Chiều 9/10/2018, Hội VHNT Lâm Đồng được sự đồng thuận của Huyện ủy, UBND huyện Đức Trọng đã tổ chức Lễ khai mạc Trại sáng tác VHNT chủ đề "Đức Trọng về đích nông thôn mới năm 2018". 20 văn nghệ sĩ các chuyên ngành văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh tề tựu về với tâm trạng phấn chấn...
Chiều 9/10/2018, Hội VHNT Lâm Đồng được sự đồng thuận của Huyện ủy, UBND huyện Đức Trọng đã tổ chức Lễ khai mạc Trại sáng tác VHNT chủ đề “Đức Trọng về đích nông thôn mới năm 2018”. 20 văn nghệ sĩ các chuyên ngành văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh tề tựu về với tâm trạng phấn chấn. Hội viên đến từ huyện Đạ Tẻh, Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt cho rằng quả là dịp thực tế hiếm có bởi những ngày tới mọi người sẽ có cơ hội hiểu thêm, có những góc nhìn mới về thực tế đời sống vùng cửa ngõ thành phố Đà Lạt đã và đang cùng với Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm giữ vị trí bốn địa bàn trọng điểm của Lâm Đồng. Với anh chị em thuộc Chi hội VHNT huyện Đức Trọng thì mọi người phấn khởi vì sẽ được thể hiện tình cảm qua những trang văn, nét nhạc dạt dào tình yêu đối với quê hương. Trước khai mạc, nhạc sĩ Đình Nghĩ mở đầu giao lưu bằng ca khúc “Bên trời tơ bay”, ngợi ca những bàn tay tảo tần nuôi tằm dệt lụa và theo nghĩa ẩn dụ chính là hình tượng văn nghệ sĩ ví như phận tằm nhả kén dâng cho đời những tác phẩm nghệ thuật thấm đẫm tính “chân - thiện - mỹ”... Tiếp nối là tiếng hát trong trẻo của hội viên Thanh Thủy (Lâm Hà), giọng diễn xướng thơ hào sảng của Huỳnh Thanh Tâm - Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Đức Trọng... đã khiến chủ, khách gần nhau hơn. Vào khai mạc, hội viên tập trung lắng nghe, mải miết ghi chép nội dung lãnh đạo huyện báo cáo tình hình phát triển KT-XH, quá trình xây dựng, phấn đấu để cuối năm nay sau Đơn Dương, Đức Trọng sẽ được công nhận huyện nông thôn mới (NTM) thứ hai của Lâm Đồng...
|
Văn nghệ sĩ thực tế sáng tác ở xã Đa Quyn. Ảnh: HHN |
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội các cấp, trong điều kiện nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, Đảng bộ huyện Đức Trọng đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, năng động, trách nhiệm, nêu cao quyết tâm chính trị, triển khai thực hiện khá toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT, XH; đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị. Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt nghị quyết đề ra. Tốc độ phát triển KT khá nhanh, có bước chuyển biến quan trọng; cơ cấu KT chuyển dịch tích cực... Đức Trọng đã cán đích các tiêu chí để đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM, chuẩn bị các nội dung và điều kiện để nâng cấp đơn vị hành chính thành thị xã Đức Trọng...
Với ưu thế về nhiều mặt, Đức Trọng phát triển khá toàn diện bao gồm cả nông - lâm nghiệp, công nghiệp - TTCN và thương mại dịch vụ... Là địa phương giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, Đức Trọng có tổng diện tích đất nông nghiệp 35.538 ha, vượt 104,5% mục tiêu của Nghị quyết; hệ số sử dụng đất đạt bình quân 1,39 lần. Thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo khâu đột phá về chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) theo hướng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, thời tiết và nguồn nhân lực. Do vậy, địa phương có 7.366,7 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tăng 2.101 ha so với năm 2015, vượt 140% so với mục tiêu nghị quyết (trong đó diện tích nhà kính 215,49 ha, nhà lưới 103,51 ha...). Đến cuối năm 2017, giá trị sản xuất bình quân đạt 215 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những mô hình sản xuất NNCNC trong nhà kính giá trị sản xuất đạt từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm, góp phần nâng cao giá trị thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân.
Một trong những vấn đề trọng tâm được văn nghệ sĩ quan tâm là kết quả xây dựng huyện NTM. Giải đáp câu hỏi này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đỗ Minh Thế trao đổi: Đức Trọng đã xây dựng đề án, đăng ký xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2016 và được phê duyệt theo Quyết định 1234/QĐ-UBND ngày 4/6/2014 của UBND tỉnh. Qua quá trình rà soát nhìn thẳng vào thực chất và đối chiếu với các tiêu chí huyện NTM, Đảng bộ nhận thấy vẫn còn một số tiêu chí cần sự tiếp tục đầu tư rất lớn. Huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tập trung hoàn thành các tiêu chí huyện NTM theo quy định. Vừa qua, Đa Quyn là xã cuối cùng đạt chuẩn NTM, nâng lên 14/14 xã trong huyện đạt chuẩn NTM. Như vậy, Đức Trọng đã đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2018 theo đúng lộ trình.
