Bốn tháng trước, tại một hội thảo khoa học về di sản của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, Đoàn Bích Ngọ nói với tôi dự định ra một cuốn sách về văn hóa Tây Nguyên. Chạy đua với thời gian để kịp ra mắt món quà chúc mừng thành phố Đà Lạt tròn 125 tuổi hình thành và phát triển, đó là tác phẩm "Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên" của chị.
Bốn tháng trước, tại một hội thảo khoa học về di sản của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, Đoàn Bích Ngọ nói với tôi dự định ra một cuốn sách về văn hóa Tây Nguyên. Chạy đua với thời gian để kịp ra mắt món quà chúc mừng thành phố Đà Lạt tròn 125 tuổi hình thành và phát triển, đó là tác phẩm “Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên” của chị.
|
Tác giả Đoàn Bích Ngọ tại buổi giới thiệu tác phẩm. Ảnh: M.Đạo |
Trước hết, như lời đề của cuốn sách, tác giả Đoàn Bích Ngọ “Dành tặng những trái tim luôn hướng về Đà Lạt cùng đam mê, khao khát khám phá Nam Tây Nguyên”. Có lẽ vậy mà tại buổi giới thiệu tác phẩm do Thư viện tỉnh Lâm Đồng tổ chức, rất nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa... tham dự, đều cảm nhận sự trân trọng, ghi nhận và cảm ơn công lao của tác giả Đoàn Bích Ngọ làm nên cuốn sách dày dặn này.
Cơ duyên có được để làm cuốn sách đầu tay với thiên hướng mô tả bằng hình thức ghi chép - khảo cứu của Đoàn Bích Ngọ là nhờ hun đúc từ gần 20 năm sống, làm việc gắn với nghề khảo cổ, bảo tồn và bảo tàng trên mảnh đất Nam Tây Nguyên. Một điều quan trọng hơn, đó là niềm đam mê, lòng nhiệt huyết của phẩm chất từ người có tình yêu khoa học nghiêm túc. Chỉ từng đó đủ trở thành hành trang và động lực giúp Đoàn Bích Ngọ tha thiết mến yêu đất và người Đà Lạt, Lâm Đồng - Tây Nguyên.
|
Bìa cuốn sách “Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên” của tác giả Đoàn Bích Ngọ |
Từ vùng sơn cước địa linh nhân kiệt Hương Sơn, Hà Tĩnh, cô sinh viên mảnh mai Đoàn Bích Ngọ tốt nghiệp Đại học Văn hóa, chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng xốc ba lô vào gắn bó với Nam Tây Nguyên suốt 28 năm nay. Là chuyên viên rồi trưởng thành và nắm giữ vai trò phó giám đốc chuyên môn cơ quan Bảo tàng Lâm Đồng, Đoàn Bích Ngọ đến rất nhiều vùng đất Nam Tây Nguyên với hàng trăm đợt điền dã dân tộc học, khai quật khảo cổ học và kiểm kê, lập hồ sơ di tích, danh lam thắng cảnh... “Duyên” này giúp Đoàn Bích Ngọ mục sở thị những di chỉ, những tài nguyên, những di sản chân xác; những nhân chứng, những nhân vật sinh động. Chị lại được giao tiếp, học hỏi từ nhiều nhà khoa học đầu ngành về khảo cổ, kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Việt Nam như các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Ngô Văn Doanh, Cao Xuân Phổ, Lương Ninh, Hoàng Xuân Chinh, Hoàng Đạo Kính, Bùi Chí Hoàng, Dương Trung Quốc... Tôi nêu lên như vậy để muốn nói đến hai lẽ: vùng đất Nam Tây Nguyên rất phong phú và đa dạng về trầm tích văn hóa - lịch sử, làm nên sức hút lớn đối với giới khoa học trong nước và nhiều quốc gia; giúp tác giả Đoàn Bích Ngọ làm nên cuốn sách “Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên” đủ chân giá trị.
Tác phẩm dày gần 300 trang được tác giả chọn lọc 54 bài viết trong số gần 100 bài của cá nhân và viết cùng đồng nghiệp đăng tải trên báo chí và chưa công bố. Để giúp người đọc dễ nắm bắt thông tin theo chiều sâu, tác giả không sắp xếp theo thứ tự thời gian ra đời bài viết mà cuốn sách chia làm hai phần: Đà Lạt từ vùng đất hoang sơ đến xứ sở mộng mơ; Bí ẩn vùng đất, con người Nam Tây Nguyên. Lối viết trong cuốn sách một lúc hướng đến ba đối tượng như Đoàn Bích Ngọ chia sẻ: Giúp nhà nghiên cứu tham khảo; giới thiệu với người có sở thích tham quan, du khảo; truyền ngọn lửa đam mê đến thế hệ trẻ để biết trân trọng, giữ gìn và tiếp tục nghiên cứu về những giá trị của mảnh đất Nam Tây Nguyên nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Vì vậy, tôi cơ bản ủng hộ văn phong của Đoàn Bích Ngọ thiên về chất khảo cứu, ngắn gọn, súc tích là lựa chọn phù hợp, không cần phải bóng bẩy hay thi vị hóa những di sản đến mức không cần thiết. Sự thuyết phục của tư liệu chính từ hàm lượng thông tin chân xác, chứ không nằm ở chỗ truyền thông của mĩ cảm. Cuốn sách càng quý ở chỗ, tác giả công phu đưa vào hơn 200 bức ảnh do cá nhân, bạn bè chụp từ hiện thực và nguồn từ tư liệu. Sách in trên giấy loại tốt (couche) nên vừa đạt hiệu ứng về hình ảnh có màu sắc sặc sỡ, độ sắc nét, độ tương phản cao; vừa giúp người đọc đỡ mỏi mắt khi đọc. Bỏ qua lí lẽ giá thành cao, Đoàn Bích Ngọ chia sẻ với tôi: Với nhiều năm thu thập được những giá trị văn hóa, trong lúc cuộc sống ngày càng đổi thay nhanh nên nhiều giá trị văn hóa bị mai một, thậm chí bị lai dần, do đó, mong muốn từ cuốn sách là những cứ liệu xác thực cung cấp cho giới nghiên cứu và những ai quan tâm. Với chủ ý này, tác giả khai triển theo lối “điểm danh, chỉ mặt” để chạm được chiều sâu của đối tượng. Tôi thật sự trân quý về ý thức và nội tại của phẩm chất bảo tồn, bảo tàng trong Đoàn Bích Ngọ. Tôi cũng để ý chủ đích lựa chọn chắt lọc và cách thức sắp xếp của tác giả giúp người đọc không bị rơi vào nhàm chán. “Bí ẩn” ở chỗ, tác giả khéo léo kích người đọc khởi lên sự háo hức khám phá. Tôi lấy ví dụ, ở phần 1, tác giả chỉ lướt qua Yersin - người khám phá ra vùng đất nghỉ dưỡng Đà Lạt, quan trọng hơn, trích dẫn những cảm nhận của chính Yersin buổi đầu đặt chân lên miền sơn cước này. Tác giả chỉ điểm xuyết sự hình thành và phát triển về vùng Đà Lạt thông qua trục dọc đối chiếu xưa - nay, từ đó mỗi người đọc có cảm nhận riêng về chiều biến thiên của đối tượng. Ở phần 2, tôi cho rằng hàm lượng thông tin dày dặn hơn phần 1 nhờ sự am hiểu và lòng đam mê của tác giả về các đối tượng khảo cổ và dân tộc học. Nào từ lòng đất (đàn đá, thánh địa Cát Tiên, tục táng) đến văn hóa vật thể và phi vật thể như tục cà răng căng tai, trống đồng Đông Sơn, cồng chiêng, thổ cẩm, rượu cần... Nào diễn tiến mãnh liệt của tài nguyên thiên nhiên đến đa dạng của hệ sinh thái... Cầm cuốn sách “Đà Lạt và những bí ẩn Nam Tây Nguyên” của Đoàn Bích Ngọ người đọc vừa bị chi phối tính “bí ẩn”, vừa mê hoặc, thỏa mãn phần nào sự chiêm ngưỡng đến những hạt, những vỉa lấp lánh của các dòng chảy văn hóa, cuồn cuộn bởi dị biệt và giao thoa, trầm tích và tiềm tàng...
Với năng lực thẩm định, niềm đam mê và ý thức khoa học của Đoàn Bích Ngọ, tôi đã chia sẻ với tác giả những điều vẫn còn tiếc nuối về cuốn sách. Mặc dù dễ cảm thông cho sự gấp rút về thời gian để kịp trình làng như đã nói. Đó là sự chưa nhất quán về cách thể hiện hay cách gọi tên một số danh từ, sự vật, đối tượng…; một số số liệu chưa cập nhật theo kịp dòng chảy thời sự. Đó còn là lỗi mo-rát (morasse) trong quá trình tổ chức bản thảo và in ấn làm giảm đi giá trị đáng kể của cuốn sách. Tôi cũng thống nhất với ý kiến của PGS Cao Thế Trình rằng, giá như đầu đề cuốn sách không khu biệt phạm vi nghiên cứu “Nam Tây Nguyên” thì phù hợp hơn, vừa đảm bảo tính khoa học của đối tượng đã nghiên cứu, vừa xứng với mối quan tâm rất đáng trân trọng của chính tác giả. Rất hy vọng cuốn sách ở những lần in sau của Đoàn Bích Ngọ sẽ chỉn chu hơn như tác giả hướng đến và càng đáp ứng sự trân quý của bạn đọc.
PHAN TĨNH XUYÊN