Tiếp xúc ban đầu với Rô Ða Nai Vy, không ai nghĩ người con gái mảnh khảnh, chân chất có đôi mắt biết nói này lại có thâm niên công tác hơn mười lăm năm biểu diễn nhạc cụ dân tộc cổ truyền Nam Tây Nguyên ở Ðoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Lâm Ðồng.
Tiếp xúc ban đầu với Rô Ða Nai Vy, không ai nghĩ người con gái mảnh khảnh, chân chất có đôi mắt biết nói này lại có thâm niên công tác hơn mười lăm năm biểu diễn nhạc cụ dân tộc cổ truyền Nam Tây Nguyên ở Ðoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Lâm Ðồng. Những ai đã làm việc cùng Nai Vy đều khâm phục tài năng và cá tính của người con gái gốc Chu Ru đã dành trọn trái tim cho tiếng đàn khúc nhạc, giữ ấm bếp lửa yal yau, khơi gợi âm vực truyền thống trong máu huyết chính mình.
|
Nghệ sĩ Nai Vy độc tấu đàn đá. Ảnh: K.Quang |
Tuổi thơ Nai Vy như không ít trẻ thơ Chu Ru sống trong điều kiện thiếu thốn, sau buổi đi học là những chiều lên nương chăn trâu, lượm củi... Định mệnh đã thay đổi số phận cô trong một chuyến Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Lâm Đồng tìm kiếm tài năng trẻ nhằm phục vụ công tác chuyên môn. Cô bé có sự cảm nhận âm nhạc cực nhạy đã lọt vào “mắt xanh” của Đoàn. Chia tay người mẹ hiền, một quả phụ đã hy sinh cả cuộc đời cho mình, Nai Vy bỏ lại sau lưng con đường làng quen thuộc và bạn bè của một vùng quê yêu thương nhiều kỷ niệm, một mình khăn gói quyết tâm lên Đà Lạt tìm con chữ mới với nhiều ước mơ trăn trở, về ngày mai, về tình yêu, bằng chính thực lực âm nhạc của bản thân.
Ban lãnh đạo Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh đã nhìn thấy tài năng tiềm ẩn và đam mê của sơn nữ nên quyết định cấp kinh phí cho Nai Vy đi học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên (Gia Lai). Chính tình yêu nghệ thuật đã thúc đẩy Nai Vy ra sức học tập khổ luyện trong ba năm với điều kiện thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Rồi tương lai đã mỉm cười, Nai Vy nhận tấm bằng giỏi, được biên chế vào tốp nhạc dân tộc Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Lâm Đồng. Sau một thời ngắn, Nai Vy đã là đội phó đội nhạc và cũng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Với tài năng và cá tính âm nhạc, Nai Vy luôn trau dồi kỹ thuật luyện ngón, kỹ thuật trình tấu, kỹ thuật vê, với nhiều giai điệu phức hợp chuyển cung, chuyển điệu rất khó (Etude - Trémolo). Cô dần dần chinh phục tất cả các thể loại kể cả biến tấu âm nhạc nước ngoài.
Trong cuộc Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc chào mừng Năm Du lịch Quốc gia 2014 do Bộ VHTT&DL tổ chức tại Đà Lạt, Nai Vy đã đoạt Huy chương Bạc bài “Suối Tía”, hình thức độc tấu đàn đá và Huy chương Vàng bản hòa tấu dành cho dàn nhạc dân tộc bài “Đồng dao ngày mùa”; cả hai tác phẩm này do nhạc sĩ Đình Nghĩ sáng tác.
Nghề chọn người, người chọn đường đi! Cũng bởi tính năng nhạc cụ khó tính nhưng đáng yêu này, Nai Vy đã kết duyên với một chàng trai K’Ho cùng làng, cùng đơn vị, chàng trai đó là Păngting K’Nâu, nhạc công kiêm ca sĩ. Anh có giọng hát núi rừng mộc mạc nguyên sinh, đầy nội lực. Sau những vất vả ban đầu của vợ chồng son trẻ, một tổ ấm hạnh phúc với một bé trai kháu khỉnh đã làm cho tiếng Krông Pút, tiếng T’Rưng, tiếng đàn đá trong hơn, xanh hơn như lời tự sự của rừng núi đầy bi hùng của cuộc đời vợ chồng nghệ sĩ và số phận những người con Lang Bian thần thoại.
Bao năm qua, nhạc cụ dân tộc Nam Tây Nguyên với những âm sắc “kén tai” đã được Nai Vy mềm hóa và phổ biến khắp muôn phương. Từ những buổi hội thi văn nghệ do tỉnh Lâm Đồng tổ chức cho đến đất Sài thành phồn hoa đa màu sắc nhiều chủng loại, kể cả những lần tham gia biểu diễn lễ hội văn hóa các nước trong khu vực. Nai Vy luôn tự hào âm nhạc truyền thống nghệ thuật Nam Tây Nguyên. Từ những bài dân ca dân vũ đậm tính dân tộc cho đến những tác phẩm lẫy lừng quốc tế - tất cả đều được Nai Vy phổ thông hóa qua nhạc cụ bình dân mộc mạc, nhưng không mất vẻ đẹp quý phái của nền âm nhạc cổ điển châu Âu.
Với khát vọng cho văn hóa bản địa ngày càng hòa nhập và gần gũi công chúng, Nai Vy không ngừng trau dồi bản thân ở tầm cao hơn, không ngừng sáng tạo để giữ mãi bếp lửa yal yau nồng ấm và khúc nhạc Nam Tây Nguyên ngút ngát đại ngàn, xanh chân trời mới!
KLING QUANG