Thay đổi, thích ứng, cập nhật xu hướng vì sự phát triển

11:12, 21/12/2018

(LĐ online) - Thay đổi, thích ứng, cập nhật xu hướng là vấn đề quyết định sự sống còn của truyền hình trong thời đại số...

(LĐ online) - Thay đổi, thích ứng, cập nhật xu hướng là vấn đề quyết định sự sống còn của truyền hình trong thời đại số - điều đó đã được nhà báo Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh trong đề dẫn hội thảo “Mạng xã hội và truyền hình” và “Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động nhỏ gọn cho sản xuất chương trình truyền hình” diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 tại Đà Lạt.
 
Các diễn giả đã đi sâu vào các vấn đề: Xu thế phát triển của truyền hình, những công cụ kỹ thuật để vận hành, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội trên truyền hình; xu hướng phát triển công nghệ truyền hình, ứng dụng công nghệ kết nối không dây trong sản xuất chương trình với trường quay lưu động, giải pháp sản xuất chương trình truyền hình cơ động trực tiếp trên mạng xã hội... 
 
Nhà báo Nguyễn Thành Lương – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo
Nhà báo Nguyễn Thành Lương – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo
Thay đổi là tất yếu
 
Xuất hiện khoảng giữa thế kỷ XX, chiếc tivi đã làm thay đổi đời sống của con người, mang đến những thông tin khác biệt bằng sự chân thực của hình ảnh, sự sống động của âm thanh. Sang thiên niên kỷ mới, sự bùng nổ của Internet và các thiết bị di động thông minh smartphone đã tạo đòn bẩy giúp truyền thông số phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cầm tay, phần lớn người trên trái đất có thể tán ngẫu, mua sắm, kết giao bạn bè, xem phim, giải trí, tìm hiểu dịch vụ... Nếu thế kỷ XX truyền hình là gắn kết gia đình, cùng quây quần xem tivi, thì thế kỷ XXI truyền hình không còn trong gia đình, trong phòng khách, mà truyền hình đã được đưa ra khỏi những ngôi nhà, để người ta xem độc lập, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, xem bất cứ thứ gì người ta muốn, xem trên nhiều phương tiện khác nhau.
 
Trước sự phát triển của làn sóng Internet – mạng xã hội – công nghệ số, truyền hình không còn là một phương tiện truyền thông độc lập nữa. Khi Internet thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống, khi mà 4/7,6 tỷ người trên toàn cầu đang dành 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho Internet, khái niệm “Hệ sinh thái truyền hình” đã được đặt ra. Trong đó, hệ sinh thái nội dung, hệ sinh thái kênh truyền, hệ sinh thái người dùng với các hình thức cập nhật mới, các phương thức tương tác mới, các sản phẩm truyền thông mới, tạo thành một hệ sinh thái truyền hình. 
 
Việc sử dụng các mạng xã hội phổ biết như Facebook, youtube, Zalo, Viber, Instagram, Twitter... là kết nối nhiều chiều, thực hiện lan truyền từ người này sang người khác có cùng nhóm sở thích qua chia sẻ (share) sẽ tạo nên hiệu quả thông tin và hiệu ứng truyền thông cao. Ở Việt Nam, có đến 55 triệu người dùng mạng xã hội Facebook, ngoài ra Youtube, Zalo cũng là những trang mạng cuốn hút nhiều người dùng.  Trên nền tảng mạng Internet, khán giả không xem thụ động mà xem bất cứ lúc nào, qua nhiều kênh tiếp nhận, họ có thể trải nghiệm nội dung trước, trong và sau khi chương trình truyền hình được phát sóng; đồng thời chia sẻ những cảm nhận với nhà sản xuất, với những người dùng khác trong một không gian công cộng về những vấn đề mà họ quan tâm. 
 
Câu chuyện về “kết nối” và “tương tác” đòi hỏi truyền hình phải thay đổi từ thiết bị, phương pháp tác nghiệp, cách thức truyền thông tin và cả nội dung thông tin. Cùng với việc tiếp nhận thông tin một cách chủ động của công chúng, truyền hình trở thành bác sĩ tâm lý đem đến người xem những gì khán giả cần, chứ không mang đến cho người xem những gì mà nhà “Đài” có.  
 
