LTS: Từ ngày 19 đến 22/9/2018, tại Đà Lạt, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TW đã tổ chức Hội nghị tập huấn: Tiếp tục triển khai nhiệm vụ "Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam" cho học viên công tác tại các Ban Tuyên giáo, Văn hóa, Hội VH-NT, các cơ quan thông tin đại chúng các địa phương, đơn vị khu vực phía Nam.
LTS: Từ ngày 19 đến 22/9/2018, tại Đà Lạt, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TW đã tổ chức Hội nghị tập huấn: Tiếp tục triển khai nhiệm vụ “Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam” cho học viên công tác tại các Ban Tuyên giáo, Văn hóa, Hội VH-NT, các cơ quan thông tin đại chúng các địa phương, đơn vị khu vực phía Nam. Tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - UVTW Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TW đã có bài phát biểu về “Đường lối phát triển văn hóa, văn nghệ của Đảng trong thời kỳ mới”. Báo Lâm Đồng Cuối Tuần xin lược trích giới thiệu với độc giả một phần quan trọng của bài phát biểu.
|
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc lớp tập huấn tại thành phố Đà Lạt. Ảnh: D.Danh |
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam, giúp cho dân tộc ta, nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức rõ vai trò của văn hóa, từ ngày thành lập Đảng cho đến nay, Đảng ta luôn khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng. Khi Đảng ta chưa giành được chính quyền, hầu hết các cán bộ lãnh đạo tiền bối của Đảng vừa là nhà tổ chức, vừa là nhà tư tưởng, truyền bá hệ tư tưởng Mác, Ăng-ghen, Lênin vào Việt Nam, đồng thời đề ra các chủ trương lớn về văn hóa, văn nghệ, qua các sáng tác của mình đã đặt nền móng cho nền văn học yêu nước, cách mạng, định hướng phong trào sáng tác văn nghệ trong quần chúng, nhân dân.
Những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa - văn nghệ được hình thành và phát triển trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, dân chủ, nhân văn của dân tộc ta từ năm 1930 đến nay. Các quan điểm đó được thể hiện trong các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và trong các bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ cách mạng. Cùng với thực tiễn văn hóa, thực tiễn cách mạng và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ta đã đúc kết, hoàn chỉnh các quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trước yêu cầu mới. Trong những điểm cốt lõi, một quan điểm hết sức quan trọng cần tiếp tục phát huy là xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Quan điểm này khẳng định động lực và nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa. Mọi người Việt Nam phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đều tham gia xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Đội ngũ trí thức là trụ cột để xây dựng và phát triển văn hóa, là lực lượng then chốt trong cách mạng khoa học kỹ thuật và văn hóa. Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức để phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27 (6/8/2009) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, xác định rõ những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức hiện nay. Trong đó đã nhấn mạnh: “Trí thức Việt Nam là lực lượng sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững” (Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa X).
Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) cùng với nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, tiếp tục khẳng định, nhấn mạnh vai trò quản lý của Nhà nước, vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa của nhân dân, tạo nên một chỉnh thể đầy đủ gồm các chủ thể cơ bản trong xã hội: Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mọi người Việt Nam phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đều tham gia xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Đội ngũ trí thức là trụ cột để xây dựng và phát triển văn hóa, là lực lượng then chốt trong cách mạng khoa học kỹ thuật và văn hóa. Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức để phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Để văn hóa, văn nghệ phát triển đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới, kế thừa và phát triển các quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Tư duy lý luận mới thể hiện sâu sắc về mối quan hệ giữa xây dựng con người phát triển toàn diện với mục tiêu của chiến lược phát triển đất nước trên một số nội dung quan trọng; trong đó đáng chú ý:
Một là, xác định phương hướng xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội XII chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nội dung: “phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học...” là đặc trưng, thuộc tính cơ bản cho cả vấn đề văn hóa và con người. Điều đó cho thấy, tư duy lý luận mới của Đảng đã phản ánh đúng bản chất con người cũng như bản chất văn hóa. Vấn đề văn hóa thực chất là về con người và vấn đề con người thì kết tinh, cốt lõi nhất ở nội dung, giá trị văn hóa. Tinh thần quan điểm trên đã thể hiện tính khoa học và cách mạng của sự phù hợp, thống nhất giữa xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hai là, chỉ rõ bản chất các mâu thuẫn của quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Mâu thuẫn của quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH, với tính cách như các mặt đối lập giữa giá trị và phản giá trị; nhân đạo, nhân văn và phản nhân đạo, nhân văn; cách mạng và phản cách mạng... Đại hội XII chỉ rõ: “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam”. Mâu thuẫn trong quá trình này cũng sẽ có biểu hiện ở mâu thuẫn giữa mục tiêu vươn tới với hiện trạng văn hóa, con người Việt Nam chưa tương xứng. Mục tiêu vươn tới là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học...” với một hiện trạng là “... thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh...”. Trong đó, “thấm nhuần tinh thần dân tộc” được hiểu là sự bổ sung mới và mục tiêu, tiêu chí của văn hóa, con người Việt Nam; nó đối lập với những biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, đạo đức, lối sống ở một bộ phận xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, tồn tại như một mâu thuẫn cần phải giải quyết.
(*) Tít bài do Tòa soạn đặt
PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ
UVTW Ðảng, Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TW