Lã Chính ủy

08:12, 06/12/2018

Những buổi sáng đẹp trời, tôi thường đi bách bộ trên bờ hồ Xuân Hương. Mặc dù ở Đà Lạt đã 40 năm, mặc dù mỗi một ngày, nhà cửa xây dựng càng nhiều, nhưng với tôi, có lẽ vì yêu Đà Lạt nên tôi vẫn thấy thành phố luôn luôn đẹp như cách đây 40 năm tôi đến.

Những buổi sáng đẹp trời, tôi thường đi bách bộ trên bờ hồ Xuân Hương. Mặc dù ở Đà Lạt đã 40 năm, mặc dù mỗi một ngày, nhà cửa xây dựng càng nhiều, nhưng với tôi, có lẽ vì yêu Đà Lạt nên tôi vẫn thấy thành phố luôn luôn đẹp như cách đây 40 năm tôi đến.
 
Sáng chủ nhật vừa rồi, tôi lại bách bộ đi về phía Thủy Tạ. Nhìn về phía trước, một người đi tập tễnh về phía tôi. Chân trái của ông  có lẽ được lắp bằng gỗ. Bỗng tôi há miệng kêu lên:
 
- Ô kìa anh Lã, Lã Chính ủy, vào Đà Lạt bao giờ vậy?
 
Người ấy mặc bộ quân phục màu xanh ô liu, nhìn tôi một lát rồi nói nhỏ:
 
- Ơ, Vinh hả… mà, Chính ủy cái gì nữa?
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Quân đội ta và quân đội các nước trong hệ thống Xã hội chủ nghĩa trước đây thì Chính ủy chỉ có ở cấp trung đoàn trở lên. Còn từ tiểu đoàn trở xuống đại đội chỉ có Chính trị viên. Vậy mà, Trung đội bộ binh số 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 33 lại có… Chính ủy. Còn những trường hợp khác là do lính ta đùa vui, gọi mãi thành quen:
 
- Đi ăn cơm thôi, Lã Chính ủy!
 
- Chào Lã Chính ủy nhé.
 
- Tôi có việc nhờ Lã Chính ủy chút xíu nhé v.v…
 
Nghe cứ như ở bên Tàu, người ta gọi một người có chức vụ kèm theo với họ người đó, như Vương Sư trưởng, Mã Tư lệnh… Còn trung đội tôi lại gọi anh Lã Chính ủy chứ không gọi Trần Chính ủy, dù tên anh là Trần Văn Lã.
 
Nguyên do cả trung đội gọi anh là Lã Chính ủy bởi tác phong của anh, cách nói chuyện, cách lập luận một vấn đề… rất giống tác phong của một Chính ủy, khác hoàn toàn với tất cả chiến sỹ trong trung đội. Anh đi đứng khoan thai, nói năng ngắn gọn, súc tích, có sức truyền cảm. Đặc biệt, trong khi nói, tay trái chống sườn, tay phải giơ lên, hạ xuống, đưa sang trái sang phải nhằm diễn tả nội dung cần nói, cứ như Chính ủy đang huấn thị trước hàng quân.
 
Tháng 10/1968, tròn 18 tuổi, Lã nhập ngũ. Từ miền Bắc, anh cùng đồng đội vượt Trường Sơn, len lỏi xuống Bà Rịa - Vũng Tàu để bổ sung vào quân số của Trung đoàn 33. Tháng 3/1972, tôi nhập ngũ và cùng nhiều anh em từ Bắc vào, được điều về Trung đoàn 33. Tôi kém anh Lã 4 tuổi. Mới vào đơn vị buổi sáng, buổi trưa đã nghe anh em gọi Lã Chính ủy. Tôi nhìn quanh xem ai là Chính ủy. Ở ngoài Bắc, tôi được xem phim Tàu, được thấy những Chính ủy của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, ai cũng cao to, để tóc đầu đinh. Vậy mà ở đây, Lã Chính ủy thì cao ngoẳng, đen và gầy. Duy nhất có đôi mắt rất sáng, giọng nói vang và ấm. Sau hơn một tuần lễ, tôi mạnh dạn hỏi anh vì sao đã có anh trai đang chiến đấu bên Lào mà anh còn đi bộ đội? Anh Lã nhìn tôi chăm chú, cái nhìn lạ lắm, mãi rồi anh nói:
 
- Đất nước có giặc, anh em mỗi người mỗi phận. Không ai thay cho ai được. Thôi nói chuyện khác đi.
 
