Người thức ngủ với không gian ký ức

10:12, 07/12/2018

(LĐ online) - Tôi nghĩ rằng, viết là một niềm đam mê không giới hạn. Đó là cách để người viết tự giải tỏa những ẩn ức tâm lý của chính mình và giải phóng phần nào năng lượng qua cách bộc lộ tư duy và nhận thức cá nhân. Vì lẽ đó, lao động viết hàm nghĩa khá đặc biệt, bởi giá trị mang lại của nó đặc biệt - những giá trị văn hóa. Nghĩ điều đó để muốn nói rằng, trường hợp Đoàn Bích Ngọ cũng vậy…

(Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên, Đoàn Bích Ngọ, NXB Hội Nhà văn, 2018)
 
(LĐ online) - Tôi nghĩ rằng, viết là một niềm đam mê không giới hạn. Đó là cách để người viết tự giải tỏa những ẩn ức tâm lý của chính mình và giải phóng phần nào năng lượng qua cách bộc lộ tư duy và nhận thức cá nhân. Vì lẽ đó, lao động viết hàm nghĩa khá đặc biệt, bởi giá trị mang lại của nó đặc biệt - những giá trị văn hóa. Nghĩ điều đó để muốn nói rằng, trường hợp Đoàn Bích Ngọ cũng vậy…
 
Bìa sách Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên
Bìa sách Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên
Tôi và Đoàn Bích Ngọ quen biết nhau từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Là bạn bè nên hiểu phần nào về bản chất, tâm tính của cô Cử nhân ngành Bảo tồn Bảo tàng của Đại học Văn hóa Hà Nội, đến từ vùng quê Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ngay từ đầu, viết lách không phải là lựa chọn của Đoàn Bích Ngọ. Công việc chuyên sâu của một cán bộ nghiệp vụ rồi tham gia quản lý bảo tàng tổng hợp địa phương giúp chị có được những cuộc trao đổi nghiệp vụ, những nguồn tư liệu sưu tầm, những chuyến rong ruổi điền dã, khám phá, những cuộc khai quật khảo cổ khắp các nẻo đường Tây Nguyên. Những trăn trở, thức ngủ với không gian ký ức, các địa tầng trầm tích của vùng đất Đà Lạt - Lâm Đồng và Tây Nguyên đã tạo nên niềm hứng thú cầm bút của chị. Viết, đối với Ngọ, như một phương tiện khác để chị thể hiện tình yêu nghề, sự hứng thú với những gì mà trên chặng đường “bảo tàng” chị may mắn được gặp gỡ, được tiếp nhận, được tư duy và hưng phấn về nó. Vì lẽ đó, những con chữ đến với chị tự nhiên, không có sự gượng ép. Ngọ không làm thay ai về công việc viết lách và cũng không ai bắt chị phải viết. Viết như một nhu cầu tự thân, như một niềm say mê tự nhiên của Đoàn Bích Ngọ, một cán bộ được giao nhiệm vụ Phó giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng.
 
Viết lách không phải là nghề cũng không là nghiệp, thế nhưng, khi đã đặt những ngón tay lên bàn phím máy tính thì Đoàn Bích Ngọ đã thể hiện tinh thần lao động hết sức nghiêm túc và sự nhiệt tâm. Vốn kiến thức về lịch sử và văn hóa khá dày dặn về nơi chốn chị sống và làm việc, là một thế mạnh của Đoàn Bích Ngọ. Bên cạnh đó là cách xử lý tư liệu, phương pháp dẫn giải logic. Đồng thời, những giả thiết, những nghi vấn khoa học đặt ra trong một số bài viết thể hiện rất rõ năng lực tư duy và diễn đạt của chị. Đó là cảm quan bước đầu của tôi khi cầm trên tay “Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên”, cuốn sách đầu tay của Đoàn Bích Ngọ, được hình thành trên cơ sở tập hợp những bài báo mà chị đã công bố trong những năm qua, phần lớn được in trên báo Lâm Đồng. Từ những bài viết in rải rác đến một tác phẩm dày dặn cả hàng trăm trang là một quá trình tích lũy đầy ấn tượng và đáng được ghi nhận, nhất là đối với một cây bút không chọn viết lách làm công việc chính của mình. Điều đó thể hiện sự chuẩn bị công phu của tác giả, của các biên tập viên Nhà xuất bản Văn học và nhà thơ Trần Ngọc Trác, người đã giúp Đoàn Bích Ngọ tổ chức bản thảo cho tập sách này. Gần 300 trang sách với hai phần chính: Đà Lạt - từ vùng đất hoang sơ đến xứ sở mộng mơ và Bí ẩn vùng đất, con người Nam Tây Nguyên và rất nhiều hình ảnh minh họa quý giá, là một giai phẩm đẹp và giàu giá trị tư liệu. Tôi đồng ý với Trần Ngọc Trác, người đọc kỹ “Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên” từ những trang bản thảo: “Cuốn sách phần nào đã giải tỏa được những khao khát kiếm tìm của người trong cuộc và du khách khi đến với xứ sở ngàn hoa này. Cuốn sách xứng đáng được nằm trong kệ sách gia đình của những người thích khám phá những điều mới lạ của thế giới xung quanh…”   
    
Nếu nói điều gì đó thêm với Đoàn Bích Ngọ trong “Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên” thì đó chính là cần phải bồi đắp cho giàu thêm sự tinh tế và cảm xúc trong cách hành văn. Dù là một cuốn sách mang tính ghi chép - khảo cứu, thì sự khô khan trong ngôn từ thể hiện và nghèo những hàm ngôn liên tưởng, chính là hạn chế mà tác giả cần phải khắc phục. Bạn đọc muốn đắm mình trong dòng chảy văn hóa, lịch sử trăm năm, ngàn năm của xứ sở, của cha ông bằng con đường hấp dẫn mà người cầm bút khéo léo mời gọi, mở lối và dẫn dắt. Hy vọng này của tôi xin gửi tới Đoàn Bích Ngọ trong những bài viết, những tác phẩm tiếp sau của chị.
 
Còn hiện giờ, trước “Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên”, xin được trân trọng giới thiệu Đoàn Bích Ngọ với tập sách đầu tay của chị. Hy vọng đây sẽ là một trong những món quà văn hóa giàu ý nghĩa dành cho những người yêu mến xứ sở, nhân dịp thành phố Đà Lạt đón mừng tuổi 125.    
 
UÔNG THÁI BIỂU