Hoàng Quảng Uyên và "Trông vời cố quốc"

09:10, 11/10/2018

Dịp cuối tháng 9/2018, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Ðồng phối hợp với Thư viện tỉnh Lâm Ðồng đã tổ chức giao lưu giữa văn nghệ sĩ Lâm Ðồng, công chúng văn chương với nhà văn Hoàng Quảng Uyên (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) nhân tác giả vào Ðà Lạt dự Trại sáng tác của Hội Văn nghệ các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Dịp cuối tháng 9/2018, Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Ðồng phối hợp với Thư viện tỉnh Lâm Ðồng đã tổ chức giao lưu giữa văn nghệ sĩ Lâm Ðồng, công chúng văn chương với nhà văn Hoàng Quảng Uyên (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) nhân tác giả vào Ðà Lạt dự Trại sáng tác của Hội Văn nghệ các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Tại buổi giao lưu, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã giới thiệu tiểu thuyết lịch sử “Trông vời cố quốc” (NXB Ðại học Thái Nguyên 2017, khổ 13,5x20,5 cm, 616 trang) phản ánh về quãng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ từ năm 1911 - 1941. Báo Lâm Ðồng Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện thân mật với nhà văn Hoàng Quảng Uyên.
 
PV: Thưa nhà văn Hoàng Quảng Uyên, duyên cớ nào khiến ông chọn đề tài viết về Bác Hồ?
 
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên
Nhà văn: Tôi là người con của dân tộc Nùng ở Cao Bằng địa đầu Tổ quốc, là một thầy giáo dạy vật lý yêu văn thơ bước vào ngôi đền thiêng của văn học, trở thành nhà văn với những tác phẩm ký văn học, những cuốn sách lý luận - phê bình, khảo cứu văn học, những cuốn tiểu thuyết mà nổi bật là những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong văn học đã có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về Hồ Chủ tịch, tôi chỉ là tác giả mới viết về đề tài này. Viết về Bác, tôi đã có bộ ba các tiểu thuyết lịch sử: “Mặt trời Pác Bó” in năm 2010 (giải thưởng năm 2010 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam), “Giải phóng” in năm 2013 (tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013) và “Trông vời cố quốc” in năm 2017. 
 
Trước hết xin nói về cơ duyên đưa tôi đến với đề tài Bác Hồ. Năm 2003, tôi đọc bài báo của nhà báo Hồng Khanh viết cuốn “Nhật ký trong tù” được Bác Hồ đem từ Trung Quốc về để quên ở nhà một người dân Cao Bằng. Năm 1955, người dân ấy đã đem cuốn sổ thơ “Nhật ký trong tù” nộp cho Tỉnh ủy Cao Bằng. Tỉnh ủy đã gửi cuốn sổ thơ ấy về Văn phòng Chính phủ. Thế là “châu về hợp phố”. Thông tin làm nổi lên trong tôi máu khám phá của người làm báo văn nghệ. Tôi đã đi tìm khắp vùng Hà Quảng, Hòa An (Cao Bằng), cuối cùng việc “mò kim đáy bể” cũng thành công. Tôi đã tìm được người lưu giữ bản thảo gốc cuốn “Nhật ký trong tù”. Tiếp tục quá trình tìm hiểu về Bác, tôi đã có những tài liệu quý như đơn Bác xin vào học Trường thuộc địa Pháp cuối năm 1911; những tài liệu về lớp học ở Quảng Châu do Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) tổ chức. Ở lớp đó, Lý Thụy đã đặt tên cho đồng chí Trần Phú là Lý Qúy và gửi bổ sung sang học ở Liên Xô. Bác đã tạo điều kiện cho một số thiếu niên sang học ở Liên Xô, trong đó có Lý Tự Trọng (quê Hà Tĩnh) cũng được Người đặt tên... Ngoài ra, còn có các tư liệu quý làm sáng tỏ giai đoạn Nguyễn Ái Quốc hoạt động gặp khó khăn ở Nga từ năm 1935 đến 1938. Tôi đã viết về sự kiện này trong hai chương của tiểu thuyết “Trông vời cố quốc”: “Lữ hành cô đơn” và “Đường về cố quốc”. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết về sự kiện này trong trường ca “Trăng Tân Trào” với những câu thơ hay:
 
Ta đâu nghi ngờ từ người yêu
Cây thường đổ về
phía không vết rìu.
 