Nghe anh em trong trung đội kể lại, đám lính trẻ chúng tôi mới vào chiến trường được biết anh Lã tốt nghiệp trung học phổ thông tháng 7 thì tháng 10 anh nhập ngũ. Anh đã đọc rất nhiều sách từ cổ chí kim. Anh thường kể cho anh em trong trung đội nghe sau mỗi trận đánh trở về cứ. Mọi người coi Lã là kho tư liệu sống, hỏi gì, anh đều nói rõ ràng, cụ thể. Anh kể chuyện Đông Chu liệt quốc, Xuân Thu chiến quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, lịch sử La Mã cổ đại… cứ như người trong cuộc. Cả trung đội quây quần bên anh, nín thở mà nghe. Trong trung đội, có một anh tên là Sỹ, cũng là một người vui tính, có lần hỏi Lã:
 
- Thưa Chính ủy Lã tôn kính, cho tôi xin hỏi, đồng chí sinh năm 1950, bằng tuổi tôi, làm sao đồng chí biết được thời xa xưa mà nói cơ chứ?
 
Lã Chính ủy bình tĩnh đứng dậy, tay trái chống sườn, tay phải đưa lên:
 
- Chúng ta biết được lịch sử xa xưa bởi vì sách báo truyền lại, hay người đi trước truyền lại. Điện Biên Phủ lừng lẫy, cách chúng ta năm nay 1972 là 18 năm, ở đây có ai tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ không? Không à? Thế thì sao chúng ta biết đã có một Điện Biên chấn động địa cầu? - Ngừng một lát, Lã nói tiếp: - Đồng chí hỏi thì tôi nói, mặc dù biết đồng chí thử tôi xem trả lời thế nào mà thôi. Nào, còn đồng chí nào hỏi gì nữa không?
 
Vẫn là Sỹ: - Đồng chí cho biết về cái hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra xem sao mà nó ghê gớm vậy? 
 
Như đã lập trình sẵn, Lã nói ngay:
 
- Hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra mang tên Bộ trưởng chiến tranh Mỹ, nó cũng có tên là “tuyến phòng thủ chiến lược”. Tuyến này có chiều rộng 20 km (từ nam bờ sông Bến Hải đến đường số 9), chiều dài 100 km chạy song song với sông Bến Hải, từ biển Đông đến Sê Pôn của nước bạn Lào chúng ta. Cứ 2 km có một tháp canh, 4 km có một căn cứ quân sự, quân số từ một đại đội đến một tiểu đoàn. Hệ thống công sự, hầm hào, lô cốt rất kiên cố. Lớp lớp thép gai chằng chịt, bùng nhùng có cài đủ loại mìn, tổng cộng 20 triệu trái mìn và 25 triệu trái bom gài cỡ nhỏ. Ngoài ra có các loại cây nhiệt đới, máy thông minh… là các máy móc thu phát thông tin hiện đại cộng với lực lượng binh lính, sỹ quan cả Mỹ và Ngụy là 45 ngàn quân. Vậy nhưng, từ 21/1 đến 9/7/1968, sau 170 ngày đêm quân ta vây hãm, chúng rút chạy thảm hại. Cái tên Khe Sanh, thị trấn của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị biến thành khe tử của Mỹ Ngụy.
 
Như vậy, với mục đích ngăn chặn quân đội ta ở miền Bắc vào, hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra đã bị xóa sổ. Giặc Mỹ và tay sai ở vào thế bị động. Ta ở thế chủ động, thế đứng trên đầu thù, mà sau 1968 là chiến thắng liên tiếp trên đường 9 Nam Lào 1971, và giải phóng Quảng Trị sau này vào ngày 1/5/1972.
 
