Những tác phẩm tiêu biểu từ trại sáng tác văn học đề tài Ðà Lạt 125 năm

09:09, 27/09/2018

Nhân dịp tiến tới kỷ niệm 125 năm Ðà Lạt hình thành và phát triển (1893-2018), được sự quan tâm của Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Ðà Lạt, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Ðồng vừa tổ chức thành công Trại sáng tác Văn học phản ánh về quá trình phát triển, những thành quả to lớn trên các lĩnh vực mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đạt được trong quá trình đổi mới của đất nước, của Ðà Lạt - Lâm Ðồng; đồng thời cũng đặt ra những vấn đề Ðà Lạt cần quan tâm giải quyết trong tương lai. 

Nhân dịp tiến tới kỷ niệm 125 năm Ðà Lạt hình thành và phát triển (1893-2018), được sự quan tâm của Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Ðà Lạt, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Ðồng vừa tổ chức thành công Trại sáng tác Văn học phản ánh về quá trình phát triển, những thành quả to lớn trên các lĩnh vực mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đạt được trong quá trình đổi mới của đất nước, của Ðà Lạt - Lâm Ðồng; đồng thời cũng đặt ra những vấn đề Ðà Lạt cần quan tâm giải quyết trong tương lai. 
 
Trăng Đà Lạt. Ảnh: Vy Phương
Trăng Đà Lạt. Ảnh: Vy Phương

Với tâm thế của người cầm bút gắn bó với thành phố Đà Lạt xinh đẹp, giàu tiềm năng, 20 hội viên tham dự Trại đã thực sự say mê tìm hiểu những vấn đề trọng tâm, xuyên suốt, nóng bỏng mà trong quá trình vận động, phát triển hướng tới một thành phố thông minh đã và đang đặt ra. Qua thực tế, Trại đã sáng tác được trên 70 tác phẩm văn học (hơn 50 bài thơ và gần 20 truyện ngắn, ký, ghi chép). Bình quân mỗi hội viên đã sáng tạo trên 3 tác phẩm. Đặc biệt, sau khi được Ban Tuyên giáo Thành ủy thông tin, định hướng rõ nét về tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, học tập và làm theo Bác, các trại viên không chỉ dừng lại ở những tác phẩm hiện có mà trên cơ sở đời sống thực tế tiếp nhận được - đây chính là nguồn “quặng” quý hiếm, các văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục nung nấu, thai nghén và tiếp tục tiếp xúc các điển hình, nhân tố mới, người tốt việc tốt để sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng cao về Đà Lạt 125 năm, Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành...
 
Bám vào chủ đề, tình yêu và niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm mang tính xây dựng đối với Đà Lạt - Lâm Đồng..., có thể nói tác phẩm tham dự Trại đã phản ánh cơ bản những nét đẹp, nét đặc trưng và những vấn đề mà Đà Lạt đang trở trăn, hướng tới. 
 
