Phố Bên Ðồi - Mang thời gian trở lại

09:09, 13/09/2018

Sau 2 mùa thành công, triển lãm nghệ thuật đương đại Phố Bên Ðồi 2018 trở lại với một quy mô lớn hơn và theo tính toán sẽ thu hút khoảng 45 ngàn lượt khách. Không gian chính là vùng Ðồi chè Cầu Ðất (Cầu Ðất Farm, xã Xuân Trường, TP Ðà Lạt), mở rộng vào vùng nội đô thành phố, diễn ra 3 tháng bắt đầu từ tháng 12/2018 và nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ðà Lạt 125 năm hình thành và phát triển (1893-2018). 

Sau 2 mùa thành công, triển lãm nghệ thuật đương đại Phố Bên Ðồi 2018 trở lại với một quy mô lớn hơn và theo tính toán sẽ thu hút khoảng 45 ngàn lượt khách. Không gian chính là vùng Ðồi chè Cầu Ðất (Cầu Ðất Farm, xã Xuân Trường, TP Ðà Lạt), mở rộng vào vùng nội đô thành phố, diễn ra 3 tháng bắt đầu từ tháng 12/2018 và nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ðà Lạt 125 năm hình thành và phát triển (1893-2018). 
 
Trao đổi với Báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập Phố Bên Đồi, nhấn mạnh: Với chủ đề “Nhìn lại”, Phố Bên Đồi 2018 sẽ góp một góc nhìn tích cực “Bảo tồn giá trị di sản đô thị; bảo vệ môi trường; phát triển bền vững” và rộng hơn là câu chuyện mang thời gian trở lại bằng nghệ thuật đương đại.
 
Nghệ thuật đa hình thái
 
Nhắc đến Phố Bên Đồi, giới thưởng lãm nghệ thuật nghĩ đến triển lãm tranh. Phố Bên Đồi 2018 được xác lập là chương trình nghệ thuật “đa hình thái”. Xin ông nói rõ hơn? 
 
Chân dung ông Nguyễn Trung Hiền, sáng lập Phố Bên Đồi
Chân dung ông Nguyễn Trung Hiền, sáng lập Phố Bên Đồi
Phố Bên Đồi 2016 và 2017 tại Đà Lạt với quy mô triển lãm tranh màu nước và tranh chất liệu tổng hợp. Phố Bên Đồi 2018 “trưởng thành” hơn để trở thành một chương trình nghệ thuật “đa hình thái” bởi sự đóng góp nội dung đa dạng, phong phú đến từ các nghệ sĩ, chuyên gia và những người yêu nghệ thuật đến từ trong và ngoài nước. 
 
Nói đến “đa hình thái” không chỉ nói đến tranh mà còn kiến trúc, nhiếp ảnh, phim, âm nhạc, múa... nhằm tạo ra sự thú vị, đa dạng, độc đáo, sáng tạo dành cho người thưởng lãm và nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn. 
 
Phố Bên Đồi 2018 đặc biệt vì nội dung sáng tác, biểu diễn đa dạng bám chặt những thăng trầm của thành phố bên đồi Đà Lạt, nhằm góp một nội dung “nhìn lại” với nhiều biểu cảm tích cực, trân trọng quá khứ, đón chờ sự phát triển. Và đến lúc này, Phố Bên Đồi 2018 được TP Đà Lạt chọn trở thành một trong những sự kiện chính của sự kiện 125 năm Đà Lạt, đấy cũng là một điều đặc biệt. 
 
Khối lượng sáng tác, biểu diễn, triển lãm và lượng nghệ sĩ cùng tham gia trong 3 tháng, từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2019, có lẽ rất lớn, thưa ông?
 
Tôi không dám nói lớn hay nhỏ, nhiều hay ít bởi nhắc đến nghệ thuật thì cái cần nhất vẫn là chất lượng và thông điệp gửi lại sau các chương trình. Sở dĩ, khoảng thời gian diễn ra Phố Bên Đồi 2018 dài hơn khuôn khổ của sự kiện kỷ niệm 125 năm hình thành và phát triển của TP Đà Lạt, là vì các nhóm nghệ sĩ cần khoảng thời gian ấy để chuyển tải hết những chắt chiu sáng tạo. Sau những chương trình trước đó, chúng tôi nhận ra công chúng, không chỉ ở Đà Lạt, cũng cần ngần ấy thời gian để tiếp cận, thưởng lãm các tác phẩm. Thực tế, chúng tôi đã bắt đầu sáng tác cho Phố Bên Đồi 2018 trước khi có cuộc trao đổi với Báo Lâm Đồng.
 
