Không ngừng nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật

08:12, 31/12/2018

(LĐ online) - Không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả yêu văn chương nghệ thuật, vào ngày cuối năm 2018, Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo Nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 – 2022 với sự tham dự của đông đảo hội viên thuộc 6 chuyên ngành và 5 chi hội cơ sở ở các huyện, thành.
 

(LĐ online) - Không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả yêu văn chương nghệ thuật, vào ngày cuối năm 2018, Hội VHNT Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo Nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 – 2022 với sự tham dự của đông đảo hội viên thuộc 6 chuyên ngành và 5 chi hội cơ sở ở các huyện, thành.
 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà báo – nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm, Chủ tịch Hội đã thẳng thắn nêu vấn đề: 31 năm qua kể từ khi thành lập Hội, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng phải thẳng thắn nhận định hoạt động, chất lượng văn học nghệ thuật Lâm Đồng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa đồng đều giữa các chuyên ngành, thiếu sự đột phá, chưa nhiều tác giả - tác phẩm đỉnh cao so với khu vực và trong nước, chưa lan toả sâu rộng trong đời sống. Văn học nghệ thuật tỉnh nhà chưa có những tác phẩm thực sự phản ánh cuộc sống sinh động muôn màu, chưa phản ánh sát, kịp thời những mạch chủ đạo của đời sống đặt ra, tác phẩm chưa mang tính dự báo cao; phương pháp thể hiện vẫn theo lối cũ, chưa mạnh dạn tiếp nhận, chọn lọc và phát huy thành quả đổi mới của văn học đương đại. Để có tác phẩm tốt, văn nghệ sĩ phải xác định được vị thế của mình, phải nhất quán “Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào? – câu trả lời bất biến là làm văn nghệ để phục vụ chính trị phục vụ nhân dân. 
 
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm phát biểu đề dẫn hội thảo
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm phát biểu đề dẫn hội thảo

Hội thảo là dịp để từng chi hội, từng văn nghệ sĩ tiếp tục trăn trở, tìm ra những giải pháp tích cực để gắn bó, sẻ chia với hiện thực, tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người; đồng thời tìm ra phương thức phù hợp để hội tụ mọi sức sáng tạo đó vào mục tiêu cao nhất là hoàn thành những tác phẩm văn học nghệ thuật lưu lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng. 
 
Tại hội thảo nhiều vấn đề mang tính cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng sáng tác đã được đặt ra qua 18 tham luận với những ý kiến tâm huyết nói lên nhiều góc cạnh của đời sống văn học nghệ thuật như: Đời sống hiện thực Lâm Đồng – vấn đề đặt ra để văn nghệ sĩ bám sát, phản ánh sinh động qua tác phẩm (Thanh Dương Hồng), Những yếu tố làm nên thơ hay (Phạm Quốc Ca), Truyện ngắn Lâm Đồng – 5 năm nhìn lại (Nguyễn Thanh Hương), Viết ký văn học (Trần Đại), Thế mạnh của văn học nghệ thuật Bảo Lộc và một vài vấn đề cần hướng tới (Ninh Thế Hùng), Thực trạng mỹ thuật Lâm Đồng (Vi Quốc Hiệp), Nâng cao tính dân ca dân vũ trong sáng tác âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn (Nguyễn Đình Nghĩ), Để âm nhạc bám sát cuộc sống, quảng bá rộng rãi đến công chúng (Nguyễn Cao Nguyên), Chăm lo phát triển và bồi dưỡng cây viết trẻ - những vấn đề đặt ra (Lê Đình Trọng)...

Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết:
 
* Nhà thơ Phạm Quốc Ca: Thơ là nghệ thuật của ngôn từ, được sáng tạo theo quy luật của các đẹp
 
Thơ vô cùng phong phú, đa dạng. Có thơ hay một cách giản dị, trong sáng. Lại có thơ hay trong sự phức tạp, không dễ hiểu. Tôi cho rằng, thơ hay là thơ đẹp về phẩm chất nhân bản trong nội dung trữ tình, đẹp bởi những ý tưởng minh triết về đời sống, đẹp về ngôn ngữ và có sáng tạo về thi pháp. Bài thơ hay là một sinh thể nghệ thuật toàn vẹn, có một vẻ riêng, độc đáo, đọc thì xúc động, nghĩ thì sâu xa với những dư âm, dư vị không cùng. Có 5 yếu tố chính làm nên thơ hay là: có nội dung trữ tình giàu tính nhân bản, có cấu trúc tứ thơ độc đáo, có nhạc tính, có ngôn ngữ mới lạ, có sáng tạo về thi pháp. Có thể nói mỗi tác phẩm thơ hay là một phát minh về nội dung, đồng thời là một phát minh về hình thức như nhà thơ Leonid Leonov (Nga) đã từng nói.
 