Về thơ, trước hết ghi nhận các hội viên có nhiều tác phẩm (từ 6-10 bài) như: Nguyễn Thị Thanh Toàn, Nguyễn Mộng Sinh, Phan Hữu Giản, Nguyễn Tấn On, Lê Bá Cảnh, Lê Mưu, Trương Trổ... Với tâm hồn nghệ sĩ, với trách nhiệm công dân - các văn nghệ sĩ đã có những tứ thơ, hình tượng thơ giàu cảm xúc về thành phố Festival Hoa. Đà Lạt đẹp mà dung dị, Đà Lạt cũng rất quấn quyện với thân phận mỗi con người và cảnh vật thiên nhiên xứ đào nguyên khiến con người lạc quan hơn trong cuộc sống. Đó là cảm xúc của nhà thơ Trương Trổ khi anh viết: “Một chút nắng một chút mưa/ Một chút heo may lành lạnh/ Phố hiền hòa nhè nhẹ bước vào xuân./ Nếu chưa kịp thấy mai anh đào khoe sắc/ Thì đâu biết mình thêm tuổi xuân”. Đà Lạt là xứ sở ngàn hoa. Hoa chính là tâm hồn người Đà Lạt sống hiền hòa, chan hòa với thiên nhiên, mang lại nét thi vị cho du khách như cánh hoa rừng mà nhà thơ Mưu Lê xúc cảm: “Bạch Lan ơi em thanh khiết đến chạnh lòng!/ Bao du khách ngẩn ngơ chùng bước lạ/ Phấn thông rơi phủ đầy trên màu má/ Em nhẹ nhàng khoe sắc giữa triền thông”. Với đất trời Nam Tây Nguyên hùng vĩ, thấm đẫm sử thi, nhà thơ Thanh Toàn đã vẽ khá sinh động chân dung những cô gái miền sơn cước Lang Bian trong cuộc sống mới: “... Qua bao mùa mưa nắng/ Em không sợ gian khổ/... Hái nấm, hái măng, nhặt rau rừng.../ Lấy lá rừng sâu, ủ men rượu cần/ Rượu ngon của buôn làng em!... Em cầm dao lên nương, rẫy.../ Đung đưa ru con ngủ trên lưng/ Gieo trồng và dệt vải/ Những tấm vải yêu thương theo du khách mọi miền...”. Nhà thơ Nguyễn Tấn On với những câu thơ giàu suy tưởng đã chấm phá hình tượng sương Đà Lạt thật sinh động: “bàn tay nào chậm rãi/ chạm bầu trời xanh/ chạm vào bản thánh ca/ chạm vào đóa tường vy/ chạm vào ta và em/ trên đôi môi nũng nịu/ Đà Lạt sương”. Là người sẻ chia, am hiểu và nhiều ước muốn tốt lành về quê hương thứ hai, nhà thơ Phan Hữu Giản đã khái quát tâm hồn, ý chí Đà Lạt qua những câu thơ giàu cảm xúc nhiệt thành: “Trải qua mấy cuộc hồi sinh đớn đau/ Cùng đất nước qua cơn bão lửa/ Thông đứng dậy như chàng dũng sĩ/ Dáng thanh cao sáng đẹp núi rừng/ Gió gửi cung đàn xanh sắc xuân.../ Cây thông ấy/ Bước vào đời hăm hở/ Có bao nhiêu việc làm cho xứ sở”. Nhà thơ Nguyễn Vĩnh cùng với tản văn “Tình xóm nhỏ” khắc họa những hình ảnh đi cùng đời người, đi cùng tuổi thơ Đà Lạt thật giản dị, đầm ấm, gần gũi, thân thương của một xóm nhỏ đầy tình người lớn lao còn có bài thơ Leo núi rất đời thực và cũng rất triết lý: “Khăn, giày, ba lô, gậy.../ Ta chinh phục đời mình/ Nhẹ dần ta xuống dốc/ Gậy cùng chân vẫn run”
 
Với tư duy một nhà khoa học, gắn bó và nhiều trách nhiệm trở trăn với Đà Lạt, nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh nhân dịp đi thực tế xã ngoại thành Xuân Trường có câu thơ rút ruột về Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: “Đất nước nhớ các chị các anh/ Không chỉ bằng “Ngày Thương binh Liệt sĩ”/ Chúng tôi nhớ trong từng ý chí/ Từng khoảng khắc thời gian, từng lối rẽ cuộc đời/... Trong ráng đỏ bình minh chiếu sáng tim người/ Và trong bài ca không quên của thế hệ chúng tôi”. Đồng thời, trước xu thế phát triển và hội nhập, trước những câu hỏi đặt ra của công luận, dư luận về sự đổi mới tất yếu “Hình như Đà Lạt đã khác xưa”, hay “Nhà cao, cao thế che khuất núi”, tác giả đã lý giải một cách biện chứng và với niềm tin dạt dào khi nhận ra bản chất quy luật vận động của thiên nhiên vĩnh hằng: “Sao nhà thơ lại bi quan thế/ Có ưu, có khuyết - chuyện thường tình”. Tự vấn mình và nhà thơ tìm câu trả lời: “Rồi ra Đà Lạt quy hoạch lại/ Bớt đi nhà bạt trắng lưng đèo/ Thảm hoa lại nở ven triền núi/ Thông lại đắm mình trong gió reo/ ... Con người - Thiên nhiên hòa hợp sống/ Thân thiện môi trường chốn yêu thương”. Cũng trong mạch cảm xúc này, bên cạnh chùm thơ phê phán những hiện tượng chưa mỹ quan do mặt trái của tốc độ phát triển, nhà thơ Lê Bá Cảnh mong muốn: “Nhà cao tầng sáng lạn/ Nhưng thiếu hẳn màu xanh/ Càng hấp nhiệt nắng hanh/ Còn đâu tranh diễm lệ!/ Hãy làm điều có thể/ Cho xứ sở hoa hồng/ Cho xanh mãi ngàn thông/ Muôn triệu lòng ao ước”
 