Lĩnh vực kiến trúc có thạc sĩ kiến trúc Nguyễn Yến Phi (Đại học Harvard, Mỹ), người điều phối chung về chuyên môn. Các khách mời gồm: tiến sĩ kiến trúc Hoành Trần, tiến sĩ kiến trúc Archie Pizzini (giảng viên Đại học RMIT), tiến sĩ Caroline Herbelin (Đại học Toulouse, Pháp), nhà nghiên cứu Olivier Tessier (Viện Viễn Đông bác cổ), kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào “giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016”, thạc sĩ kiến trúc Nguyễn Hữu Vinh (giảng viên Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh)...
 
Lĩnh vực hội họa dự kiến có sự tham gia của Lê Kinh Tài, Liêu Nguyễn Hướng Dương và nhiều họa sĩ trẻ tài năng khắp cả nước. Lĩnh vực âm nhạc có nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, nghệ sĩ guitar Tuyên Đức, nhạc sĩ trẻ Bùi Tuyến, Titanium...
 
Riêng lĩnh vực ký họa đô thị sẽ do Urban Sketchers Vietnam điều phối. Được sáng lập bởi kiến trúc sư Vũ Đức Chiến, Urban Sketchers Vietnam từng vẽ giao lưu và triển lãm tại Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Hong Kong, Việt Nam... Họ tạo nhịp cầu kết nối, giao lưu cho giới kiến trúc sư, họa sĩ, sinh viên mỹ thuật, những người yêu thích ký họa tại Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt...
 
Ngoài ra, còn có hội thảo chuyên đề về ký hoạ, màu nước, nhiếp ảnh, hoạt động thiện nguyện trẻ em vùng cao... Với chủ đề “Nhìn lại”, Phố Bên Đồi 2018 muốn gợi ý một không gian văn hóa - nghệ thuật nơi hài hòa được giữa phát triển tương lai và bản sắc của quá khứ.
 
Chuyện tương lai trong “Nhìn lại”
 
Là một người Đà Lạt và đang sống không gần Đà Lạt. Khoảng cách có lẽ vừa đủ xa để nhớ và vừa đủ gần để cảm. Tôi tin Phố Bên Đồi được khai sinh từ những cảm xúc chân thực gần - xa cá nhân ấy. Tuy nhiên, về lý tính có lẽ có nhiều điều liên quan đến bảo tồn và phát triển đô thị Đà Lạt cần bàn đến. Ông có thể nói rõ hơn những trăn trở của mình và Phố Bên Đồi dành cho đô thị này?
 
Chương trình nghệ thuật Phố Bên Đồi do ông Nguyễn Trung Hiền (sinh năm 1982 tại Đà Lạt) sáng lập, hoạt động chủ yếu tại Đà Lạt, với mục đích chính là nâng cao nhận thức về việc giữ gìn và phát triển các công trình kiến trúc, nghệ thuật, cảnh quan đô thị. Dự án bao gồm rất nhiều hoạt động, ngoài triển lãm, vẽ ngoài trời, kiến trúc, hội thảo chuyên đề, múa, thiện nguyện, đấu giá, còn phát triển các cách thức về bảo tồn di sản và không gian sống. Tại Đà Lạt, Phố Bên Đồi đã tổ chức 2 đợt triển lãm tranh tạo được ấn tượng tốt với nghệ sĩ trong và ngoài nước.
Là người con của đất Đà Lạt và từng làm việc ở nhiều nơi, va chạm với nhiều lớp tầng văn hóa, tôi nhận thấy được lợi thế đặc trưng về khí hậu, kiến trúc của thành phố và văn hoá sống đậm chất nghệ sĩ nơi đây. Ở góc nhìn nghệ thuật thì nơi đây chính là một không gian đặc biệt tạo nên nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ sáng tác, nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ...
 
Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, thành phố Đà Lạt cũng đang có những thay đổi chuyển mình để bắt nhịp với xu hướng. Tuy nhiên, sự phát triển đô thị đang thách thức và cuốn trôi những giá trị văn hóa, kiến trúc đô thị cổ... Trong đó, sự biến mất của các công trình kiến trúc, nghệ thuật đặc trưng có thể nhìn thấy rõ hơn cả. Phố Bên Đồi muốn được chung tay lan tỏa hình ảnh Đà Lạt tới cộng đồng, góp sức đưa thành phố vượt lên chính mình thông qua lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, củng cố và tạo ra hồn cốt mới dựa trên những giá trị đặc chất Đà Lạt.
 
125 năm Đà Lạt là một hành trình rất dài. Phố Bên Đồi 2018 lấy chủ đề “Nhìn lại”, tôi e đây là đề tài quá lớn. Theo ông, các nghệ sĩ sẽ khai thác đề tài sâu rộng này như thế nào để đảm bảo chuyển tải được thông điệp “Bảo tồn giá trị di sản đô thị; bảo vệ môi trường; phát triển bền vững”?
 
Các phương tiện truyền thông cũng đã làm những thước phim ký sự về TP Đà Lạt để tôn vinh vẻ đẹp trường tồn với thời gian. Phố Bên Đồi tự hào kết nối được với nhiều nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, kiến trúc, ký họa, âm nhạc, làm phim để có những chia sẻ thú vị với người tham dự chương trình. Có một câu nói của Antoine De Saint-Exupery (nhà văn - phi công người Pháp - PV) rất hay: “Nếu bạn muốn xây một con thuyền lớn, đừng nói với mọi người tìm gỗ, chia việc và đưa lệnh cho mọi người làm, thay vì thế hãy để mọi người khao khát biển cả”. Tôi tin rằng với thông điệp “Bảo tồn giá trị di sản đô thị; bảo vệ môi trường; phát triển bền vững”, các nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ khai thác trên chất liệu đa dạng để cộng đồng cùng hòa mình vào không gian nghệ thuật, ngắm nhìn, cảm nhận, trải nghiệm những nét đẹp đúc kết trong quá trình 125 năm của Đà Lạt.
 
Tác phẩm hội họa do nhóm nghệ sĩ Phố Bên Đồi thực hiện
Tác phẩm hội họa do nhóm nghệ sĩ Phố Bên Đồi thực hiện

3 tháng để thực hiện chương trình nghệ thuật đa hình thái. Không gian tổ chức cũng không gói gọn trong một khán phòng. Phố Bên Đồi 2018 đang kỳ vọng điều gì lớn hơn ngoài một chương trình nghệ thuật hưởng ứng Đà Lạt 125 năm, thưa ông?
 
Phố Bên Đồi không chỉ muốn có những điểm độc, lạ, riêng mà trên hết muốn đưa Đà Lạt thành điểm đến văn hóa độc đáo của khu vực Đông Nam Á. Phố Bên Đồi tự hào là đơn vị tiên phong tạo ra sân chơi văn hóa nghệ thuật đương đại tại Đà Lạt liên tục kết nối, học hỏi, chia sẻ đến cộng đồng thông qua các hình thức nghệ thuật đương đại, các hoạt động cộng đồng và du lịch trong những năm qua. Những nội dung trong chương trình được tuyển kỹ lưỡng với năng lực chuyên môn và sức sáng tạo của các tổ chức và cá nhân uy tín, đa lĩnh vực đến từ khắp nơi.
 
Tầm nhìn dài hạn của dự án Phố Bên Đồi là dồn hết sức sáng tạo với mong muốn Đà Lạt trở thành điểm đến văn hóa độc đáo của khu vực Đông Nam Á. Đà Lạt có danh phận rạng rỡ và xứng đáng để trở thành nơi dồn những nỗ lực sáng tạo phát triển văn hóa. Hiện nay, nghệ sĩ, các tổ chức, cá nhân, người thưởng lãm quan tâm tới Phố Bên Đồi có thể truy cập phobendoi.art hoặc theo dõi kênh Facebook “Phố Bên Đồi” để biết thêm thông tin về chương trình.
 
PHƯỚC AN