Cách đây gần một năm, Phan Thúy Hà gây ngạc nhiên cho nhiều người viết khi lần đầu tiên cô tự in sách và phát hành hết 2.000 cuốn "Đừng kể tên tôi" qua FB - viết về thời hậu chiến. Hà đánh dấu sự trở lại của mình bằng tác phẩm đầy day dứt: "Qua khỏi dốc là nhà".
Cách đây gần một năm, Phan Thúy Hà gây ngạc nhiên cho nhiều người viết khi lần đầu tiên cô tự in sách và phát hành hết 2.000 cuốn “Đừng kể tên tôi” qua FB - viết về thời hậu chiến. Hà đánh dấu sự trở lại của mình bằng tác phẩm đầy day dứt: “Qua khỏi dốc là nhà”.
|
Bìa tác phẩm “Qua khỏi dốc là nhà”. |
Qua khỏi dốc là nhà” là cuốn sách kể về tuổi thơ của tác giả Phan Thúy Hà ở xóm Trùa, một ngôi làng nhỏ miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh.
Những câu chuyện không chia theo chương, không đánh số, gần như một sự ngẫu nhiên, như tác giả chia sẻ: “Viết chuyện này nhớ sang chuyện khác. Các đoạn nối tiếp một cách không chủ ý như vậy”. Đọc những câu chuyện của Phan Thúy Hà, độc giả có thể hình dung ra tuổi thơ của Phan Thúy Hà, cũng như số phận của biết bao cô bé cậu bé, biết bao con người lớn bé già trẻ sống trên mảnh đất cằn cỗi, khó nhọc ấy.
Một trong những ám ảnh trong tuổi thơ của Phan Thúy Hà là nước, những gánh nước oằn vai, những lần leo dốc nhọc nhằn để mang nước về sinh hoạt, tưới tắm. Là nỗi xót xa khi thấy bà chỉ tắm bằng hai gáo nước. Là niềm xúc động khi cô được thỏa thuê tắm cho bà bằng thật nhiều, thật nhiều nước.
Phan Thúy Hà sinh ra trong một gia đình có mẹ làm giáo viên, bố từng là sinh viên Đại học Tổng hợp, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, sau nhiều năm ở chiến trường, xa cách vợ con, ông tình nguyện trở về làm một người nông dân thuần phác. Dù mẹ hết mực tảo tần, có tem phiếu, nhưng cuộc sống thời bao cấp trong gia đình Hà không mấy dễ dàng. Còn xung quanh cô, cuộc sống của những người dân nghèo ở ngôi làng miền núi cằn cỗi sỏi đá ấy càng thiếu thốn, chật vật hơn.
Ở đó, có những đứa trẻ không được đi học vì quá đói, không đủ sức vượt qua con đường xa, lầy lội. Ở đó, có những người mẹ cam tâm bị người ta chửi rủa vì mót trộm củ sắn cho mấy đứa con ở nhà đang đói lả.
Ở miền quê nghèo này, nhiều người phụ nữ phải cam chịu những trận đòn roi của người chồng rượu chè biếng nhác. Nơi đây, cũng tồn tại bao hủ tục, quan niệm ấu trĩ như để người phụ nữ vượt cạn một mình ở một căn lều dựng tạm cách xa nhà; chuyện về một người nông dân hiền lành chất phác bị nguyền rủa, kết tội ma thuốc độc ám là nguyên nhân gây ra cái chết cho bao người của làng...
Nhưng cũng ở nơi đây, chị em Hà đã lớn lên, được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, cùng bảo ban giúp đỡ nhau học hành đỗ đạt.
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất ấy sớm biết lo biết nghĩ, sớm biết thương mẹ thương cha. Đứa lớn đứa bé bảo ban nhau thái rau, kiếm cỏ, chăm lợn, chăn bò; biết chắt chiu dành dụm từng đồng mẹ đưa cho, cố gắng học hành thi cử tốt dù cái bụng đói meo.
Nơi đây, tình anh em, bạn bè, tình cảm xóm giềng vẫn luôn nồng ấm.
Mảnh đất nghèo khó cằn cỗi ấy khiến cho bao người bịn rịn không nỡ rời xa, hoặc khi buộc phải ra đi, có người còn trở nên mất trí.
“Qua khỏi dốc là nhà” của Phan Thúy Hà vừa gợi lên không gian ngôi nhà nhỏ nằm trên đỉnh dốc, vừa là một ẩn dụ về tình yêu thương. Sau tất cả những sóng gió, thì nhà vẫn là nơi bình yên, nương náu tâm hồn. Trở về nhà là trở về với yêu thương.
Những câu chuyện của Phan Thúy Hà cũng gợi cho độc giả nhiều day dứt, như chính cô và nhiều đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở vùng đất ấy luôn trăn trở: “Tại sao cha mẹ chúng ta làm lụng kiệt quệ cả tinh thần và thể xác mà vẫn triền miên đói khổ?”.
Những câu chuyện Phan Thúy Hà kể là câu chuyện thực của cuộc đời cô, của người thân, bạn bè, lối xóm. Phan Thúy Hà chỉ kể chuyện, cô hầu như không phân tích tâm lý nhân vật, không bình luận về sự việc. Cô để độc giả tự đọc, tự phân tích lấy. Cách kể có phần dửng dưng như thế, nhưng câu chuyện thì ám ảnh khiến người đọc thấy rung động, xót xa.
Nhà văn Xuân Đài đánh giá: “Phan Thúy Hà thích kể chuyện thật, không hư cấu, không phân tích tâm trạng nhân vật đã thành công qua tác phẩm “Đừng kể tên tôi” và bây giờ, một lần nữa Hà khẳng định với người đọc đó là thế mạnh của mình”.
Phan Thúy Hà bày tỏ: “Hy vọng cuốn sách của mình gợi cảm hứng cho bạn viết, kể, nghĩ về tuổi thơ của bạn. Tuổi thơ của thế hệ 7X-8X bọn mình “tuyệt chủng” rồi. Những trải nghiệm đó không thể có được trong thời nay. Những trải nghiệm quý báu đó đang tạm bị xem nhẹ hoặc người ta vẫn coi đó là khổ. Cuốn sách mình viết không phải kể khổ, không phải nuối tiếc về những gì đã qua không trở lại”.
KHÔI NGUYÊN THẢO