* Nhà thơ Thanh Dương Hồng: “Bám sát, phản ánh sinh động đời sống hiện thực vào tác phẩm là trách nhiệm của văn nghệ sĩ”
 
Lâm Đồng là vùng đất giàu tiềm năng, ẩn chứa nhiều chất liệu phong phú để văn nghệ sĩ tìm tòi, khai thác, sáng tạo. Cuộc sống và hiện thức cuộc sống luôn thay đổi theo hướng phát triển. Vinh dự lớn nhất của văn nghệ sĩ là phản ánh đời sống sinh hoạt, chiến đấu, lao động sản xuất và khát vọng của các tầng lớp nhân dân. Văn nghệ sĩ không chỉ phản ánh mà sáng tạo, tái hiện chân thực cuộc sống qua tác phẩm. Cuộc sống hiện thực qua tác phẩm của văn nghệ sĩ không khô cứng, trần trụi và lung linh bởi “sắc màu của cảm xúc”. Mỗi văn nghệ sĩ trước hết phải nhận thức rõ ràng về tư tưởng, chính trị, tự tìm hiểu, tự trau dồi để nắm bắt, am hiểu thời cuộc, nâng cao bản lĩnh của người cầm bút, có trách nhiệm với tác phẩm của mình.
 
* Nhà văn Trần Đại: Viết ký bắt nhịp cuộc sống, cảm nhận và trải lòng cùng bạn đọc
 
Người viết ký, ngoài kiến thức còn phải có bút pháp mới lạ, kết hợp với sự dấn thân, như thế mới có thể chinh phục người đọc và hy vọng mở được cánh cửa tiềm thức cho họ. Người viết phải dồn cả tâm trí và kỹ năng sống vào trang viết. Ký sự phải bắt nguồn từ cảm xúc của con người thông qua hình ảnh của người và đất đã và đang diễn ra hàng ngày, sau đó thêm yếu tố văn học và quan điểm xã hội. Người viết có thể phát triển kịch tính đôi khi đạt đến cao độ, thậm chí căng thẳng, rồi tác giả có quyền giải quyết bài viết mang tính nhân bản hoặc bỏ lửng để người đọc nhận xét. Ký văn học ngoài những số liệu, còn tìm kiếm hoàn cảnh và nội tâm. Người viết luôn lắng nghe những tâm tư tình cảm của nhân vật để trải lòng với bạn đọc. 
 
*Nhà văn Nguyễn Thanh Hương: 5 năm truyện ngắn Lâm Đồng có nhiều thành tựu nhưng vẫn nhiều hạt “sạn”. Nhiều truyện ngắn vẫn viết theo motip cũ, trùng lắp câu chuyện, ý tưởng, tình tiết; nhiều truyện quá dài dòng về câu chữ, dài đến 5.000 chữ, trong khi nội dung, cốt truyện không đòi hỏi phải dẫn dắt lòng vòng, làm cho tác phẩm trở nên loãng. Đã là truyện ngắn thì phải có hồn văn, nhưng một số truyện như kể chuyện đời thường, chuyện trong nhà ngoài phố, kém hấp dẫn người đọc. Rất nhiều tình tiết vô lý, thiếu logic trong truyện cho thấy tác giả thiếu vốn sống, thiếu trải nghiệm, ngại đào sâu suy nghĩ, không thường xuyên bồi đắp tri thức làm cho tác phẩm thiếu chiều sâu. Viết để lấy được nước mắt và tiếng cười của độc giả là khó, nhưng trước hết muốn làm có một tác phẩm truyện ngắn tròn trịa, chúng ta cần phải nhặt những hạt “sạn” dù là nhỏ.
 
QUỲNH UYỂN ghi nhanh