Trống ếch Trung Thu

09:09, 20/09/2018

Cứ mỗi độ thu về, lòng tôi lại xao xuyến hồi tưởng lại những đêm trăng sáng vằng vặc, gió nồm nam mát rượi và tiếng trống ếch vang vọng khắp xóm làng, vang vọng suốt tuổi thơ tôi.

Cứ mỗi độ thu về, lòng tôi lại xao xuyến hồi tưởng lại những đêm trăng sáng vằng vặc, gió nồm nam mát rượi và tiếng trống ếch vang vọng khắp xóm làng, vang vọng suốt tuổi thơ tôi.
 
Trống ếch là loại trống nhỏ, chuyên dành cho thiếu nhi. Mỗi bộ trống ếch gồm có ba quả hoặc năm, bảy quả tuỳ theo điều kiện của mỗi làng; trong đó, bao giờ cũng có một quả trống cái. Trống cái cao chừng một gang tay người lớn, chu vi rộng bằng miệng thúng, còn những quả trống con thì thấp hơn và chỉ nhỏ bằng nửa quả trống cái. Những quả trống con phải được bưng thật khéo để có âm thanh giống nhau thì khi đánh mới tạo thành một dàn âm thống nhất được. Cũng giống như nhiều loại trống khác, trống ếch bao gồm tang trống và mặt trống. Tang trống được làm bằng những mảnh gỗ mít bào nhẵn, ghép lại với nhau thành một vòng tròn. Các mảnh tang trống phải đều nhau và khi ghép lại phải kín như bưng thì lúc đánh, tiếng trống mới âm vang. Hai mặt trống làm bằng da trâu sau khi đã bào mỏng. Tấm da trâu ấy được định vị chắc chắn với tang trống bằng những chiếc đinh tre. Khi làm xong, trống bao giờ cũng được đem phơi nắng để mặt trống thêm căng, khi gõ tiếng trống sẽ kêu to và vang xa hơn.
 
Tiếng trống ếch trong những đêm trăng thu có sức hút đặc biệt với đám trẻ con chúng tôi. Chưa kịp ăn xong bữa cơm tối đã nghe thấy nhịp tùng rinh... tùng rinh vang lên đầu đường, ngoài ngõ. Tiếng trống như gọi mời, như thúc giục mọi đứa trẻ chạy ùa ra, nhập vào đoàn diễu hành đi qua các đường ngang lối dọc trong làng. Sau đó chúng tôi kéo nhau ra tụ tập ở đầu làng - nơi có bãi cỏ rộng, vừa ngắm trăng đón gió, vừa vui đùa hát múa theo nhịp trống ếch. Trong dàn trống ếch, người gõ trống cái có vai trò bắt nhịp nên quan trọng nhất, giống như một nhạc trưởng vậy; còn những người đánh trống con cứ theo trống cái mà gõ. Ngoài những bài trống mới dành cho thiếu nhi thì chúng tôi còn hay đánh các bài trống dân gian kèm theo lời hát đồng dao hay tiếng vỗ tay của những người xem vây quanh. Có nhiều đứa ngồi xem mà ham quá, lấy que gõ xuống mặt đất theo nhịp gõ của dàn trống. Trong khi tụi con trai say sưa với bộ trống ếch thì đám con gái lại mải mê với những trò chơi dân gian quen thuộc, như: trồng nụ trồng hoa, bịt mắt bắt dê... Tiếng cười nói hồn nhiên hòa cùng tiếng trống tạo nên một khung cảnh náo nhiệt chưa từng thấy. Đó là những ngày vui khôn xiết của đám trẻ con ở làng quê.
 
Càng gần đến ngày Tết Trung thu thì tiếng trống ếch càng thêm tưng bừng, náo nức. Cùng diễu hành với dàn trống ếch lúc này còn có thêm đội múa sư tử thật hoạt náo và những chiếc đèn lồng lung linh làm bằng giấy đỏ hay đèn ông sao lấp lánh giữa ánh trăng vàng trăng bạc. Rồi đến đêm rằm tháng Tám, tất cả trẻ con trong làng quây quần để cùng phá cỗ Trung thu. Tiếng trống ếch đêm ấy cũng thức muộn hơn cùng chúng tôi, bởi ai cũng hiểu rằng từ ngày mai, đứa nào cũng phải tập trung vào việc học hành. Trống ếch sẽ lại được gác lên, nằm im, đợi đến Trung thu năm sau...
 
Những quả trống ếch giờ đã được thay bằng loại trống vành sắt, mặt làm bằng nhựa dẻo, khi gõ phát ra tiếng kêu bồm bộp, lùng bùng chứ không ngân vang và hấp dẫn trẻ con như âm thanh của quả trống da trâu ngày xưa nữa!...
 
TRẦN VĂN