“Mùa vàng” của thơ là vậy, còn với văn xuôi thì sao? Hòa mình với hiện thực đời sống và với sự trải nghiệm cuộc đời, lĩnh vực văn xuôi có nhiều tác phẩm ký, ghi chép gắn liền với cuộc sống như: Chuyện xóm Lèo (Võ Trần Phú) viết về sự thay đổi tích cực của một vùng đất xưa vốn nghèo khó của Phường 11; Người phụ nữ hết lòng vì Đảng, vì dân (Đinh Minh Đảng) ca ngợi tấm gương bà Nguyễn Thị Kính - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường 1 - Đà Lạt tận tụy, giàu trách nhiệm với công tác xã hội; Tình yêu Đà Lạt với Trung tá cảnh sát giao thông giàu trách nhiệm vì hình ảnh một thành phố “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách” (Đặng Thanh Liễu); Hoa và người trồng hoa ở Đà Lạt của nhà báo, nhà văn Nguyễn Mậu Siệc tôn vinh người và nghề canh nông làm đẹp và hữu ích cho đời. Phản ánh chiều sâu với những vấn đề trọng tâm, thời sự chủ lưu của thành phố, nhà báo - nhà thơ Thanh Dương Hồng có 3 tác phẩm ký và ghi chép về văn hóa, văn hóa ứng xử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt và những vấn đề đặt ra. Hoặc như nhà văn Thái Bi có tác phẩm nặng trăn trở về “Thăng trầm hồ sinh thái trên cao nguyên Lang Bian”... Cùng với thể loại ký, các nhà thơ Phạm Quốc Ca, nhà văn Chu Bá Nam đã dày công nghiên cứu, khắc họa chân dung các văn nghệ sĩ nổi danh ở Đà Lạt như nhạc sĩ Hoàng Nguyên, nhà văn Nguyễn Tùng Châu - nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Lâm Đồng đầu thập niên thế kỷ trước...
 
 Về văn xuôi, có các truyện ngắn khá thành công như: Góc khuất làng hoa (Kim Chung) dựng một mối tình đẹp mà dang dở. Từ đó, phản ánh những mặt trái trong thời kinh tế thị trường, tuy nhiên, qua đó lại toát lên chân dung thế hệ trẻ Đà Lạt tự tin, bản lĩnh và nhiều khát vọng cống hiến cho đời. Truyện ngắn Cuộc đời nàng Kiều của nhà văn Thái Bi viết về thân phận người phụ nữ dường như bị đẩy xuống tận cùng nấc thang xã hội. Với ý chí thay đổi số mệnh, đã rời quê hương yêu dấu lên đất lành Đà Lạt làm lại cuộc đời. Cô Kiều lên cao nguyên được những tấm lòng nhân ái của người Đà Lạt từ trăm miền đất nước hội tụ về đã tự vẽ lại cho cuộc đời mình một bức tranh tươi sáng. Nhà văn Nguyễn Thanh Đạm với truyện ngắn Hãy nghiêng đời xuống... với vốn sống khá phong phú, có bề dày trải nghiệm đã khắc họa mối tình giàu tính nhân văn của hai tâm hồn nghệ sĩ ở Đà Lạt. Đó cũng là hình ảnh con người Đà Lạt “thân thiện, hiền hòa, mến khách”. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định lại một quan niệm sáng tạo văn học nghệ thuật là hãy bớt đi những suy lý rườm rà, phức tạp, trìu tượng, khó hiểu... Hãy nghiêng đời mình xuống để chia sẻ, đồng cảm với đời sống nhân quần thì mới có tác phẩm hướng tới Chân - Thiện - Mỹ thuyết phục lòng người. 
 
Thành quả của Trại sáng tác Văn học vẫn không dừng lại ở những con số trên mà sẽ tiếp tục mở ra những trang thơ, trang văn mới phản ánh chân thật quá trình vận động, đổi mới của Đà Lạt thật sinh động và giàu sức thuyết phục, cổ vũ đối với công chúng văn chương. Tuy nhiên, công chúng vẫn đòi hỏi các văn nghệ sĩ cần thực sự hòa mình, gắn bó nhiều hơn nữa với mạch đập chủ đạo của trái tim thành phố để có những tác phẩm đời thường hơn, mang tính khái quát cao hơn.
 
NGUYỄN THANH ÐẠM