Trong không khí cởi mở, thân tình của bữa liên hoan, thêm vào đó là những tiết mục ngâm thơ và hát những ca khúc do hội viên sáng tác, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy trước khi ra về sớm đã say sưa hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” và bắt nhịp mọi người cùng vang lên những giai điệu hào hùng đi cùng năm tháng lịch sử dân tộc. Anh em văn nghệ ở Đức Trọng bật mí, không chỉ hát hay mà ngày xưa anh Đỗ Minh Thế cũng mê hoạt động văn hóa văn nghệ, làm thơ rất trữ tình.
Khoảng 7h30’ sáng hôm sau, đoàn văn nghệ sĩ náo nức lên 2 xe đi thực tế ở xã Đa Quyn - xã cuối cùng của Đức Trọng mới được công nhận xã NTM. Ngồi chung xe với tôi, khi đến Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ngay đường vào trung tâm thị trấn Liên Nghĩa, nhà điêu khắc Đinh Thanh thốt “Mình trực tiếp thiết kế mỹ thuật, thi công cụm tượng đài này. 25 năm rồi nhưng nay trông vẫn hoành tráng, bề thế so với nhiều công trình tưởng niệm cấp huyện trong tỉnh. Thời ấy kinh tế khó khăn nhưng lãnh đạo huyện Đức Trọng sớm có tầm nhìn xa và quy hoạch vị trí đẹp, đầu tư kinh phí hợp lý để xây dựng Đài tưởng niệm và khu công viên có dựng tượng Liệt sĩ Kim Đồng”. Nhà giáo Ninh Thế Hùng nổi danh “nhà B’Lao học” cho biết: Địa danh Đức Trọng mang hàm ý nhắc nhở người dân phải chăm lo lấy Đức làm Trọng...
Có thành viên trong đoàn nhắc tới xã Tân Hội thành lập năm 1976, tôi sực nhớ thập niên 80 thế kỷ trước bước chân phóng viên đã đưa mình nhiều lần đến miền đất vốn “nắng bụi, mưa lầy”, không chỉ thiếu hạt gạo mà còn đói cả hạt bắp, thiếu chữ. Với ý chí “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, qua “lửa thử vàng, gian nan thử sức” Tân Hội - vùng kinh tế mới của người Đà Lạt, Tùng Nghĩa đã sớm trở thành một miền quê hứa hẹn ấm no. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hội tụ nên Tân Hội được Trung ương chọn là một trong 11 xã của cả nước, đại diện cho Tây Nguyên thí điểm xây dựng mô hình NTM giai đoạn 2009-2011. Tân Hội cán đích NTM năm 2014 minh chứng “ý Đảng, lòng dân” là một, sẽ tạo nên nguồn động lực lớn lao trong công cuộc xây dựng đất nước. Từ Tân Hội, huyện và tỉnh đã rút kinh nghiệm nhân bài học xây dựng NTM trên diện rộng.
Chặng đường từ huyện đến xã Đa Quyn dài khoảng hơn 60 cây số đường tráng nhựa, vắt qua những đồi cà phê, dâu tằm, hoa màu xanh ngút ngát, những làng xóm khang trang, trù phú. Thật khó tưởng tượng vùng Loan, Tà Hine trước là vùng kinh tế mới của Đà Lạt, vùng giãn dân của Đức Trọng bộn bề gian khó, quá trình xây dựng không chỉ đổ mồ hôi mà còn đổ cả máu đào nhưng chỉ qua mười lăm, hai mươi năm gần đây, cảnh quan đã thể hiện một vùng đất giàu sinh lực...
Đa Quyn nguyên là địa bàn 3 thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được tách từ xã Tà Năng (ngày 19/5/2009). Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đa Quyn thuộc diện xã khu vực III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015, trong đó có 4 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 1.069 hộ, 4.285 khẩu với 8 dân tộc (Chu Ru chiếm 34,4%, K’Ho 36,5%, Kinh 16,9%...) sinh sống ở 8 thôn. Tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 83,1%.
Theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Hồ Đăng Thành: Khi bắt tay xây dựng NTM, cái khó lớn nhất của Đa Quyn là tuy diện tích tự nhiên rộng tới trên 17.000 ha, có 3.800 ha đất nông nghiệp, song trình độ canh tác của nhân dân thấp, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp và mức độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm. Một bộ phận người dân nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong xây dựng NTM. Thời gian qua, xã vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi 13 ha diện tích lúa 1 vụ sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như rau, màu; có 30 ha sản xuất theo hướng CNC. Năm 2017, thành lập 1 HTX dịch vụ nông nghiệp, tổng hợp. Hiện đang xây dựng những mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững. Kinh tế dần phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện: Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10 triệu đồng/năm, đến năm 2017 đạt 31,1 triệu đồng và ước năm 2018 đạt 35,2 triệu đồng/người. Tăng cường vận động người dân vươn lên thoát nghèo, nếu năm 2011, xã có 431 hộ nghèo, chiếm 48,1% (đa phần là đồng bào DTTS) thì năm 2016, hộ nghèo giảm còn 111 hộ, chiếm 10,42% (đồng bào DTTS 99 hộ, chiếm 19,29%). Sau 7 năm xây dựng NTM, tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 theo quy định của tiêu chí NTM (đã trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) giảm còn 6,92% (72 hộ)...
Nhà thơ Đinh Thời Nguyễn, nguyên cán bộ quản lý ngành giao thông, xây dựng, môi trường của huyện hồi tưởng: Hơn 20 năm trước, nạn đào vàng có thời điểm thu hút gần 10 ngàn người đổ xô về đây khiến cảnh quan như bãi chiến trường bị dội bom. Vùng này trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội và thường xảy ra nhiều vụ án trọng điểm, phức tạp. Có lần một lãnh đạo huyện về công tác đã bị dân quây, làm khó dễ... Thời thành lập Đa Quyn, tình hình đào vàng trái phép vẫn lộng hành... Nay chứng kiến màu xanh vườn tược ngút ngát, dòng suối trong lành mà lòng cảm thấy thư thái trước cảnh sắc thanh bình... và Đinh Thời Nguyễn đã viết vội vần thơ:
“Hôm nay trở lại Đa Quyn/ Nhìn dòng suối cũ thấy in bóng mình/ Cỏ xưa đưa lối hữu tình/ Nay dòng suối mát lộ hình chân mây”...
Trao đổi về điều tâm đắc trong 8 năm được tăng cường về công tác ở Đa Quyn, Bí thư Hồ Đăng Thành bộc bạch: Có nhiều điều vui nhưng quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ địa phương phần lớn còn trẻ, được đào tạo chuẩn, đáp ứng cao yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhớ khi mới thành lập xã, cán bộ chủ chốt phải tăng cường từ Tà Năng, Phú Hội vào. Chi bộ trực thuộc Huyện ủy và chỉ có 14 đảng viên. Nay đã thành lập Đảng bộ với 89 đảng viên sinh hoạt tại 13 chi bộ (có 8 chi bộ thôn và không có chi bộ sinh hoạt ghép). Nhìn chung đội ngũ cán bộ địa phương trẻ, tuổi đời bình quân 33, nhiều cán bộ DTTS tại chỗ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao như Ya Thương - Chủ tịch UBND xã, Ya Tân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phụ trách công tác dân vận... Điều phấn khởi là vậy nhưng trăn trở vẫn chưa hết. Đa Quyn đông đồng bào DTTS, thuộc mật khu 67 thời kháng chiến chống Mỹ, lại có tuyến đường xuống Phan Thiết được mệnh danh là một trong những cung đường phượt đẹp nhất Việt Nam. Đa Quyn ước vọng mai đây khi tiếp tục được đầu tư, sẽ phát huy nội lực, khai thác tiềm năng để trở thành điểm hấp dẫn du khách đến tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa. Khi đó làng, buôn lại ngân nga âm hưởng cồng chiêng tấu rộn ràng, tươi vui các điệu “Mừng lúa mới”, “Cầu mưa”...
Trước khi bế mạc Trại, tôi có tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy. Bí thư Huyện ủy khẳng định: Xây dựng NTM không ngoài mục đích chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ, Đức Trọng đã thực hiện khá tốt: Năm 2018, GRDP bình quân đầu người ước đạt 75 triệu đồng; dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt hoặc vượt chỉ tiêu nghị quyết. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,3%/năm, riêng hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 1%/năm. Phong trào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã huy động được sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng NTM, phấn đấu là huyện NTM kiểu mẫu, Đức Trọng sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống. Giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập và chất lượng môi trường sống của dân cư nông thôn, phát triển hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng dân cư còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng nâng cao tiêu chí tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Qua trao đổi với Bí thư Huyện ủy và từ thực tế ghi nhận những điển hình, nhân tố mới “chung sức, chung lòng” xây dựng NTM tại các địa phương, cơ sở trong tôi đã “sáng niềm tin Đức Trọng bay lên” và xứng đáng là vùng kinh tế động lực có bước phát triển KT-XH nhanh, bền vững của Lâm Đồng.
Bút ký: BÌNH NGUYÊN