Nhạc phẩm "Cây Phong Ba và người lính đảo"

08:12, 20/12/2018

Người lính với cuộc sống, chiến đấu hào hùng, với những hy sinh, mất mát, với những tình yêu quê hương, đất nước và cũng rất lãng mạn... là một đề tài mà các văn nghệ sĩ đều muốn khai thác và đã có không biết bao nhiêu tác phẩm văn học - nghệ thuật đã hình thành, để lại những dấu ấn đong đầy những cung bậc cảm xúc. Trên lĩnh vực âm nhạc cũng thế, đã có những nhạc sĩ tài hoa với những nhạc phẩm để đời về người lính. 

Người lính với cuộc sống, chiến đấu hào hùng, với những hy sinh, mất mát, với những tình yêu quê hương, đất nước và cũng rất lãng mạn... là một đề tài mà các văn nghệ sĩ đều muốn khai thác và đã có không biết bao nhiêu tác phẩm văn học - nghệ thuật đã hình thành, để lại những dấu ấn đong đầy những cung bậc cảm xúc. Trên lĩnh vực âm nhạc cũng thế, đã có những nhạc sĩ tài hoa với những nhạc phẩm để đời về người lính. 
 
Với nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng cũng không ngoại lệ, anh viết nhiều về quê hương, đất nước, các ca khúc mang âm hưởng dân ca và những ca khúc ngợi ca người lính. “Cây Phong Ba và người lính đảo” là một trong những ca khúc viết về đề tài người lính mà anh vừa sáng tác.
 
Trong một dịp đến đảo Cô Tô (Quảng Ninh), nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng được người dân nơi đây giới thiệu về một loại cây đặc biệt - cây Phong Ba. Được biết, đây là một loại cây chủ yếu sinh sống tại các hải đảo, đặc biệt là ở Trường Sa. Một loại cây bất chấp nắng gió, bão tố để vươn lên với cành lá xanh tươi luôn tỏa bóng mát, với những chùm hoa trắng.
 
Từ hình tượng cây Phong Ba, liên tưởng đến người lính đảo đang thầm lặng, kiên cường, ngày đêm giữ vững tay súng bảo vệ biển đảo quê hương, lãnh hải của Tổ quốc, Nguyễn Tấn Hùng đã ấp ủ viết một ca khúc về cây phong ba và người lính nơi tiền tiêu hải đảo.
 
Tháng 11/2018, nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng cùng đoàn văn nghệ sĩ của Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng đi thực tế sáng tác tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Thời gian đoàn đi cũng là thời gian cơn bão chuẩn bị đổ bộ vào dải đất quê hương có chiều ngang theo hướng Đông - Tây hẹp nhất của đất nước. Tác giả kể: “Khi đến Quảng Bình, đoàn được vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Lặng nhìn vị trí Đại tướng yên nghỉ, tôi chợt nghĩ rằng, với những cống hiến của mình cho Tổ quốc, nhưng Đại tướng không chọn yên nghỉ tại nơi dành riêng cho các lãnh tụ mà chọn cho mình một vị trí yên nghỉ nơi núi Thọ, mũi Rồng, hướng về phía biển của quê hương Vũng Chùa - Đảo Yến. Phải chăng những người lính mãi mãi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc kể cả lúc đã hy sinh... Từ những cảm xúc về vị Đại tướng lừng danh nhưng “bình đẳng với những người lính của mình”; từ thông tin hàng ngày về cơn bão, lại nghĩ đến người lính nơi hải đảo đang vừa giúp dân chống chọi với bão, vừa canh gác, bảo vệ biển đảo quê hương đã thôi thúc tôi hoàn thành ca khúc trước ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và khi mùa xuân mới đang đến rất gần”.
 
Ca khúc “Cây Phong Ba và người lính đảo” được viết theo 3 phần với giai điệu rất đơn giản.
 
Phần mở đầu, gồm những nốt móc đơn và những dấu lặng, thể hiện sự kiên cường, chống chọi với những khắc nghiệt của khí hậu biển đảo để vươn lên của cây Phong Ba, như sự quyết tâm, sự dứt khoát của những người lính; là khúc quân hành của người lính trên đường tuần tra.
 
“... Gió mặc gió, lá vẫn vươn lên tìm ánh nắng...
 
... Mặc mưa tuôn, súng chắc tay hướng về biển xa...”
 
Phần hai, giai điệu phát triển cao hơn, tươi vui hơn để thể hiện tình cảm của người lính, phải chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với niềm tin đất nước mãi bình yên và dựng xây ngày càng tươi đẹp hơn.
 
“... để rễ bám chắc vào lòng đất...
 
Lòng vẫn khát khao cuộc sống yên bình...”
 
Phần kết, giai điệu như lời khẳng định: Dù nắng gió, bão tố của biển đảo có khắc nghiệt đến thế nào chăng nữa thì Phong Ba vẫn hiên ngang bám chắc vào lòng đất để mãi mãi tươi xanh. Như lời thề của những người lính quyết bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
 
“... giữa bão táp mưa sa, cây Phong Ba vẫn hiên ngang như người lính đảo
 
vượt ngàn hiểm nguy gian khó bảo vệ quê hương của cha ông,
 
bảo vệ đất nước ngàn năm vững, ngàn đời rực rỡ, Tổ quốc Việt Nam”.
 
Chiến sỹ Trường Sa trồng cây Bàng vuông trên đảo nổi. Ảnh: Chính Thành
Chiến sỹ Trường Sa trồng cây Bàng vuông trên đảo nổi. Ảnh: Chính Thành
 
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2018) và 29 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2018), xin được gửi đến độc giả và những người lính tràn đầy tình cảm, sự trân trọng của nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng qua ca khúc “Cây Phong Ba và người lính đảo”.
 
PHƯƠNG NAM