Trong tôi có đến ba "nhà". Này nhé, nhà sinh vật học, nhà triết học và lại cả nhà thơ nữa. Mà các "nhà" đó, dưới con mắt của quần chúng, đương nhiên phải đầy chữ nghĩa và hay làm rắc rối những vấn đề đơn giản.
Trong tôi có đến ba “nhà”. Này nhé, nhà sinh vật học, nhà triết học và lại cả nhà thơ nữa. Mà các “nhà” đó, dưới con mắt của quần chúng, đương nhiên phải đầy chữ nghĩa và hay làm rắc rối những vấn đề đơn giản.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Bữa nọ, tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ, có đúng thơ là sản phẩm của rung động trái tim không? Đành rằng khi nói thế ta phải hiểu theo nghĩa bóng, là chỉ lý trí thôi thì chưa thể thành thơ. Cũng như khi ta nói nghĩ “bụng” vẫn được hiểu như hoạt động thần kinh cao cấp. Vậy mà khi tập yoga hoặc ngồi thiền, sách chẳng dạy tư tưởng tập trung ở đan điền, tức ở vùng rốn là gì. Nói trái tim rung động nảy ra những vần thơ, có khi đúng với cả nghĩa đen. Trên thực tế, tim có hệ thần kinh riêng, gọi là thần kinh tim, và hoạt động tương đối độc lập. Bứng trái tim khỏi cơ thể và nuôi dưỡng bằng dung dịch sinh lý nó vẫn sống. Hẳn có lần bạn làm thịt ếch, tim nó co bóp rất lâu khi đã nằm trên thớt. Để làm sáng tỏ vấn đề này, tôi quyết định đến ngân hàng tim mua một trái của người không hề biết thơ, cấy ghép vào cơ thể mình. Thơ vẫn hay. Liệu có sự nhầm lẫn, lại là trái tim của một nhà thơ khác; tôi thay tim lần nữa, lần này là trái tim silicon, hệ thống van inox sáng loáng, rõ ràng một vật vô tri vô giác. Thơ vẫn ra. Đã vậy, thay bằng tim lợn, vì đứng về tế bào học, lợn và người rất gần nhau. Thế kỷ trước, một số trường hợp bệnh nhân được ghép tim lợn có phản ứng hơi chậm và đần. Còn tôi, khó chịu như nuôi một người khác trong mình. Yếu tố tinh thần đóng vai trò quan trọng, nghĩ vậy tôi vui vẻ sống chung với nó. Thơ chẳng những không dở còn hay hơn. Nhưng vốn là nhà triết học, tôi đi đến kết luận: Chính sự chịu đựng đối với trái tim lạ khiến thơ tôi hay hơn, nghĩa là hoạt động của não bộ thay đổi. Vậy khiếu thơ phải được ghi trong gien tế bào não, nghĩa là trong ADN của nó. Mà ADN của tế bào não hay của những tế bào thân khác là như nhau: Tôi nhổ một sợi tóc, lấy tế bào mô phân sinh ở chân sợi tóc đem xét nghiệm ADN và so sánh với ADN của những người bình thường. Quả nhiên có sự sai khác, vào khoảng 1/10 triệu. Đến đây chỉ còn cách thay 1/10 triệu ấy bằng đoạn ADN tương ứng của người bình thường. Kết quả vẫn có thơ, không hay hơn, không dở hơn. Lại nữa, anh em sinh đôi từ cùng một trứng với tôi đâu có để ý đến thơ. Rất may, với sự giúp sức của di truyền học hiện đại, thực nghiệm còn đi xa hơn. Tôi nhân bản chính mình. Cái thằng người giống tôi như đúc ấy chẳng qua là đưa toàn bộ nhiễm sắc thể của tế bào thân vào tế bào trứng của mình đã được lấy hết nhân. Mà tế bào thân sau nhiều lần phân chia ai dám bảo đảm còn nguyên vẹn về mặt di truyền, đấy là chưa tính đến những trục trặc kỹ thuật. Đi từ tế bào gốc cuống rốn là tốt nhất, may mà bố mẹ tôi còn lưu lại ở ngân hàng tế bào khi tôi vừa trứng nước. Bây giờ thì đúng “tôi” rồi, tôi trăm phần trăm, và đương nhiên “hắn” cũng sẽ làm thơ. Kết quả ngược lại: “Hắn” thờ ơ với thơ. Té ra thơ không ở tim, không ở não, cũng không cả trong ADN. Kết luận này xem ra có lý. Chẳng thế mà các nhà triết học, đôi khi cả nhà thơ nữa, tự vấn mình: “Ta là ai?”, “Ta từ đâu đến?”, và thường là tắc tị. Một điều đáng lưu tâm, ừ thì “ta” là “ta”, sao thơ có lúc hay lúc dở, thậm chí hết thơ. Nếu nó được ghi trong ADN thì phải còn đó chứ, vì cấu trúc ADN rất bền, đến mức di truyền được từ đời này qua đời khác. Nhận biết nó cả trong hóa thạch. Ai cũng biết thơ không di truyền được như nhóm máu. Con nhà thơ không nhất thiết phải thành nhà thơ. Thơ của mình mà như của trời đất: “Văn chương nết đất, thông minh tính trời”. Cụ Nguyễn Du chả bảo thế còn gì. Không ít nhà thơ có chút hơi men vào, hoặc thấp thoáng bóng nàng tiên nâu thì lập tức thăng hoa, đẻ ra những vần thơ bất hủ, nghĩa là đẻ ra nó vào lúc “ta” không còn “ta” trăm phần trăm. Không cầu cứu dopping vẫn thăng hoa được là do “men đời”. “Men đời” thơ mới hay, rượu chỉ là cớ thôi. Trên đời này những con sâu rượu thì nhiều, thơ hay rất hiếm. “Men đời” đánh thức “gien thơ” vốn ngủ yên chăng? Đúng vậy. Song, đánh thức, hay nói cách khác, khởi động nó phải là những men có cấu trúc vật chất hẳn hoi. Xúc cảm kích thích cơ thể tiết ra hoóc môn, nhưng không có hoóc môn riêng cho các nhà thơ. Ađrenalin của anh và của nhà thơ là như nhau, có khi làm tim anh đập rộn rã hơn nhiều, mà cũng chỉ đẻ ra những vần thơ con cóc, còn họ thì sao? “Tiếng anh ấm như hơi thở/ Em nghe để nhớ suốt đời”. Biết bao câu thơ giản dị của Nguyễn Du, Nguyễn Bính... cứ gắn vào hồn ta, đố dứt ra được. Rõ ràng, thơ không phải là sản phẩm của môi trường, mà do nhà thơ đẻ ra. Nó như nàng tiên ẩn hiện, cũng là tiếng mẹ đẻ, không ngoài từ điển tiếng Việt, bỗng vọng lại, hiện lên lấp lánh, rồi tan trong sương khói mờ ảo của trí nhớ, không kịp ghi ra giấy là mất hút. Tài thật! Thơ trong “ta”, lại không gắn với thân xác ta, ắt trong “hồn ta” - hồn thơ. “Hồn thơ” thuộc về linh hồn? Linh hồn là cái quái gì? Câu hỏi này đặt ra cho muôn đời, vì may ra chết đi mới biết, mà lúc đó thì không thể nói lại.
... Thế rồi, một đêm tôi nằm mơ, thấy ai đó ghé tai thì thầm: “Thử coi cái “ta” như là vốn sống của mình, liệu mọi điều có được sáng tỏ”.
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM