(LĐ online) - Hội Kiều học Việt Nam vừa tổ chức lễ ra mắt Chi hội Kiều học tỉnh Lâm Đồng tại huyện Lâm Hà với sự tham dự của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, đông đảo văn nghệ sĩ cùng những người yêu Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
(LĐ online) - Hội Kiều học Việt Nam vừa tổ chức lễ ra mắt Chi hội Kiều học tỉnh Lâm Đồng tại huyện Lâm Hà với sự tham dự của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, đông đảo văn nghệ sĩ cùng những người yêu Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
|
Truyện Kiều trở thành nguồn cảm hứng bất tận thôi thúc các thế hệ họa sĩ sáng tạo không ngừng nghỉ, tạo ra một dòng tranh - Tranh Kiều (Ảnh chụp: Tác phẩm “Nguyện ước” vẽ Thúy Kiều - Kim Trọng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã được bán với giá 83.000 USD) |
Truyện Kiều được đánh giá là đỉnh cao văn hóa dân tộc, là kiệt tác văn học của Việt Nam, là tác phẩm hội tụ đầy đủ tinh hoa ngôn ngữ Việt và có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội. Trải qua gần 250 năm Truyện Kiều đi sâu vào đời sống nhân dân; các thế hệ người Việt không chỉ thuộc Truyện Kiều, ru con ru cháu bằng Truyện Kiều mà còn thấm đẫm từng câu Kiều vận dụng vào mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, vào sinh hoạt văn hóa đời thường qua đố Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, họa Kiều, sân khấu Kiều, tranh mỹ thuật Kiều…
Phát biểu tại lễ ra mắt GS. Phong Lê – Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam nhấn mạnh: Hội Kiều học ra đời xuất phát từ tình yêu Truyện Kiều, từ ý thức gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Sau 7 năm hoạt động Hội quy tụ được đông đảo người yêu Truyện Kiều trong cả nước, thành lập được nhiều chi hội ở khắp các tỉnh thành. Qua đó nhằm tuyên tuyền, quảng bá, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị, tinh hoa về văn học nghệ thuật, văn hóa xã hội, kết tinh hội tụ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đồng thời giới thiệu những tinh hoa của Truyện Kiều với nhân dân trong nước và bè bạn quốc tế, đưa Truyện Kiều xứng tầm với vị thế vốn có của tác phẩm.
Buổi đầu ra mắt, Chi hội Kiều học Việt Nam tại Lâm Đồng đã quy tụ được 62 hội viên yêu và am hiểu về Truyện Kiều. Chi hội đã nhanh chóng triển khai các hoạt động của Hội như phát động hai cuộc thi “Văn tế Nguyễn Du” và “Bạn đọc thuộc Truyện Kiều”, vận động hội viên tham gia nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, sáng tác nhiều tác phẩm về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Hoạt động của Chi hội góp phần tuyên truyền phổ biến Truyện Kiều đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nuôi dưỡng tâm hồn cốt cách người Việt, để Truyện Kiều mãi mãi là di sản tinh thần sống cùng dân tộc.
QUỲNH UYỂN