Từ chiến dịch Khe Sanh tháng 7/1968, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc nước ta không điều kiện vào ngày 1/11/1968. Chắc các đồng chí có nghe bài hát “Tiếng đàn Ta Lư” và “Tiếng hát trên đường quê hương” của nhạc sỹ Huy Thục. Bài hát nói về chiến dịch Khe Sanh đấy. Tôi tiếc quá, và chắc các đồng chí ngồi đây cũng tiếc là hồi đó chúng ta chưa… nhập ngũ.
 
Nghe Lã nói, tôi và mọi người thán phục Lã, anh nhớ nhiều sự kiện, biết phân tích sự kiện hợp lý, không bắt bẻ vào đâu được.
Ba hôm sau, kết thúc buổi sinh hoạt văn nghệ ở trung đội, lại ý kiến của Sỹ:
 
- Mới có 9 giờ tối, đề nghị Chính ủy cho một bài bình luận về việc “Ních Xơn sang thăm Trung Quốc vào sau Tết Nguyên đán 1972 vừa rồi”.
 
Lại cũng như đã được lập trình sẵn, Lã nói ngay:
 
- Đảo Đài Loan vốn là đất Trung Quốc, nhưng do Tưởng Giới Thạch gây ra nội chiến từ những năm 1927. Đến 1935, Nhật xâm chiếm Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch và bộ sậu lãnh đạo Quốc dân Đảng của ông ta tạm thời liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc để chống Nhật, nhưng thực ra chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc mới là lực lượng chính để chống Nhật. Khi Nhật đầu hàng đồng minh tháng 8/1945, Tưởng Giới Thạch quay ra chống Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, gây ra nội chiến, đến cuối tháng 9/1949, phải rút chạy khỏi Đại lục, ra cố thủ ở Đài Loan. Từ đó đến nay, Đài Loan là một nước độc lập, được Mỹ giúp sức nên Đài Loan cũng có tiềm lực quân sự khá mạnh. Trung Quốc muốn giải phóng Đài Loan. Mỹ biết thóp ấy nên muốn hợp tác với Trung Quốc, muốn khuyên Đài Loan về Trung Quốc nhưng với điều kiện Trung Quốc không được giúp Việt Nam đánh Mỹ để Mỹ rảnh tay ở chiến trường miền Nam. Đó là mưu mô của Mỹ nên Ních Xơn đã sang Trung Quốc. Dù cuộc hội đàm của họ rất bí mật, nhưng giới bình luận quốc tế cho rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc không nghe Ních Xơn đâu, vì Trung Quốc là nước Xã hội chủ nghĩa, là nước do Đảng Cộng sản nắm quyền, mà Đảng Cộng sản ở nước nào cũng vậy, đều không muốn chiến tranh.
 
Như vậy đấy, bài thuyết trình của tôi đến đây là hết, có đồng chí nào hỏi gì nữa không? Không à? Tôi kết luận như sau: Bản chất của đế quốc là hiếu chiến, là xâm lược, cho nên nhân dân lao động và yêu chuộng hòa bình trên thế giới không tin bọn chúng. Việt Nam ta nhớ lời Bác Hồ dạy “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, phải đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đời ta đánh chưa xong, đời con cháu ta phải đánh. Một ngàn năm Bắc thuộc nhưng đã có bao nhiêu cuộc khởi nghĩa của dân ta làm cho quân xâm lược phải đổ máu ở sông Bạch Đằng, để nước Việt Nam chính thức có chủ quyền.
 
Tôi và mọi người lúc về chỗ ngủ, còn nói với nhau lạ quá, anh Lã chỉ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam bữa đực bữa cái mà lại nói về vấn đề Ních Xơn sang thăm Trung Quốc kỹ vậy?
 
Ba hôm trước, anh ta cũng nói về Lâm Bưu, đại ý là: Lâm Bưu phản đảng, muốn lật đổ Mao Trạch Đông, nhưng tình báo quân sự đã phát hiện từ lâu, cuối cùng ông ta bỏ trốn nhưng rồi bị chết cháy do máy bay chở ông ta bị tên lửa Trung Quốc bắn hạ trên cao nguyên Nội Mông…
 
… Ở cùng tiểu đội với Lã, tôi không thấy anh nói dù chỉ một lần một từ tục tĩu nào. Trông con người anh toát lên một tinh thần lạc quan, và anh truyền niềm tin thắng lợi đến mọi người. Có lần tôi hỏi sau này hết giặc, anh sẽ làm gì? Lã nói sẽ thi vào đại học tổng hợp sử, sẽ trở thành một nhà nghiên cứu sử học, sẽ cùng mọi người viết tiếp trang sử đấu tranh từ đầu thế kỷ 19 đến kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, hoặc thi ngành báo chí nữa.
 
