Sau hơn 9 năm, đồng bào các dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên lại cùng tề tựu về mảnh đất Gia Lai và mang theo những lễ hội truyền thống của các dân tộc mình cùng tiếng chiêng ngân vang về những huyền thoại của đại ngàn.
Sau hơn 9 năm, đồng bào các dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên lại cùng tề tựu về mảnh đất Gia Lai và mang theo những lễ hội truyền thống của các dân tộc mình cùng tiếng chiêng ngân vang về những huyền thoại của đại ngàn.
|
Vũ điệu của người Chu Ru. Ảnh: N.N |
Tái hiện văn hóa Tây Nguyên
Vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ này có gần 5,5 triệu người với 44 dân tộc/54 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó có khoảng 20 dân tộc bản địa, chiếm khoảng 30% dân số. Nhận định về văn hóa truyền thống Tây Nguyên có nhà nghiên cứu khẳng định: “Có thể nói, không cần quá dè dặt và khiêm tốn rằng, Tây Nguyên đã đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới những bản trường ca sử thi, những pho tượng nhà mồ và những sinh hoạt âm nhạc cồng chiêng tuyệt vời”.
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 được tổ chức tại Gia Lai với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên” đã hội đủ những sinh hoạt cồng chiêng tuyệt vời đó. Ngoài đội cồng chiêng đến từ 5 tỉnh trong khu vực, festival lần này còn có sự tham gia của 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai với lực lượng nghệ nhân, diễn viên khoảng 1.200 người. Tại festival đa gần như hội đủ những gì được xem là văn hóa Tây Nguyên: trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian như diễn xướng sử thi Tây Nguyên, hát dân ca; triển lãm ảnh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam… Ngoài các chương trình diễn ra tại TP Pleiku, đa số các hoạt động chính của lễ hội được tổ chức tại Kbang, Đak Đoa, Chư Pah - những nơi còn phủ xanh núi rừng, không gian sống của nghệ thuật cồng chiêng. Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Về góp tiếng chiêng ngân đợt này, bên cạnh những già làng da nâu quắc thước, đám trẻ của buôn làng cũng đã biết mang theo tiếng chiêng, tiếng cồng, cất lên điệu vũ cổ xưa của cha ông… Đêm trong những Kbang, Đak Đoa, Chư Pah, trong hơi nóng của lửa thiêng, của men say nghiêng cần, một, hai, thậm chí là ba thế hệ cùng tạo nên điệu chiêng, tiếng cồng âm vang giữa đại ngàn như để báo với thần linh, với giàng, với linh thiêng núi sông đại ngàn… Tây Nguyên vào hội - một lễ hội tôn vinh tiếng cồng, tiếng chiêng niềm tự hào của xứ sở cao nguyên này.
|
Điệu chiêng của người Chu Ru. Ảnh: N.N |
Tái hiện lễ hội bản địa
Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội cồng chiêng còn có một số hoạt động bổ trợ như: làm phim, phóng sự về văn hóa cồng chiêng; công bố tour du lịch cộng đồng và tổ chức đoàn famtrip (du lịch kết hợp khảo sát) có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch lớn của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội; hội thảo khoa học quốc tế về Thời đại đá cũ ở Việt Nam. Bên lề lễ hội Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là hơn 50 gian hàng giới thiệu đặc sản nổi tiếng của núi rừng Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung nhằm quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm địa phương.
Festival lần này đã mang đến cho du khách, trong và ngoài nước những giá trị văn hóa đặc trưng, di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Thông qua đây sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; bảo tồn và phát huy Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
|
Đặc biệt, đại diện các sắc tộc về dự hội lần này còn phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa như: Lễ cúng cây nêu cầu an của dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk), Lễ cúng sức khỏe của người M’Nông (tỉnh Đắk Nông), Lễ cầu an của dân tộc Bahnar (tỉnh Kon Tum), Lễ sạ lúa của người Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng) và Lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar (tỉnh Gia Lai) kết hợp với diễn tấu cồng chiêng và các điệu múa dân gian đặc trưng của từng dân tộc. Đây được xem là một nét đẹp văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Việc phục dựng các nghi lễ, lễ hội không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống mà còn thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Những người trẻ như Touneh M Tina (đoàn nghệ nhân dân tộc Chu Ru tỉnh Lâm Đồng) không giấu nổi niềm tự hào khi được xem bức tranh văn hóa của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ thu nhỏ. Và cô càng tự hào hơn khi được mang những tiếng chiêng, điệu múa của người Chu Ru mang đi biểu diễn với bạn bè các dân tộc anh em.
Ông Khuất Minh Ngọc - Cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lâm Đồng trực tiếp phụ trách đoàn Lâm Đồng tham dự lễ hội lần này cho biết: “Đoàn Lâm Đồng tham gia Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đợt này với 30 nghệ nhân, diễn viên người đồng bào dân tộc Chu Ru. Đoàn Lâm Đồng có mặt ở tất cả các nội dung như: diễu hành đường phố, diễn xướng dân gian và phục dựng lễ hội truyền thống; điêu khắc tạc tượng. Thông qua đó, đoàn Lâm Đồng đã giới thiệu đến công chúng nét đặc sắc về văn hóa của dân tộc Chu Ru trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và của huyện Đơn Dương nói riêng”.
Tại lễ hội này Vũ điệu Tamya - Ariya của dân tộc Chu Ru lại được Touneh M Tina và những người trẻ như cô cất lên đầy tự hào. Đây là điệu dân vũ có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng của người Chu Ru, vũ điệu này có động tác múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến rũ, mang tính cộng đồng cao.
Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Chu Ru là cư dân trồng lúa nước, nghi lễ nông nghiệp được tổ chức trải dài suốt quá trình canh tác ruộng. Trong suốt một vụ canh tác gồm có nhiều nghi lễ như: cúng đầu mùa, cúng sạ lúa, lễ rửa chân trâu, lễ mừng lúa trổ bông, mừng gặt lúa… Vì vậy, tham gia festival đợt này, đoàn nghệ nhân người Chu Ru đến từ Lâm Đồng lựa chọn phục dựng nghi Lễ sạ lúa (Drà PơDai).
Bà Ma Bio - Trưởng đoàn nghệ nhân Chu Ru tham gia festival đợt này cho biết: “Lễ cúng sạ lúa là một trong những nghi lễ quan trọng trong chu trình canh tác cây lúa ruộng của cư dân Chu Ru tại Lâm Đồng. Nghi lễ được tổ chức chính thức vào tháng 4 và 5 dương lịch. Lễ cúng sạ lúa là để xin thần đất, thần nước, thần núi bảo vệ khi sạ lúa khỏi chim thú phá hoại, xin đừng cho mưa xuống, mong lúa nảy mầm đều cho đến trổ bông và chín”.
|
Những người Chu Ru trẻ tham gia giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của ông cha. Ảnh: N.N |
Chị Phương Linh - người dân thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai đã không giấu nổi tò mò khi xem phần phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc nói chung và của dân tộc Chu Ru tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Để rồi chị phải thốt lên rằng: “Mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ đúng thật có nhiều điều hấp dẫn và kì bí. Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng, những kho tài sản văn hóa riêng. Và qua lễ hội này mà những người trẻ như tôi có dịp được tìm hiểu”.
Bên những ngọn lửa, trong men nồng ngây ngất sau mỗi lần vít cần, không chỉ có anh em các dân tộc ở Tây Nguyên nắm chặt tay nhau mà du khách thập phương cũng tan chảy trong mỗi nhịp chiêng, điệu vũ, đầy đam mê và âm vang bất tận ấy.