Các diễn giả là những người nghiên cứu sâu rộng xu thế phát triển của truyền hình
Các diễn giả là những người nghiên cứu sâu rộng xu thế phát triển của truyền hình
Cập nhật xu hướng
 
Để đáp ứng được yêu cầu đó thì truyền hình phải là sự hội tụ của công nghệ thông tin – viễn thông – internet – công nghệ truyền hình. Phương tiện tác nghiệp không thể là những thiết bị cồng kềnh lên đến hàng tấn với dây dẫn đường truyền rắc rối; mà giờ đây phải là thiết bị ghi hình, truyền tin nhỏ gọn cho phép người làm truyền hình sản xuất chương trình độc lập, mọi lúc mọi nơi, nhanh, mạnh. Sự chuyển biến công nghệ quyết định sự tồn tại của truyền hình, nếu không chuyển dịch nhanh sẽ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của khán giả. 
 
Những năm qua Đài Truyền hình Việt Nam đã đi đầu trong cả nước ứng dụng các ưu thế của Internet và ứng dụng thiết bị nhỏ gọn, cơ động trong sản xuất chương trình. Đài đã xây dựng phát triển nền tảng Fanpage tạo “cánh tay nối dài” của các sóng truyền hình. Đặc biệt là Fanpage VTV2 “Chất lượng cuộc sống”. Thường xuyên cập nhật đăng tải các chương trình phát sóng, lịch nội dung, khung giờ phát trên fanpage. Tổ chức các minigame trên fanpage, dự đoán đội vô địch, đội nhanh nhất, live stream với người nổi tiếng, live stream tương tác giữa ekip sản xuất nội dung chương trình với khán giả theo dõi fanpage, tạo sự hứng thú và kích thích người xem tương tác bằng các phần thưởng nhỏ như tặng thẻ điện thoại... Tuỳ vào từng chương trình, người xem có thể tương tác trực tiếp với nhà “Đài”, với khách mời tham dự chương trình. Tuỳ vào không gian, thời điểm tiếp nhận thông tin, người xem có thể không cần bật âm thanh mà vẫn hiểu được nội dung chương trình qua phần phụ đề tiếng Việt. Nhờ vậy, Fanpage VTV2 – Chất lượng cuộc sống đã thu hút hàng chục triệu lượt khán giả mỗi tuần.
 
VTV cũng đi đầu ứng dụng các thiết bị nhỏ gọn cơ động trong việc sản xuất chương trình, đặc biệt là những chương trình truyền hình trực tiếp trong điều kiện đặc biệt như giải đua xe đạp, giải bóng đá, thiên tai... Tuỳ vào quy mô chương trình, Đài Truyền hình Việt Nam đã sử dụng 2 mô hình sản xuất chương trình với thiết bị nhỏ gọn: thứ nhất là hệ thống trường quay lưu động nhỏ gọn (nặng khoảng 20kg), có thể thay thế một trường quay, sử dụng cho các sự kiện chương trình có quy mô lớn; thứ hai là hệ thống sản xuất sử dụng Multicam, thiết bị rất nhẹ nhưng có chức năng như xe màu thu nhỏ hoặc trường quay lưu động, sử dụng cho các chương trình có quy mô vừa phải (ghi hình, edit, mixer, live streaming lên mạng xã hội). Tất cả đều được truyền phát trực tiếp qua Internet, sóng viễn thông. Qua đó, hiệu quả sản xuất chương trình được nâng cao, chất lượng chương trình được đảm bảo, nội dung chương trình gần gũi hơn với cuộc sống, tiết kiệm nguồn nhân lực và chi phí đầu tư, tạo hiệu quả truyền thông và hiệu ứng xã hội lớn. 
 
Thế giới vẫn đang tiếp tục đổi thay, Internet trở thành một “xa lộ thông tin” khổng lồ cho các phương tiện truyền thông đại chúng. Nền tảng Internet đã mở ra cho ngành truyền hình Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng đem lại không ít thách thức. Trước sự biến chuyển không ngừng của viễn cảnh truyền thông toàn cầu, việc xây dựng một hệ sinh thái truyền hình trên nền tảng Internet hội tụ đa phương tiện là con đường thuận chiều theo xu thế phát triển, đồng thời khẳng định sứ mệnh là kênh truyền thông chính thống được nhân dân cả nước tin cậy. 
 
QUỲNH UYỂN