Chúng tôi đều quý anh ở tinh thần quả cảm, trí thông minh trong chiến đấu, trận nào anh cũng bắn hạ từ hơn một chục đến hai chục thằng giặc ngoại bang to xác bởi tài thiện xạ của anh. Có trận, đồng chí xạ thủ B40 hy sinh, anh lấy súng của đồng đội bắn thẳng vào xe tăng, xe bọc thép của địch, đã bắn là trúng. Trận đánh vào chi khu quân sự Bình Tuy (Bình Thuận) vào đầu tháng 11/1974, quân ta đại thắng, chỉ một tiểu đoàn bộ binh chúng tôi mà loại ra khỏi vòng chiến đấu hai trung đoàn địch có xe tăng ủng hộ. Mười chín chiếc xe tăng bị cháy, riêng Lã xơi gọn 4 chiếc. Bên ta hy sinh 17 chiến sỹ, bị thương 30 người. Quân giặc chết nằm la liệt, nhiều thằng bị thương la khóc ầm ỹ. Gần kết thúc trận đánh, Lã Chính ủy bị một tên lính bắn lén gãy nát chân trái từ nửa đùi trở xuống. Anh được chuyển về tuyến sau, chúng tôi xa nhau từ đấy…
 
… Ngồi trong quán cà phê bên hồ Xuân Hương, tôi kể anh nghe sau giải phóng miền Nam, tôi còn đánh giặc ở biên giới Tây Nam, rồi lên Lâm Đồng truy quét Fulro, mãi đến năm 1981 mới chuyển ngành và lấy vợ. Vợ tôi là cán bộ thành hội Phụ nữ, trước hoạt động trong phong trào sinh viên Đà Lạt, và tôi ở luôn Đà Lạt cho đến nay. Chắc chắn đây là quê hương thứ 2 của tôi. Anh Lã cho biết sau khi bị thương, được chuyển ra vùng an toàn, chân trái dập nát phải cưa, sau tết 1975 chuyển ra Bắc. Tiếc quá, không được vào Sài Gòn. Sau đó làm Bí thư Đảng ủy xã cho đến 50 tuổi thì nghỉ hưu. Nghỉ cho lớp trẻ nó làm, mình không nên làm hòn đá cản đường người khác. Cũng tiếc, vì cái chân cụt đến gần háng, không dám vào Đại học để trở thành nhà báo, hay nhà nghiên cứu lịch sử. Cố sức để thực hiện ước muốn thì chỉ làm xấu đội hình mà thôi. Cậu hỏi tớ có mấy vợ mấy con à? Hì hì, một vợ thôi, mãi năm 1983 tuổi 33 mới lấy vợ là cô giáo trường làng. Hai gái đầu, đứa lớn học ở Đà Lạt, lấy chồng ở luôn đây. Đứa con gái thứ 2 hả? Cháu dạy học trường làng. Thằng út sinh 1991, nó bộ đội, ờ ờ đang ở Trường Sa. Lần này mới có dịp đi chơi, trước là vào Đà Lạt thăm con cháu, sau xuống thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau rồi ngược ra Vũng Tàu, Nha Trang, Huế là xong. Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với vợ biết đời nào khôn, ha ha… anh cười sảng khoái, gương mặt rạng ngời. Mải ôn lại chuyện ngày xưa, thoắt đã 2 giờ chiều quên cả ăn trưa. Đành phải chia tay, chúng tôi ôm nhau thật chặt, hẹn ngày gặp lại.
 
Trời Đà Lạt nắng đẹp. Nghe từ xa, bản nhạc của rừng thông được cất lên từ gió ngân mãi, ngân mãi.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG