Nghe xong cuộc gọi từ chị Nga, bá Nhàn tất bật dọn dẹp lại phần vôi vữa ở ngôi nhà đang bề bộn do tu sửa, tranh thủ nấu cơm trưa cho gia đình rồi chuẩn bị trang phục tươm tất để ra miếu Lãi Lèn vì hôm nay có khách muốn nghe xoan.
Nghe xong cuộc gọi từ chị Nga, bá Nhàn tất bật dọn dẹp lại phần vôi vữa ở ngôi nhà đang bề bộn do tu sửa, tranh thủ nấu cơm trưa cho gia đình rồi chuẩn bị trang phục tươm tất để ra miếu Lãi Lèn vì hôm nay có khách muốn nghe xoan.
|
Khách nhập vòng xoan ở miếu Lãi Lèn. Ảnh: N.Hạnh |
Cái tên Lãi Lèn nghe cũng giống như từ Việt cổ, lại cũng vừa rất bình dân, dù miệng đúng là không thuận đọc. Thế nhưng ngôi miếu này lại là nơi khởi phát của hát xoan Phú Thọ - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh vào cuối năm 2017. Huyền thoại kể rằng, cái bãi đất trống ở thôn Phù Đức là nơi mà ba anh em vua Hùng đã dừng chân nghỉ lại trong một lần đi tìm đất xây thành. Những bài hát xướng, cầu chúc năm mới còn lưu truyền đến bây giờ là do Đức Thánh Cả sai tùy tùng dạy thêm cho lũ trẻ mục đồng khi gặp chúng vừa chơi đánh vật, kéo co, vừa hát. Cũng từ độ ấy, cứ mỗi độ 30 tháng 1 âm lịch đến mùng 6 tháng giêng hàng năm, người dân lại mở hội cầu và hát thờ, hát mời vua sẽ diễn ra vào chặp tối. Câu chuyện về phường xoan và hát xoan đã bắt đầu từ đó.
Mấy dòng trích ngang này, chúng tôi đã được đồng nghiệp ở Báo Phú Thọ chia sẻ khi bắt đầu di chuyển từ trung tâm thành phố Việt Trì. Đến từ Huế, nơi có Nhã nhạc cung đình đã có mặt trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2003, tôi thú thật cũng có đôi chút tò mò về điều mình sắp được mục sở thị.
Thấp thoáng trên hiên miếu là bóng mấy đào xoan. Màu áo nâu đỏ của họ làm ấm lại một khoảng sân khá rộng, hình như cũng được trùng tu chưa lâu lắm. Giữa lao xao tiếng chào, lời thăm hỏi líu tíu của mọi người là nụ cười trông hiền lắm của cụ Thủ từ Nguyễn Xuân Hội tuổi đâu chừng trên bảy chục. Cả cái cách nghiêng người khi bước qua bậu cửa của một anh kép trẻ, trông thật nho nhã trong tấm áo dài xanh thiên lý. Kể ra thì có phần khập khiễng, nhưng những điều này làm tôi thốt nhiên nhớ lại khung cảnh của bộ phim đen trắng Đến hẹn lại lên mình xem từ một ngày đã cũ.
Cách nói chuyện, hay vài lúc trầm ngâm, thậm chí là lúng túng ngại ngùng của mấy đào xoan khi nhận ra có người nhìn trộm quả thật mang đến tôi lắm cảm xúc hơn những hình ảnh mà sau đó, được giới thiệu khi ghé thăm ngôi miếu có kiến trúc hình chữ đinh. Những người phụ nữ không còn mấy trẻ, nhưng ngay cả khi nhan sắc đã phai dần, người ta vẫn có thể nhận ra nét mặt thuần bắc với kiểu môi cắn chỉ và lông mày mảnh lá liễu. Bắt gặp cái nhìn của khách khi vừa rời mấy khung hình treo trên tường, đào Nga bảo, váy này, áo này và khăn mỏ quạ này nữa, là phục trang được dựng lại như xưa đấy. Các bá ở văn hóa cũng tìm hiểu, nghiên cứu chán chê ra rồi mới thống nhất được mẫu và kiểu. Chị em đào tôi chắc cũng giống xưa rồi, mỗi răng đen là không thể thôi...
Đương nhiên không phải là lần đầu tiên, nhưng với tôi, đó là một tâm trạng khác hẳn khi đào và kép xoan bước lên chiếu cói, bắt đầu suất diễn, dưới sự giữ phách của cụ Hội. Lời xoan không khó nhớ, nhịp múa cũng dễ học nhưng để có thể hòa điệu đến nhuần nhuyễn từ cách đưa tay ra và thu về, cách những ngón tay cuộn lại và những bước chân khớp nhau đến từng chi tiết với nhau và nhịp cách thế kia, họ chắc đã hiểu nhau tự khi nào rồi.
