thọ Hải, cán bộ hưu trí ở thôn Mai Các, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu thì Cao Cự Phúc được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1949, cùng sinh hoạt ở Chi bộ Trường Nguyễn Xuân Ôn với ông Hải. Có một thời gian ngắn Cao Cự Phúc sống ở Vinh với ông nội là cụ Hàn Cao Cự Giáp làm thầy thuốc Bắc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được tá túc trong nhà cụ Hàn Cao đã là người dạy âm nhạc cho Cao Cự Phúc và có thể là người đã hướng anh từ 1950 tham gia Đoàn Tuyên truyền kháng chiến Liên khu IV, cùng các văn nghệ sĩ như: Nhà viết kịch Bửu Tiến, Nhà văn Cao Xuân Hạo... vào tận Chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị). Tổ chức giao nhiệm vụ vào tìm bố làm việc trong ngành bưu điện ở Quảng Trị để hoạt động. Anh học xong Trung học ở Trường Quốc học Huế rồi bị bắt vì sáng tác nhạc trong phong trào Hoà bình với bút danh Hoàng Nguyên. Được thả, 1955 anh lên Đà Lạt dạy Việt văn lớp đệ lục ở Trường Tư thục Tuệ Quang thuộc Chùa Linh Quang (Khu số 4, hiện nay có địa chỉ: 133, Hai Bà Trưng, TP Đà Lạt) do Thượng toạ Thích Thiện Tấn (anh ruột của Thiền sư Thích Nhất Hạnh) làm Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, thầy giáo trẻ dạy Anh văn cho các lớp trung học tại Trường Tư thục Bồ Đề (Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du ngày nay). Anh còn dạy nhạc và tổ chức, thực hiện chương trình phát thanh Phật giáo trên Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 1957 bị bắt, đày ra Côn Đảo vì là thành phần kháng chiến cũ và tàng trữ bản nhạc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. Ra tù, học Anh văn ở Đại học Sư phạm Sài Gòn, dạy học, sáng tác âm nhạc. Năm 1965 bị động viên vào Trường Bộ binh Thủ Đức (Khoá 19) rồi chuyển qua Cục Quân cụ, quản lý Ban nhạc Hương thời gian của Đại tá Cục trưởng - Nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng.
Ngày 21-8-1973 Hoàng Nguyên mất vì tai nạn giao thông tại Vũng Tàu.
Hoàng Nguyên đã sống cuộc đời ngắn ngủi 43 tuổi đầy trắc ẩn. Nhiều người nghĩ đến khả năng Hoàng Nguyên được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động bí mật như trường hợp Nhà văn Vũ Bằng nhưng cho đến nay không có căn cứ giấy tờ nào.
Yêu Đà Lạt nhưng Hoàng Nguyên đã không sống lâu dài ở xứ sở này không chỉ vì bị bắt, đày ra Côn Đảo năm 1957 mà còn có nguyên nhân sâu xa hơn. Những dòng hồi ức của Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (người được Hoàng Nguyên dìu dắt vào con đường âm nhạc hồi 1956) hé lộ điều đó:"Chúng tôi ngồi co ro trong căn phòng nhỏ của anh; bên ngoài trời cao nguyên xam xám và mưa nhỏ. Đằng kia, những cánh hoa đào vừa lìa cành theo cơn gió bất chợt… Tôi hỏi “Chắc anh đã chọn Đà Lạt làm quê hương?". Đôi mắt u hoài sau cặp kính trắng của anh hình như chợt xa khuất hơn: “Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng" … [1; tr.205].
Có thể lý giải điều này: Nếu Hoàng Nguyên được tổ chức giao nhiệm vụ ở lại miền Nam hoạt động thì Đà Lạt chưa phải là nơi đắc địa, Sài Gòn mới là trung tâm đời sống chính trị lúc bấy giờ. Một phía khác là tính cách lãng mạn, phiêu lãng, khát khao hiểu biết, nếm trải của người nghệ sĩ trẻ luôn hướng đến chân trời mới. Những ngày ở Đà Lạt là một phần đời rất ngắn trong cuộc đời ngắn ngủi của Hoàng Nguyên nhưng đó là phần đời tuổi trẻ, giàu cảm hứng âm nhạc của người nghệ sĩ trẻ và Hoàng Nguyên đã bén duyên cùng Đà Lạt để viết nên những ca khúc để đời.
