Sau khi chở bé Mi đến trường, tôi không vội về nhà, mà lại vào một quán cà phê. Đàn bà con gái thường không vào quán cà phê một mình. Lý do đầu tiên là ngồi uống cà phê một mình buồn lắm, quanh mình người ta luôn có cặp có đôi, mà mình ngồi một mình thì mọi người lại cứ thích dò xét. Ngồi một mình lại không có ai trò chuyện.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Sau khi chở bé Mi đến trường, tôi không vội về nhà, mà lại vào một quán cà phê. Đàn bà con gái thường không vào quán cà phê một mình. Lý do đầu tiên là ngồi uống cà phê một mình buồn lắm, quanh mình người ta luôn có cặp có đôi, mà mình ngồi một mình thì mọi người lại cứ thích dò xét. Ngồi một mình lại không có ai trò chuyện. Nhưng tôi lại có cảm giác khi ngồi cà phê một mình. Đó là để lòng tĩnh lặng lại, nghe được những dòng nhạc đang trôi. Quán cà phê tôi ngồi khéo chọn nhạc. Đó là những bản nhạc tình xưa, điệu bolero vỗ về những trái tim đang mệt nhoài vì đi kiếm tìm hạnh phúc. Tôi cũng thật buồn cười khi đã trên 30 tuổi, có gia đình và có một đứa con ngoan, lại ngồi ở cà phê một mình trong buổi sáng lứa đôi mà nghĩ về hạnh phúc.
Tĩnh sẽ chẳng bao giờ gọi điện cho tôi: “Em ở đâu, em làm gì đó?”. Dù tôi về rất trễ, dù hôm đó trời mưa ngăn trở đường về, và ngay cả dù hôm đó có thể tôi hẹn hò với một người đàn ông khác. Thành phố phát triển du lịch, nhờ dăm anh chị em đang định cư ở nước ngoài gửi tiền về trợ giúp, nhờ ba mẹ anh cho mảnh đất ngày xưa không ai thèm đụng tới, phút chốc mở ra thành con lộ lớn mà kinh tế gia đình thong dong. Tôi có nhiều thời gian rảnh rang, anh cũng có nhiều thời gian rảnh rang.
Chiếc điện thoại của tôi đôi khi chỉ có công dụng để gọi hàng. Hàng tạp hóa bán đủ thứ hàng trên đời ở con phố gọi là con phố Tây, thêm dăm chiếc xe máy cho thuê giờ, cho thuê ngày lúc nào khách cũng đặt hàng trước, vài chiếc cho các cô gái làm ở vũ trường thuê để hàng đêm lượn lờ với khách. Thêm ba căn phòng nhỏ cho thuê, cũng cho thuê theo giờ cho những cặp tình nhân muốn trốn lánh những cặp mắt trần gian, vào góc tối của cửa đóng, rèm che đó mà thỏa mãn nhu cầu yêu thương. Cuộc sống của gia đình tôi là khép mở những cánh cửa hàng ngày, là tiếng chuông điện gọi cửa để mua hàng, để thuê xe và để thuê phòng. Tất cả đều hoàn hảo, không lo toan tiền bạc và chẳng khó nhọc gì trong việc kiếm tiền. Mỗi tháng ngoài tiền tiêu xài, vẫn dư một số tiền mà theo cách nói của ông bà là để phòng thân.
Tôi có chồng năm 20 tuổi, sau dăm lần không vượt qua ngưỡng cửa đại học, tôi bỏ dở dang ước mơ làm cô sinh viên để trở thành người vợ. Tĩnh đi theo mẹ và cả bà Tư chuyên mai mối trong xóm đến nhà tôi vào một buổi tối. Tĩnh ngồi im như thể là một khúc gỗ hay một pho tượng khi ba mẹ tôi và gia đình anh bàn chuyện cưới xin. Hai tháng sau là đám cưới, sau ba lần Tĩnh tới nhà nói chuyện làm quen, sau hai lần hai đứa chở nhau ra phố, vào một quán cà phê, ngồi với nhau để thỉnh thoảng lại nói một câu bâng quơ như trên thế gian này hết chuyện để nói.
Lần đầu tiên Tĩnh ôm tôi là trong đêm tân hôn. Đôi tay khỏe mạnh của anh khiến tôi ngạt thở. Tôi vụng về làm vợ, và anh cũng vụng về làm chồng như cái thuở xa xưa không cần biết tình yêu, cha mẹ đặt đâu thì con cứ ngồi đấy. Nhưng tôi có biết người đàn ông nào trước Tĩnh đâu mà so sánh? Tĩnh cũng đâu biết một người con gái nào trước đó đâu để mà chọn lựa. Nhưng dẫu trước kia là hai cách sống xa lắc, khi thành chồng vợ cũng giống như lửa rơm lâu ngày cũng bùng cháy, cũng vun vén cuộc sống gia đình, hướng về một tương lai phía trước.
Quán cà phê tôi vẫn thường ngồi một mình nhìn xuống là con phố nhỏ. Con phố này có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, mỗi gian hàng là một thế giới thu nhỏ của những kỷ niệm. Thành phố tôi đang sống có ngày bước ra đường chỉ gặp toàn du khách. Khách hững hờ đi qua, chỉ để lại những dấu chân và những dấu chân ấy cũng xóa nhòa theo năm tháng.