Trong mường tượng của mình khi nhìn đội hình trên chiếu cói, lời xoan như dựng lại những hoạt cảnh ngày xưa, với khung cảnh ở làng quê, con dân hát những lời mừng giản dị mà nao nức “năm trống cơm thiên hạ thái bình/ năm trống cơm nhà no mọi đủ/ năm trống cơm mọi vẻ mọi hay/ được mùa hòa thăng lấy cơm bưng trống” (Giáo trống) hay “pháo mừng là làng nước/dạy người là đã được/con phượng là cháu rồng/con thời là quận công/cho gái nay là công chúa” (Giáo pháo)... Tôi gần như không theo kịp lời xoan, dù phần phối hợp giữa kép và đào luôn là phần láy lại, mà cũng có thể là cứ để những bước chân nhẹ, đều, và những cái xoay mình của các đào xoan chi phối. Biết là lời xoan và những nhịp điệu trên chiếu diễn là tụng ca dân gian công đức của vua đã dạy dân làm ruộng, trồng dâu, trồng đậu, nuôi tằm, dệt vải và mùa màng bội thu... Vậy mà lắm khi, con mắt và nhịp chân giữa kép và đào cũng có phần lúng liếng với những lời ca tôi nghe tiếng rõ tiếng mất và sau đó, phải đứng riêng với đào Nhàn để ghi hẳn với ghi chú của điện thoại “tềnh là tềnh tang tềnh là tang tềnh/đèn thương ai mà đèn ối a chẳng tắt/con mắt ối a nhớ ai, con mắt ối a liếc qua/liếc qua ôi à liếc qua ôi à liếc qua...”. Tôi đã nghĩ, ngày trước, và cả ngày xưa xưa nữa, không biết đã có bao nhiêu cô thôn nữ và trai làng đã gửi gắm tâm tình của mình qua bài Bỏ bộ này? Bao nhiêu cặp đã thành đôi và bao nhiêu người đã mãi gửi nỗi lòng của mình vào những lời xoan thương nhớ ấy...?
“Câu này cũng hay lắm cơ - đào Nga nói khi ngồi cạnh lúc tôi đang hý hoáy bấm chữ - con cốc là cốc nó lội/con le là le nó lặn/mà để con cò, con cò qua nọ nó bay là bay ơ bay...”. Tôi ngước nhìn lên, nhìn đôi mắt thắm của chị và tự hỏi, có phải đã bắt đầu từ thương nhớ và ân tình sâu nặng mà cô đào trẻ phường An Thái ngày xưa đã theo một chàng nào đó về phường Thép, rồi đeo đẳng mãi với lời xoan để giờ trở thành bà trùm phường xoan Thép? Điều ấy tôi đã “dịch” từ mấy dòng chú thích dưới ảnh chị treo cùng các phường xoan khác. Biết là giờ cũng vật đổi sao dời lắm, vì ngày xưa, chức danh này chỉ dành cho các kép giỏi mà thôi.
Hỏi Nga, các chị đi hát có thường không, chị bảo thường chứ, không có khách thì tối tối chị em lại tụm nhau ở nhà ai đó mà hát. Rồi thì có chuyện gì cũng giúp nhau được một lời mà. Vào mùa hội xoan là dịp vui nhất, chị em có thể đi hát giao lưu ở các phường hay những nơi mà người ta mời. Một số người còn đến các nhà văn hóa hay trường học để tham gia dạy cho các cháu. “Truyền dạy vui lắm, nhất là khi thấy các cháu chăm chỉ rèn tiếng, rèn nhịp; rồi thi đua giữa các nhóm - chị bảo - Lắm khi trên đường, mình dừng lại nghe lũ trẻ hát xoan mà thấy lòng nhẹ nhõm, biết công các bá và cả mình nữa không phí. Biết mai sau có người tiếp tục rồi...”. Tôi biết, đó cũng là cách mà xoan Phú Thọ gầy dựng, lan tỏa và được đưa ra khỏi tình trạng cứu nguy khẩn cấp, là tiền đề cho việc được công nhận là di sản phi vật thể của thế giới và vẫn được tiếp tục tiếp nối.
Không phải là khăn điều như một lời đề nghị nào đó từ một nhà nghiên cứu, nhưng khăn mỏ quạ trong trang phục xoan ngày nay trông cũng duyên lắm. Các “đào xa” này cũng không ngần ngại thao tác khi tôi muốn chụp vào kiểu chít khăn. Hai cô bạn của tôi cũng vì thế mà có cơ hội làm xoan và lội ra giữa sân đình thực hiện mấy kiểu múa vừa học lỏm được. Trông bạn xinh tệ khi xúng xính váy nâu đỏ và khăn đen...
Ở mé trái cổng vào Lãi Lèn có hai lều cọ. Cụ Thủ từ bảo, các đào mang về từ hôm hội đã lâu, cho miếu thêm vui. Cậu nhóc con của kép Tuấn cứ chạy lăng quăng giữa chân khách. Tôi nhớ vẻ mặt láu lỉnh của nó khi chạy vào bên cạnh, lúc bố nó còn đang diễn nói với tôi: “cháu cũng biết hát đấy...”. Biết đâu cậu nhóc rồi cũng thành một kép trẻ khi lớn thêm chút nữa, như mấy kép thiếu niên trông đáng yêu lắm ở mấy tấm ảnh trong gian truyền thống của phường xoan này?
Hồ sen giữa miếu Lãi Lèn cũng đã khô rạt đi như một cách ấp ủ cho mùa mới. Cũng như xoan vậy, vốn thuộc về cộng đồng và được cộng đồng lưu giữ vẫn sẽ tiếp tục được tiếp nối từ trao truyền...
|
Đánh trống hát xoan |
|
Hát xoan |
Ghi chép: NGÂN HẠNH