Đặt trong hoàn cảnh chung của khí hậu Việt Nam nhiệt đới gió mùa, nắng như thiêu đốt, lạnh như cắt da, cắt thịt, bão lũ hoành hành… thì Đà Lạt thật sự là xứ sở đào nguyên. Vẻ đẹp đặc trưng của Đà Lạt là thiên nhiên kỳ thú với đồi núi, rừng thông, hồ nước…và khí hậu quanh năm mát mẻ, sương mù lãng đãng… Đà Lạt còn được gọi là Thành phố Hoa. Ấn tượng nhất là hoa anh đào Đà Lạt nở rực hồng cả thành phố từ trước Noel cho đến sau tết Nguyên Đán làm đắm say, rạo rực lòng người. Màu hoa rất Đà Lạt này đã được tôn vinh và vĩnh cửu hoá trong ca khúc Ai lên xứ Hoa đào của Hoàng Nguyên. Màu hoa ấy vẫn còn mời gọi thi ca nhạc hoạ khám phá và thể hiện như một nguồn mỹ cảm khôn cùng.
Trước khi Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đến với Đà Lạt chưa lâu, mặc dù sống trong hoàn cảnh chung cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, Đà Lạt cơ bản là "ốc đảo thanh bình trong một thế giới hỗn loạn"[2; tr.451] như ghi chép của một nhà truyền giáo vào năm 1949. Năm 1953 một báo cáo của Pháp còn khẳng định rằng thành phố này "sống trong thanh bình tuyệt đối"[2; tr.451]. Năm 1956, dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, khi Hoàng Nguyên sống và sáng tác ở Đà Lạt, dân số thành phố chỉ khoảng sáu mươi ngàn người, thiên nhiên chưa bị đối xử thô bạo, vẫn còn vô cùng hấp dẫn bởi vẻ đẹp nguyên sơ. Bất chấp tình hình chính trị phức tạp đương thời, người ta vẫn chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn. Một cuốn sách hướng dẫn du lịch bằng tiếng Anh miêu tả:" Dựa vào bối cảnh đồi núi chập chùng, hồ Xuân Hương tạo thành một quang cảnh mà những ngôn từ so sánh cao nhất giành cho nó đều không thỏa đáng"… "Mặt hồ Than Thở đẹp đẽ và lãng mạn in bóng những hàng thông duyên dáng và đường nét của những ngọn đồi hùng vỹ. Quang cảnh thật đẹp và thú vị!" [2; tr.473]… Thật là một xứ sở của thi ca nhạc hoạ.
|
Ảnh: Đan Thanh |
2.Những ca khúc của Hoàng Nguyên về Đà Lạt
Hoàng Nguyên sống ở Đà Lạt không lâu (cả hai lần: 1955-1957 và 1971 tổng cộng khoảng 3 năm) nhưng đã có những ca khúc hay về xứ sở này: Bài thơ hoa đào (1956), Ai lên xứ Hoa đào (1956), Đà Lạt mưa bay (1969, cùng viết hay phổ nhạc Ngô Xuân Hậu?).
Có mặt ở Đà Lạt chưa lâu, Hoàng Nguyên đã bắt tay vào viết ca khúc Bài thơ hoa đào (1956) với những ca từ lãng mạn và âm điệu lãng đãng sương khói núi đồi:
Ngày nào dừng chân phiêu lãng,
Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi.
Màu hoa in dáng trời
Tình hoa lưu luyến người,
Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi...
...Giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần
Tóc mây buông lơi tha thiết bên hồ
Đợi tình quân đến trong giấc mơ...
Sau khi được phóng thích khỏi Côn Đảo, Hoàng Nguyên sống và hoạt động âm nhạc ở Sài Gòn rồi bị động viên vào Quân lực Việt Nam cộng hoà. Kỷ niệm về những ngày sống ở Đà Lạt khiến anh cùng Ngô Xuân Hậu viết tiếp ca khúc Đà Lạt mưa bay (1969) với những ca từ thể hiện nỗi cô đơn, nỗi buồn lê thê như mưa phố núi:
Người đi rồi, hai đứa mình ở lại
Đà Lạt buồn trong nắng quái chiều hôm
Sương mù nhiều vãi trên làn tóc rối
Chiếc gối chung đầu mình kể chuyện đêm đêm
Chừ anh đi rồi mình tôi còn ở lại
Đà Lạt buồn mưa mãi mãi không thôi
Sương ngủ trên đồi sương vây thành phố
Nhớ cánh hoa đào nào vương trên áo tôi...