Khách nước ngoài thường được gọi là “Tây đi bụi” luôn đeo sau lưng một chiếc ba lô với đủ thứ vật dụng trên tay, cầm chiếc bản đồ mà tìm con phố để đi. Khách Việt Nam thường là những cặp tình nhân. Tất cả họ đều bị thu hút bởi con phố bán hàng lưu niệm kia. Và con phố nhận diện dễ dàng bởi những chiếc lồng đèn được sản xuất ở Hội An treo trên cao. Tôi cũng vậy, ngồi ở chỗ nắng soi ẻo lả buổi sáng xuyên qua mấy cây cổ thụ cao vòi vọi, nhìn xuống con phố lồng đèn ấy, ngắm nhìn mọi người rộn rã mà mơ có một lần cùng với Tĩnh rong chơi đến một nơi nào đó, một con phố lạ, những con người lạ. Và chắc chắn tôi cũng sẽ đi tìm mua những món quà linh tinh để đem về.
Tôi biết rằng giấc mơ mình sẽ không bao giờ thành. Nhưng tôi lại khao khát thoát khỏi cái đều đặn mình đang sống, nỗi khát khao ấy cháy bỏng không thể nào diễn tả nổi. Tuy nhiên, đã là vợ người, tôi không thể vượt qua những thói lề cuộc sống. Nói đúng hơn là tôi không thể tự đốt cháy mình để tìm kiếm một người đàn ông nào đó thay thế. Để người đàn ông đó khuấy tan cho tôi lớp sữa trong ly cà phê đen. Để người đàn ông đó che cho tôi chiếc dù đi trong cơn mưa rào làm cho cây cỏ lao xao. Thì ra trong cuộc sống này không ai thoát ra khỏi những nhỏ nhặt của nỗi buồn.
Tôi quen cách của Tĩnh khi ra khỏi nhà, nổ xe rú ga ầm ầm một cách khó chịu. Tôi quen cách quát tháo của anh khi anh không đồng ý một việc gì. Tôi quen tiếng ngáy trong đêm của anh giống như tôi đang vỗ về giấc ngủ bên một ngọn thác đổ. Tôi quen, tôi nín nhịn cho ngày trôi, cho tháng trôi… Tôi nhủ là mình còn hạnh phúc hơn nhiều người đàn bà khác là chồng mình chỉ có những tật xấu thường tình của một người đàn ông ít học. Nhưng Tĩnh của tôi chỉ đi và về một con đường, còn có những người đàn ông lại thường rẽ về con đường khác và rồi họ đi ra khỏi ngôi nhà mãi mãi không trở về.
Buổi chiều chủ nhật hôm ấy là nỗi buồn tôi có thể chết đi được. Đó là lúc tôi hiểu tại sao mọi người hay buột miệng nói buồn muốn chết. Hôm đó tôi họp nhóm bạn bè học lớp 12. Tôi bảo với Tĩnh là có lẽ tôi về rất tối, vì bạn bè lâu ngày mới gặp, có nhiều chuyện kể và cũng sẽ tìm một quán ăn nào đó nâng ly cho vui. Nhưng buổi họp nửa chừng tôi có cảm giác rất chán. Bạn bè mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc sống mà gặp nhau toàn kể chuyện chồng con. Có đứa đã hai đời chồng rồi dở dang, có đứa niềm hạnh phúc chưa trọn đã trở thành góa phụ, đứa thì cam tâm chịu đựng chồng mình ngoại tình, vì chỉ sợ mất chồng… Soi chuyện mọi người, rọi lại chuyện mình, lòng tôi như có bất an.
Tôi không vội về nhà. Về nhà với tôi là chỗ trú ẩn cho giấc ngủ chứ không phải là niềm vui. Tôi lại tới quán cà phê quen để nhìn xuống con phố bán hàng lưu niệm, để nhìn thấy những chiếc lồng đèn đủ màu treo trước các cửa hàng như đang reo vui.
Những giọt cà phê rơi, cứ rơi. Ai đã từng uống cà phê trong tâm trạng chông chênh sẽ cảm thấy hết cảm giác chờ đợi sự rơi của từng giọt đen kia.
Trong lúc ngắm nhìn những chiếc lồng đèn treo trước những ngôi nhà ấy, tôi thoáng thấy một bóng người: Tĩnh. Tôi dụi mắt mình, bởi anh làm gì có chuyện ra phố? Tôi dụi mắt mình một lần nữa để nhìn cho rõ hơn. Anh không đi một mình mà đang đi với một cô gái. Họ ghé vào một hàng bán thú nhồi bông. Trời ơi, tôi cũng đã từng mơ được tặng một con thú nhồi bông. Tôi như một kẻ trộm sợ ai đó bắt gặp, mặc dù tôi đang ở trên tầng một quán cà phê nhìn xuống, chắc chắn Tĩnh không có thì giờ ngước nhìn lên, và anh cũng chẳng biết tôi hay ngồi ở quán cà phê này. Tôi quan sát như đang xem một phim quay chậm. Cho đến khi họ bước ra khỏi tiệm, trên tay cô gái xinh xinh kia là một con gấu nhồi bông màu vàng kem, rất lớn. Anh dắt xe, cô gái ngồi lên, và vòng tay cô gái ôm chặt lấy anh, họ lao vào dòng người.
Tôi đã chọn cách của riêng mình sau hôm đó. Tôi bình thản bảo Tĩnh: “Mình nên chia tay nhau đi”. Hai đứa đi về hai hướng, thong dong. Không cần đánh ghen, chẳng cần giải thích. Tôi thoát ra khỏi đời sống vợ chồng như một con chim tung bay cao. Tôi quyết định đem con vào Sài Gòn sinh sống.
Còn hôm nay, tôi lại ngồi ở chiếc ghế của quán cà phê mà tôi đã từng ngồi. Tôi nhìn xuống con phố cong cớn kia. Tôi phát hiện ra những chiếc lồng đèn đã cũ, rất cũ. Và trái tim tôi giờ đây như cũng rất cũ.
Truyện ngắn: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG