Níu giữ tiếng chiêng ngân: Nói thêm điều cần nói

08:09, 03/09/2018

Mặc dù cả 5 tỉnh Tây Nguyên đã và đang có các đề án, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng trong quá trình thực hiện, chính quyền sở tại vẫn đối diện với rất nhiều thách thức. 

Mặc dù cả 5 tỉnh Tây Nguyên đã và đang có các đề án, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng trong quá trình thực hiện, chính quyền sở tại vẫn đối diện với rất nhiều thách thức. Thách thức từ việc thiếu hài hòa lợi ích giữa phát triển du lịch với công tác bảo tồn, nhất là các mục tiêu du lịch đầy tham vọng đang vượt qua các giá trị phổ quát cần ưu tiên bảo vệ của di sản. Thách thức đó còn đến từ phía chủ nhân di sản khi mà trong một số lễ hội cồng chiêng, người bản địa diễn tấu loại hình nghệ thuật này đã ít nhiều xuất hiện sự pha tạp, dẫn đến lo ngại việc đánh mất bản sắc Tây Nguyên.
 
Cồng chiêng và múa xoang trong lễ hội truyền thống của người Tây Nguyên
Cồng chiêng và múa xoang trong lễ hội truyền thống của người Tây Nguyên
Bảo tồn - cần làm thực chất
 
Theo nhà Tây Nguyên học Linh Nga Niê Kdam, có 2 nguyên nhân khiến người Tây Nguyên không đánh cồng chiêng nữa. Thứ nhất, do chuyển đổi tín ngưỡng. Thứ hai, do đời sống kinh tế khó khăn. Tập quán của người Tây Nguyên là đã đánh cồng chiêng thì phải có vật hiến sinh từ heo trở lên. Do điều kiện để đánh cồng chiêng như vậy, trong khi đời sống người dân đói kém, nên không dễ mà tổ chức được một lễ hội cồng chiêng. Ngoài ra, trong một thời gian dài, cồng chiêng Tây Nguyên không được chú trọng bảo tồn và phát triển. Mãi đến năm 1990, sau khi có Nghị quyết 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, bấy giờ cồng chiêng mới được khôi phục.
 
Mới đây, tại Hội nghị Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức vào ngày 27 tháng 7 năm 2018 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được, nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt: “Tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ mục đích gì”. Quán triệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là tiền đề, cơ sở quan trọng để trong thời gian tiếp theo Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được ngành chức năng, chính quyền địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên có di sản này thực thi việc bảo tồn cồng chiêng tốt hơn; qua đó, phát huy tối đa những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật đã vượt ra khỏi biên giới Quốc gia, trở thành tài sản nhân loại từ năm 2005.

Vấn đề gìn giữ Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không phải quá khó nhưng đòi hỏi người làm văn hóa phải am hiểu để nói và giải thích cho người dân bản địa hiểu là phải giữ cồng chiêng, một nhạc cụ chỉ người Tây Nguyên có. Nằm trong nỗ lực bảo tồn di sản này, trong hơn 10 năm qua, kể từ năm 2005 khi UNESCO công nhận Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến nay, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều biện pháp để phát huy giá trị của di sản vào đời sống văn hóa, tinh thần cộng đồng. Thông qua các đề án, dự án mà Nhà nước triển khai khắp 5 tỉnh Tây Nguyên, nạn “chảy máu” cồng chiêng đã được ngăn chặn, nhiều không gian văn hóa, tín ngưỡng bản địa được phục hồi... 

 
Tuy nhiên, nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr, một người con của Tây Nguyên, không những am hiểu sâu sắc các điệu chiêng Tây Nguyên, còn khai thác chất điệu dân nhạc Tây Nguyên sáng tác nên những ca khúc rất thành công và nổi tiếng như Đi tìm lời ru Nữ thần Mặt trời, Đôi chân trần, Chim phí bay về cội nguồn, Cô gái trở về một mình, Chung dòng sữa mẹ..., thẳng thắn: “Điều tôi thường thấy là việc bảo tồn cồng chiêng ở 5 tỉnh Tây Nguyên chỉ mang tính chất đối phó. Mở lớp truyền dạy cồng chiêng thì theo kiểu cấp tốc. Một số nơi, người truyền dạy cồng chiêng lại là những người có chuyên môn khác, ví dụ như người làm công tác biên đạo múa, làm sao truyền dạy cồng chiêng được? Trách nhiệm này thuộc về ngành văn hóa sở tại khi tham mưu cho Trung ương cắt cử người làm công tác bảo tồn cồng chiêng. Do vậy, Nhà nước cần làm thực chất, tránh kiểu làm cho có, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mới đến nơi đến chốn. Mà việc đầu tiên là chọn nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng. Người truyền dạy phải chọn những nghệ nhân bản địa biết đánh cồng chiêng, có kỹ năng sư phạm, am hiểu nguồn gốc xuất xứ của cồng chiêng, nhất là phải có giáo trình cụ thể”. Một người con khác của Tây Nguyên là nhạc sĩ Krajan Dick thì cho rằng, cách bảo tồn cồng chiêng tốt nhất là trả cồng chiêng về môi trường đích thực của nó, tức để người dân bản địa Tây Nguyên tự gìn giữ di sản tổ tiên. Bởi, không ai hiểu tính năng, giá trị, cách sử dụng cồng chiêng bằng chính chủ nhân đã sáng tạo ra nó, bảo vệ nó qua hàng trăm năm. “Chỉ khi người bản địa ý thức được giá trị của cồng chiêng, tự khắc người ta sẽ tìm ra cách thức bảo vệ và phát triển nó”, nhạc sĩ Krajan Dick nói. “Đúng là việc níu giữ cồng chiêng phải tự chính cộng đồng ấy muốn, cộng đồng ấy làm nhưng vẫn cần có sự tác động phù hợp của Nhà nước, hiệu quả mang lại chắc chắn sẽ cao hơn. Còn một cách nữa, Nhà nước nên tham vấn ý kiến người bản địa Tây Nguyên làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch trong các đề án, dự án bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để có những điều chỉnh thích ứng, đem lại lợi ích và đáp ứng được các nhu cầu riêng biệt của chủ nhân di sản. Cách làm này đang được TP Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk áp dụng, khi hỏi ý kiến người dân là làm thế nào để khôi phục lại ít nhất một năm một lễ hội truyền thống như chọn tổ chức “Ngày hội bến nước” chẳng hạn”, nhà Tây Nguyên học Linh Nga Niê Kdam nói thêm.
 
Cho đời một tiếng chiêng
 
Mới 8 tuổi, cậu bé Y Phôn K’Sơr đã thuộc nằm lòng các điệu chiêng. Thành thử chỉ cần nghe tiếng chiêng là Y Phôn K’Sơr phân biệt được đó là tiếng chiêng của dân tộc nào và biết điệu chiêng đó đang tâm sự điều gì. Qua nhiều năm lăn lộn ở các làng buôn để tìm sự thật các điệu chiêng của các dân tộc Ê-đê, Ba-na, Jrai, Chăm H’Roi, M’Nông, Xê-đăng, K’Ho, Mạ... thuộc địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum là gì và rồi cuối cùng nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr đã nhận ra, âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên có một điểm chung khao khát, một ý thức trách nhiệm trở về cội nguồn, gắn kết trong ngữ hệ mẫu quyền. “Tôi đang đi trên con đường ngày xưa ông bà đi và gom nhặt từng giá trị văn hóa mà ông bà đã để lại trên con đường ấy. Tôi làm điều này từ trái tim, từ dòng máu, chỉ mong sau này mình chết đi thì để lại cho con cháu, cho đời một tiếng chiêng”, nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr tâm sự. 
 
Trong con người nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr, Tây Nguyên hơn cả một tình yêu, nó là máu thịt, cũng như cồng chiêng là máu thịt. Thế nên, ngoài thời gian công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk, nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr còn biên soạn giáo trình, tham gia công tác giảng dạy cồng chiêng và các loại nhạc cụ liên quan đến cồng chiêng như bộ nhạc cụ gõ bằng tre nứa: T’rưng âm cao, T’rưng âm trầm, Đinh Păh, Ching Kram; bộ nhạc cụ tre nứa màu sắc: Ring reo, Bộ lắc ống tre, Thanh tre; bộ nhạc cụ hơi: Đinh Buốt (sáo), Đinh Năm (kèn 6 ống), K’ki Păh (tù và), Tak Tar (kèn một ống), Gôch (đàn môi), Đinh Tút (sáo dàn) và bộ nhạc dây: Đàn Bố (đàn 2 dây), Đàn Goong (đàn 6 dây)... cho thế hệ trẻ Tây Nguyên. Tất nhiên, với người nhạc sĩ này, không thể thiếu những chuyến trở về buôn làng để sưu tầm và tìm cảm xúc sáng tác nhạc. “Những ca khúc do Y Phôn K’Sơr sáng tác có sử dụng giai điệu, tiết tấu của dân nhạc Tây Nguyên rất thành công. Có những bài hát đã vượt ra khỏi Tây Nguyên”, Nhà Tây nguyên học Linh Nga Niê Kdam nhận xét. 
 
Chưa dừng lại ở đó, nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr đang tìm một hướng đi mới khi kết hợp 3 cụm chiêng: chiêng K’Ho và chiêng M’Nông, chiêng Jrai và chiêng Ba-na, chiêng Ê-đê và chiêng Chăm H’Roi, để mang đến những sắc thái mới mẻ cho âm nhạc cồng chiêng. Giữa mỗi phân đoạn, nhạc sĩ Y Phôn K’Sor dự định sử dụng một bài hát hoặc một câu nhạc dẫn và cuối cùng là sử dụng âm thanh cao vút của cồng chiêng Ê-đê làm cao trào. 
 
Có cùng tâm cảm như nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr, tác giả của một số ca khúc được mến mộ: Nồng nàn cao nguyên, Cánh sóng và chuyện tình, Men tình xuân, Gọi gió... - nhạc sĩ Krajan Dick - lại yêu Tây Nguyên theo cách của mình. Từ vốn văn hóa bản địa K’Ho, ông biến nó thành nguồn cảm hứng, thành tư liệu, thành bối cảnh cho việc sáng tạo các ý tưởng tạo lập các sản phẩm văn hóa du lịch. Nhạc sĩ Krajan Dick thành lập các đội cồng chiêng ngay tại nơi mình sinh (núi Lang Biang, huyện Lạc Dương) để góp phần truyền bá những nét đặc trưng nơi âm nhạc cồng chiêng, kết hợp văn hóa ẩm thực, cùng tập tục bản địa K’Ho đến với du khách trong và ngoài nước. Nhạc sĩ Krajan Dick còn là nhà khảo cứu văn hóa, một nghệ nhân cồng chiêng. Những gì nhạc sĩ Krajan Dick làm cho âm nhạc, cho văn hóa truyền thống Tây Nguyên đã được mọi người biết đến và ghi nhận. Cũng kinh doanh vốn văn hóa truyền thống K’Ho ở chân núi Lang Biang, nhưng cách làm của nhạc sĩ Krajan Plin rất trẻ trung và hiện đại. Tây Nguyên của Krajan Plin là một Tây Nguyên mới, mới trong phương cách Krajan Plin sử dụng cồng chiêng vào hoạt động du lịch văn hóa, khi biết mở rộng biên độ giao lưu với thế giới bên ngoài, biết ứng dụng tiện nghi công nghệ hiện đại vào đời sống biểu diễn. Tuy vậy, Tây Nguyên trong thẳm sâu con người Krajan Plin vẫn là một Tây Nguyên chân mộc, thô ráp, xa xăm. Chất điệu đó được Krajan Plin thể hiện rõ trong ca khúc: K’bing ơi, Giữ ấm bếp hồng...
 
Âm nhạc Tây Nguyên là tiếng nói nữ quyền của người Tây Nguyên. Tiếng nói ấy giờ đang được chính những người con Tây Nguyên như Linh Nga Niê Kdam, Y Phôn K’Sơr, Krajan Dick, Krajan Plin... ấp ủ phát triển thành chromatic (âm giai nửa cung) để đánh những tác phẩm âm nhạc lớn của nước ngoài như sonate (giao hưởng), đưa vào khai thác du lịch, sử dụng chất điệu sáng tác các ca khúc... Tất cả những cách làm trên không ngoài mục đích gìn giữ những điều quý giá nhất mà cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã dày công tạo dựng, với một tâm niệm duy nhất “cho đời một tiếng chiêng” như cách nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr tự nhận.
 
TRỊNH CHU - NDONG BRỪM