Nhưng trong những tác phẩm viết về Đà Lạt, Ai lên xứ hoa đào (1956) mới là một ca khúc tuyệt xướng, được mọi người yêu thích, sống mãi với thời gian. Với ca khúc này Hoàng Nguyên đã đội vương miện cho xứ sở đào nguyên Đà Lạt:
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa ...
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên …
Ôi màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào
Ôi màu hoa đào như môi hồng người mình yêu
Ôi màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
Mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ màng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai ...
Trao đổi với chúng tôi, Nhạc sĩ Đình Nghĩ nhận xét: "Ca khúc Ai lên xứ Hoa đào được Hoàng Nguyên viết theo phong cách cổ điển Châu Âu pha lẫn âm nhạc ngũ cung dân tộc, gồm có 2 đoạn (A-B), tiết nhạc, câu nhạc hết sức cân đối. Bài hát mang nhịp điệu Rumba nhẹ nhàng uyển chuyển, giai từ, tiết điệu hoà quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh về Đà Lạt - xứ sở Nam Tây Nguyên tươi đẹp, lãng đãng sương khói, mặc dù từ đầu đến cuối tác giả không viết một chữ định danh thành phố này.
Ca khúc đã được biểu diễn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Đơn ca, song ca, hợp ca nam nữ và cả không nhạc đệm Acapella. Có khi biến đổi tiết tấu thành Pop- Rock, Blue, Jazz để phù hợp với giới trẻ hoặc lấy giai điệu riêng phối khí lại dành cho dàn nhạc hoà tấu... Dù với hình thức biểu diễn nào bài hát này vẫn được công chúng đón nhận nhiệt liệt".
Cái đẹp, cái hay của văn học nghệ thuật vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó có cái đẹp tồn tại ở khỏang giao thoa giữa cái thực và cái ảo. Ca khúc Ai lên xứ Hoa đào là một trong những tác phẩm như vậy. Riêng ca từ đã gây cảm xúc lãng mạn như một bài thơ thoát tục.
Phong cách lãng mạn của ca khúc do cơ sở hiện thực thẩm mỹ của thiên nhiên, cuộc sống con người Đà Lạt gợi ý nhà nghệ sĩ. Phong cách này cũng đồng thời tiếp nối nguồn mạch ca khúc lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 như: Thiên Thai, Suối mơ của Văn Cao. Xa hơn nữa nó tiếp nối motif Lưu, Nguyễn nhập Thiên Thai trong văn học Trung đại. Chính Hoàng Nguyên còn viết ca khúc Đường nào lên Thiên Thai (1971, phổ thơ Hồ Đình Phương)[3].
Con người ta luôn có khao khát vượt thoát hiện thực thường ngày đáng chán để nhập vào cái đẹp, vào cõi mộng. Vì vậy những ca khúc như Ai lên xứ Hoa đào sẽ còn tồn tại mãi.
3. Hoàng Nguyên trong tâm hồn người Đà Lạt
|
Ảnh: Đan Thanh |
Với ca khúc Ai lên xứ Hoa đào, tên tuổi Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã và sẽ sống mãi trong lòng người Đà Lạt.
Tính cách Hoàng Nguyên - Cao Cự Phúc được bạn bè, đồng nghiệp miêu tả qua hồi ức là một thầy giáo mẫu mực, vị tha, gương mặt phảng phất buồn vì hoàn cảnh tha hương, long đong trong đường đời và tình duyên... Đôi mắt của Hoàng Nguyên qua cảm nhận của Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: "u hoài sau cặp kính trắng"[1; tr. 205]. Vương Trùng Dương thì nhận xét: "Những lúc nhìn anh thấy thoáng hiện nỗi u buồn, xa vắng, mênh mông"[1; tr. 210].
Trong niềm kính phục và thương cảm đối với một nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh tôi hình dung hình dáng thanh mảnh của Hoàng Nguyên đang thong thả dạo bước trên những con đường mờ sương Đà Lạt hay say đắm ngắm mùa hoa anh đào nở rực hồng. Màu hoa ấy từng được Nhạc sĩ ví "như môi hồng người mình yêu"- một hình ảnh so sánh thật tuyệt vời, không có cách thể hiện nào hay hơn. Lòng chợt nhớ câu thơ Nguyễn Du: "Sống là thể phách, còn là tinh anh" mà không khỏi ngậm ngùi.
