Một buổi sáng đầu Đông năm 2017, tôi đang ngồi uống cà phê ở quán Gió nằm trên đường Trần Phú, TP Bảo Lộc, thì tình cờ gặp nhà văn Trần Đại, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, sống và viết tại TP Bảo Lộc. Có lẽ độ 5 năm nay, chúng tôi mới lại gặp nhau...
Một buổi sáng đầu Đông năm 2017, tôi đang ngồi uống cà phê ở quán Gió nằm trên đường Trần Phú, TP Bảo Lộc, thì tình cờ gặp nhà văn Trần Đại, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, sống và viết tại TP Bảo Lộc. Có lẽ độ 5 năm nay, chúng tôi mới lại gặp nhau. Thế nên, vừa trông thấy tôi, nhà văn Trần Đại đã hỏi ngay, rằng có biết anh Lưu Lục Xuyên, con trai cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, mới chuyển về TP Bảo Lộc sinh sống? Tôi thú thật là mình chưa nghe thông tin này. Nhà văn Trần Đại bèn lôi điện thoại ra gọi và lát sau con trai cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp có mặt tại quán Gió.
|
Nguyệt vọng lầu, đường Trương Công Định, TP Đà Lạt, chính nơi gợi cảm hứng sáng tạo để nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết nên ca khúc Vọng nguyệt lầu. Ảnh: T.Chu |
Từ lần gặp gỡ đó về sau, cứ có dịp là chúng tôi tìm đến nhau chẳng vì lý do gì khác ngoài câu chuyện về gia tài âm nhạc của nhạc sỹ Hoàng Hiệp.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 1948. Nhưng niên điểm đánh dấu sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của ông lại là năm 1957, khi ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương ra đời. Bấy giờ, giới nhạc sĩ và công chúng nghe nhạc mới xôn xao và khâm phục tài năng của người nhạc sĩ quê An Giang vừa tập kết ra Bắc. Trong 20 năm sống ở Thủ đô Hà Nội, từ 1955 đến 1975, nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết khoảng 100 ca khúc, in đậm chặng đường mà cả dân tộc ta đã trải qua, trở thành tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam và luôn làm người nghe rung động: “Khi xa xót uất hận, khi thắm thiết reo vui, khi rộn ràng hùng tráng, khi tình tứ mượt mà, khi trữ tình sâu lắng”, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền nhận xét về âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong Lời giới thiệu Hoàng Hiệp tuyển tập 100 ca khúc do Nhà Xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 1995.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tên khai sinh Lưu Trần Nghiệp, sinh năm 1931, tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 1945, ông đã tham gia cách mạng, vào Đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 1948. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, sống ở Thủ đô Hà Nội. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Hiệp trở lại miền Nam. Âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là sự hòa quyện giữa trữ tình lãng mạn và cách mạng hào hùng, tiêu biểu như: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Lá đỏ, Cô gái vót chông, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng lăng Bác, Ngọn đèn đứng gác, Đất quê ta mênh mông, Con đường có lá me bay, Nhớ về Hà Nội, Nơi anh gặp em, Trở về dòng sông tuổi thơ, Thơ tình lính biển... |
Theo nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, Hoàng Hiệp đã hát về dòng sông quê hương, hát về những mối tình lứa đôi chung thủy, hát về những người mẹ Việt Nam anh hùng, hát về những chiến sĩ gang thép, hát về những lừng lẫy chiến công, hát về những lẽ sống trên đời... “Với hàng trăm bài hát, không bài nào giống bài nào và cũng không giống ai, nhạc của anh đậm đà dấu ấn Hoàng Hiệp, ấy là cái tài của anh vậy”, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền đánh giá.
Sau 1975, nhạc sĩ Hoàng Hiệp trở lại miền Nam, công tác tại Nhà Xuất bản Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, rồi chuyển sang Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh và có một thời giam đảm trách cương vị Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian này, ngoài sáng tác ca khúc, ông còn viết nhạc cho kịch, cho cải lương, cho phim truyện và phim tài liệu... Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt 2, với các ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng lăng Bác, Nhớ về Hà Nội. Năm 2013, ông qua đời tại nhà riêng, Quận 2, TP Hồ Chí Minh.
Theo anh Lưu Lục Xuyên, với mảnh đất Lâm Đồng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng ghi dấu ấn bằng 6 ca khúc, bao gồm: Tôi yêu Đà Lạt (sáng tác năm 1986), Tiếng hát bên dòng thác (sáng tác năm 1991), Con thuyền trăng (sáng tác năm 1992), Ngọn nến đã tắt (sáng tác năm 1993), Thuyền thiên nga (sáng tác năm 1993) và Vọng nguyệt lầu (sáng tác năm 1993).
Nguyệt vọng lầu, đường Trương Công Định, TP Đà Lạt, chính là nơi gợi cảm hứng sáng tạo để ông viết nên ca khúc Vọng nguyệt lầu. Ca khúc này được nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết ở giọng đô trưởng, gồm 2 đoạn đơn. Đoạn 1, ông dựa trên âm nhạc ngũ cung, với những quãng rất trầm, giai điệu chậm rãi, tiết tấu đều đều nghe như điệu khua mái chèo trong đêm khuya. Đoạn 2, nhạc sĩ Hoàng Hiệp thay đổi hoàn toàn tiết tấu, khiến câu nhạc trở nên cao trào, réo rắt và rồi đưa âm nhạc quay về dìu dặt, mênh mang ở phần kết.
5 ca khúc còn lại về địa danh Lâm Đồng, mỗi ca khúc có một vẻ đẹp riêng, từ âm nhạc cho đến ca từ. Tuy nhiên, vì khuôn khổ của bài báo có hạn, tôi đành hẹn độc giả một dịp khác sẽ phân tích sâu hơn. Nếu độc giả muốn tự tìm hiểu, thì cả 6 bài hát trên đều nằm trong cuốn Hoàng Hiệp tuyển tập 100 ca khúc do Nhà Xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 1995.