PV: Nhà văn tâm sự đôi nét về tiểu thuyết “Trông vời cố quốc”?
 
Nhà văn: Trong “Trông vời cố quốc”, tôi cũng dựng lại cuộc đời hoạt động đầy gian truân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cung cấp những tư liệu mới, chưa từng công bố không phải để gây tò mò, kích thích sự hiếu kỳ mà nhằm sáng tỏ lên tư tưởng, đạo đức, phẩm cách Hồ Chí Minh đúng như nhận định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hồ Chí Minh là người linh hoạt, chủ động từ việc lớn đến việc nhỏ. Từ tuổi thanh niên đến cuối cuộc đời, Hồ Chí Minh là người thiết thực, dám nghĩ, dám làm những điều lớn lao, táo bạo nhưng không bao giờ viển vông hoặc say sưa tâng bốc, rất kỵ với bệnh chủ quan, duy ý chí, bệnh huênh hoang, hình thức...”. Một người như thế mới có thể đứng ra hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Người quả xứng danh “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”!
 
Nhà văn Alếch xăng Đuy Ma có một câu nói rất hay về đề tài lịch sử trong văn học: “Lịch sử chỉ là chiếc đinh để treo bức tranh”. Vấn đề không phải là chiếc đinh mà là bức tranh, nhưng nếu không có chiếc đinh thì bức tranh không thể treo lên để nhìn ngắm. Tôi tuân thủ nguyên tắc này một cách tự nguyện, theo đúng các sự kiện lịch sử nhưng diễn giải (kể) phần nhiều là tưởng tượng (hư cấu) như đoạn Nguyễn Ái Quốc gặp Mao Trạch Đông ở Diên An, gặp vợ chồng Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, đoạn Vêra tiễn Nguyễn Ái Quốc về nước...
 

Tiểu thuyết “Trông vời cố quốc” viết về giai đoạn từ năm 1911 đến năm 1941 - ba mươi năm Bác Hồ bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân. Để viết cuốn này, tôi phải sục tìm trong kho tư liệu lưu giữ tài liệu của Quốc tế Cộng sản đã được giải mật từ thời Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Tôi đã qua Quảng Châu (Trung Quốc) đến lớp học của Lý Thụy ở đường Văn Minh; đến Quảng Tây, Vân Nam tìm những địa chỉ Bác Hồ đã ở và đi qua trên đường về nước. Tới Paris tìm ngõ Công Poanh thăm căn phòng rộng 4 mét vuông và chứng kiến viên gạch sưởi ấm Người những đêm giá tuyết. Qua New York, nhìn ra cửa biển Ellis có bức tượng Nữ thần Tự do để hình dung tâm trạng Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Mỹ: “Ngày 15/12/1912, Nguyễn Tất Thành đã đặt chân lên thành phố Niu Oóc (New York)... Nguyễn Tất Thành nhiều lần đến khu Haclem, nơi tập trung nhiều người dân da đen nhất. Đó là nơi dưới đáy của Niu Oóc... Nguyễn Tất Thành nhận ra rằng, ở đâu cũng có người nghèo khổ, bị áp bức, bị tước đoạt quyền sống, bị chà đạp nhân phẩm... Nước Mỹ, miền đất tự do, là niềm khao khát của bao người không được như những gì đã có, đã được xác lập. Khu Haclem ở gần đảo Ellis có bức tượng thần tự do được dựng lên từ năm 1886... Từ khu người da đen nghèo khó ở Haclem, Nguyễn Tất Thành tới chiêm ngưỡng tượng Nữ thần Tự do. Nhìn từ xa không khỏi choáng ngợp bởi vẻ bề thế, bí ẩn, linh thiêng của bức tượng. Đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay, đi lên cả cầu thang 192 bậc, đi tiếp 354 bậc vòng xoáy trôn ốc thì tới vương miện của nữ thần có hai mươi lăm cửa sổ... Nguyễn Tất Thành đứng dưới chân tượng Nữ thần Tự do ngước lên nhìn ánh sáng tỏa ra từ ngọn đuốc mang ngọn lửa của thần Prômêtê và tự hỏi, ánh sáng của thần tự do mang trên tay soi tỏ được đến đâu, dẫn dắt loài người đi đến đâu, khi nhân gian còn bao điều bất công, ngang trái, khi những khẩu hiệu về Tự do, Bình đẳng, Bác ái chỉ là khẩu hiệu hào nhoáng không thực chất... Nguyễn Tất Thành đã ghi lại những ấn tượng, cảm tưởng của mình sau khi thăm tượng Nữ thần Tự do: Ánh sáng trên đầu thần tự do trải rộng khắp trời xanh, còn dưới chân thần thì người da đen bị chà đạp. Bao giờ thì người da đen hết bị chà đạp. Bao giờ thì người da đen và phụ nữ mới được bình đẳng? Bao giờ mới có sự bình đẳng giữa các dân tộc?
 
“Trông vời cố quốc” gồm hai lăm chương: Khởi đầu là “Hồn nước” khắc họa tinh thần yêu nước của Hồ Chí Minh “Từ năm 13 tuổi học ở Trường tiểu học Đông Ba - Huế lần đầu tiên được nghe về 3 chữ Tự do (Liberté), Bình đẳng (Esgalité), Bác ái (Frantérnnité) trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp 1789... Ánh sáng của nền văn minh Pháp, của cách mạng Pháp là hấp lực mạnh mẽ để anh ra đi, tìm về phương trời ấy. Phải sang chính quốc để xem Tự do, Bình đẳng, Bác ái được thực hiện như thế nào? Sao người dân Việt Nam dưới sự “bảo hộ” của người Pháp không được hưởng một chút gì của Tự do, Bình đẳng, Bác ái mà bị bóc lột, áp bức thậm tệ, đời sống đói khổ tối tăm? Các cuộc phản kháng, khởi nghĩa bị dìm trong bể máu, bị bần cùng hóa, không lối thoát?”... Và tiểu thuyết được kết bởi chương “Những cánh chim đại bàng” - Dừng lời, nhà văn mở tập tiểu thuyết đồ sộ say sưa đọc phần kết tiểu thuyết: “Sáng hôm mùng hai tết Tân Tỵ, Ông Cụ cho Lê Quảng Ba đem đồ đạc ra trước ngôi làng rồi tạm biệt gia đình ông Hứa Gia Khởi lên đường. Ông Khởi cố giữ ở lại mà không được đành bịn rịn chia tay. 
 
Ông Cụ trong bộ quần áo Nùng Giang đầu đội khăn, tay cầm gậy bước đi, rời khỏi ngôi làng đã trở nên gắn bó dù chỉ ở có ít ngày. Con đường nhỏ men theo bìa làng nơi Hứa Triều Tùng đưa đoàn từ An Đức đến, miếu thờ đầu làng, những đám ruộng trên gò cao nơi mở lớp huấn luyện và cả những người dân chất phác, thật thà nơi đây đã lùi lại phía sau. Trước mắt là con đường dẫn về đất mẹ thân thương. Mảnh đất đã ba mươi năm xa cách. Bên kia dãy núi đã là quê hương. Nỗi mong chờ trở về cố quốc giờ đã không chỉ còn trong mơ nữa. Việt Nam - Đất mẹ thân yêu”. 
 
PV: Xin cảm ơn nhà văn và hy vọng ông tiếp tục khai thác tư liệu, sáng tác thêm những tác phẩm có giá trị lịch sử, chân thực, sinh động, giàu sức thuyết phục về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu!
 
ÐAN THANH (thực hiện)