Có thể có ai đó không nhớ tên tác giả Hoàng Nguyên nhưng người Đà Lạt không mấy ai không biết, không thuộc bài hát Ai lên xứ Hoa đào. Người ta hát ca khúc này trong các dịp lễ hội, trên Đài Phát thanh và truyền hình, trong Festival Hoa Đà Lạt, trong đám cưới, trong giao lưu văn nghệ, trong các đại nhạc hội và cả khi một mình thầm lặng tự hào về vẻ đẹp của xứ sở.
Nhưng dù con người chính trị của Hoàng Nguyên có thuộc về bên nào thì ca khúc của ông cũng đã được tôn vinh trong lòng người yêu âm nhạc Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Trong trái tim người dân thành phố Đà Lạt, Nhạc sĩ, Hoàng Nguyên là một công dân danh dự bởi vì bài hát Ai lên xứ Hoa đào là một trong những tác phẩm âm nhạc có sức phổ cập rộng rãi nhất và đã trở thành tài sản văn hoá tinh thần của người dân Thành phố Hoa.
Sau 1975, khi quan niệm chính trị chưa cởi mở, các ca khúc của Hoàng Nguyên cũng như của nhiều nhạc sĩ khác ở miền Nam bị xếp chung vào khái niệm "Nhạc vàng", cấm phổ biến. Theo lời Nhạc sĩ Đình Nghĩ (nguyên Trưởng Đoàn Ca Múa Nhạc Dân tộc tỉnh Lâm Đồng) thì trong các buổi biểu diễn Đoàn luôn nhận được yêu cầu thưởng thức bài hát Ai lên xứ hoa đào. Thể theo nguyện vọng của đông đảo người yêu âm nhạc, từ thập niên tám mươi của thế kỷ trước Đoàn đã "xé rào", biểu diễn ca khúc này trong các chương trình ca múa nhạc phục vụ nhân dân Đà Lạt - Lâm Đồng. Hoàng Nguyên là một trong những trường hợp nhạc sĩ phía Nam sớm trở về với gia tài âm nhạc dân tộc.
Những năm gần đây càng có nhiều hành động vinh danh bài hát Ai lên xứ Hoa đào. Bản nhạc được khắc đá trong Vườn hoa Thành phố Đà Lạt, trong Làng Đất Sét (Đường hầm điêu khắc Đà Lạt star). Chào mừng Festival Hoa Đà Lạt năm 2015, ngành văn hoá thông tin Đà Lạt đã trang trí ngang đường Hồ Tùng Mậu - cửa ngõ vào thành phố những khuông nhạc (rực sáng vào ban đêm) giai điệu của bài Ai lên xứ Hoa đào… Ngành cũng đã xuất bản nhiều đĩa nhạc, tuyển tập các ca khúc hay về Đà Lạt, trong đó bài hát này bao giờ cũng có mặt ở vị trí danh dự tốp đầu.
Tôi đã đến Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, nơi ngày xưa là Trường Tư thục Bồ Đề thầy Cao Cự Phúc từng tá túc những ngày dạy học, làm phát thanh Phật giáo và sáng tác các ca khúc Bài thơ hoa đào, Ai lên xứ hoa đào. Tôi cũng đã đến Chùa Linh Quang, nơi ngày xưa có Trường Tư thục Tuệ Quang mà thầy Cao Cự Phúc dạy Việt văn cho lớp đệ lục (lóp7) ở đó. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Đà Lạt. Trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân - 1968 bộ đội ta đã chiếm vùng này. Phát hiện có bộ đội trong chùa, máy bay địch đã ném bom thiêu rụi cả chùa và dãy nhà học lợp tôn, vách ván thông của trường Tư thục Tuệ Quang trong khuôn viên của chùa. Không còn có dấu vết gì về nơi từng dạy học của Nhạc sĩ Hoàng Nguyên Cao Cự Phúc ở đây.
Tôi cứ ước có một con đường hoặc một công trình mang tên Hoàng Nguyên tại Thành phố Hoa này thì thật là trọn vẹn đối với một nhạc sĩ đã có công làm hay, làm đẹp cho xứ sở.
Đà Lạt, tháng 8-2018
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
1. Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đà Lạt một thời hương xa, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2016.
2. Eric T.Jennings, Đỉnh cao đế quốc, Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2015.
3. Ca khúc Đường nào lên Thiên Thai (1971) Hoàng Nguyên phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Hồ Đình Phương. Một số người nhầm, xem đây cũng là ca khúc viết về Đà Lạt. Đây là ca khúc về tình yêu. Chủ đề khá rõ: Tình yêu là nẻo đường lên Thiên Thai.
Phạm Quốc Ca